logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • Kiến Thức
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • Kiến Thức
  • E-Magazine
  • Góc nhìn

Ngày 15 phiên tòa xét xử Sam Bankman-Fried: "Tôi không chắc, tôi không nhớ" trở thành câu cửa miệng của cựu CEO FTX

-31/10/2023

Sau khi trả lời chất vấn từ luật sư biện hộ, Sam Bankman-Fried giờ đây phải đối mặt với các câu hỏi từ công tố viên Mỹ, với những phát ngôn trước truyền thông trong quá khứ quay trở lại "báo hại" cựu CEO FTX.


Tranh vẽ Sam Bankman-Fried trên bục nhân chứng tại phiên tòa xét xử chính mình. Ảnh: Jane Rosenberg/Reuters

Phiên tòa xét xử Sam Bankman-Fried bước sang ngày thứ 15 với việc cựu CEO FTX quyết định tự làm nhân chứng bào chữa cho bản thân và đối mặt với quá trình đối chất với công tố viên của Bộ Tư pháp Mỹ.

Phiên đối chất của luật sư biện hộ (tiếp tục)

Tiếp nối ngày xử thứ 14, luật sư biện hộ tiếp tục đặt các câu hỏi để Sam Bankman-Fried biện minh cho bản thân.

Giai đoạn tháng 6-9/2022

Cựu CEO FTX cho biết có duy trì một danh sách các công việc cần ưu tiên làm trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 10/2022. Một trong số đó là xây dựng tính năng cho phép những nhân sự không phải lập trình viên (trong đó có Sam) được truy cập vào cơ sở dữ liệu của FTX một cách dễ dàng. Mục đích của việc này là để gia tăng tốc độ giao dịch trên FTX.

Ông Bankman-Fried khẳng định trước tòa là theo ước tính, thay đổi mới có thể giúp FTX thu về thêm 1-2 tỷ USD doanh thu thường niên. Ngoài ra, FTX còn có công cụ quản lý rủi ro để ngăn không cho việc người dùng bị thanh lý tài sản ảnh hưởng đến sàn. 

Quay trở về chuyện quản lý rủi ro, Sam Bankman-Fried nói đã có cuộc trò chuyện với cựu CEO Alameda Research Caroline Ellison về việc lập các giao dịch phòng hộ cho quỹ. Động thái này được đưa ra sau cú sập LUNA-UST, khiến Bitcoin rơi về vùng 20.000 USD và làm Alameda bị thiệt hại nặng. Sam nói Caroline khi ấy đã muốn từ chức, Sam để quyền quyết định lại cho cô và chỉ yêu cầu Alameda lập vị thế phòng hộ để ngừa rủi ro.

Đến tháng 9, Caroline Ellison báo cáo lại cho Sam Bankman-Fried về các giao dịch phòng hộ, Sam không hài lòng vì cho rằng giá trị phải gấp đôi con số được báo cáo. Caroline đồng ý với góp ý của Sam.

Cũng trong tháng 9, Sam cho biết là đã có chuyến công tác đến Dubai và vùng Trung Đông để tham dự hội nghị. Khi được hỏi có phải là gặp người đứng đầu của một quỹ đầu tư nhà nước Ả Rập không, Sam Bankman-Fried trả lời không rõ ràng. Tuy vậy, Sam Bankman-Fried nói chuyến công tác là một thành công vì đã tiến vào được thị phần của Binance, đối thủ của FTX mà đã biến Dubai thành trụ sở.

Các nhân chứng trước đó đều khai Sam Bankman-Fried đến Trung Đông là để tìm kiếm nhà đầu tư giải cứu FTX khỏi khoản thâm hụt tài sản. Cựu CEO còn được cho là đã gặp cả Thái tử Saudi Arabia là ông Mohammed bin Salman để thảo luận về chuyện đầu tư vào sàn.

