Ethereum là dự án có mức vốn hoá lớn thứ 2 trong thị trường crypto, chỉ đứng sau Bitcoin. Vậy dự án này đã hình thành và phát triển như thế nào, các bạn hãy cùng Coin68 tìm hiểu thông qua bài viết này nhé!
Ethereum là gì? Tìm hiểu về Ethereum và ETH coin
Ethereum (ETH) là gì?
Ethereum là một nền tảng blockchain Layer 1 mã nguồn mở và phi tập trung cho phép khởi chạy hợp đồng thông minh.
Mạng lưới blockchain của Ethereum là hệ thống máy tính với hàng trăm nghìn thiết bị được kết nối trên toàn cầu hoạt động để duy trì trạng thái điện toán của nó.
Ethereum (ETH) là gì?
Thay vì sử dụng một hệ thống máy chủ lớn như Google (một hệ thống tập trung), Ethereum cho phép các ứng dụng chạy trên mạng lưới các máy tính cá nhân (một hệ thống phi tập trung). Các nhà mạng và máy chủ được thay thế bởi một mạng lưới bao gồm nhiều máy tính cá nhân nhỏ từ những người dùng trên toàn thế giới.
Ethereum cho phép các nhà phát triển xây dựng và chạy nhiều loại ứng dụng phi tập trung khác như game, cơ sở dữ liệu, DeFi mà không yêu cầu một ngân hàng hoặc bất kỳ tổ chức trung gian nào.
Lược sử hình thành Ethereum
Vào tháng 11/2013, Vitalik Buterin lần đầu tiên công bố Whitepaper giải thích khái niệm về Ethereum. Sau đó dự án này tiếp tục thu hút được những thành viên nổi bật như Gavin Wood, Charles Hoskinson, Amir Chetrit, Anthony Di Iorio, Jeffrey Wilcke, Joseph Lubin và Mihai Alisie.
Ethereum bắt đầu nhận được sự chú ý từ cộng đồng crypto vào năm 2014 khi Buterin giới thiệu về dự án trong một hội nghị Bitcoin tại Miami, Florida. Dự án này sau đó huy động vốn thông qua một đợt ICO vào tháng 9 cùng năm và đã thu được hàng triệu USD để phát triển dự án.
Vào tháng 7/2015, Ethereum phát hành phiên bản beta và cho phép người dùng triển khai các ứng dụng phi tập trung dựa trên Hợp đồng thông minh (smart contract).
Vào tháng 9/2022, Ethereum chính thức chuyển sang sử dụng cơ chế đồng thuận Proof-of-Stake thông qua cập nhật “The Merge”.
Ethereum và sự kiện The DAO Hack
The DAO là một tổ chức tự trị phi tập trung được ra đời trên Ethereum vào tháng 5/2016. Sau hơn một tháng kêu gọi đầu tư, tổ chức này đã nhanh chóng thu về một số tiền khá lớn lên đến 162 triệu USD. Hệ thống vận hành của tổ chức này cung cấp thêm tính năng chia nhỏ DAO thành các Child DAO đề tìm kiếm những thành viên có cùng mục tiêu đầu tư.
Vào ngày 12/6/2016, Stephan Tual, một trong những nhà phát triển The DAO, đã phát hiện ra lỗi trong hợp đồng thông minh nhưng cũng khẳng định nó “không gây nguy hại cho quỹ DAO”.
Tuy nhiên, trong khi đội ngũ phát triển đang tìm cách sửa lỗi, một hacker bắt đầu khai thác lỗ hổng này. Ngày 18/06/2016, kẻ tấn công đã rút được hơn 3,6 triệu Ether (tương đương 70 triệu USD thời điểm đó) tới một tài khoản con của DAO gọi là “DAO child”. Trước sự bất lực của đội ngũ lập trình viên, giá Ether giảm từ 20 USD xuống dưới 13 USD.
Soft Fork
Trong tình cảnh đó, đề xuất Soft Fork đã được thông qua để ngăn chặn hacker rút tiền ra khỏi quỹ của The DAO.
