logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
ads

Black Swan là gì? Tổng hợp những đợt Black Swan trong lịch sử tài chính

-05/08/2024

Trong thị trường tài chính, thứ khiến mọi người sợ hãi nhất không phải là việc cổ phiếu mất giá mà đó chính là hiện tượng Black Swan. Đây là thuật ngữ ám chỉ hiệu ứng sụp đổ đột ngột và bất ngờ của cả một hệ thống tài chính khiến nền kinh tế nói chung và ngành tài chính nói riêng chìm vào cơn ác mộng suy thoái. Vậy Black Swan là gì và chúng ta đã từng chứng kiến hiện tượng này bao nhiêu lần? Hãy cùng Coin68 tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.


Black Swan là gì? Tổng hợp những đợt Black swan trong lịch sử tài chính

Black Swan là gì?

Black Swan là một sự kiện không thể dự đoán, vượt ra khỏi những nguyên tắc thông thường của một tình huống và mang lại hậu quả nghiêm trọng. Trong tài chính, Black Swan thường được dùng để ám chỉ một giai đoạn đen tối của cả ngành khi xu hướng giảm liên tục chiếm lấy thị trường.

Thuật ngữ này trở nên phổ biến nhờ Nassim Nicholas Taleb, một giáo sư tài chính, nhà văn và nhà giao dịch tại Phố Wall. Nassim Taleb đã viết về khái niệm Black Swan trong một cuốn sách năm 2007 được xuất bản trước khi sự kiện khủng hoảng tài chính năm 2008 xảy ra. Ông đã lập luận rằng vì các sự kiện Black Swan là không thể được dự đoán được do sự khan hiếm của chúng nhưng lại mang đến một hậu quả thảm khốc. Do đó, điều quan trọng cần làm đó chính là mọi người luôn phải giả định rằng Black Swan là điều luôn luôn có thể xảy ra và cố gắng lập một kế hoạch phù hợp để ứng phó. 

Một số Black Swan trong thị trường tài chính

Như đã nói ở trên, Black Swan là một sự kiện không thể được dự đoán trước và mang lại hậu quả vô cùng thảm khốc cho thị trường tài chính. Nếu chiếu nó theo dòng sự kiện của một khoản thời gian nhất định, chúng ta có thể thấy, Black Swan là hậu quả của những sự kiện diễn ra ngoài đời thật tạo nên tâm lý bất an và khiến thị trường tài chính rúng động. Hoặc đơn giản hơn đó chính là việc niềm tin được đẩy lên đến mức ảo tưởng về đà tăng trưởng của một xu thế mới trong thị trường tài chính hoặc công nghệ.

Bong bóng Dotcom

Những năm 90 của thế kỷ trước được cho là thời điểm hoàng kim của công nghệ khi các nhà lập trình của các nước tư bản phát triển liên tục đưa ra những công cụ cũng như những công nghệ mới. Tiêu biểu nhất đó chính là Google, Amazon và Apple, đây có thể được xem là 3 tượng đài lớn về công nghệ, mỗi công ty đều mang đến cho thế giới những trải nghiệm hoàn toàn mới trong việc tìm kiếm thông tin, mua sắm hoặc đơn giản hơn là một loại máy tính mới.

Dù mang đến cho nhân loại hàng loạt những công nghệ mới nhưng đối với thị trường tài chính, đây cũng là những miếng mồi ngon vô cùng béo bở. Việc hàng loạt những công nghệ mới được ra mắt kéo theo một làn sóng những công ty Dotcom ra đời và lên sàn, niềm tin mãnh liệt của nhà đầu tư vào công nghệ mới đã khiến những cổ phiếu này bị thổi giá trong khi hoạt động kinh doanh của các công ty này yếu kém hoặc hoàn toàn không có. Đến đầu năm 2000, khi mức chênh lệch giữa giá trị thực và giá trị trên sàn chứng khoán ngày càng lớn thì hàng loạt những sự kiện sụp đổ của các công ty liên tục tiếp nối nhau tạo nên hiệu ứng Domino và cùng với đó là hàng tỷ USD của các nhà đầu tư bị cuốn trôi.

