Không hẹn mà gặp, hàng loạt dự án tiềm năng lẫn kém tiếng tăm đều chọn quý 2/2024 làm thời điểm ra mắt token và airdrop cho người dùng. Cơn sóng airdrop quay trở lại kéo phăng mọi sự chú ý của cộng đồng, làm lu mờ cả những sự kiện vốn chừng rất quan trọng như Bitcoin Halving hay ETF Ethereum.
Tổng hợp những sự kiện nổi bật trong quý 2/2024
Tháng 4
Drama "căng đét" giữa marginfi và SolBlaze
Mở màn quý 2 là màn "đấu tố lẫn nhau" giữa hai nền tảng marginfi và SolBlaze thuộc hệ sinh thái Solana. Ngày 10/04, SolBlaze cáo buộc đội ngũ giao thức lending marginfi có những hành vi "ăn chặn" tiền của người dùng, mà giữ trong ví multisig của dự án.
SolBlaze liên lạc marginfi để tìm hiểu nguyên nhân tại sao nhưng không nhận được hồi âm. Vì vậy họ tuyên bố không tiếp tục trả thưởng farming token BLZE cho người dùng đã stake bSOL và BLZE trên nền tảng marginfi nữa.
Cộng đồng rất phẫn nộ với các cáo buộc trên, sau đó vài tiếng nhà sáng lập marginfi thông báo từ chức. Nhưng người này tiếp tục ăn miếng trả miếng với bình luận từ người dùng, thậm chí còn "đe dọa" rằng dự án sẽ không airdrop token nữa.
Sau khi bị công kích từ phía SolBlaze, đội ngũ marginfi cũng đứng ra giải thích. Họ đính chính vì tình trạng Solana bị tắt nghẽn trong thời gian qua, nên dự án ưu tiên sự an toàn của người dùng, tạm thời chưa mở cổng claim và đợi đến khi chain hoạt động ổn định trở lại. Họ còn cho biết sẽ trả thêm cho người dùng vì sự cố này, lấy từ "tiền túi" của dự án. Chứ không hề có vụ "ăn chặn" tiền như SolBlaze cáo buộc.
Tiếp sau đó thì 2 dự án đã được tiếng nói chung, bắt tay hòa giải. Tuy vậy marginfi đã bị tổn thất không hề nhẹ trong câu chuyện này. Outflow trong ngày xấp xỉ 80 triệu USD, ghi nhận con số kỷ lục. TVL của giao thức cũng giảm 18% trong khung 24 giờ.
"Ngư ông đắc lợi" trong câu chuyện này là đối thủ Solend của marginfi khi chứng kiến dòng inflow tăng mạnh. Giá token SLND cũng được dịp tăng giá.
Binance chuyển đổi toàn bộ tài sản trong quỹ SAFU về USDC
Nhằm ứng phó với tình hình biến động của thị trường crypto, Binance thông báo chuyển đổi 100% tài sản trong quỹ bảo hộ người dùng SAFU sang stablecoin USDC vào ngày 18/04.
Theo các giao dịch bằng chứng được Binance cung cấp, sàn đã chuyển đến gần 1 tỷ USD Bitcoin và 722 triệu USD BNB khỏi địa chỉ lưu trữ, sau đó chỉ gửi lại 800 triệu USDC vào địa chỉ quỹ bảo hiểm.
#Binance has completed the swap of all #BTC and #BNB SAFU assets to $USDC - TXIDs can be found below.
— Binance (@binance) April 18, 2024
799,999,990 USDC into SAFU:https://t.co/6UrHo0eX23
BTC from SAFU back into .com deposit address: https://t.co/lWzcuEJi6t
BNB from SAFU back into .com deposit address:…
Do đó, có thể thấy Binance đã lời đến hơn 900 triệu USD nhờ việc nắm giữ BTC và BNB trong quỹ SAFU kể từ tháng 02/2022. Sàn không nói rõ là sẽ sử dụng số tiền dôi ra cho mục đích gì, mà chỉ tuyên bố là sẽ tiếp tục duy trì giá trị quỹ SAFU ở mức 1 tỷ USD.
Bitcoin Halving lần 4 thành công
Sự kiện Bitcoin Halving lần 4 cuối cùng cũng đã hoàn thành vào ngày 20/04. Phần thưởng block dành cho thợ đào đã chính thức giảm từ 6,25 BTC xuống còn 3,125 BTC/block.
Dù phần thưởng trong block này đã bị chia nửa từ 6,25 BTC về chỉ còn 3,125 BTC, thế nhưng block 840.000 vẫn ghi nhận số tiền phí trả cho thợ đào lên đến hơn 37 BTC, trị giá hơn 2,4 triệu USD, cho thấy một phần không nhỏ cộng đồng muốn giao dịch của họ được đính kèm trong block mang tính lịch sử này, cũng như là để kịp "bắt trend" Runes Protocol.