Hard Fork
Ngay sau Soft Fork, giải pháp Hard Fork đã được đề xuất nhằm hoàn trả lại toàn bộ số ETH cho các nhà đầu tư. Giải pháp Hard Fork sẽ chuyển toàn bộ số ETH bị đánh cắp và ETH còn sót lại trong quỹ DAO tới tài khoản mang tên “Refund DAO”. Phần lớn chủ sở hữu ETH đã đồng thuận với để xuất này và nó được đưa vào khối thứ 1920000 vào ngày 20/7/2016. Sau đề xuất này, mạng Ethereum bị chia thành Ethereum và Ethereum Classic.
Các tổ chức quản lý Ethereum
Đây là các tổ chức có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy toàn bộ hệ sinh thái của Ethereum phát triển. Một số các tổ chức sau:
-
Ethereum Foundation (EF) là một tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ Ethereum và các công nghệ liên quan ra đời từ năm 2014 có trụ sở tại Thụy Sĩ. Sứ mệnh của EF là làm những gì tốt nhất cho sự thành công lâu dài của Ethereum. Phân bổ nguồn lực cho các dự án quan trọng, trở thành một tiếng nói có giá trị trong hệ sinh thái Ethereum và ủng hộ Ethereum với thế giới bên ngoài.
-
Enterprise Ethereum Alliance (EEA) là một tổ chức toàn cầu tập trung vào việc thúc đẩy việc áp dụng công nghệ blockchain dựa trên Ethereum cho doanh nghiệp. Được thành lập để thu hẹp khoảng cách giữa các đổi mới blockchain và các ứng dụng kinh doanh thực tế, EEA tập hợp một nhóm đa dạng các công ty, tổ chức và nhà phát triển. Mục tiêu chính của nó là tạo ra một hệ sinh thái mạnh mẽ, thúc đẩy sự hợp tác, thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật và phát triển các giải pháp phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.
-
Consensys là một công ty công nghệ phần mềm blockchain được thành lập bởi Joseph Lubin với trụ sở chính tại Brooklyn, New York. Consensys là đơn vị phát triển các sản phẩm như MetaMask, Infura, Linea, ...
Cấu trúc các lớp DeFi trên Ethereum
Các bạn có thể tham khảo hình dưới đây để có cái nhìn tổng quan về các lớp kiến trúc DeFi trên Ethereum.
-
Settlement layer (Lớp 1) bao gồm chuỗi khối và tài sản giao thức gốc của nó (ví dụ: Bitcoin (BTC) trên chuỗi khối Bitcoin và ETH trên chuỗi khối Ethereum). Nó cho phép mạng lưu trữ thông tin về quyền sở hữu một cách an toàn và đảm bảo rằng mọi thay đổi trạng thái đều tuân theo bộ quy tắc của nó. Blockchain có thể được coi là nền tảng cho việc thực thi không tin cậy và đóng vai trò như một lớp dàn xếp và giải quyết tranh chấp.
-
Asset Layer (Lớp 2) bao gồm tất cả các tài sản được phát hành trên lớp thanh toán như tài sản giao thức gốc, tài sản bổ sung được phát hành trên blockchain (thường được gọi là token).
-
Protocol layer (Lớp 3) cung cấp các tiêu chuẩn cho các trường hợp sử dụng cụ thể như trao đổi phi tập trung, thị trường nợ, phái sinh và quản lý tài sản trên chuỗi. Các tiêu chuẩn này thường được triển khai dưới dạng một tập hợp các hợp đồng thông minh và có thể được truy cập bởi bất kỳ người dùng nào (hoặc dApp). Do đó, các giao thức này có khả năng tương tác cao.
-
Application Layer (Lớp 4) tạo ra các ứng dụng hướng đến người dùng kết nối với các giao thức riêng lẻ. Tương tác hợp đồng thông minh thường được rút gọn bởi giao diện người dùng dựa trên trình duyệt web, làm cho các giao thức dễ sử dụng hơn.
-
Aggregation Layer (Lớp 5) là phần mở rộng của lớp ứng dụng. Nó bao gồm các nền tảng lấy người dùng làm trung tâm, thường cung cấp các công cụ để so sánh và xếp hạng các dịch vụ, cho phép người dùng thực hiện các tác vụ phức tạp.
