logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
24 Sự kiện Tiền mã hóa Nổi bật của năm 2024 | Coin68 x Nami

24 Sự kiện Tiền mã hóa Nổi bật của năm 2024

-31/12/2024

Coin68 x Author

2024 dẫu có nhiều thăng trầm, nhưng đã đạt được cột mốc lịch sử khi chứng kiến việc SEC phê duyệt ETF Bitcoin spot, mở van cho dòng vốn từ các nhà đầu tư tổ chức đổ vào tài sản mã hóa. Nhờ vậy, giá BTC liên tục lập đỉnh, liên tục xô đổ những kỷ lục và để rồi kết thúc năm ở trên mốc 100.000 USD.

Năm nay, câu chuyện pháp lý crypto trở nên nóng hơn bao giờ hết, khi đây trở thành chiến trường giữa hai lý tưởng là "đổi mới" và "tuân thủ". Ngoài ra, 2024 còn là năm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, với các chính sách có lợi cho crypto đã được nhiều chính khách sử dụng lôi kéo cử tri và nhà tài trợ.

Nếu nhìn lại thời điểm này sau vài năm nữa, 2024 chắc chắn sẽ đánh dấu một bước ngoặt lịch sử của thị trường tài sản số, khi từ đây crypto đã chính thức bước chân vào dòng chảy tài chính truyền thống.

I. Câu chuyện giữa SEC và Crypto

SEC, cơ quan quản lý chứng khoán tại Hoa Kỳ, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Gary Gensler trong năm 2024 đã tiếp nối chính sách được nhiều người xem là "đàn áp" lĩnh vực crypto, liên tục sử dụng lập luận chứng khoán để áp đặt sai phạm lên các công ty và dự án nổi tiếng trong ngành.

May thay, đây là câu chuyện kết thúc có hậu...

1. SEC phê duyệt ETF Bitcoin spot

Rạng sáng ngày 11/01/2024 (theo giờ Việt Nam), Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đã phê duyệt 11 quỹ ETF Bitcoin spot của các ông lớn Phố Wall. 

Tín hiệu "bật đèn xanh" này như cú huých mở ra cơ hội cho nhà đầu tư tiếp cận tài sản số thông qua các sàn giao dịch chứng khoán truyền thống. Từ đó, một lượng lớn vốn mới sẽ chảy vào, đưa thị trường crypto bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.

Và thực tế, diễn biến trong suốt năm 2024 vừa qua đã chứng minh nhận định này là đúng đắn.

2. SEC phê duyệt ETF Ethereum spot

4 tháng sau ngày SEC thông qua ETF Bitcoin spot, rạng sáng ngày 24/05 (giờ Việt Nam), chiếc "đèn xanh" này tiếp tục được bật lên cho ETF Ethereum spot.

Cộng đồng crypto hân hoan đón nhận một tin vui thứ hai, thêm một cột mốc lịch sử, cũng như mang đến sự bất ngờ lớn trong mắt những nhà quan sát thị trường, bởi:

Thứ nhất, SEC không hề có các cuộc đối thoại mang tính xây dựng với những đơn vị khởi xướng ETF, khác với giai đoạn trước ETF Bitcoin spot.

Thứ hai là lập trường chống ETH của Chủ tịch SEC Gary Gensler, người trong thời gian qua đã nhắm đến nhiều công ty trong hệ sinh thái Ethereum như Uniswap và Consensys, cũng như liên tục mập mờ trước câu hỏi phân loại chứng khoán đối với đồng ETH.

Ông Gensler liên tục bày tỏ thái độ rằng ngoài Bitcoin, các đồng tiền khác đều là chứng khoán và "hờ hững" với ý tưởng về một ETF Ethereum. Thái độ "thù địch" rõ ràng của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền cho thấy hoàn toàn không hề có khả năng SEC sẽ thay đổi ý kiến.

Tuy nhiên, chỉ trong một ngày 21/05, SEC đã có động thái "quay xe" khi yêu cầu những đơn vị đang gửi đơn đăng ký lập quỹ ETF Ethereum spot nộp bổ sung hồ sơ 19b-4. Tiếp đó SEC lại yêu cầu hai sàn chứng khoán Nasdaq và CBOE nhanh chóng cập nhật và điều chỉnh các đơn đăng ký niêm yết giao dịch quỹ ETF Ethereum spot - "lời nhắc nhở" của SEC thường chỉ diễn ra trước khi chuẩn bị cho việc niêm yết giao dịch loại tài sản mới trên sàn chứng khoán. 

Quá trình tuy hơi lộn xộn nhưng kết quả cuối cùng cũng đủ làm thỏa lòng cộng đồng tài sản số. ETF Ethereum spot được phê duyệt vào 24/05 và bắt đầu giao dịch vào ngày 23/07/2024 (giờ Mỹ), mở ra dòng tiền mới từ các tổ chức truyền thống đổ vào thị trường.

3. SEC chiến thắng trong loạt vụ kiện

Genesis nộp phạt 21 triệu USD

Genesis là công ty đã phá sản vào tháng 01/2023 vì bị liên đới nặng nề với cú sụp đổ của quỹ phòng hộ tài sản mã hóa Three Arrows Capital và bê bối khủng hoảng FTX. Cùng thời điểm đó, SEC đã khởi kiện Gemini và Genesis về việc cung cấp và chào bán chứng khoán trái phép cho các nhà đầu tư bán lẻ, thông qua chương trình cho vay crypto Gemini Earn.

Gemini Earn là chương trình gửi tiết kiệm tài sản mã hóa do sàn Gemini tạo ra, trong khuôn khổ hợp với Genesis làm đối tác cho vay. Đến khi FTX phá sản và liên đới sang Genesis, đơn vị này đã chặn rút tiền và “giam lỏng” 900 triệu USD tiền của người dùng Gemini Earn từ giữa tháng 11/2022 đến nay. Bước sang tháng 01/2023, Gemini tuyên bố cắt đứt quan hệ với Genesis, đồng thời đóng cửa sản phẩm Earn.

Cuối cùng đến ngày 31/01/2024, Genesis chấp nhận nộp phạt 21 triệu USD cho SEC để khép lại lùm xùm kiện tụng kéo dài hơn một năm qua.

Do Kwon và Terraform Labs đóng phạt 4,47 tỷ USD

Vào tháng 02/2023, SEC đã đưa ra cáo buộc chống lại  Do Kwon cùng với Terraform Labs, khẳng định rằng LUNA-UST là chứng khoán. Đến tháng 04/2024, tòa án đã chính thức công nhận các cáo buộc gian lận mà SEC đã đặt ra. Tiếp đó, SEC đã đề nghị Terraform Labs phải thanh toán số tiền bồi thường là 5,3 tỷ USD.

Song, số tiền thực tế nhỏ hơn mức SEC đề nghị. Ngày 12/06/2024, Do Kwon và CEO hiện tại của Terraform Labs là Chris Amani đã đồng ý đóng phạt 4,47 tỷ USD cho SEC sau khi cả hai bên đi đến hòa giải. Số tiền phạt mà Kwon và Terraform Labs phải trả bao gồm 3,58 tỷ USD tiền bất hợp pháp, 420 triệu USD tiền phạt dân sự và tiền lãi suất trước phán quyết. Bên cạnh đó, Kwon phải tự bỏ tiền túi ít nhất 204 triệu USD để bồi thường cho các nhà đầu tư bị thiệt hại.

Phán quyết cũng sẽ cấm vĩnh viễn Do Kwon và Terraform Labs mua và bán chứng khoán tài sản tiền mã hoá bao gồm cả các token trong hệ sinh thái Terra, đồng thời ngăn chặn và không cho phép Do Kwon trở thành nhân viên hay giám đốc của bất kỳ công ty phát hành chứng khoán nào. 