Khủng hoảng tài chính năm 2008

Khi nhắc đến các Black Swan chúng ta không thể nào bỏ qua ngân hàng Lehman Brother và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Gốc rễ của vấn đề này bắt nguồn từ thị trường tín dụng của Hoa Kỳ khi phản ứng dây chuyền bắt đầu từ việc thị trường bất động sản suy giảm. 

Lúc này, hàng triệu những khoản vay nợ dưới chuẩn đang tồn tại ở nhiều ngân hàng dưới hình thức vay mua nhà trả góp và được đảm bảo bằng chính tài sản đó. Chỉ từ việc giá nhà giảm khiến thanh khoản của các khoản vay mỏng đi theo thời gian, hàng loạt những hợp đồng vay liên tục bị thanh lý kéo theo đó là những thực thể tài chính liên tục rơi vào ngưỡng cửa phá sản. Và trong đó, ngân hàng Lehman Brother là gã khổng lồ nắm giữ các khoản nợ này nhiều nhất.

Đến khi Lehman Brothers phá sản, một hiệu ứng domino xảy ra do quan hệ tương quan con nợ - chủ nợ của các thực thể khiến cả thị trường tài chính tê liệt. Thậm chí, Chủ tịch Fed lúc đó là Tim Geither và Bộ trưởng Tài chính Hank Paulson đã nhờ đến sự giúp đỡ của Larry Fink (ông chủ của BlackRock) để cứu nguy cho ngành tài chính Hoa Kỳ.

Đại dịch COVID-19 năm 2020

Nhắc đến đại dịch COVID-19, ắt hẳn chúng ta sẽ không thể quên được một khoảng thời gian đen tối của nhân loại khi những tiếp xúc nhỏ nhất như nắm tay cũng có thể mang đến những hệ luỵ khôn lường. Và thị trường tài chính cũng nhạy cảm như thế, ngay từ đầu năm 2020, thị trường tài chính đã có một xuất phát điểm không mấy tương sáng vì những hậu quả của khủng hoảng trước đó. Đến tháng 2/2020, thị trường tiếp tục chuyển biến xấu đi vì dịch bệnh COVID-19 bùng phát và lan mạnh ở các nền kinh tế lớn.

Hậu quả của việc này đó chính là hàng loạt những ngành nghề không thuộc nhóm thiết yếu đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy vì các lệnh phong toả gây áp lực lớn lên các hoạt động sản xuất và thương mại. Xu hướng giảm này ảnh hưởng nặng đến mức Phố Wall phải dừng giao dịch đến 3 lần, điều rất ít xảy ra trước đó. 

Các Black Swan trong thị trường tiền mã hoá

Tháng 03/2020

Tiếp tục với dòng sự kiện ở trên, vào tháng 03/2020 khi cựu Tổng thống Donald Trump vẫn tỏ thái độ lạc quan về khả năng khống chế cũng như quy mô của dịch bệnh thì lúc này ở thị trường Châu Á, đặc biệt nhất là Trung Quốc, báo cáo theo ngày về số ca bệnh là hơn 1000 ca nhiễm. Thị trường chứng khoán cụ thể là các cổ phiếu của các công ty lớn liên tục lao dốc, kết thúc quý 1 năm 2020, chỉ số Dow Jones giảm 24,81%, chỉ số S&P 50 giảm 21,09% và Nasdaq giảm hơn 14,5%.

Thị trường chứng khoán Mỹ phiên giao dịch ngày 12/03/2020

Cũng tại thời điểm này, thị trường tiền mã hoá cũng có những phiên giảm mạnh mẽ, cụ thể nhất đó chính là Bitcoin với mức giảm gần 5.000 giá khiến thị trường rực máu chỉ trong một ngày.