Hệ sinh thái Ethereum
Ethereum là dự án có hệ sinh thái blockchain phát triển mạnh mẽ nhất với hàng loạt các dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Các dự án nổi bật trong hệ sinh thái Ethereum:
Ethereum 2.0 là gì và tương lai của nó
Ethereum 2.0
Ethereum 2.0 là các giải pháp cải tiến như mở rộng kích thước khối, thay đổi cơ chế đồng thuận, ... đang được tiến hành để nâng cấp cho Ethereum.
Ethereum 2.0 (còn được gọi là Serenity) được thiết kế để ra mắt theo ba giai đoạn:
-
“Giai đoạn 0” được khởi chạy vào ngày 1/12/2020 và tạo ra Beacon Chain, một blockchain bằng chứng cổ phần (PoS) sẽ hoạt động như trung tâm điều phối và đồng thuận trung tâm của Ethereum 2.0
-
“Giai đoạn 1” sẽ tạo chuỗi mảnh và kết nối chúng với Beacon Chain.
-
“Giai đoạn 2” sẽ triển khai thực thi trạng thái trong các chuỗi phân đoạn với chuỗi Ethereum 1.0.
Lộ trình tiến tới Ethereum 2.0
Hiện tại, The Merge (hợp nhất) đã được triển khai thành công trên mạng Ethereum.
Sau The Merge, đội ngũ phát triển Ethereum sẽ tiếp tục phát triển để hoàn thành các cập nhật:
-
The Surge: gia tăng khả năng mở rộng của Ethereum thông qua sharding.
-
The Verge: cho phép người dùng xác thực block trên Ethereum hoặc thậm chí trở thành validator mà không cần tới thiết bị lưu trữ dữ liệu quá đồ sộ với hàng trăm GB.
-
The Purge: giảm thiểu lượng dữ liệu cần phải lưu trữ, đặc biệt là dữ liệu trên blockchain PoW cũ.
-
The Splurge: tiến hành một vài tính năng bổ trợ khác cho Ethereum như Account Abstraction hoặc biện pháp giảm thiểu MEV…
Mô hình kinh tế của Ethereum khi sử dụng cơ chế đồng thuận Proof of Stake
Sự chuyển đổi cơ chế đồng thuận từ Proof of Work sang Proof of Stake sẽ dẫn đến sự thay đổi mô hình kinh tế của mạng Ethereum.
Staker
Theo cơ chế Ethereum PoS, các staker sẽ nhận được hai loại phần thưởng để giúp bảo mật mạng:
-
Phát hành ETH mới: Các staker sẽ nhận được phần thưởng khối tượng tự như các miner khi Ethereum triển khai PoS. Tuy nhiên, không giống như trước đây khi trợ cấp khối là không thay đổi, số lượng token mới được phát hành sẽ phụ thuộc vào số lượng ETH được stake trong hệ sinh thái. Việc phát hành tổng thể sẽ cao hơn khi có nhiều ETH được stake hơn. Bảng dưới đây cho thấy rằng ngay cả khi 100 triệu coin được stake, lượng phát hành mới sẽ dưới 2% (tỷ lệ phát hành).
-
Phần thưởng hoa hồng: staker cũng sẽ nhận được phí ưu tiên, số tiền này sẽ thay đổi tùy thuộc vào trạng thái của mạng.
Kết quả là những người nắm giữ Ethereum có thể kiếm được lợi nhuận tiềm năng từ 8-10% hoặc thậm chí cao hơn từ phần thưởng ETH mà họ nhận được tùy thuộc vào:
-
Số lượng ETH được stake.
-
Phần thưởng phụ thuộc vào khối lượng giao dịch và tình trạng tắc nghẽn.
User (Người dùng)
Người dùng sẽ vẫn phải chịu phí giao dịch, bao gồm hai phần:
-
Phí cơ sở bị đốt và làm giảm tổng nguồn cung Ethereum
-
Phí hoa hồng để các staker ưu tiên xác thực giao dịch của người dùng trước.