Ripple chịu phạt 125 triệu USD

Ngày 08/08/2024, Tòa án Quận Nam New York đã quyết định phạt Ripple 125 triệu USD vì hoạt động chào bán chứng khoán trái phép dưới hình thức token XRP.

Đây là một phần phán quyết trong vụ kiện giữa SEC và Ripple, vốn đã kéo dài từ cuối năm 2020 đến nay, theo đó SEC cáo buộc Ripple đã tiến hành trái phép đợt chào bán chứng khoán XRP và thu lợi 1,3 tỷ USD.

Vào giữa năm 2023, tòa án đã ra phán quyết cho rằng hoạt động bán XRP của Ripple thông qua các sàn giao dịch bên thứ ba thì không thể được xem là chào bán chứng khoán, nhưng việc bán trực tiếp cho các tổ chức thì là chứng khoán. Tuyên bố này đã gỡ bỏ một phần trách nhiệm của Ripple, cũng như khiến SEC không thể quy tội hoàn toàn cho công ty.

Kể từ đó, cả hai chuyển sang tranh cãi về mức phạt áp dụng lên Ripple vì hành động chào bán chứng khoán trái phép. Hồi tháng 03/2024, SEC gửi đề xuất phạt Ripple 2 tỷ USD lên tòa, song bị phản ứng dữ dội.

Do vậy, thẩm phán đã chốt số tiền phạt của Ripple ở mức 125 triệu USD dựa trên "1.278 giao dịch với tổ chức đầu tư bị phát hiện vi phạm luật chứng khoán", cũng như ra lệnh cho công ty không được tái phạm hành vi này trong tương lai.

SEC xử phạt công ty phát hành stablecoin TUSD

Ngày 25/09/2024, SEC cho biết đã xử phạt TrueCoin LLC và TrustToken Inc. - cả hai hiện đã đổi tên thành Archblock - để giải quyết cáo buộc chứng khoán đặt lên sản phẩm là đồng stablecoin TUSD.

Trong đó, TrueCoin là đơn vị phát hành ban đầu đồng TrueUSD (TUSD), còn TrustToken là bên phát triển nền tảng lending TrueFi có tích hợp TUSD. Cả hai đều không chấp nhận lẫn phủ nhận cáo buộc từ SEC, nhưng đồng ý đóng phạt 163.766 USD mỗi công ty, riêng TrueCoin nộp thêm 340.930 USD tiền thu lợi bất chính.

TrueCoin sau đó đã chuyển quyền quản lý TUSD cho một công ty khác có tên là Techteryx, vốn bị đồn đoán là có liên hệ với Justin Sun.

Theo SEC, trong khoảng thời gian từ tháng 11/2020 đến tháng 04/2023, TrueCoin và TrustToken đã tiến hành chào bán chứng khoán trái phép thông qua hình thức là đồng stablecoin TUSD, cũng như thu lợi từ TUSD qua dịch vụ cho vay trên TrueFi.

SEC còn cáo buộc hai công ty đã đưa ra những thông tin quảng bá sai sự thật, nói rằng đây là một lựa chọn đầu tư an toàn và đáng tin cậy, được bảo chứng đầy đủ bằng đô la Mỹ và tài sản tương đương, nhưng trên thực tế thì phần lớn tài sản do họ nắm giữ lại là những khoản đầu tư rủi ro cao ở những quỹ đầu tư nước ngoài nhằm thu về thêm lợi nhuận.

Đến cuối năm 2022, TrueCoin và TrustToken đã gặp vấn đề trong khâu xử lý rút tiền cho khách hàng, nhưng vẫn tiếp tục đưa ra những phát ngôn sai sự thật để trấn an nhà đầu tư.  

SEC tuyên bố tính đến tháng 09/2024, 99% tài sản bảo chứng cho TUSD được phân bổ vào những quỹ đầu tư có tính mạo hiểm cao.

4. Mặt trận SEC "chiến bại"

Kết thúc điều tra Paxos, không còn cáo buộc BUSD là chứng khoán

Ngày 10/02/2023, chính quyền New York cho biết đang điều tra Paxos, đơn vị phát hành BUSD. Hai ngày sau đó, Paxos chính thức nhận Wells Notice từ SEC, tố cáo BUSD là chứng khoán trá hình.

Paxos còn bị giới chức buộc ngừng phát hành BUSD, dẫn đến quyết định cắt đứt quan hệ với sàn Binance - bởi BUSD thời điểm ấy gắn liền với tên tuổi của sàn tài sản mã hóa lớn nhất thế giới.

Hậu quả là, Paxos phải thiêu hủy 700 triệu BUSD, tiếp đó tuần tự BinanceCEO Changpeng Zhao cho đến cộng đồng crypto dần tách mình và “khai tử” đồng stablecoin này. Riêng Binance đã gỡ bỏ các cặp giao dịch BUSD từ cuối năm ngoái và lựa chọn nhiều đồng stablecoin khác để thay thế.

Tuy nhiên đến ngày 11/07/2024, SEC “rút lui” khỏi cuộc điều tra Paxos, chấp nhận khép lại cáo buộc đặt lên Paxos từ tháng 02/2023, và cũng không khuyến nghị bất kỳ hành động thực thi nào.

Sự “rút lui” của SEC còn được cho là bị ảnh hưởng bởi một phán quyết gần đây của tòa án có lợi cho Binance, cho rằng hoạt động bán BNB trên thị trường thứ cấp không được xem là chứng khoán, tương tự phán quyết hồi giữa năm 2023 liên quan đến vụ kiện giữa SEC và Ripple.

SEC kết thúc cuộc điều tra Ethereum

Sáng ngày 19/06, công ty hạ tầng blockchain đứng sau ví tài sản mã hóa MetaMask là Consensys khẳng định SEC đã kết thúc cuộc điều tra nhắm vào Ethereum, đồng nghĩa với việc ủy ban chứng khoán sẽ không tiếp tục theo đuổi các cáo buộc cho rằng hoạt động bán ETH là giao dịch chứng khoán.

Chủ tịch SEC từ chức

Tuy nhiên, thông tin được toàn thị trường crypto chào đón hân hoan nhất chính là việc Chủ tịch Gary Gensler xác nhận sẽ từ chức vào ngày 20/01/2025, thời điểm ông Trump trở lại ghế Tổng thống Mỹ.

Trong con mắt của người ủng hộ crypto, Gary Gensler đã trở thành “phản diện” khi liên tục có những động thái trấn áp các công ty trong lĩnh vực này với liên tục các đơn kiện và thư cảnh cáo, bất chấp việc Mỹ vẫn chưa ban hành quy định quản lý crypto cấp liên bang.

Ông Gensler và SEC mới đây còn bị 18 bang của Mỹ kiện vì bị cho là lạm dụng quyền lực trong quá trình trấn áp crypto.

Vì không được lòng số đông, ông Donald Trump trong quá trình tranh cử đã khẳng định một trong những quyết định đầu tiên sau khi trở lại Nhà Trắng sẽ là sa thải Gary Gensler. Nhưng không cần đợi quyết định sa thải, ông Gensler đã "tự giác" kết thúc sớm nhiệm kỳ của mình.

II. Crypto làm dậy sóng chính trường Mỹ

Với việc trở lại đường đua Tổng thống Mỹ 2024, ông Donald Trump cũng đưa tài sản mã hóa vào chính trường Mỹ. 

5. Tiền mã hóa bước vào cuộc đua vào Nhà Trắng

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 đã trở thành bãi đáp của các chiến thuật đề cao crypto đến từ giới chính trị gia. Tiên phong là ứng viên Donald Trump khi chiến dịch tranh cử của ông đã biến crypto trở thành một trong những luận điểm chính nhằm thu hút người ủng hộ, xuất phát từ những hành động gây bất lợi cho các công ty trong ngành suốt thời gian qua từ chính quyền đương nhiệm của Biden và đảng Dân chủ.