Sam Bankman-Fried nói là thường dành đến 100 ngày mỗi năm để đi công tác, chủ yếu là đến thủ đô Mỹ Washington D.C.

Tháng 11/2022 - thời điểm FTX phá sản

Khi được luật sư biện hộ hỏi về chuỗi ngày FTX phá sản, Sam Bankman-Fried nói mọi thứ xuất phát từ bài báo của CoinDesk, tiết lộ bảng cân đối kế toán của Alameda. Mặc dù vậy, Sam cho biết thông tin trong bài báo là số liệu cũ về quỹ đầu tư.

Tiếp đó, CEO Binance Changpeng Zhao dọa bán toàn bộ FTT, khiến giá token sàn FTX lao dốc mạnh vào hôm 06/11.

Sam Bankman-Fried đã liên hệ Caroline Ellison, và cả hai thống nhất là lên tiếng nhằm trấn an tình hình. Bài đăng trên Twitter của cựu CEO Alameda khẳng định quỹ vẫn còn hơn 10 tỷ USD tài sản chưa được phản ánh trên bảng cân đối kế toán do CoinDesk rò rỉ.

Tuy vậy, áp lực đã bắt đầu đè lên FTX khi chỉ trong ngày 06/11, người dùng sàn đã rút hơn 1 tỷ USD tài sản khỏi nền tảng.

Đáp lại, Caroline Ellison đăng tweet tuyên bố sẽ mua lại toàn bộ lượng FTT của Binance ở mức giá 22 USD/token, nhưng không cải thiện được tình hình. Đến ngày 07/11, người dùng đã rút 4 tỷ USD khỏi FTX.

FTX sau đó thông báo có chậm trễ trong quá trình xử lý rút tiền. Sam Bankman-Fried nói được cựu Giám đốc Công nghệ FTX Gary Wang cho biết rằng thời gian trì hoãn cho giao dịch rút Bitcoin là lên đến 1 giờ đồng hồ. 

Sam Bankman-Fried tiếp tục trấn an cộng đồng crypto trên Twitter rằng: “FTX vẫn ổn, tài sản vẫn an toàn”, đồng thời các tin đồn về sàn là sai sự thật (bài đăng Twitter này đã bị xóa). Cựu CEO FTX nói có thể đã bị Binance “chơi xấu” vì FTX liên tục làm việc với giới chức. Phát ngôn này của ông Bankman-Fried đã bị công tố viên Mỹ phản đối ngay lập tức và được thẩm phán chấp nhận.

Khi được luật sư hỏi lại, Sam Bankman-Fried nói thời điểm đó vẫn tin rằng FTX không có vấn đề gì, không bị thâm hụt tài sản, FTX không dùng tiền của khách hàng cho các mục đích khác.

Song, tình hình ngày càng tồi tệ thêm. Thị trường tiền mã hóa lao dốc, làm giá trị các đồng coin Alameda dùng làm tài sản thế chấp bị ảnh hưởng nặng nề. Các biện pháp phòng hộ của quỹ không đạt được tác dụng như mong muốn. Nhận thấy tình hình vượt tầm kiểm soát, Sam Bankman-Fried xóa bỏ bài đăng Twitter nói “FTX vẫn ổn”.

Sam Bankman-Fried sau đó rao bán FTX cho Binance. Binance ban đầu đồng ý với thỏa thuận mua lại. Nhưng sau một ngày thẩm định, sàn lại đảo ngược quyết định của mình, khiến thị trường tiền mã hóa càng thêm hoảng loạn.

Cựu CEO FTX tìm đến một quỹ đầu tư khác là Apollo Management, chuẩn bị báo cáo tài chính để gửi cho đơn vị này. Đây cũng là lúc luật sư FTX Can Sun được mời tham gia cuộc gặp giữa hai bên để tìm lý lẽ biện minh cho khoản thâm hụt, đúng như lời khai của người này. Sam Bankman-Fried tuyên bố trong những ngày này, ông làm việc đến 22-23 giờ mỗi ngày.