Theo thời gian, phí gas dự kiến sẽ giảm đáng kể khi triển khai sharding, điều này làm tăng lưu lượng của mạng và cho phép mạng xử lý được số lượng giao dịch lên đến 100 nghìn giao dịch mỗi giây.
Các nền tảng hỗ trợ staking ETH 2.0
ETH 2.0 Launchpad
Người dùng có thể staking ETH để khởi chạy một node mạng và trở thành người xác thực bằng cách sử dụng ETH 2.0. Launchpad. Yêu cầu đầu vào tối thiểu để chạy một node là 32 ETH để kích hoạt phần mềm xác thực. Đổi lại cho việc lưu trữ dữ liệu, xử lý giao dịch và thêm các khối mới vào Ethereum blockchain, người xác thực sẽ kiếm được phần thưởng staking ETH thụ động.
Các sàn giao dịch hỗ trợ
Người dùng có thể sử dụng dịch vụ của các sàn giao dịch nếu sở hữu dưới 32 ETH. Các sàn giao dịch hỗ trợ Staking ETH2.0 gồm có:
-
Binance
-
Huobi Global
-
OKX
-
Coinbase
-
Bitfinex
-
Kraken
Các nền tảng Liquid Staking
Ngoài các giải pháp trên, người dùng còn có thể stake ETH thông qua các nền tảng Liquid Staking như: Lido, Rocket Pool, Frax Finance, Stader, StakeStone,...
Tiêu chuẩn token Ethereum (Ethereum Token Standard)
ERC (Ethereum Request for Comments) là các bộ quy tắc cần thiết để triển khai token trên mạng lưới của Ethereum. Đây là ký hiệu thể hiện các tiêu chuẩn triển khai hợp đồng thông minh trên Ethereum.
ERC-20
ERC-20 là bộ danh sách các quy tắc của hợp đồng thông minh, được biểu thị dưới một dạng mã gồm 24 ký tự. ERC-20 được sử dụng để phát hành các token trên nền tảng Ethereum, Vitalik Buterin đề xuất tiêu chuẩn này lần đầu tiên vào tháng 06/2015.
Hợp đồng thông minh ERC-20 cho phép nhà lập trình tạo/phát hành token trên nền tảng Ethereum. Được gọi là fungible token. Chính tiêu chuẩn này đã trở thành một cuộc cách mạng, cho đợt ICO phát hành token trên nền tảng Ethereum năm 2017.
Bộ quy tắc của ERC-20 là bộ danh sách tiêu chuẩn với 6 quy định bắt buộc và 3 quy định không bắt buộc.
Tổng có 6 quy tắc bắt buộc như sau:
- Total supply: Tổng số mã token được phát hành.
-
Balance of: Kiểm tra số dư token trong mỗi ví Ethereum.
-
Transfer: Chắc năng thực hiện chuyển số dư từ ví người này sang người kia.
-
Transfer from: Tính năng thể hiện số dư được chuyển đi từ một vín nào đó.
-
Approve: Tính năng cho phép hợp đồng thông minh truy cập số dư token nhất định có trong ví, kiểm tra số dư, xác nhận khả dụng và ủy quyền giao dịch.
-
Allowance: Kiểm tra số dư token nhằm biết địa chỉ ví có đủ token để chuyển hay không.
Còn lại 3 quy tắc có thể có hoặc không:
-
Token Name: Tên token.
-
Symbol: Mã token.
-
Decimal (up to 18): Số thập phân nhỏ nhất.
Để kiểm tra thông tin bất kỳ Contract, bạn có thể truy cập vào Etherscan, tìm mã token mà mình muốn xem.
ERC-721
ERC-721 là bộ tiêu chuẩn dành cho việc phát hành các Non-Fungible Token (NFT) trên nền tảng của Ethereum, được William Entriken, Dieter Shirley, Jacob Evans và Nastassia Sachs đề xuất vào tháng 01/2018.
ERC-1155
ERC-1155 là tiêu chuẩn dành cho nhiều loại token gồm Non-Fungible Token và Fungible Token.
Nó là sự kết hợp giữa tiêu chuẩn ERC-20 và ERC-721.