Sự xuất hiện của Trump tại Hội nghị Bitcoin 2024 được ví như "quả bom" làm bùng nổ thế giới crypto, biến đây trở thành "hậu phương" vững chắc đồng hành cùng ứng viên này trong suốt hành trình tranh cử.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến Polymarket, thị trường dự đoán cá cược dường như trở thành nguồn tin chính của mọi người. Cộng đồng nín thở theo dõi từng con số tỷ lệ giữa Trump và Biden và sau này là Harris, cũng như bình chọn nhiều khía cạnh khác trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

6. Trump liên tục cổ vũ crypto

Đến ngày 06/11, hòa chung nhịp đập của thị trường toàn cầu, giá BTC cũng vỡ òa khi ông Trump được xác nhận đắc cửTổng thống Mỹ.

Sự trở lại của Donald Trump như thổi làn gió mới vào thị trường crypto, mang đến hơi thở hy vọng và tràn trề sự kỳ vọng vào tương lai mới.

Thật không ngoa khi nói Trump là "Tổng thống crypto" đầu tiên tại xứ cờ hoa, bởi vị chính khách liên tục nhắc đến tài sản số trong suốt quá trình vận động tranh cử, không chỉ nhận thức rõ tầm quan trọng của crypto mà còn coi đây là một lĩnh vực chiến lược, ngang tầm với thị trường chứng khoán. Mới đây, Trump còn bày tỏ tham vọng đưa giá Bitcoin lên mức 150.000 USD ngay trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ.

Không chỉ mỗi ông Trump, các thành viên khác của gia đình Trump cũng trở thành cố vấn cho dự án DeFi World Liberty Financial, hợp tác với nhiều dự án trong ngành như Aave, Ethena,... Dù chưa biết có thành công hay không, nhưng dự án này chứng tỏ sự công nhận của nhà Trump, gia tộc đang là trung tâm của kinh tế địa chính trị của Hoa Kỳ, với crypto.

7. Quỹ dự trữ Bitcoin chiến lược

Từ người đứng đầu nước Mỹ là Donald Trump đến các tiểu bang như Texas, Ohio, Pennsylvania hay Alabama, tất cả đều đã nhắc đến đề xuất dự trữ Bitcoin chiến lược.

Thêm vào đó, các bang WisconsinFlorida và Michigan ngày càng gia tăng sự quan tâm đến crypto, minh chứng cho việc tài sản mã hóa đang dần chinh phục nước Mỹ từ các cấp tiểu bang cho đến liên bang.

III. Bitcoin thiết lập nhiều cột mốc mới

"Đồng coin vua" năm nay đã trải qua đợt Bitcoin Halving lần thứ 4, tiếp đến là những đợt tăng giá mạnh mẽ để ghi nhận cột mốc ATH mới. Quả thật đây là một năm "toàn thắng" của Bitc oin và những người ủng hộ đồng tiền này.

8. Bitcoin Halving lần 4 thành công

Vào 07:10 AM ngày 20/04/2024 (theo giờ Việt Nam), Bitcoin đã hoàn thành sự kiện Halving lần thứ 4 tại block thứ 840.000, được khai thác lên bởi pool đào ViaBTC.

Kể từ khi Bitcoin ra đời vào năm 2009, đồng tiền này đã trải qua 3 lần Halving vào các năm 2012, 2016 và 2020.

Với Halving lần này, phần thưởng block đã giảm từ 6,25 BTC xuống còn 3,125 BTC. Các sự kiện Halving sẽ tiếp tục cho đến khi đồng BTC cuối cùng dự kiến được đào vào khoảng năm 2140. Sau đó, thợ đào sẽ còn chỉ nhận được phí giao dịch từ các block.

9. Tổng dòng tiền ETF Bitcoin hơn 35 tỷ USD

Không phụ sự kỳ vọng, ETF Bitcoin spot quả thật đã "mở van" dòng tiền từ các nhà đầu tư Phố Wall. Trong 11 quỹ đang giao dịch trên thị trường, IBIT của BlackRock bỏ xa hết mọi đối thủ khi lần lượt xô đổ các cột mốc giá trị mới, thậm chí còn vượt qua nhiều quỹ ETF kỳ cựu của tài chính truyền thống. BlackRock giờ đây nắm giữ nhiều Bitcoin hơn vàng chỉ sau 10 tháng nhờ ETF. 

Tính đến hết năm 2024, tổng dòng tiền ròng đổ vào các ETF Bitcoin đã lên đến 35,2 tỷ USD, với IBIT của BlackRock và FBTC của Fidelity dẫn đầu. Trong khi đó, tổng giá trị BTC mà các ETF nắm giữ hiện đang hơn 1,13 triệu Bitcoin, trị giá hơn 100 tỷ USD -  vượt cả kho BTC được đồn đoán thuộc sở hữu của Satoshi Nakamoto.

10. Bitcoin ATH hơn 100.000 USD

Ngày 17/12/2024 (giờ Việt Nam), cộng đồng crypto một lần nữa ăn mừng khi Bitcoin tiếp tục tăng vọt, phá vỡ đỉnh cũ và lập ATH mới ở 108.000 USD. Đây cũng là lần đóng nến tuần cao nhất trong lịch sử của đồng coin top 1 vốn hóa thị trường.

Biến động giá Bitcoin trong 1 năm qua, ảnh chụp màn hình trên CoinGecko vào lúc 12:20 PM ngày 31/12/2024

Hưởng ứng đà tăng của người anh cả, Ethereum cũng trở lại ngưỡng 4.000 USD lần đầu tiên kể từ tháng 3 năm nay.

Tổng giá trị vốn hóa thị trường cũng chạm ATH ở 3.800 tỷ USD, đã liên tục đi lên trong những tháng gần đây.

11. MicroStrategy và chiến lược DCA mẫu mực

Bitcoin lập kỷ lục giá mới nên dĩ nhiên các công ty từ gồng lỗ BTC chuyển sang gồng lời. Là công ty tiên phong với chiến lược DCA Bitcoin suốt nhiều năm qua, MicroStrategy năm nay cuối cùng đã hái được quả ngọt. 

Tính đến thời điểm đưa tin, MicroStrategy đang nắm giữ tổng cộng 446.400 BTC với giá mua trung bình là 62.400 USD. Hay nói cách khác, khoản đầu tư này đang có lời đến 48,4%, tương đương lời 13,48 tỷ USD.

Lịch sử mua Bitcoin của MicroStrategy. Nguồn: SaylorTracker (31/12/2024)

Không chỉ đã trở thành case study cho giới đầu tư Mỹ, cổ phiếu MicroStrategy lần đầu được đưa vào chỉ số Nasdaq 100, sau một năm giá MSTR bùng nổ, đạt vốn hóa gần 98 tỷ USD. Việc được thêm vào Nasdaq 100 sẽ giúp cổ phiếu MSTR tiếp xúc đến dòng tiền đầu tư thụ động từ các tổ chức lớn của Mỹ. Theo các nhà phân tích, các quỹ ETF phái sinh ra từ Nasdaq 100 đang có tổng giá trị tài sản lên đến 550 tỷ USD.

MicroStrategy vào cuối tháng 10 đã công bố kế hoạch mới, theo đó tham vọng huy động thêm 42 tỷ USD trong vòng 3 năm tới để gia tăng hơn nữa lượng BTC nắm giữ. Phương thức gọi vốn thường được công ty sử dụng là phát hành trái phiếu với lựa chọn chuyển đổi trực tiếp sang cổ phiếu MSTR với giá ưu đãi. 