Thị trường tiền mã hóa sáng ngày 13/03/2020

Tháng 05/2021

Ngày 19/05/2021 có thể được xem là một trong những ngày thứ tư đẫm máu nhất thị trường khi Bitcoin giảm từ mức hỗ trợ 40.000 USD xuống mức hơn 34.000 USD chỉ trong 24 giờ. Bên cạnh đó, USDT đồng stablecoin có thanh khoản lớn nhất thị trường cũng mất peg giảm về 0,84 USD. Hậu quả, hàng loạt lệnh future bị thanh lý tương đương 4,3 tỷ USD chỉ trong vòng 1h (18h – 19h giờ Việt Nam) và 8,94 tỷ USD trong 24h. 

Nguyên nhân của việc này đó chính là sắc lệnh cấm toàn bộ những công ty, tổ chức và thể chế tài chính cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiền mã hoá từ 3 hiệp hội tài chính Trung Quốc. Thêm vào đó, thông tin này được đưa ra chỉ 7 ngày sau khi Tesla tuyên bố sẽ ngừng chấp nhận việc thanh toán bằng tiền mã hoá. Kèm theo đó, những tin FUD của Binance và việc xả hàng các memecoin của Vitalik Buterin đã tạo nên một tâm lý thị trường tiêu cực, từ đó đẩy giá BTC rơi tự do.

Thị trường tiền mã hóa vào tối ngày 19/05/2021

Tại thời điểm đó, gần như mọi ngóc ngách của thị trường tiền mã hóa đều chịu tác động tiêu cực, tiêu biểu nhất có thể kế đến cho chính là hai trang kiểm tra giá là CoinGecko và CoinMarketCap liên tục ngừng hoạt động do người dùng liên tục kiểm tra giá. Những sàn giao dịch như Binance cũng phải tạm ngừng các giao dịch rút tiền vì nghẽn mạng.

Tháng 09/2021

Vào ngày 07/09/2021, ngay sau khi Bitcoin được công nhận làm tiền tệ hợp pháp tại El Salvador, vẫn nghĩ đây sẽ là một cột mốc đáng nhớ của đồng tiền mã hoá này nhưng đây có lẽ là một trong những sự kiện đáng quên nhất kể từ khi Bitcoin được giao dịch. Cụ thể, sau khi ghi nhận một mức điều chỉnh nhẹ từ 52,300 USD về 50,400 USD vào buổi chiều theo giờ Việt Nam thì chỉ vài tiếng sau đó, đồng coin này đã bất ngờ giảm hơn 7.000 giá về 43,000 USD (tương đương mức giảm 19,1%). Theo những thống kê vào thời điểm đó, gần 1,2 tỷ USD giá trị các lệnh giao dịch đã bị thanh lý trong đợt giảm này, chủ yếu tập trung tại các sàn giao dịch lớn.


Đồ thị nến 1H của cặp BTC/USDT trên Binance ngày 07/09/2021

Theo quan sát, tại thời điểm đó, không có một sự kiện nào quá lớn hoặc một tác nhân nào có thể ảnh hưởng đến giá của Bitcoin nên nguyên nhân duy nhất chỉ có thể đến từ các lệnh futures và margin với kích cỡ nhỏ đến trung bình bị thanh lý liên tục tạo nên hiệu ứng “hòn tuyết lăn". Trước thời điểm đó, thị trường đã có một đà tăng nhẹ khiến tâm lý nhà đầu tư lạc quan, từ đó giải thích cho một lượng lớn vị thế long với đòn bẩy lớn. Chính vì nguyên nhân này nên khi thị trường điều chỉnh, hàng loạt nhà đầu tư bị thanh lý lệnh, đẩy giá đi xuống.

Tháng 12/2021

Trưa ngày 04/12/2021 theo giờ Việt Nam, Bitcoin tiếp tục lao dốc từ ngưỡng hỗ trợ 50.000 USD về giá 42.000 USD tương đương 22% và 8.000 giá. Kéo theo đó, hơn 1,3 tỷ USD của các lệnh phái sinh đã bị thanh lý, hơn 50% trong số đó là Bitcoin và hầu hết đều là lệnh long.