Cơn sốt Runes Protocol
Sau Bitcoin Halving, những tưởng thu nhập của thợ đào sẽ bị giảm mạnh nhưng trái lại thợ đào Bitcoin "hốt bạc" từ phí giao dịch BTC nhờ cơn sốt Runes.
Không những đẩy phí gas tăng cao, số lượng giao dịch Runes thống trị mạng Bitcoin, áp đảo hoàn toàn BRC-20 và Ordinals. Bên cạnh đó nhu cầu mở rộng Bitcoin cũng làm cộng đồng chú ý vào các dự án Bitcoin Layer-2 như STX, SAVM, MERL,...
Tuy vậy, trào lưu đến nhanh cũng tàn nhanh. Chỉ 1 tháng sau đó, cả Runes lẫn Bitcoin L2 đều hạ nhiệt và không dần thoát khỏi tâm điểm chú ý.
ETF Bitcoin và Ether Hong Kong chính thức giao dịch
Giữa tháng 4, Hong Kong chính thức "bật đèn xanh" cho một loạt các ETF spot Bitcoin và Ethereum. Trong khi thị trường Hoa Kỳ vẫn còn gặp trở ngại với các đơn xin ETF Ether, thì bên kia đại dương đã mở cửa cho công cụ đầu tư này.
Dù vậy, giới phân tích lại không mấy lạc quan vì thị trường Hong Kong còn quá "non trẻ” khi so sánh với thị trường ETF lớn hơn nhiều ở Mỹ. Và thực tế đúng là như vậy.
Kể từ khi chính thức giao dịch vào ngày 30/04, khối lượng giao dịch mỗi ngày chỉ vài triệu USD, cao điểm thì có thể lên 2 chữ số, nhưng hoàn toàn không thể so sánh với con số lên đến hàng trăm triệu USD/ngày của thị trường Mỹ.
Thậm chí có hôm inflow của các quỹ ETF Hong Kong không đủ hấp thụ lực bán từ thị trường Mỹ.
Changpeng Zhao bị kết án 4 tháng tù
Cuối cùng phiên tòa kết án cựu CEO Binance Changpeng Zhao đã diễn ra vào ngày 30/04. Kết cục là bản án 4 tháng tù dành cho CZ vì tội danh tắc trắc trong công tác phòng chống rửa tiền.
Con số 4 tháng tù thấp hơn mức 18 tháng trong thỏa thuận với Bộ Tư pháp Mỹ và 36 tháng mà bên công tố viên yêu cầu. Trước đó còn có 161 người gửi thư xin "khoan hồng" cho CZ.
Ông Zhao cũng đã đóng phạt 50 triệu USD cho giới chức Mỹ và đồng ý không nắm giữ chức vụ quản lý tại Binance trong vòng 3 năm, song vẫn được phép nắm quyền sở hữu đa số ở Binance.
Dù xa rời chức vụ tại Binance, CZ vẫn là tỷ phú giàu nhất ngành tiền mã hóa 2024, xếp thứ 50 toàn cầu theo Forbes. Ông cũng đang ấp ủ dự án mới mang tên Giggle Academy.
Bản án này cuối cùng cũng đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến pháp lý tốn nhiều giấy mực giữa Binance và chính quyền Hoa Kỳ.
Tháng 5
Một người Việt chuyển nhầm 68 triệu USD WBTC
Ngày 03/05 cộng đồng phát hiện một người dùng crypto đã chuyển 1.155 WBTC, trị giá khoảng 68 triệu USD, đến sai địa chỉ.
Nhiều kênh bảo mật blockchain cho đây là một vụ tấn công có chủ đích theo hình thức “address poisoning” (đầu độc địa chỉ). Theo đó, kẻ xấu sẽ cố tình khởi tạo một địa chỉ có các ký tự đầu và cuối giống với ví đích được nạn nhân muốn sử dụng, sau đó gửi các giao dịch có giá trị nhỏ đến ví nạn nhân để chờ đến khi người này sơ suất sao chép nhầm địa chỉ.
Sở dĩ hình thức tấn công này có thể xảy ra là vì những trình block explorer như Etherscan chỉ hiển thị các ký tự đầu và cuối của dãy địa chỉ, ẩn phần ở giữa đi, tạo điều kiện để hacker lợi dụng. Sàn Binance, ví Metamask từng lên tiếng cảnh báo cộng đồng cần cảnh giác trước kiểu tấn công này.
Nạn nhân sau đó đã gửi tin nhắn đến địa chỉ của kẻ tấn công, kêu gọi trả lại 90% số tiền và cho phép người này giữ lại 10% làm phần thưởng. Sau một thời gian im lặng, kẻ tấn công bất ngờ trả lại 51 ETH và yêu cầu thông tin liên lạc qua Telegram vào ngày 09/05.