Đây là chiến lược đã được giới phân tích tài chính gọi là “lỗi in tiền vô hạn”, vừa giúp công ty dễ dàng thu hút được một lượng vốn khổng lồ trong thời gian ngắn để mua Bitcoin, qua đó làm tăng giá trị công ty mà không lo ảnh hưởng đến giá cổ phiếu MSTR.

Noi gương MicroStrategy, hàng loạt các công ty khác trong năm nay cũng tuyên bố đầu tư vào BTC, nổi bật có thể kể đến những cái tên như Metaplanet, MARA, HUT 8, Riot Platform,...

Danh sách các công ty đại chúng đang đầu tư vào Bitcoin. Nguồn: Bitbo (31/12/2024)

IV. Ethereum kém nhiệt

Dẫu là đồng crypto lớn thứ 2 thị trường theo vốn hóa, Ethereum năm nay lại vướng nhiều tranh cãi về hiệu suất giá lẫn hiệu suất hoạt động của mạng lưới. Việc "chảy máu thanh khoản" sang các Layer-2 (L2) là vấn đề đau đầu không chỉ đối với mainnet Ethereum mà còn làm suy giảm hoạt động trên các giao thức DeFi.

12. Ethereum triển khai nâng cấp Dencun thành công

Sau nhiều lần thử nghiệm nâng cấp không thành công, dẫn đến việc liên tục thay đổi lộ trình ban đầu từ 2023 sang đến cuối tháng 2/2024, Ethereum cuối cùng cũng triến khai được nâng cấp Dencun.

Ngày 13/03/2024 (giờ Việt Nam) bản nâng cấp Dencun - sự kết hợp giữa Deneb (cập nhật ở Consensus) và Cancun (cập nhật ở Execution) trên mạng lưới Ethereum - đã chính thức được kích hoạt triển khai tại epoch 269568.

Dencun giới thiệu khái niệm có tên “proto-danksharding”, được thiết kế để cải thiện quy mô xử lý giao dịch, đồng thời giảm phí gas. Nó còn đặt ra nền móng cho những nâng cấp khác trong tương lai như danksharding, hứa hẹn thay đổi toàn diện bộ mặt của Ethereum.

Dencun mang đến nhiều đề xuất cải tiến cho Ethereum như EIP-1153, EIP-4788, EIP-6780, EIP-7044,... kể từ sau nâng cấp Shanghai mở khóa ETH staking vào tháng 04/2023. Một trong những đề xuất quan trọng là EIP-4844, cung cấp một cấu trúc tạo block mới có tên là “blob” để chứa dữ liệu giao dịch từ các layer-2

Hình ảnh giải thích đơn giản về "blob" - cấu trúc tạo block mới giúp Ethereum tối ưu lưu trữ dữ liệu giao dịch sau Dencun. Nguồn: TrueWaveBreak

Nhờ việc sử dụng blob để lưu trữ giao dịch, các layer-2 trên Ethereum sẽ có thể giảm tải được gánh nặng phí khi chuyển dữ liệu về mainnet, từ đó cắt giảm phí trên những nền tảng này đi nhiều lần.

13. Layer-2 bùng nổ

Và thật vậy, Dencun mang đến cả lợi và hại cho Ethereum.

Điểm lợi dễ thấy nhất chính là cấu trúc phí gas mới đã giúp mảng L2 ngày càng phát triển.

Không chỉ tăng vọt về lượng blob sử dụng, hệ sinh thái Ethereum layer-2 còn đang dâng trào mạnh mẽ về TVL trong năm 2024, đặc biệt là với hai mạng chủ lực Arbitrum One và Base. Cụ thể, tổng tài sản khóa lại trên các L2 này đã vượt ngưỡng 54,5 tỷ USD, tăng hơn 200% so với năm 2023.

Các L2 đang dẫn đầu như dữ liệu L2Beat dưới đây đều có câu chuyện riêng để thu hút người dùng.

Các layer-2 Ethereum có TVL lớn nhất. Nguồn: L2Beat (31/12/2024)

Base mặc dù ra đời muộn hơn nhưng nhờ sự hậu thuẫn từ sàn giao dịch tài sản mã hóa lớn nhất nước Mỹ Coinbase, cũng như sự đặc biệt từ các dự án thuộc hệ sinh thái của mình, đã bức tốc mạnh mẽ, hiện xếp thứ 2 về TVL.

OP Mainnet lại đi theo hướng trở thành nền tảng liên kết các blockchain khác thông qua Optimism Superchain. Bộ công cụ xây L2 OP Stack trở thành công cụ được tin dùng nhất hiện nay, khi đã có hàng loạt các blockchain khác ưu ái lựa chọn như BaseUnichainWorld ChainSoneiumBlastopBNBCeloMantleAevoFraxtalMode NetworkManta PacificZora NetworkAncient8 ChainBOBCyber và Inkvới tổng hiện đã lên đến con số 60.


Top các layer-2 trong hệ sinh thái Superchain của Optimism. Nguồn: Optimism (31/12/2024)

Trái lại, bất lợi đối với mainnet Ethereum cũng dễ dàng nhận thấy. Tình trạng phân mảnh thanh khoản sang các L2 đã làm hoạt động trên mạng chính sụt giảm.

Ethereum dần ít hấp dẫn hơn trong mắt người dùng, khi lựa chọn đầu tiên là một L2 rẻ và nhanh hơn, làm doanh thu của mạng chính cũng giảm sút. Việc quá tập trung cho các L2 cũng là chủ đề mà các nhà phát triển đem ra mổ xẻ. Một bên ủng hộ khả năng mở rộng của mảng L2 đa sắc, một bên lại chỉ trích Ethereum đã thiếu đổi mới, thiếu định hướng đúng đắn.

Sự "kém nhiệt" của Ethereum trong năm vừa rồi còn thể hiện qua biến động giá ETH, bởi trong khi nhiều altcoin top đầu khác đều đã lập ATH, thì ETH vẫn loay hoay tìm đường lấy lại "ánh hào quang" của giai đoạn 2021, nhưng chưa đi được đến đâu thì đã bị các đợt điều chỉnh trên thị trường đẩy về mức cũ.

So sánh biến động giá của các đồng coin top trong năm 2024. Nguồn: TradingView (31/12/2024)

V. Những phiên tòa của năm

Những nhân vật nhiều tai tiếng trong ngành crypto năm nay đã phải đối mặt với các bản án thích đáng vì sai phạm do mình đã gây ra, qua đó giúp thanh lọc thị trường crypto và góp phần mang đến một môi trường minh bạch và trong sạch hơn.

14. Sam Bankman-Fried bị kết án 25 năm tù

Sau phiên tòa xét xử hơn 1 tháng hồi cuối năm 2023, đến tháng 03/2024, Sam Bankman-Fried bị kết án 25 năm tù. Đây là bản án nghiêm khác đối với nhiều tội danh mà người này đã gây ra, không chỉ đối với thị trường tài sản mã hóa, mà còn đối với nhiều người dùng, tổ chức ở thị trường truyền thống.

Sau SBF, trong suốt năm nay đã lần lượt diễn ra các phiên tòa xét xử đối với bộ sâu FTX năm xưa. Những người có tội đều đã nhận được bản án thích đáng, gồm cựu Giám đốc FTX Digital Markets Ryan Salame (7,5 năm tù), cựu CEO Alameda Research Caroline Ellison (2 năm tù), cựu Giám đốc Kỹ thuật FTX Nishad Singh (không nhận án tù, bị quản thúc 3 năm) và cựu Giám đốc Công nghệ Gary Wang (không nhận án tù, bị quản thúc 3 năm).