Nguyên nhân của việc này phần lớn có thể đến từ việc hết động lực tăng do tin tức. Cụ thể, kể từ khi các quỹ ETF được niêm yết yết sàn chứng khoán Mỹ trong tháng 10 và sự kiện Bitcoin thực hiện thành công nâng cấp Taproot, Bitcoin đã hoàn toàn hết động lực cho đà tăng trưởng. Bên cạnh đó, động lực đi lên trước đó của Bitcoin phần nhiều đến từ tỷ lệ lạm phát chạm đỉnh 30 năm của Mỹ, khiến crypto trở thành tài sản thay thế tốt cho đồng USD đang mất giá.


Đồ thị 1H của cặp BTC/USDT trên sàn Binance vào lúc 12:30 PM ngày 04/12/2021

Tiếp theo đó, cũng vì biến chủng mới của COVID-19 mang tên Omicron đã khiến tâm lý dư luận tiêu cực từ đó các kênh trú ẩn tài sản như vàng được đặt lên trên tiền mã hóa cụ thể là Bitcoin. Theo những thông tin được truyền thông đưa ra vào thời điểm đó, Omicron có độc lực và khả năng lây nhiễm cao hơn các biến chủng khác, đe dọa mọi nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh từ trước đó.

Về phía các nhà hành pháp, để đối phó với các biến chủng mới, các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra các đề xuất nâng lãi suất sớm hơn kế hoạch duy trì chỉ số này mà Jerome Powell, Chủ tịch của FED đưa ra trước đó. Đây là một trong những động thái tránh né vết xe cũ mà đơn vị này đã mắc phải vào năm 2020 giữa tâm điểm của dịch bệnh.

Tháng 03/2023

Sáng ngày 11/03/2023, Circle, đơn vị phát hành USDC, đồng stablecoin lớn thứ 2 thế giới sau USDT đã lên tiếng thừa nhận về ảnh hưởng của vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank. Cụ thể, đơn vị này cho biết, Circle đã giữ khoảng 25% tiền mặt bảo chứng cho stablecoin USDC tại ngân hàng này. 

“Silicon Valley Bank là 1 trong 6 đối tác ngân hàng được Circle sử dụng để quản lý khoảng 25% lượng tiền mặt dùng làm dự trữ cho USDC. Trong lúc chúng tôi chờ để xem tác động của việc FDIC tiếp quản ngân hàng sẽ ảnh hưởng thế nào lên người gửi tiền, hoạt động của Circle và USDC vẫn tiếp nối bình thường.”

Cụ thể hơn, USDC đang được bảo chứng bởi 43,5 tỷ USD tài sản được nắm giữ bởi Circle và 11,1 tỷ USD là tiền mặt. Như vậy, có nghĩa số tiền mà Circle đang bị “đóng băng" tại Silicon Valley Bank là 1,7 tỷ USD. Tuy nhiên, mọi nỗ lực trấn an nhà đầu tư đều không mang lại hiệu quả khi hàng loạt nhà giao dịch tháo chạy khỏi stablecoin này. Theo dữ liệu từ Nansen, hơn 2,3 tỷ USD yêu cầu chuyển đổi tài sản từ USDC sang tiền mặt đã được Circle xử lý trong 24h. 


Biến động giá USDC/USDT trên sàn Coinbase vào 10:50 AM ngày 11/03/2023. Nguồn: TradingView

Không chỉ riêng Circle là đơn vị bị ảnh hưởng nặng nhất mà những đơn vị khác từ Defi đến Cefi cũng đều là nạn nhân của vụ việc này. Tiêu biểu nhất có thể kể đến đó chính là 3pool, pool thanh khoản stablecoin dồi dào nhất ngành DeFi được thành lập bởi Curve. Lý do đến từ việc pool này gồm 3 tài sản là USDT, USDCDAI, 2 trong số đó là USDC và USDT bị ảnh hưởng nặng nhất do nhà đầu tư ồ ạt swap từ USDC và USDT khiến tỷ lệ của USDT chỉ còn 3% trong pool, tỷ giá swap chỉ còn 0.97 USD và đẩy volume giao dịch trong ngày của 3pool lên 1,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, không chỉ USDT là nạn nhân mà DAI cũng là một trong những tài sản bị ảnh hưởng, trong 24h, lượng DAI được phát hành từ việc thế chấp USDC đã tăng lên hơn 700 triệu USD.