Ngày 10/05, người bị hại đã phản hồi tin nhắn on-chain từ kẻ gian và nạn nhân này được cho là người Việt khi cung cấp tên người dùng Telegram là “BuiDuPh”, với tên hiển thị là “Bui Duy Phong”. Vụ việc kết thúc có hậu khi hacker đã trả lại toàn bộ tiền.
Những tranh cãi xoay quanh dự luật quản lý crypto FIT21
Đạo luật Đổi mới Tài chính và Công nghệ Thế kỷ 21 (FIT21) nhằm trao thêm quyền lực cho CFTC để giám sát thị trường tiền mã hoá, cũng như là “hàng hóa kỹ thuật số” dựa trên khung pháp lý cho tài sản số mà dự luật này thiết lập.
Dự luật thiết lập một quy trình cho phép giao dịch hàng hóa kỹ thuật số trên thị trường thứ cấp. Đồng thời, dự luật cũng sẽ cung cấp các điều khoản quản lý stablecoin và những biện pháp ngăn chặn rửa tiền để đảm bảo tính minh bạch và an toàn trong giao dịch.
Tuy nhiên, FIT21 lại chứa đựng nhiều bất cập khi xét dưới góc độ cấu trúc thị trường và tiêu chí phân loại tài sản. Do đó dù FIT21 có nhiều tiến bộ nhưng chưa phải là đề luật thích hợp đối với crypto.
Những bất cập này cũng làm nổi bật lên những quan điểm chưa đồng nhất trong nội bộ chính phủ Mỹ. Hạ viện thông qua vào ngày 23/05 nhưng Chủ tịch SEC và chính quyền Biden phản đối.
Huyền thoại "giết short" tái xuất, memecoin nhảy múa
Tài khoản TheRoaringKitty ngày 13/05 đăng một hình ảnh đơn giản ám chỉ hành động "locking in" - thuật ngữ mang ý nghĩa về khoảng thời gian tập trung cao độ và bật mode "nghiêm túc". Cộng đồng người dùng trên X và Reddit phần lớn coi hình ảnh này như một dấu hiệu cho thấy "đã đến thời điểm đẹp" để trở lại thị trường tài chính.
TheRoaringKitty là tài khoản cá nhân của Keith Gill, nhà giao dịch "huyền thoại" đã tạo ra "cơn điên" tăng giá của mã cổ phiếu GameStop đầu năm 2021, bất chấp nhận định giảm từ các quỹ đầu cơ hàng đầu Hoa Kỳ và vượt qua các chỉ tiêu dự đoán ban đầu của những chuyên gia Phố Wall.
Đây là lần đầu tiên kể từ giữa năm 2021 mà TheRoaringKitty hoạt động trở lại trên mạng xã hội.
Chỉ với bức hình đơn giản trên, những cổ phiếu liên quan đến Gill và các memecoin cùng chủ đề đều chứng kiến một đợt tăng trưởng "không ngờ". Giá GME tăng tới 68% trong phiên giao dịch trước giờ mở sàn, cổ phiếu của chuỗi rạp chiếu phim AMC Entertainment Holdings (NYSE: AMC) tăng 32,65%.
Sang ngày 03/06, The Roaring Kitty tiếp tục gây chấn động khi tiết lộ trên Reddit rằng anh đang sở hữu quyền chọn mua cổ phiếu GameStop (GME) với tổng trị giá 181,4 triệu USD, khiến giá GME và các memecoin liên quan tăng vọt.
Nhưng tiếc thay mọi chuyện lại diễn biến theo chiều hướng bất ngờ. Buổi livestream đầu tiên của Keith Gill ngày 07/06 đã không thành công như kỳ vọng. Giá GME giảm 40% về 28 USD, lại còn bị dừng ít nhất 6 lần trong phiên giao dịch.
Loạt memecoin ăn theo trào cũng chịu cảnh ngộ tương tự. Các token GME, ROAR và KITTY giảm hơn 30% trong khi chỉ cách đó 1 ngày, cả 3 memecoin đều “lên đồng” với mức tăng ba chữ số trong tâm thế đón chờ phiên livestream của huyền thoại.
Một số nhà phê bình cho rằng các buổi livestream của người nổi tiếng đang thao túng thị trường chứng khoán, và dĩ nhiên đang vi phạm luật liên bang.
Nhà phát triển Tornado Cash bị kết án 64 tháng tù
Lập trình viên Tornado Cash Alexey Pertsev đã bị Tòa án Hà Lan kết tội rửa 1,2 tỷ USD tài sản bất hợp pháp trên nền tảng trộn tiền mã hóa này trong quãng thời gian dự án hoạt động từ tháng 07/2019 đến tháng 08/2022.
Hội đồng xét xử đã tuyên án 5 năm 4 tháng tù giam (tương đương 64 tháng), đúng theo đề xuất trước đó của bên công tố. Pertsev không chấp nhận bản án và nộp đơn kháng cáo.