15. Changpeng Zhao bị kết án 4 tháng tù

Ngày 30/04 (giờ Mỹ), phiên tòa tuyên án đối với cựu CEO Binance Changpeng Zhao (CZ) cuối cùng đã diễn ra. Với tội vi phạm quy định rửa tiền, CZ bị tuyên 4 tháng tù, thấp hơn nhiều lần mức mà các cáo trạng trước đó đề nghị.

Lý do CZ được hưởng mức án “khoan hồng” là nhờ vào thái độ thành khẩn, hợp tác và không chống lại việc bị dẫn độ, mà đã chủ động đến Hoa Kỳ để xét xử. Ngoài ra còn có 161 lá thư khác từ gia đình, bạn bè và những người khác đề nghị khoan hồng từ pháp luật.

CZ còn phải đóng phạt 50 triệu USD và bị cấm nắm giữ chức vụ quản lý tại Binance trong vòng 3 năm.

Từ đầu tháng 6 CZ đã bắt đầu thi hành bản án, được đưa đến cơ sở giam giữ tại Long Beach (California), nhưng từ cuối tháng 8 đã được chuyển sang cơ sở tái hòa nhập để chuẩn bị cho ngày phóng thích. Theo quản giáo, CZ đã có khoảng thời gian tương đối thoải mái tại đây khi được phép có những “chuyến du ngoạn ngắn” và “được xem phim”.

Cuối cùng CZ được trả tự do vào ngày 27/09 (giờ Mỹ).

16. Nhà phát triển Tornado Cash bị kết án 64 tháng tù

Nhà phát triển Tornado Cash, Alexey Pertsev, đã bị Tòa án Hà Lan kết tội rửa 1,2 tỷ USD tài sản bất hợp pháp trên nền tảng trộn tài sản mã hóa này trong quãng thời gian dự án hoạt động từ tháng 07/2019 đến tháng 08/2022. 

Hội đồng xét xử đã tuyên án Pertsev, công dân Nga 31 tuổi sống tại Hà Lan, 5 năm 4 tháng tù giam (tương đương 64 tháng), đúng theo đề xuất trước đó của bên công tố.

"Bản chất và chức năng của Tornado Cash là một công cụ dành cho tội phạm. Người dùng với mục đích phạm tội được tạo điều kiện tối đa để sử dụng nền tảng này." - một thẩm phán tuyên bố.

Công tố viên còn trích dẫn lại báo cáo hồi năm 2022 của Văn phòng Kiểm soát Tài sản Ngoại quốc (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ, tuyên bố Tornado Cash kể từ năm 2019 đến nay đã được dùng để rửa hơn 7 tỷ USD tài sản mã hóa bẩn, trong đó có 455 triệu USD lấy cắp bởi Lazarus Group, nhóm hacker có liên hệ với Triều Tiên. OFAC còn đề cập các vụ tấn công crypto gần đây mà hacker đã dùng Tornado Cash để rửa tiền, gồm 96 triệu USD từ cầu nối Horizon của Harmony và khoảng 7,8 triệu USD từ cầu nối Nomad.

Vụ việc Tornado Cash từ trước đến nay vẫn gây tranh cãi trong cộng đồng tài sản mã hóa bởi đe dọa đến bản chất phi tập trung của blockchain. Nhiều ý kiến cho rằng không thể quy trách nhiệm cho nhà sáng tạo của một công cụ vì sản phẩm bị dùng cho mục đích xấu.

17. Nhà sáng lập Telegram bị bắt tại Pháp

Ngày 25/08, giới công nghệ toàn cầu rúng động trước tin tức nhà sáng lập Telegram Pavel Durov bị bắt giữ khi đang quá cảnh tại sân bay Le Bourget tại Paris, Pháp.

Ông Pavel Durov là một trong những người có tầm ảnh hưởng trong giới công nghệ toàn cầu nhưng ít được biết đến vì lối sống kín tiếng. Người này chính là nhà sáng lập của mạng xã hội VK, được ví như Facebook của Nga. Sau khi từ chối cung cấp thông tin người dùng cho chính quyền, ông bị buộc phải bán lại VK cho người khác và chuyển sang sống tại UAE. Tại đây, ông toàn tâm phát triển ứng dụng Telegram, một ứng dụng nhắn tin được cộng đồng crypto toàn cầu sử dụng.

Nhà sáng lập Telegram còn tiết lộ đã đầu tư Bitcoin suốt 10 năm qua, và trong những năm trở lại đây liên tục có động thái tích hợp tài sản mã hóa vào ứng dụng của mình như hậu thuẫn cho TON blockchainhỗ trợ ví crypto và cửa hàng mini app về game Web3.

Pháp sau đó công bố 12 cáo buộc chính thức đặt lên CEO Telegram, bao gồm sử dụng nền tảng này để tạo điều kiện cho giao dịch bất hợp pháp, sở hữu và phân phối nội dung khiêu dâm trẻ em, cũng như buôn bán ma túy. Paris cũng phủ nhận việc bắt giữ vì động cơ chính trị, khẳng định đây hoàn toàn là hành động pháp lý.

Mặc dù vậy, vụ bắt giữ này đã gây ra làn sóng chỉ trích từ các nhân vật nổi tiếng như Vitalik Buterin, Edward Snowden và Elon Musk, cho rằng đây là một cuộc bắt bớ vô lý và kêu gọi trả tự do cho CEO Telegram. Robert F. Kennedy cũng lên tiếng ủng hộ Durov và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các quyền cơ bản của con người.

VI. 1001 drama airdrop của năm

Airdrop đã và tiếp tục là mảnh đất sôi động nhất nhì thị trường crypto. Mối quan hệ giữa cộng đồng và dự án crypto được thể hiện rõ qua phương thức airdrop, 10 dự án airdrop thì hết 9 cái sẽ không thoát khỏi drama. 

18. Tưởng bom tấn hóa ra bom xịt

Starknet (STRK)

Ngày 14/02, Starknet Foundation đã cung cấp những thông tin chi tiết về thời điểm tổ chức sự kiện airdrop STRK, đồng token riêng của mạng lưới layer-2 Starknet.

Theo đó, 700 triệu token STRK sẽ được tặng thưởng cho người dùng sớm và thành viên đã có đóng góp cho quá trình phát triển của dự án. Thời điểm airdrop là ngày 20/02/2024.

Tuy nhiên, nhiều người dùng crypto sau khi biết mình không đáp ứng đủ điều kiện nhận airdrop đã quay sang chỉ trích Starknet vì đã đặt tiêu chuẩn quá cao, cũng như “ưu ái” quá mức cho bộ phận lập trình viên thay vì những người sử dụng sớm đã tiêu tốn đến hàng trăm USD nhưng không lại nhận được gì, trong khi các nhà phát triển chỉ cần có những đóng góp nhỏ như sửa lỗi chính tả thì cũng được airdrop.

Mâu thuẫn càng tăng cao khi có người chỉ ra lịch mở khóa token của STRK. Theo đó thì vào ngày 15/04/2024, tức chỉ 2 tháng sau thời điểm airdrop, Starknet sẽ giải phóng đến 13% tổng cung token cho đội ngũ phát triển và các nhà đầu tư, đồng nghĩa với việc lượng cung token lưu hành khi ấy sẽ tăng gấp 3 lần. 

Dù chính CEO StarkWare đã lên tiếng khẳng định lập trường của dự án, kiên quyết không bị lay chuyển bởi ý kiến cộng đồng, nhưng đến cuối cùng cũng phải điều chỉnh lại lịch unlock. Theo lịch mới, chỉ có 0,64% tổng cung token (64 triệu STRK) được mở khóa vào ngày 15/04 mà thôi.