Đến ngày 11/11/2022, Sam Bankman-Fried tuyên bố FTX và Alameda Research phá sản, còn bản thân thì từ chức CEO. 

Sam Bankman-Fried trong những ngày kế đấy tìm cách để xuất hiện trên truyền thông nhằm biện minh cho sự sụp đổ của FTX. Cựu CEO FTX còn được giới chức Bahamas (nơi FTX đặt trụ sở) liên hệ để làm rõ tình hình. Sam Bankman-Fried và Gary Wang sau đó chuyển tài sản còn lại trên FTX cho chính quyền Bahamas.

Phiên đối chất của công tố viên

Sam Bankman-Fried vẫn chi phối Alameda dù không còn là CEO

Công tố viên xin xác nhận về việc Sam Bankman-Fried nắm giữ 90% cổ phần trong Alameda, và được cựu CEO FTX nói đúng. Sam trong năm 2022 dù không còn là CEO của Alameda nhưng vẫn thường xuyên được cập nhật về tình hình hoạt động của quỹ đầu tư. Theo đó, Sam Bankman-Fried vẫn thường xuyên có trao đổi với hai đồng CEO của Alameda là Caroline Ellison và Sam Trabucco, đóng góp ý kiến vào các quyết định giao dịch.

Bằng chứng được công tố viên đưa ra trước tòa cho thấy Sam Bankman-Fried vẫn chỉ đạo Ellison và Trabucco tiến hành giao dịch, đáng chú ý nhất là việc phòng hộ bằng cách đầu tư vào trái phiếu chính phủ Nhật Bản.

Công tố viên sau đó hỏi Sam Bankman-Fried về những nỗ lực thanh minh cho bản thân trên truyền thông sau thời điểm FTX phá sản. Công tố viên trình lên bằng chứng cho thấy trong những cuộc phỏng vấn này, Sam Bankman-Fried khăng khăng khẳng định ông không còn có can dự vào công việc của Alameda Research, trái với những gì đề cập ở trên.

Sự đối lập trong phát ngôn trước truyền thông và đằng sau hậu trường FTX

Công tố viên của Bộ Tư pháp Mỹ tiếp tục lật lại những phát ngôn của Sam Bankman-Fried trên mạng xã hội vào tháng 10/2022, khẳng định FTX là một nền tảng an toàn mà người dùng có thể an tâm tin tưởng gửi tiền và giao dịch, rằng "cốt lõi của crypto là làm chủ tài sản của mình", và FTX sẽ luôn cho phép rút tiền ở mọi thời điểm. Tuy nhiên, ngay ở thời điểm đó, CEO FTX đã biết sàn đang đối mặt với khoản thâm hụt tài sản lên đến 8 tỷ USD.

Đến những đoạn chất vấn mà công tố viên đưa ra bằng chứng cụ thể như trên, Sam Bankman-Fried bắt đầu trả lời bằng những cụm như "Tôi không chắc", "Tôi không nhớ", "Tôi đoán là vậy"... Trong phần còn lại của phiên tòa, cựu CEO FTX có đến hơn 150 lần cất lên những cụm từ như thế.

Công tố viên đặt câu hỏi về dự thảo luật quản lý crypto được Sam Bankman-Fried đóng góp ý kiến và trình lên Quốc hội Mỹ vào mùa thu năm 2023. Cựu CEO FTX viết trên Twitter rằng "việc bảo vệ khách hàng là điều tối quan trọng" và đã cam đoan trước các nhà lập pháp Mỹ rằng những gì mình tuyên bố đều là sự thật.

Mặc dù vậy, trong đoạn trao đổi "phơi bày bộ mặt thật" sau khi FTX phá sản, Sam Bankman-Fried lại thừa nhận việc giao lưu với giới chức Mỹ chỉ là "bức bình phong" để sàn đánh bóng tên tuổi, chứ thực chất cựu CEO lại không hề có chút tôn trọng nào với các tổ chức quản lý tài chính Mỹ.