Vụ việc Tornado Cash từ trước đến nay vẫn gây tranh cãi trong cộng đồng tiền mã hóa bởi đe dọa đến bản chất phi tập trung của blockchain. Nhiều ý kiến cho rằng không thể quy trách nhiệm cho nhà sáng tạo của một công cụ vì sản phẩm bị dùng cho mục đích xấu.
Dù vậy, nhiều giải pháp xóa dấu vết tiếp tục được phát triển để bù đắp vào chỗ trống bị mất của Tornado Cash. Trong số này có Railgun (RAIL) đang được xem là giao thức kế nhiệm khi được Vitalik Buterin nhiều lần ủng hộ và sử dụng để chuyển ETH.
Donald Trump chuyển sang ủng hộ tiền mã hóa
Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng nóng dần lên cũng là thời điểm các ứng cử viên ra sức lôi kéo cử tri bằng những quan điểm cấp tiến của mình. Nương theo bối cảnh tiền mã hóa ngày càng được chấp nhận rộng rãi, ngày càng nhiều chính trị gia chuyển hướng ủng hộ crypto.
Cú xoay chiều "chóng mặt" nhất chính là cựu Tổng thống Donald Trump, khi trái ngược với nhiệm kỳ 2017-2021, ông hiện tại lại có nhiều phát ngôn ủng hộ crypto:
- Ca ngợi Bitcoin là "hình thức tiền tệ hữu dụng":
- Phản đối kế hoạch phát hành CBDC của chính quyền Mỹ;
- Chỉ trích đối thủ Joe Biden không biết crypto là gì khiến giá memecoin TRUMP tăng mạnh;
Ông cũng “đá xéo” Chủ tịch SEC:
“Gensler chống crypto, đảng Dân Chủ cũng rất chống crypto, nhưng tôi thì khác.”
- Chấp nhận quyên góp bằng crypto cho chiến dịch tranh cử;
- Cam kết hỗ trợ các hoạt động khai thác Bitcoin nếu đắc cử;
- Tự phong mình là “Tổng thống tiền mã hóa”.
"Ông Trump khẳng định cuộc thập tự chinh Biden-Gensler chống lại tiền mã hóa sẽ kết thúc sau khi chính quyền Trump thứ hai bắt đầu."
Hoạt động tấp nập của vị cựu tổng thống đã đẩy các memecoin liên quan đến ông và có chủ đề về giới chính trị nhanh chóng bùng nổ. Trào lưu PolitiFi này ít nhất là sẽ chiếm sóng cho đến tháng 11 năm nay.
Ngoài ra, nhiều nhân vật nổi tiếng của ngành đã bày tỏ ủng hộ đối với sự thay đổi quan điểm của ông Trump. Đơn cử như anh em tỷ phú Winklevoss quyên góp 2 triệu USD Bitcoin ủng hộ Trump, dù sau đó được hoàn lại một phần vì "vượt quá hạn mức".
Sau buổi tranh luận Tổng thống đầu tiên giữa ông Trump và ông Biden vào ngày 28/06, tỷ lệ ủng hộ Trump đã tăng từ 60 lên 64%, trong khi con số này của Biden thì giảm từ 34 về 23%.
Tỷ lệ dự đoán Tổng thống Mỹ tiếp theo, ảnh chụp màn hình Polymarket vào sáng 28/06/2024
ETF Ethereum spot được thông qua và các quyết định "lộn xộn" của SEC
4 tháng sau ngày SEC chính thức “bật đèn xanh” cho ETF Bitcoin spot, rạng sáng ngày 24/05 (giờ Việt Nam), chiếc "đèn xanh" này tiếp tục được bật lên cho ETF Ethereum spot.
Trong một diễn biến không ai ngờ được, SEC lại đột nhiên phê duyệt tất cả các đề xuất ETF Ethereum spot, đồng thời công nhận ETH là một tài sản dạng "hàng hóa".
Sở dĩ không ai ngờ được vì thời gian trước đó ông Gensler liên tục bày tỏ thái độ rằng ngoài Bitcoin, các đồng tiền khác đều là chứng khoán và "hờ hững" với ý tưởng về một ETF Ether. Thái độ "thù địch" rõ ràng của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền cho thấy hoàn toàn không hề có khả năng SEC sẽ thay đổi ý kiến.
Hơn nữa, việc chấp nhận chỉ là phê duyệt hồ sơ 19b-4, còn cần tài liệu S-1 được thông qua thì các ETF mới có thể được giao dịch trên sàn. Thời gian chờ được dự đoán là nhiều tuần đến vài tháng.
Vấn đề token "cung thấp, FDV cao"
Cộng đồng crypto bắt đầu một cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề các đồng coin trên thị trường đang có cung quá thấp, nhưng lại định giá quá cao.