Tuy nhiên, việc quá ưu ái cho các dev đã để lại hậu quả là người dùng “spam” GitHub vòi airdrop, trong khi đây vốn dĩ là nền tảng dành cho các lập trình viên cập nhật và đóng góp thật sự.

Wormhole (W)

Dù thông báo airdrop từ tháng 3, nhưng Wormhole chốt lịch claim token W là vào tối ngày 03/04. Mặc dù vậy, dự án lại không công bố tiêu chí cụ thể, làm những người không được airdrop cũng không biết lý do vì sao mình bị trượt. Nên họ đã chuyển sang giao dịch memecoin “L” như một cách giễu nhại.

Mãi đến vài giờ trước thời điểm claim dự án mới công bố lộ trình phát triển token W

Sau đó lại có thêm sự cố khác là dự án quên loại trừ kẻ tấn công mình, nên đã vô tình phân bổ hơn 31.600 W cho 4 ví liên quan đến vụ hack 325 triệu USD hồi tháng 2/2022. Nhưng may mà dự án đã kịp thời thu hồi hoàn toàn phân bổ trên.

EigenLayer (EIGEN)

Drama airdrop bắt đầu nóng lên khi EigenLayer giới thiệu token EIGEN và kế hoạch airdrop cho người dùng vào cuối tháng 4. Đợt thông báo airdrop được xem là "thất bại toàn tập" khi vừa gây hoang mang dư luận vừa có hàng loạt điểm bất cập.

Sau đó đội ngũ dự án buộc phải thông báo airdrop bổ sung, cập nhật lại tokenomics để xoa dịu cộng đồng. 

Tuy nhiên, việc quá "lằng nhằng" và phức tạp hóa như vậy đã làm cộng đồng mất dần niềm tin vào chất lượng và khả năng phát triển của dự án.

friend.tech (FRIEND)

Như trong E-magazine 23 sự kiện 2023 của Coin68 đã nêu ra, friend.tech chính là dự án khởi đầu xu hướng điểm thưởng point như hiện tại.

Ra đời vào 2023 nhưng đến tận tháng 5/2024 dự án mới airdrop token FRIEND với 100% phân bổ token là trao thưởng cho người dùng. Khỏi phải nói, cộng đồng ồ ạt claim token để "xả", khiến giá FRIEND lao dốc hơn 99% sau khi airdrop.

Đến tháng 9, đội ngũ friend.tech thông báo từ bỏ dự án, đánh dấu điểm thoái trào của xu hướng SocialFi.

LayerZero (ZRO)

Nếu friend.tech khởi đầu trào lưu point thì chắc có lẽ LayerZero chính là dự án mở màn cuộc thập tự chinh "săn sybil". 

Mục đích ban đầu vốn dĩ là tốt: dự án bức xúc với tình trạng "airdrop hunter" quá nhiều làm mất cơ hội của người dùng thực sự nên mới cần lọc các ví sybil. Nhưng chiến dịch tự khai báo đã nhanh biến tướng thành cuộc đấu tố lẫn nhau, spamsăn sybil,...

Nên càng về sau, cuộc chiến sybil của LayerZero càng lộ nhiều bất cập, quá tải và hàng loạt vấn đề nảy sinh. Cộng đồng từ đó lại càng bị chia rẽ nhiều hơn, thay vì vốn cần gắn kết để ủng hộ dự án.

Qua được chặng sybil, đến lúc nhận airdrop người dùng cũng không thoát kiếp nạn. Ngày 20/06, LayerZero công bố airdrop ZRO, bắt người dùng "quyên góp" để nhận token.

Với tất cả những drama kể trên, niềm tin của nhà đầu tư vơi dần, thể hiện rõ ở việc hậu thông báo snapshot, hoạt động hàng ngày trên LayerZero giảm xuống mức thấp kỷ lục

ZKsync (ZK)

Bỏ qua chuyện tranh giành mã ticker ZK, thông báo airdrop của ZKsync (ZK) cũng "hành" người dùng không kém LayerZero.

Những cáo buộc được cộng đồng đưa ra nói rằng dự án thực và người dùng thực của hệ sinh thái lại bị "cho ra rìa", các tiêu chí airdrop nhập nhằng, có người tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc để "cày air" nhưng không nhận lại được gì...

Và kết quả là hơn 40% ví nhận airdrop ZKsync top đầu bán token, đẩy giá giảm sâu. Đến airdrop đợt 2 thì FDV của dự án đã tụt hẳn 40%.

Hamster Kombat (HMSTR)

Ngày 26/09, token HMSTR của dự án Binance Launchpool thứ 58 là Hamster Kombat đã chính thức được niêm yết trên hầu hết các sàn giao dịch lớn nhỏ.

Trước niêm yết 1 ngày, Hamster Kombat đã tiến hành airdrop cho 131 triệu người dùng đủ điều kiện trong tổng số 300 triệu lượt đăng ký tham gia trò chơi kể từ khi khởi chạy vào mùa hè năm nay.

Trước đó dự án từng "hùng hồn" tuyên bố sẽ dành ra 60% tổng nguồn cung (tương đương 60 tỷ token HMSTR) để airdrop cho người chơi.

Thế nhưng chiến lược phân phối của dự án đã tạo ra làn sóng chỉ trích dữ dội. Bởi lẽ nhiều người chơi cho biết họ đã bỏ ra gần nửa năm trải nghiệm trò chơi, nhưng sau khi niêm yết giá giao dịch chính thức quanh 0,01 USD, tính ra công sức thời gian qua chỉ thu về khoảng 5 - 30 đô la Mỹ, một con số quá ít ỏi so với lời tuyên bố "đây sẽ là đợt airdrop lớn nhất trong lịch sử ngành crypto".

19. Tưởng không ngon nhưng ngon không tưởng

Hyperliquid (HYPE)

Ngày 28/11, blockchain layer-1 kiêm sàn DEX phái sinh Hyperliquid đã tiến hành airdrop token HYPE cho cộng đồng sau hơn 1 tháng công bố kế hoạch.

Đáng chú ý trong đợt airdrop của Hyperliquid, với tổng cung là 1 tỷ đơn vị, nhưng đội ngũ dự án quyết định phân bổ tới 31% token HYPE (tương ứng 310 triệu token) cho người dùng cộng đồng đủ điều kiện và không đi kèm lịch mở khóa.

Trái ngược với áp lực bán thường diễn ra đối với token sau các đợt airdrop, nhu cầu giao dịch HYPE dường như vượt cung, thể hiện tâm lý tích cực của thị trường với mức tăng trưởng mạnh mẽ. Chính điều này khiến toàn bộ người dùng nhận airdrop đã thu về lợi nhuận hàng nghìn cho tới hàng triệu đô la với vốn khởi điểm chỉ trên dưới 1.000 USD. Nhờ đó cộng đồng liên tục ngợi khen HYPE là airdrop xịn nhất năm 2024.

Những ngày sau đó, giá HYPE liên tục tăng trưởng, cũng như sàn DEX càng gia tăng khối lượng giao dịch và số lượng người dùng.

Movement (MOVE)

Không đình đám như HYPE nhưng đợt airdrop MOVE cũng đã ghi điểm trong mắt người dùng. Vì ra mắt đúng thời điểm thị trường bullish, altcoin tăng vọt. 

Dù vấp phải chỉ trích cố tìm cách "xả token" trước khi cơn sốt layer-2 hạ nhiệt vì Movement airdrop và TGE lên sàn trước khi ra mắt mainnet. Nhưng mọi tiếng nói đều lắng xuống khi MOVE list sàn ở mức giá làm "hài lòng" người ủng hộ sớm.

Như vậy có thể thấy, việc đánh giá airdrop "ngon" hay "xịt" chủ yếu là nhờ vào việc giá token như thế nào, mang lại lợi nhuận ra sao cho người cày airdrop.