Tiêu chuẩn ERC-1155 do CTO của dự án Enjin Coin đề xuất lên cộng đồng Ethereum vào tháng 06/2018.
ERC-777
Tiêu chuẩn ERC 777 là một tiêu chuẩn cải thiện các vấn đề của ERC 20 gặp phải và nó đang được kỳ vọng sẽ soán ngôi của ERC 20 bởi tính ưu việt của nó.
ERC-4626
Chuẩn token mới này sẽ theo dõi 2 thành phần:
-
Tài sản: Đây là token ERC-20 người dùng nạp vào pool.
-
Share: Tỷ trọng tài sản của người dùng trong pool đó.
Khi cầm ERC-4626 đi thế chấp, người dùng có thể yên tâm là tỷ trọng tài sản mình nắm trong pool luôn được theo dõi.
ERC-827
ERC-827 là một tiêu chuẩn token được đề xuất cho blockchain Ethereum, mở rộng chức năng của tiêu chuẩn ERC-20 bằng cách thêm hỗ trợ cho dữ liệu giao dịch bổ sung. Nó được đề xuất bởi Jacques Dafflon, Thomas Shababi và Jordi Baylina vào năm 2018 như một cải tiến so với các tiêu chuẩn token hiện có.
Một trong những lợi thế chính của ERC-827 là nó cho phép các giao dịch phức tạp hơn liên quan đến việc chuyển token và dữ liệu bổ sung. Với ERC-20, các giao dịch chỉ giới hạn ở việc chuyển token. Tuy nhiên, ERC-827 bao gồm các trường dữ liệu bổ sung có thể được sử dụng để chỉ định thông tin bổ sung về giao dịch, chẳng hạn như số tham chiếu hoặc ID hóa đơn. Điều này giúp dễ dàng tích hợp token vào các hệ thống và ứng dụng tài chính hiện có.
ERC-827 cũng hỗ trợ cho hàm "approveAndCall", cho phép người nắm giữ token phê duyệt việc chuyển token và kích hoạt lệnh gọi hàm trong một giao dịch duy nhất. Điều này có thể tạo các hợp đồng thông minh và dApp phức tạp hơn yêu cầu nhiều hành động được thực hiện trong một giao dịch duy nhất.
ERC-884
ERC-884 là một tiêu chuẩn token được đề xuất cho blockchain Ethereum, mở rộng chức năng của các tiêu chuẩn ERC-20 và ERC-721 bằng cách thêm hỗ trợ cho quyền sở hữu phân đoạn tài sản. Nó được đề xuất bởi William Entriken và Robert A. Habermeier vào năm 2018 như một cải tiến so với các tiêu chuẩn token hiện có.
Một trong những lợi thế chính của ERC-884 là nó cho phép chia nhỏ quyền sở hữu của các tài sản trong thế giới thực, chẳng hạn như bất động sản hoặc hàng hóa, được thể hiện trên blockchain. Điều này có thể cho phép tạo ra các loại hình sản phẩm tài chính và cơ hội đầu tư mới, cũng như cung cấp sự minh bạch và tính thanh khoản cao hơn cho quyền sở hữu tài sản.
ERC-865
ERC-865 là một tiêu chuẩn token được đề xuất cho blockchain Ethereum nhằm mục đích cải thiện trải nghiệm người dùng và giảm chi phí giao dịch liên quan đến việc chuyển token. Nó được đề xuất bởi Fabian Vogelsteller vào năm 2018 như một cải tiến so với các tiêu chuẩn token hiện có.
Một trong những lợi thế chính của ERC-865 là nó cho phép các giao dịch token được thanh toán bởi một người khác ngoài người gửi. Điều này có nghĩa là người dùng có thể gửi token mà không phải tự trả phí gas.
Ethereum ETF
Các bạn có thể tham khảo bài viết về Ethereum ETF của Coin68 tại đây.