Khởi đầu khi trader kỳ cựu Cobie đăng tải bài viết nêu lên quan điểm của mình về tình hình định giá hiện tại. Theo Cobie:
Chu kỳ trước (giai đoạn 2015 - 2021)
- Pre-sale với định giá thấp
- Giá pump trên thị trường mở
- VC và nhà đầu tư đều hưởng lợi
Chu kỳ hiện tại (2022 đến nay)
- Pre-sale với FDV quá cao
- Giá pump trên thị trường "bóng ma"
- Chỉ có VC hưởng lợi
Tiếp đến lại có người chỉ ra rằng hơn 80% token niêm yết trên Binance gần đây đều “chìm trong sắc đỏ", củng cố thêm lập luận mục đích ra mắt token là để VC thoái vốn, "xả lên đầu" nhà đầu tư thông thường.
Chủ đề này làm dấy lên rất nhiều tranh luận trái chiều, có người ủng hộ Cobie chỉ trích các dự án hiện tại, có người phản bác với lập luận cho thấy tình hình thị trường hiện tại không khác gì so với trước, nên không thể chỉ đổ lỗi cho VC và dự án.
Trước tình hình "chiến trận" căng thẳng, Binance kêu gọi dự án "vừa và nhỏ" ứng tuyển niêm yết token để nhận được sự hỗ trợ "tích cực" từ chính sàn. Động thái này phần nào trấn an các tiếng nói chỉ trích nhắm vào sàn.
Dù vậy, đây vẫn là chủ đề "nóng hổi" chưa thể ngả ngũ trong cộng đồng.
Polyhedra Network và ZKsync "tranh giành" mã token ZK
Tối ngày 24/05, sàn Bybit thông báo đổi tên mã ZK của dự án Polyhedra Network, làm dấy lên đồn đoán rằng sẽ chuyển nó cho dự án ZKsync.
Ngay lập tức, Polyhedra Network cáo buộc ZKsync cấu kết với các sàn giao dịch để thu hồi ticker ZK của dự án rồi trao lại cho L2 sắp ra mắt này.
Bài đăng của Polyhedra Network còn chỉ đích danh ZKsync, đồng thời tuyên bố sẽ chờ để xem cộng đồng sẽ đứng về phía công lý hay sẽ về phe “kẻ bắt nạt” cùng hành động "ăn cắp trắng trợn" này.
Nhưng tiếc thay không ít người dùng bình luận ủng hộ ZKsync, cho rằng Polyhedra không xứng đáng sử dụng tên mã ZK với lý do đợt airdrop hồi tháng 3 của dự án đã không trao trả cho cộng đồng mức giá trị mà họ kỳ vọng.
Cuối cùng, Polyhedra Network đổi mã token thành "ZKJ" và ZKsync thành công ra mắt với mã ZK. Dù vậy xoay quanh đợt airdrop ZK có vô vàn drama mà sẽ được Coin68 đề cập trong phần dưới của bài viết.
Tháng 6
Vấn nạn tài khoản KOL bị hack và memecoin người nổi tiếng tràn lan
Giai đoạn tháng 5-6 chứng kiến thêm làn sóng người nổi tiếng, KOL từ các lĩnh vực khác tiến vào thị trường crypto thông qua việc phát hành token của họ nhờ sự tiện lợi của nền tảng pump.fun.
Hễ ở đâu có tiền là ở đó có bóng hacker. Hacker liên tiếp tấn công tài khoản mạng xã hội (X, Instagram,...) của nhiều người nổi tiếng trên thế giới để "shill" token scam.
Người dùng không cẩn thận rất dễ rơi vào cạm bẫy giăng sẵn, chỉ trực chờ cuỗm hết tiền của nạn nhân. Dù cẩn thận hơn thì cũng khó lòng phân biệt thật giả giữa hàng loạt vụ việc với thủ đoạn tinh vi.
Câu chuyện càng trầm trọng hơn khi bản thân các memecoin của người nổi tiếng cũng có vấn đề: Không rug pull thì cũng dump về "lòng đất".
Các KOL chỉ muốn trục lợi, kiếm tiền nhanh từ người hâm mộ, xem người theo dõi là thanh khoản chứ không thực sự quan tâm đến tương lai của dự án token. Vì lẽ đó, memecoin của người nổi tiếng lúc mới phát hành có lẽ sẽ mang được khoảng lợi nhuận cho một số người mua sớm, nhưng hầu hết đều rơi vào kết cục giảm mãi.
Nhiều chuyên gia trong cộng đồng crypto đã lên tiếng chỉ trích vấn nạn này, đồng thời cảnh báo người dùng đừng nên "nhẹ dạ cả tin". Ngay cả nhà sáng lập Ethereum Vitalik Buterin cũng không ủng hộ memecoin của người nổi tiếng.