VII. Siêu chu kỳ memecoin

Năm qua BTC phá đỉnh, BTC.D cũng leo thang làm altcoin trồi sụt, holder điêu đứng, riêng chỉ có memecoin là sôi động suốt cả năm, luôn có trend mới, luôn có "kèo" mới.

Vì thế cộng đồng mới ưu ái gọi đây là "siêu chu kỳ" memecoin.

20. Sự trỗi dậy của pump.fun và memecoin hệ SOL

Từ lâu, memecoin đã trở thành một “văn hoá” không thể thiếu của thị trường crypto, nơi đây là sự kết hợp khéo léo của những câu chuyện sáng tạo, tinh thần cộng đồng và các con số khô khan. 

Trải qua hơn 15 năm phát triển, thị trường đã dần định hình được những mảnh ghép của mình. Trong khi các đồng coin lớn như Bitcoin, Ethereum, Chainlink đã có được sự tăng trưởng ổn định và trở thành tuyến phòng thủ cho các nhà đầu tư thì mong muốn “giàu nhanh" được chuyển giao cho nhóm altcoin và memecoin.

Altcoin công nghệ mặc dù mang nhiều tính ứng dụng và có tiềm năng phát triển trong dài hạn nhưng thường bị nhóm nhà đầu tư tổ chức kiểm soát ngay từ trong trứng nước bằng cách rót vốn và định giá cao. Từ đầu 2024 tới nay là quãng thời gian mà altcoin công nghệ chỉ mang lại sự thất vọng bởi đường giá tụt giảm không phanh.

Cuối cùng, chỉ còn lại sân chơi memecoin là nơi mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ tìm kiếm cơ hội bứt phá. Khác với altcoin công nghệ, memecoin không có sản phẩm, công nghệ cao siêu hay bất kỳ tính ứng dụng nào, đơn thuần chỉ là một ý niệm, một câu chuyện để dẫn dắt cộng đồng.

Solana chắc chắn là mạng lưới có phong trào memecoin mạnh mẽ nhất trong giai đoạn tăng trưởng vừa rồi. Bây giờ có lẽ người ta nhớ đến Solana như một memecoin blockchain nhiều hơn là parallel blockchain ngày nào.

Với ưu điểm tốc độ cao, gas fee rẻ cùng với sự tăng trưởng vượt bậc của cánh chim đầu đàn như Bonk (BONK)Dogwifhat (WIF), phong trào memecoin trên Solana được thúc đẩy mạnh mẽ.

Top memecoin hệ Solana. Nguồn: CoinGecko (31/12/2024)

Đặc biệt là sau sự xuất hiện của nền tảng pump.fun, nơi mà bất kỳ ai cũng có thể tạo ra một dự án memecoin trong tích tắc với chi phí gần như bằng 0. Bởi vậy mà trong gần nửa triệu token phát hành trên Solana trong tháng 5, đa số là memecoin. Nếu con số này được mang sang Ethereum thì có lẽ riêng tiền gas fee cũng đã lên tới hàng chục triệu đô, đó là còn chưa kể tới tình trạng tắc nghẽn mạng lưới và đội phí giao dịch. 

Dù vậy, pump.fun cũng dần biến tướng trở thành "web đen" trên blockchain vì nhiều người dùng sử dụng đủ mọi chiêu trò lôi kéo, tạo nội dung gây sốc để đẩy giá token của mình. Không những livestream rug-pull mà còn livestream dọa "tự sát", bạo lực gia đình, dọa xả súng hàng loạt hay nội dung khiêu dâm,... 

Sau phản ứng dữ dội từ cộng đồng, pump.fun vào rạng sáng ngày 26/11 đã thông báo vô hiệu hóa tính năng livestream trên nền tảng của mình vô thời hạn, đồng thời cam kết sẽ áp đặt thêm các biện pháp kiểm duyệt để kiếm soát hành vi người dùng.

21. Memecoin của người nổi tiếng

Giai đoạn tháng 5-6 chứng kiến thêm làn sóng người nổi tiếng, KOL từ các lĩnh vực khác tiến vào thị trường crypto thông qua việc phát hành token của họ nhờ sự tiện lợi của nền tảng pump.fun.

Hễ ở đâu có tiền là ở đó có bóng hacker. Hacker liên tiếp tấn công tài khoản mạng xã hội (X, Instagram,...) của nhiều người nổi tiếng trên thế giới để "shill" token scam. Người dùng không cẩn thận rất dễ rơi vào cạm bẫy giăng sẵn, chỉ trực chờ cuỗm hết tiền của nạn nhân. Dù cẩn thận hơn thì cũng khó lòng phân biệt thật giả giữa hàng loạt vụ việc với thủ đoạn tinh vi.

Câu chuyện càng trầm trọng hơn khi bản thân các memecoin của người nổi tiếng cũng có vấn đề, không rug pull thì cũng dump về "lòng đất".

Các KOL chỉ muốn trục lợi, kiếm tiền nhanh từ người hâm mộ, xem người theo dõi là thanh khoản chứ không thực sự quan tâm đến tương lai của dự án token. Vì lẽ đó, memecoin của người nổi tiếng lúc mới phát hành có lẽ sẽ mang được khoảng lợi nhuận cho một số người mua sớm, nhưng hầu hết đều rơi vào kết cục giảm mãi.

Nhiều chuyên gia trong cộng đồng crypto đã lên tiếng chỉ trích vấn nạn này, đồng thời cảnh báo người dùng đừng nên "nhẹ dạ cả tin". Ngay cả nhà sáng lập Ethereum Vitalik Buterin cũng không ủng hộ memecoin của người nổi tiếng.

22. AI Agent

Mọi chuyện bắt đầu với Truth Terminal và memecoin Goatseus Maximus (GOAT) khi vô tình trở thành token được cộng đồng fomo.

Nhưng nhờ tiềm năng của mình, các AI Agent dần phát triển và trở thành một "thế lực mới" trong thị trường crypto. Cùng với sự bùng nổ của AI trong giới công nghệ toàn cầu, AI agent trên thị trường crypto cũng theo đó trở thành tiêu điểm.

Hệ sinh thái Web3 AI Agent

VIII. Những tiêu điểm khác

23. Binance lại có một năm "sóng gió"

Điều chỉnh cơ chế listing hậu lùm xùm "giao dịch nội gián" RON

Tối ngày 05/02, sau khi đồng RON của Ronin Network được niêm yết lên Binance, đã có vô số bàn luận xoay quanh việc giá giảm liên tục của đồng coin, đặc biệt là nghi vấn có giao dịch nội gián từ việc biết trước thời điểm niêm yết.

Trước đó, ngay sau khi Binance ra thông báo niêm yết, một tài khoản được cho là đã bán tháo 1 triệu USD RONIN trên OKX, khiến giá đồng coin rơi từ khoảng 3,5 USD xuống còn 2,7 USD.

Đồng sáng lập Binance là bà Yi He vào tối 05/02 cho biết đã tiến hành điều tra và xác nhận rằng đã có giao dịch nội gián từ phía Ronin Network. Vị nữ tướng cũng đặt ra các điều chỉnh nghiêm khắc hơn, rằng nếu thông tin bị rò rỉ ra bên ngoài, việc niêm yết đồng coin đó cũng sẽ bị sàn huỷ bỏ.

Vấn đề pháp lý với chính quyền Nigeria

Căng thẳng giữa Binance và chính quyền Nigeria lên đến đỉnh điểm khi Nigeria tạm giam 2 nhân viên Binance vào ngày cuối cùng của tháng 2. Một ngày sau đó cộng đồng chấn động với thông tin rằng Nigeria cáo buộc Binance "gián tiếp" gây tổn thất quốc gia, đòi bồi thường 10 tỷ USD. Nhưng chính quyền nước sở tại đã lên tiếng đính chính và không hề xác nhận con số trên.