Thông tin cơ bản về ETH token
Token Name |
Ethereum |
Ticker |
ETH |
Blockchain |
Ethereum |
Token Standard |
- |
Token Type |
Utility |
Total Supply |
Không giới hạn |
Circulating Supply |
120.375.253,29 |
Token Allocation
Ethereum có tổng nguồn cung tại thời điểm khởi tạo là 75 triệu ETH. Trong dó 72 triệu ETH được bán trong đợt ICO năm 2015. Giá ICO là 1 ETH = 0.311 USD
-
Genesis: Khối ban đầu (60 triệu USD trong đợt Crowdsale và 12 triệu USD trong một đợt huy đông vốn khác) là 72.009.990,50 Ether
-
Block Rewards: Số phần thưởng khối đã khai thác là 47.223.894,59 Ether
-
Uncle Rewards: Số phần thưởng khối không phân phối là 3.139.986,13 Ether
-
Eth2 Staking Rewards: Phần thưởng Staking ETH2.0 là 2.398.882,80 Ether
-
Số Ether bị đốt do đề xuất EIP-1559: 4.397.500,73 ETH
-
Tổng nguồn cung hiện tại: 120.375.253,29 Ether
ETH token dùng để làm gì?
- Thanh toán phí gas trên mạng Ethereum.
- Staking để trở thành người xác nhận giao dịch trong mạng lưới.
- Trả phí ưu tiên để được xác thực giao dịch trước.
Ví lưu trữ ETH token
ETH là một token ERC20 nên các bạn sẽ có khá nhiều lựa chọn ví để lưu trữ token này. Các bạn có thể chọn các loại ví sau:
-
Ví sàn
-
Các ví ETH thông dụng: MetaMask, Rabby Wallet, Trust Wallet
-
Ví lạnh: Ledger, Trezor
Mua bán ETH token ở đâu?
Hiện tại, ETH được giao dịch tại nhiều sàn giao dịch khác nhau với tổng volume giao dịch mỗi ngày khoảng 12,8 triệu USD. Các sàn giao dịch niêm yết token này bao gồm: Binance, Coinbase, HTX, OKX, Kraken, Kucoin, Bitfinex, ...
Đội ngũ sáng lập
Vitalik Buterin
Vitalik Buterin, một lập trình viên người Canada gốc Nga, lần đầu tiên nghe nói về Bitcoin từ cha mình vào năm 2011. Khi đó anh mới 17 tuổi và đã coi thường ý tưởng về Bitcoin do nó thiếu giá trị nội tại. Tuy nhiên, những lần tiếp xúc sau với Bitcoin đã mang lại cho Buterin một cái nhìn khác.
Vào thời điểm đó, Buterin thiếu nguồn tài chính và máy tính để khai thác hoặc mua Bitcoin. Vì vậy, anh ấy đã chọn làm việc và nhận lương bằng Bitcoin. Anh ấy đã được trả 5 BTC cho mỗi bài biết trên các diễn đàn Bitcoin trực tuyến.
Sau đó, anh ấy đã nảy ra ý tưởng về Ethereum khi hợp tác với Mihai Alisie, một người đam mê Bitcoin và là đồng sáng lập Tạp chí Bitcoin vào cuối năm 2011. Buterin đã xuất bản Whitepaper của Ethereum vào tháng 11/2013 và nó đã gây được tiếng vang với rất nhiều người ủng hộ Bitcoin. Một số người được truyền cảm hứng từ phong trào này đã tham gia cùng Buterin với tư cách là thành viên của nhóm sáng lập Ethereum. Ngày nay, có tám cá nhân được chính thức công nhận là người đồng sáng lập Ethereum.
Mihai Alisie
Alisie là thành viên trong nhóm sáng lập Ethereum. Anh là người thành lập Ethereum Foundation ở Thụy Sĩ và thiết lập một khuôn khổ pháp lý cho đợt Presale Ether. Vào năm 2015, Alisie bắt đầu dự án dựa trên Ethereum của riêng mình mang tên Akasha.