Do Kwon và Terraform Labs đóng phạt 4,47 tỷ USD cho SEC
Theo hồ sơ toà án ngày 12/06 (giờ Mỹ), Do Kwon và CEO hiện tại của Terraform Labs là Chris Amani đã đồng ý trả 4,47 tỷ USD tiền phạt sau khi đạt được thỏa thuận hòa giải vụ kiện với SEC trong cáo buộc liên quan đến sự sụp đổ của LUNA - UST vào năm 2022.
Số tiền phạt mà Kwon và Terraform Labs phải trả bao gồm 3,58 tỷ USD tiền bất hợp pháp, 420 triệu USD tiền phạt dân sự và tiền lãi suất trước phán quyết. Bên cạnh đó, Kwon phải tự bỏ tiền túi ít nhất 204 triệu USD để bồi thường cho các nhà đầu tư bị thiệt hại.
Hình phạt cuối cùng được đưa ra thấp hơn mức ban đầu SEC đề xuất với số tiền lên tới 5,3 tỷ USD tiền phạt, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với mức 1 triệu đô la tiền phạt dân sự mà Terraform Labs mong muốn và không kèm thêm bất kì biện pháp tịch thu hay cấm đoán nào.
Nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm rằng nếu Terraform Labs thực sự có trong tay 4,47 tỷ USD, thì số tiền đó nên được dùng để bồi thường cho các nhà đầu tư đã chịu tổn thất thay vì đóng phạt cho SEC.
Ngoài ra, CEO Terraform Labs Chris Amani sau đó cho biết công ty chuẩn bị giải thể trong thời gian tới. Họ sẽ bán đi token của các dự án trong hệ sinh thái Terra bao gồm Pulsar Finance, Station Wallet và Enterprise DAO, cũng như đưa ra đề xuất để tiêu hủy toàn bộ số token LUNA chưa được phân phối cũng như tiêu hủy số LUNA hiện có trong ví của nhóm phát triển.
Blockchain Terra và Terra Classic sẽ được trao trả cho cộng đồng quản trị và quyết định hướng đi.
Biden cân nhắc nhận quyên góp bằng crypto
Không chịu thua kém đối thủ Donald Trump, Tổng thống đương nhiệm Joe Biden cũng tỏ ý dần bớt hà khắc với crypto để thu hút các cử tri của ngành.
Tín hiệu SEC "quay xe" chấp nhận ETF Ethereum cho thấy "động cơ chính trị" đằng sau đó. Sang tháng 6, nhiều nguồn tin nội bộ cho hay ông Biden cân nhắc nhận quyên góp tranh cử bằng crypto.
Đây là nỗ lực mới nhất từ chiến dịch tranh cử của Joe Biden nhằm thu hút nhóm cử tri quan tâm đến tiền mã hoá trước khi cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11 năm nay. Một số chuyên gia ở Capitol Hill tin rằng tỷ lệ phiếu bầu giữa hai ứng cử viên sẽ có sự chênh lệch suýt soát.
SEC kết thúc cuộc điều tra Ethereum, nhưng vẫn kiện Consensys
Consensys hồi cuối tháng 4 đã đâm đơn kiện SEC sau khi nhận thư cảnh cáo từ ủy ban. Trong đơn kiện, công ty đưa ra nhiều tiết lộ bất ngờ như là SEC đã điều tra Ethereum từ tháng 03/2023 và giữ quan điểm đồng tiền này là chứng khoán, cũng như muốn phạt ví MetaMask vì cung cấp dịch vụ có liên hệ với chứng khoán. Trong quãng thời gian này, cũng có nhiều thông tin SEC đang đẩy mạnh điều tra Ethereum và các dự án lớn trong hệ sinh thái như Uniswap.
Song đến tháng 5, SEC quyết định "quay xe" chấp nhận ETF Ethereum, cũng ngầm hiểu ETH không phải là chứng khoán - với nhiều nhận định cho rằng có thể đã có tác động từ chính quyền Tổng thống Biden.
Đến 19/06, Consensys xác nhận SEC đã kết thúc cuộc điều tra nhắm vào Ethereum, không còn cáo buộc ETH là chứng khoán. Dù kết quả đã có thể đoán được trong thời gian trước, nhưng tin tức này cũng làm tăng thêm niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường.
Mặc dù vậy, Ủy ban Chứng khoán Mỹ vào ngày 28/06 vẫn đâm đơn kiện Consensys cùng công ty con là ví MetaMask với cáo buộc là đơn vị môi giới chứng khoán trái phép, liên lụy ra cả dịch vụ staking của hai dự án DeFi lớn là Lido và Rocket Pool.
Chính phủ Đức và Mỹ bán Bitcoin, dòng chảy ETF
Chính phủ Đức trở thành "ông kẹ" mới của thị trường khi địa chỉ ví của nước này có động thái di chuyển BTC đầu tiên vào ngày 19/06. Đức vốn tịch thu được 50.000 BTC từ trang web phim lậu Movie2k hồi tháng 2 năm nay.