Binance cũng là đơn vị chịu ảnh hưởng nặng nhất từ việc này khi ông lớn ngành tiền mã hoá nắm giữ hơn 5 tỷ USD giá trị USDC. Theo sau đó là sàn Crypto.com với hơn 700 triệu USD và nhiều dự án khác như: Arbitrum, Polygon, Aave, Optimism, dYdXCompound, Uniswap, Curve, MakerDAO. Không những thế, stablecoin BUSD của Binance cũng chịu cảnh depeg theo USDC (0.9873 USD), thấp hơn cả mức giảm tại thời điểm BUSD dính vào các cáo buộc chứng khoán.

Cú sập của LUNA - UST

Khi nhắc đến LUNA-UST, ắt hẳn người đọc vẫn còn rùng mình với sự ảnh hưởng của nó đến với thị trường tiền mã hoá. Chỉ trong chưa đầy 1 tuần từ 08/05/2022 đến 14/05/2022, cơ nghiệp tỷ đô của Do Kwon sụp đổ để lại nhiều hệ luỵ và bản án cho những nhà sáng lập tham vọng. Thậm chí, sự ảnh hưởng của nó không chỉ dừng lại ở thị trường tiền mã hoá mà còn lan đến thị trường truyền thống. 

Ngày 05/05/2022, Luna Foundation Guard (LFG) mua thêm 1,5 tỷ USD Bitcoin để nâng bảo chứng cho UST lên gần 3,5 tỷ USD. Chỉ 3 ngày sau đó, nhờ vào thỏa thuận ngầm giữa Terra Form Labs và Jump Crypto mà đơn vị này đã bỏ ra một số tiền lớn để trợ giá cho UST vốn đã depeg lần đầu. Hai ngày sau đó, UST tiếp tục depeg lần 2 và LFG (Luna Foundation Guard) phải bán 1,2 tỷ USD BTC (trước đó đã bán 750 triệu USD BTC) để cứu giá.

Sáng ngày 11/05/2022, UST depeg lần 3, LUNA (token bảo chứng cho UST) giảm về 13 USD. Tối cùng ngày, UST depeg lần 4 và LUNA chia 19 lần về 0,68 USD. Một ngày sau đó, Terraform Labs tiếp tục công bố kế hoạch đốt 1,3 tỷ UST để cứu giá stablecoin này. Đến ngày 13/05/2022, nguồn cung của LUNA tăng từ 400 triệu lên 6,9 nghìn tỷ và UST depeg lần 5. Hai ngày sau đó, giá LUNA và UST giảm 99%, hệ sinh thái 60 tỷ USD sụp đổ hoàn toàn, chấm dứt một đế chế tỷ USD từng là niềm tự hào của giới tiền mã hoá Hàn Quốc.

Cú sập của FTX

Dưới thời của Sam Bankman-Fried (SBF), FTX lần lượt gặt hái những thành công nhất định và vươn vòi ra tất cả các lĩnh vực từ thể thao đến Esport và giải trí. Những cái tên đã từng có quan hệ với SBF và FTX có thể kể đến như: tuyển esports Team SoloMid (TSM), giải LMHT Bắc Mỹ (LCS), đội đua F1 Mercedes-AMG Petronas, giải đấu Super Bowl, đội bóng rổ NBA Miami Heat. Không chỉ dừng lại ở đó, SBF còn sử dụng sự khôn khéo trong giao tiếp của mình để đi đường vòng với các quan chức chính phủ thậm chí là chi đậm cho các cuộc bầu cử Mỹ. Đối với truyền thông, hình ảnh của SBF cũng tràn ngập với những mỹ từ miêu tả như tỷ phú của một thế hệ mới. 