Binance sau đó đã ngừng hỗ trợ mọi dịch vụ tại Nigeria, đồng thời huỷ niêm yết toàn bộ cặp giao dịch liên quan đến đồng nội tệ naira. Dù vậy, tòa án tiếp tục gây sức ép, yêu cầu Binance cung cấp toàn bộ dữ liệu giao dịch của người dùng Nigeria. Sàn tiếp đến bị buộc tội trốn thuế, gồm "không nộp thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập công ty, không kê khai thuế và đồng lõa trong việc hỗ trợ khách hàng trốn thuế thông qua nền tảng của sàn".

Một quản lý của sàn là công dân Mỹ thì bị Nigeria giam giữ suốt 6 tháng trong cảnh bệnh tật, và phải đợi đến sự can thiệp của chính quyền Biden thì mới được trả tự do.

Năm nay cũng chứng kiến rắc rối pháp lý của Binance với chính quyền nhiều nước trên khắp thế giới, chứ không chỉ riêng Nigeria. Ủy ban chứng khoán Philippines chặn quyền truy cập Binance. CommEX, sàn giao dịch nghi vấn của Binance tại Nga, cũng thông báo dừng hoạt động.

Liên tục niêm yết memecoin

Không khó để nhận ra các đồng tiền niêm yết Binance năm nay đa số là memecoin. Dĩ nhiên giữa siêu chu kỳ meme như đã giải thích bên trên, việc sàn niêm yết meme là điều hợp lý. Tuy vậy, với cương vị là sàn giao dịch dẫn đầu ngành, tầm ảnh hưởng của Binance là không thể bàn cãi. Khi sàn niêm yết đồng coin nào đó cũng đồng nghĩa với việc làm người dùng chú ý, fomo và nhảy vào mua cho kịp sóng.

Lịch trình niêm yết token trên Binance năm 2024

Từ trước đến nay, cộng đồng vẫn kỳ vọng Binance, với cương vị là sàn giao dịch crypto lớn nhất thế giới, là nơi niêm yết những đồng coin chất lượng, có phát kiến mới và mang lại giá trị lâu dài cho thị trường, hơn là các đồng meme pump-dump. Bản thân cựu CEO Binance Changpeng Zhao cũng đồng ý với quan điểm này, cho rằng sự chú ý của thị trường đã không còn nằm ở những dự án với tiến bộ công nghệ thật sự. 

Ngoài ra, Binance năm nay đã chia ra listing spot và futures riêng biệt, chứ không gộp lại như những năm trước. Tần suất mở giao dịch futures càng về cuối năm càng dày đặc, tạo cảm giác sàn cần tìm mọi cách thu hút dòng tiền của trader.

Lịch trình niêm yết token trên Binance Futures năm 2024

Loạt sản phẩm mới kém thu hút

Có thể thấy, Binance đang mang đến sự đa dạng trong sản phẩm của mình nhằm phù hợp với mong muốn "bình thường hóa" sàn giao dịch của CEO Richard Teng.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Binance đã giới thiệu 6 tính năng mới cho người dùng, bao gồm:

- Futures NEXT: nền tảng dự đoán token sắp được niêm yết futures trên sàn.

- Binance Megadrop: nền tảng phát hành token mới, hỗ trợ hướng dẫn người dùng nhận airdrop và thưởng.

- Spot Copy Trading: tính năng cho phép người dùng Binance sao chép và tự động thực hiện các lệnh giao dịch của những nhà đầu tư chuyên nghiệp (Pro Trader) đủ điều kiện.

- Spot Pre-Market: cho phép người dùng có cơ hội nắm giữ và giao dịch sớm các tài sản số mới trước khi đồng token đó được niêm yết chính thức trên thị trường spot.

- HODLer Airdrops: chương trình được thiết kế để thưởng cho những người sở hữu BNB, bao gồm phân phối token dựa trên các lần snapshot số dư BNB của người dùng.

- Binance Alpha: nền tảng mới được tích hợp trong Binance Wallet, giới thiệu và cung cấp cơ hội đầu tư sớm vào các dự án crypto giai đoạn đầu có tiềm năng phát triển trong hệ sinh thái Binance.

24. Mt. Gox trả nợ, Đức bán 3 tỷ USD Bitcoin

Được thành lập vào năm 2010, Mt. Gox từng là sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới cho đến khi nền tảng này gặp phải một vi phạm bảo mật lớn vào năm 2014, dẫn đến mất ít nhất 850.000 BTC.

Sau một thập kỷ làm việc với các chủ nợ và người ủy thác, Mt. Gox đã bắt đầu quá trình hoàn trả tài sản cho người dùng kể từ tháng 7 với các giao dịch chuyển tiền quy mô lớn đến những nền tảng giao dịch được chỉ định như KrakenBitstamp, BitBank, CoinJoin,…

Tính từ khi bắt đầu quá trình trả nợ, sàn đã hoàn trả hơn 68% số tiền 142.000 BTC nắm giữ ban đầu, tương đương chỉ còn lại khoảng 32% số Bitcoin chờ đợi được phân phối trong thời gian tới.

Theo thông báo mới nhất, Mt. Gox đã được sự cho phép từ Tòa án để thay đổi hạn chót trả nợ từ lịch ban đầu 31/10/2024 thành 31/10/2025 - tức kéo dài thêm 1 năm.

Ban đầu thị trường biến động rất mạnh trước những lần Mt. Gox chuyển tiền, nhưng dần dà tác động của việc này đã giảm thiểu, cho thấy sự trưởng thành của thị trường và cộng đồng đã không còn quá quan tâm đến "bóng ma" này nữa.

Trong khi đó, giới chức Đức vào tháng 01/2024 đã tịch thu 50.000 BTC từ trang web phim lậu Movie2k. Đến giữa tháng 6, chính quyền nước này bắt đầu quá trình thanh lý tài sản.

Trong gần 4 tuần sau đó, ví Bitcoin của Đức đã chuyển số BTC trị giá 3 tỷ USD này lên các sàn giao dịch crypto phổ biến ở phương Tây như Coinbase, Kraken, Bitstamp, cùng một số market maker như Cumberland, B2C2,…, với giá trị tăng dần từ mức vài chục triệu USD mỗi ngày lên tận hàng trăm triệu USD mỗi ngày.

Khỏi phải nói, áp lực bán xả này đã làm thị trường tiền mã hóa điêu đứng suốt một thời gian dài. Vì lẽ đó, giá bán ra trung bình của chính phủ Đức chỉ quanh 57.600 USD, ghi nhận mức lãi 33%. Tuy nhiên nếu kiên nhẫn giữ thêm khoảng 4 tháng thì chính phủ Đức đã có thể "ẵm thêm" 1,6 tỷ USD tiền lời nữa rồi.

Jane

Xin được cảm ơn Nami Exchange đã phối hợp cùng Coin68 để thực hiện bài viết "24 Sự kiện Tiền mã hóa Nổi bật của năm 2024". 

Nami Exchange là nền tảng giao dịch tài sản mã hóa an toàn và dễ tiếp cận thuộc hệ sinh thái của Nami Foundation. Ra mắt từ 2017, Nami Exchange cung cấp đa dạng các sản phẩm đầu tư tài sản mã hoá với hơn 800 cặp giao dịch, cùng đội ngũ hỗ trợ chuyên nghiệp hoạt động 24/7.

Để biết thêm thông tin về nền tảng Nami Exchange, hãy truy cập: https://nami.exchange

-31/12/2024
Bình luận (0)
Đăng kýhoặcđăng nhậpđể bình luận
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68