Tính đến thời điểm hiện tại, ví đã chuyển lên các sàn CEX khoảng 2.350 BTC thông qua nhiều lệnh nhỏ. Cho thấy họ bán ra lần lượt với khối lượng vừa phải chứ không đột ngột xả mạnh.
Dù vậy, ví nói trên vẫn còn sở hữu 45.609 BTC, trị giá 2,8 tỷ USD nên cộng đồng luôn "hồi hộp" lo sợ không rõ khi nào Bitcoin sẽ bị bán tháo.
Số dư ví Bitcoin của chính quyền Đức vào chiều ngày 26/06/2024. Nguồn: Arkham
Đến ngày 27/06, ví của chính quyền Mỹ tiếp tục chuyển 3.940 BTC lên sàn Coinbase. Dữ liệu từ Arkham tiết lộ Mỹ hiện vẫn còn sở hữu đến 213.564 BTC, trị giá hơn 13 tỷ USD, cùng nhiều altcoin lớn khác như ETH, WBTC, USDT, BNB,... với tổng giá trị là hơn 450 triệu USD.
Thống kê tài sản crypto đang do chính quyền Mỹ quản lý. Nguồn: Arkham (26/06/2024)
Quý 2/2024 cũng chứng kiến dòng tiền đổ vào và chảy ra khỏi các quỹ ETF Bitcoin spot của Mỹ diễn ra theo từng giai đoạn, từ chuỗi outflow liên tục vào cuối tháng 4 khiến giá BTC sụt về 56.000 USD, cho đến kỷ lục 19 ngày inflow liên tiếp vào tháng 5, để rồi outflow trở lại trong tháng 6 và cộng hưởng với những áp lực bán ra khác.
Mt. Gox chốt lịch trả BTC, BCH vào tháng 7
Ngày 24/06, đại diện sàn Mt. Gox cho biết sẽ bắt đầu quá trình hoàn trả BTC, BCH và tiền mặt cho nhà đầu tư bị thiệt hại kể từ tháng 7.
Hiện Mt. Gox vẫn đang nắm giữ lượng Bitcoin trị giá đến 9 tỷ USD, làm nhiều người lo ngại thị trường tiền mã hóa trong thời gian tới sẽ tiếp tục hứng chịu áp lực bán ra từ những “cá voi” này.
101 "kiếp nạn" airdrop
Quý 2 năm nay đã trôi qua với nhiều sự kiện mang tính định hình 1 năm sôi động của ngành. Tuy nhiên tất cả những sự kiện kể trên đều chỉ như "gia vị" thêm vào món ăn chính mà cộng đồng chú ý nhiều nhất trong 3 tháng qua: đó chính là airdrop.
Không hẹn mà gặp, hàng loạt dự án tiềm năng lẫn kém tiếng tăm đều chọn quý 2 làm thời điểm ra mắt token và airdrop cho người dùng. Cơn sóng airdrop quay trở lại kéo phăng mọi sự chú ý của cộng đồng, dường như làm lu mờ cả những sự kiện vốn chừng rất quan trọng như Bitcoin Halving hay ETF Ethereum.
Airdrop mang lại lợi nhuận có cao lẫn thấp, dĩ nhiên rồi, nhưng câu chuyện airdrop của mỗi dự án thì muôn màu muôn vẻ.
Ethena (ENA)
"Mở bát" đầu quý 2, Ethena airdrop 750 triệu token ENA vào ngày 02/04 cho người nắm giữ shards - điểm thưởng đã được dự án triển khai từ tháng 2 đến nay. Thời điểm snapshot số dư được công bố là ngày 26/03.
Trước thêm phát hành token quản trị ENA và niêm yết nhiều sàn lớn trong đó có Binance, Ethena cũng công bố tiêu chí tính điểm thưởng mùa 2 với tên gọi Sats Campaign. Đây là cơ hội cho những người nào đã bỏ lỡ đợt airdrop mùa 1 của dự án.
Nhìn chung đợt airdrop ENA không gây nhiều vấn đề, nhưng vì bản thân dự án từ khi ra mắt đã vướng nhiều tranh luận trái chiều nên luôn là tâm điểm chú ý của cộng đồng.
Wormhole (W)
Dù thông báo airdrop từ tháng 3, nhưng Wormhole chốt lịch claim token W là vào tối ngày 03/04. Mặc dù vậy, dự án lại không công bố tiêu chí cụ thể, làm những người không được airdrop cũng không biết lý do vì sao mình bị trượt. Nên họ đã chuyển sang giao dịch memecoin “L” như một cách giễu nhại.
Mãi đến vài giờ trước thời điểm claim dự án mới công bố lộ trình phát triển token W.
Sau đó lại có thêm sự cố khác là dự án quên loại trừ kẻ tấn công mình, nên đã vô tình phân bổ hơn 31.600 W cho 4 ví liên quan đến vụ hack 325 triệu USD hồi tháng 2/2022. Nhưng may mà dự án đã kịp thời thu hồi hoàn toàn phân bổ trên.