Thế nhưng đến tháng 5/2022, thị trường rúng động với hơn 60 tỷ USD vì LUNA-UST gián tiếp kích hoạt hiệu ứng Domino. Lúc này, nhằm cứu lấy bản thân, SBF đã vung rất nhiều tiền để bảo vệ đế chế FTX cũng như Alameda Research - quỹ đầu tư crypto “chị em” của FTX. Tuy nhiên, đến tháng 06/2022, Alameda Research đã thực hiện một thương vụ mà sau này đã khiến SBF phải hối hận. Cụ thể, quỹ này đã cho Voyager vay 500 triệu USD, vô tình khiến Alameda Research rơi vào vòng xoáy nợ và đòn bẩy từ đó kích hoạt dây chuyền. Giữa lúc thị trường nhiễu nhương, các khách hàng của FTX muốn lấy lại số tiền họ đã cho vay và dĩ nhiên FTX lẫn Alameda Research không có tiền để hoàn trả do đã mang cho vay. 

Sau đó, nhằm cứu Alameda Research, FTX đã dùng tiền của khách hàng bảo lãnh cho Alameda Research bằng cách bòn rút tín dụng người dùng rồi in ra thêm FTT để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay mới. Nói theo cách dễ hiểu hơn đó chính là dùng tiền ảo đổi lấy tiền thật. Kết quả, do không lường trước được những chuyển biến của thị trường nên FTX đã gây ra thâm hụt lên đến gần 10 tỷ USD và số tiền sau khi sự việc ngã ngũ còn lớn hơn rất nhiều lần con số 10 tỷ USD nêu trên. Và những kẻ thủ ác đã phải nhận những hình phạt thích đáng lên đến trăm năm tù cho những sai phạm của mình.

Lò lửa Trung Đông

Khu vực Trung Đông từ lâu đã là điểm nóng của xung đột đặc biệt nhất là Iran và Israel, rạng sáng ngày 31/07/2024, thủ lĩnh lực lượng Hamas bị mưu sát ngay tại thủ đô của Iran. Điều này được xem là sự việc châm ngòi cho những hành động trừng phạt trong tương lai của Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei nhằm vào Israel. Đáp trả cho việc này, Thủ tướng Israel Netanyahu nói rằng sẽ trả đũa bất cứ hành động nào nhằm vào đất nước.

Thị trường tài chính đặc biệt là tiền mã hoá đã phản ứng mạnh đối với tin tức này, cụ thể, Bitcoin đã giảm gần 4% từ 66.500 USD sập sâu về 63.600 USD chỉ trong vài giờ đồng hồ.

Đồ thị 1h của cặp BTC/USDT trên sàn Binance vào 01:20 PM ngày 01/08/2024

Và cũng theo phản ứng tiêu cực của đồng coin vua, các altcoin lớn như ETH, SOL, AVAX hay ADA đều đồng loạt giảm. Kéo theo đó là hơn 185 triệu USD vị thế đòn bẩy bị thanh lý, đa phần là các vị thế long (95%).

Dữ liệu thanh lý trong 12 giờ gần nhất. Ảnh chụp màn hình CoinGlass vào 01:20 PM ngày 01/08/2024

Nỗi lo kinh tế suy thoái

Chỉ sau gần 48 giờ thông tin về điểm nóng chiến sự ở Trung Đông, thị trường tài chính gồm cả chứng khoán Mỹ và tiền mã hoá lại tiếp tục chứng kiến làn sóng bán tháo vì tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến. Cụ thể, tối ngày 02/08, số liệu về tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới được công bố với mức 4,3% cao hơn 0,2% so với dự đoán.