Anthony Di Iorio
Anthony Di Iorio là một trong những nhà tài trợ tài chính cho công ty khởi nghiệp Ethereum. Anh ấy đã quyết định lùi về phía sau để đóng vai trò hỗ trợ khi team quyết định chọn nguyên tắc kinh doanh phi lợi nhuận. Sau đó, Di Iorio đảm nhận vai trò giám đốc kỹ thuật của Sở giao dịch chứng khoán Toronto trong một thời gian ngắn trước khi thành lập Decentral, công ty phát triển ví kỹ thuật số Jaxx.
Amir Chetrit
Amir Chetrit có mối quan hệ công việc với Buterin trong thời gian làm việc tại Colored Coins. Buterin đề nghị Chetrit tham gia nhóm sáng lập vào tháng 12 năm 2013. Tuy nhiên, tại một cuộc họp đồng sáng lập vào tháng 6 năm 2014, Chetrit đã đồng ý từ chức trong khi vẫn giữ vị trí đồng sáng lập của mình.
Charles Hoskinson
Charles Hoskinson sinh ngày 5 tháng 11 năm 1987 tại Honolulu (Hawaii, Mỹ). Ông tốt nghiệp cử nhân toán học tại Đại học Colorado Boulder. Sau đó, ông tiếp tục học và lấy bằng cao học về khoa học máy tính tại Đại học Arizona. Năm 2013, khi đang làm việc tại một công ty công nghệ ở Boston, cơ may đã giúp ông gặp gỡ những Vitalik Buterin, Gavin Wood và Joseph Lubin để cùng nhau họ đã tạo nên Ethereum.
Vào thời điểm được tạo ra, blockchain Ethereum mang cơ chế đồng thuận Proof of Work, cho phép các developer phát triển, xây dựng những ứng dụng theo ý muốn. Thế nhưng, cuộc vui nào rồi cũng phải tàn, chỉ 2 năm sau, Charles Hoskinson đã rời khỏi Ethereum Foundation do những bất đồng quan điểm với Vitalik trong việc phát triển.
Cùng năm, sau khi rời Ethereum, Hoskinson thành lập Cardano sử dụng cơ chế đồng thuận Proof of Stake hoàn toàn ngược lại với blockchain Ethereum vào thời điểm ấy. Hoskinson tin rằng Cardano là một nền tảng blockchain tiên tiến hơn Ethereum và có tiềm năng trở thành nền tảng blockchain hàng đầu thế giới.
Gavin Wood
Gavin Wood là một trong những người đóng góp cốt lõi trong giai đoạn phát triển ban đầu của Ethereum. Wood đã tạo ra mạng thử nghiệm đầu tiên và xuất bản Yellow Paper cho Ethereum.
Wood cũng là người tạo ra Solidity, ngôn ngữ lập trình dành riêng cho việc xây dựng ứng dụng trên blockchain Ethereum. Ngoài ra, ông còn là người đứng sau Parity Technologies, đơn vị phát triển nên những dự án lớn khác như Polkadot, Kusama.
Jeffrey Wilcke
Jeffrey Wilcke là một nhà phát triển phần mềm blockchain. Wilcke được biết đến nhiều nhất với tư cách là một trong những người đồng sáng lập Ethereum, một nền tảng phi tập trung cho phép tạo ra các ứng dụng phi tập trung (dApp).
Wilcke đã tham gia vào việc phát triển Ethereum từ những ngày đầu và là người có công trong sự phát triển và thành công của nó.
Joseph Lubin
Joseph Lubin là một trong những nhân tố chủ chốt đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu phát triển của Ethereum cùng với Vitalik Buterin vào năm 2014. Sau đó, Lubin đã chuyển hướng sang phát triển Consensys, một vườn ươm cho các công ty khởi nghiệp blockchain muốn sử dụng hệ sinh thái Ethereum.
Tổng kết
Ethereum là mạng blockchain phi tập trung được thành lập vào năm 2014 bởi Vitalik Buterin. Hiện tại, Ethereum là dự án tiền mã hoá có mức vốn hoá thị trường đứng thứ 2 chỉ sau Bitcoin trên thị trường crypto.
Lưu ý: Thông qua bài viết này chắc các bạn đã phần nào nắm được những thông tin cơ bản về dự án để tự đưa ra quyết định đầu tư cho riêng mình. Coin68 không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định đầu tư nào của các bạn.