EigenLayer (EIGEN)
Drama airdrop bắt đầu nóng lên khi EigenLayer giới thiệu token EIGEN và kế hoạch airdrop cho người dùng vào cuối tháng 4. Đợt thông báo airdrop được xem là "thất bại toàn tập" khi vừa gây hoang mang dư luận vừa có hàng loạt điểm bất cập.
Sau đó đội ngũ dự án buộc phải thông báo airdrop bổ sung, cập nhật lại tokenomics để xoa dịu cộng đồng.
Tuy nhiên, việc quá "lằng nhằng" và phức tạp hóa như vậy đã làm cộng đồng mất dần niềm tin vào chất lượng và khả năng phát triển của dự án. Token EIGEN cũng không có hiệu suất tốt kể từ khi lên sàn.
friend.tech (FRIEND)
Như trong E-magazine 23 sự kiện 2023 của Coin68 đã nêu ra, friend.tech chính là dự án khởi đầu xu hướng điểm thưởng point như hiện tại.
Ra đời vào 2023 nhưng đến tận tháng 5/2024 dự án mới airdrop token FRIEND với 100% phân bổ token là trao thưởng cho người dùng.
Khỏi phải nói, cộng đồng ồ ạt claim token để "xả", khiến giá FRIEND lao dốc hơn 99% sau khi airdrop.
Dù vậy đây vẫn là dự án "degen" thấm nhuần văn hóa web3, mang đến một sản phẩm phù hợp thị hiếu và nhu cầu của mọi người. Giá FRIEND sau cú dump mở màn đã bắt đầu leo dốc trở lại.
LayerZero (ZRO)
Nếu friend.tech khởi đầu trào lưu point thì chắc có lẽ LayerZero chính là dự án mở màn cuộc thập tự chinh "săn sybil".
Mục đích ban đầu vốn dĩ là tốt: dự án bức xúc với tình trạng "airdrop hunter" quá nhiều làm mất cơ hội của người dùng thực sự nên mới cần lọc các ví sybil. Nhưng chiến dịch tự khai báo đã nhanh biến tướng thành cuộc đấu tố lẫn nhau, spam, săn sybil,...
Nên càng về sau, cuộc chiến sybil của LayerZero càng lộ nhiều bất cập, quá tải và hàng loạt vấn đề nảy sinh. Cộng đồng từ đó lại càng bị chia rẽ nhiều hơn, thay vì vốn cần gắn kết để ủng hộ dự án.
Qua được chặng sybil, đến lúc nhận airdrop người dùng cũng không thoát kiếp nạn. Ngày 20/06, LayerZero công bố airdrop ZRO, bắt người dùng "quyên góp" để nhận token.
Với tất cả những drama kể trên, niềm tin của nhà đầu tư vơi dần, thể hiện rõ ở việc hậu thông báo snapshot, hoạt động hàng ngày trên LayerZero giảm xuống mức thấp kỷ lục.
ZKsync (ZK)
Bỏ qua chuyện tranh giành mã ticker ZK như đã nêu ở phần trên, thông báo airdrop của ZKsync (ZK) cũng "hành" người dùng không kém LayerZero.
Dự án thực và người dùng thực của hệ sinh thái lại bị "cho ra rìa", các tiêu chí airdrop nhập nhằng, có người tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc để "cày air" nhưng không nhận lại được gì,...
Và kết quả là hơn 40% ví nhận airdrop ZKsync top đầu bán token, đẩy giá giảm sâu. Đến airdrop đợt 2 thì FDV của dự án đã tụt hẳn 40%.
Các dự án khác
Bên trên chỉ là những cái tên nổi bật nhất. 3 tháng vừa qua lại có rất nhiều dự án lớn nhỏ khác nhau phát hành và airdrop token. Trong số này có:
Thiệt hại từ các vụ hack crypto Q2/2024 tăng 112% lên 572 triệu USD
Quý 2 năm 2024 cũng chứng kiến sự trở lại của các vụ tấn công tiền mã hóa quy mô lớn, với tổng thiệt hại lên đến 572 triệu USD - tăng 112% so với quý 1.
Hai vụ hack nổi bật trong thời gian này là sự cố bảo mật của sàn DMM Bitcoin của Nhật Bản, gây thiệt hại 305 triệu USD, cùng 55 triệu USD bị đánh cắp khỏi sàn BtcTurk của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, tranh cãi về bug bounty giữa sàn Kraken và đơn vị thẩm định CertiK cũng thu hút sự chú ý của cộng đồng, đặt câu hỏi về bản chất trung thực cả các tổ chức bảo mật trong ngành tiền mã hóa.
Coin68 tổng hợp
Tham gia thảo luận về những vấn đề NÓNG HỔI nhất của thị trường DeFi tại nhóm chat Fomo Sapiens cùng các admin Coin68 nhé!!!