Tỷ lệ thất nghiệp cao không chỉ phản ánh độ sụt giảm của sức mua mà nó còn thể hiện một nền kinh tế có sức khoẻ kém. Chính vì lý do đó đã tạo ra tâm lý lo ngại trong giới đầu tư về một đợt suy thoái kinh tế. Trong phiên giao dịch ngày 02/08/2024, các chỉ số đầu tư lớn của Mỹ như S&P 500, Nasdaq và Dow Jones đều thể hiện hiệu suất tệ nhất trong những tháng trở lại đây. Tổng vốn hoá của thị trường chứng khoán Mỹ đã bốc hơi hơn 1,2 nghìn tỷ USD, trong khi đó, tại Nhật Bản, quốc gia này đã ghi nhận ngày giao dịch tệ nhất tính từ năm 1987.


Thị trường cổ phiếu ngày 02/08/2024

Đứng trước thông tin này, Bitcoin sau khi bị ảnh hưởng bởi thông tin xung đột Trung Đông đã tiếp tục giảm từ từ 65.000 USD về tận 60.500 USD, mức thấp nhất từ giữa tháng 7. Điều này tương đương mức giảm 13,5% trong vỏn vẹn 1 tuần, Ethereum cũng lao dốc hơn 7% giá trị, các altcoin khác cũng giảm từ 3%-15%.

Biến động các altcoin top đầu trong 24 giờ qua, ảnh chụp màn hình CryptoBubbles vào 09:25 AM ngày 03/08/2024

Tin đồn quỹ Jump bán tháo tài sản

Tối ngày 04/08/2024, trong tâm lý hoảng loạn của thị trường, giá các đồng tiền mã hoá lao dốc mạnh mẽ. Bitcoin mất hơn 12,8% giá trị (từ 61.000 USD về 52.300 USD), Ethereum giảm hơn 22% xuống 2.100 USD, giá thấp nhất tính từ đầu năm. Lý do cho việc này đó chính là những tin đồn xung quanh những động thái di chuyển tài sản của quỹ Jump Trading. Tính đến trưa ngày 05/08/2024, quỹ này đã unstake 315 triệu USD ETH và chuyển chúng lên các sàn CEX.

Nguồn: Arkham, 05/08/2024

Không dừng lại ở đó, Arthur Hayes, nhà đồng sáng lập BitMEX đã đăng tải trên X rằng một số mối quan hệ của ông ta ở thị trường thống cho biết hiện có một số cái tên khá lớn đang rơi vào tình hình khá căng thẳng và đang dump toàn bộ crypto. Cộng đồng dường như đã đoán ra cái tên đó rất có thể là Jump Trading.

Đến trưa ngày 05/08/2024, cả thị trường chứng kiến cú dump về 49.000 USD của Bitcoin, ngay sau đó hồi về mốc quanh 53.000 USD.

Đồ thị 1h của cặp BTC/USDT trên sàn Binance vào 04:00 PM ngày 05/08/2024

Sau BTC, ETH cũng chứng kiến mức giảm mạnh mẽ về mốc 2.100 USD trước khi hồi về quanh mốc 2.300 USD.

Đồ thị 1h của cặp ETH/USDT trên sàn Binance vào 04:00 PM ngày 05/08/2024

Không chỉ dừng lại ở đó, 90% lệnh long trên thị trường cũng đã bị thanh lý tương đương hơn 1 tỷ USD trong 24 giờ. Các lệnh on-chain, mức thanh lý trên các giao thức phi tập trung cũng lên đến 350 triệu USD, mức cao nhất tính từ đầu năm nay. Nguyên nhân của việc này được cho là vì mức giảm của Ethereum đã khiến tài sản thế chấp ETH phải chịu gánh nặng thanh lý lớn (216 triệu USD).

Tổng kết

Bên trên là những thông tin về Black Swan và những ví dụ cụ thể trong thị trường tài chính truyền thống và tiền mã hoá. Thông qua bài viết, hy vọng oin68 đã mang đến cho người đọc những góc nhìn tổng quan nhất về khái niệm này. Black Swan tuy là hiện tượng không ai muốn nó xảy ra những nó là điều buộc phải diễn ra để thị trường tài chính có những nhịp lắng lại và kiểm tra lòng tham của mình.

-05/08/2024
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68