Khi được công tố viên đặt câu hỏi về sự trái ngược trong các phát ngôn trên, Sam Bankman-Fried chỉ thừa nhận chúng đã diễn ra mà không nói gì thêm.

Ngoài ra, công tố viên còn đưa ra những bằng chứng cho thấy Sam Bankman-Fried đã có lần gọi những người theo dõi mình trên Twitter và cộng đồng tiền mã hóa là "những kẻ ngốc". Cựu CEO FTX nói điều đó chỉ đúng với một bộ phận nhỏ trong đấy.

Sam Bankman-Fried đã thực hiện nhiều khoản quyên góp chính trị cho các quan chức Mỹ, với hy vọng rằng họ sẽ có hành động pháp lý nhắm vào Binance - đối thủ lớn nhất của FTX. Sam Bankman-Fried nói điều này chỉ đúng một phần, bởi "có cả ưu lẫn nhược".

Đặc quyền của Alameda trên FTX

Công tố viên Mỹ đổi chủ đề sang khả năng người dùng FTX rút tiền từ sàn. Sam Bankman-Fried nói FTX không có hạn chế gì trong việc để người dùng rút tiền. 

Tuy vậy, nếu người dùng ấy thế chấp tài sản để giao dịch margin, Sam Bankman-Fried trả lời không có cách nào để một người dùng có thể nạp 10 USD ký quỹ lên sàn rồi vay và rút đi số tài sản lên đến hàng tỷ USD theo như ví dụ mà công tố viên đưa ra. Ngoài ra, người dùng cần phải giữ tài sản ký quỹ trên sàn để có thể vay những đồng coin khác. Đây là một phần quan trọng trong chính sách sử dụng của FTX, cũng như để phục vụ cơ chế thanh lý trong trường hợp vị thế của người dùng bị lỗ.

Sam Bankman-Fried trong quá khứ đã nhiều lần khẳng định trên mạng xã hội và cả trước Quốc hội Mỹ cơ chế thanh lý của FTX là tính năng ưu việt so với các đối thủ còn lại trong thị trường crypto, cam đoan rằng tất cả người dùng đều phải thế chấp tài sản khi giao dịch margin trên sàn. Những tài sản thế chấp này chỉ có thể là crypto hoặc tiền mặt, chứ không thể là bất động sản hay chứng khoán.

Khi được công tố viên hỏi, Sam Bankman-Fried nói người dùng thông thường sẽ không được phép duy trì tài khoản âm tiền trên sàn trong vài ngày, chứ chưa nói gì đến vài tháng. Thường thì khi giá trị vị thế giảm về gần ngang bằng tài sản thế chấp, tài khoản của họ sẽ bị thanh lý.

Tất cả phần viện dẫn trên được công tố viên xây dựng để nhắm trực tiếp vào những đặc quyền của Alameda Research trên FTX - vốn được nhiều nhân chứng khác khai trước tòa là không bị thanh lý tài sản, được phép duy trì trạng thái âm tiền từ tính năng "allow negative", được vay tiền từ người dùng FTX rồi sau đó rút chúng khỏi sàn, và được thế chấp vị thế bằng những tài sản khác.

Song, Sam Bankman-Fried vẫn nhiều lần khẳng định trước truyền thông rằng tài khoản giao dịch của Alameda trên không khác gì những người dùng FTX khác. Công tố viên còn cung cấp email trao đổi và các cuộc phỏng vấn giữa cựu CEO FTX với phóng viên Bloomberg và Wall Street Journal, theo đó Sam cam đoan rằng Alameda Research không "front run" giao dịch của người dùng FTX và không có quyền lợi đặc biệt gì hơn.

Khi bị công tố viên áp lực, Sam Bankman-Fried không thể đưa ra một ví dụ nào về một khách hàng khác của FTX mà có thể nhận tiền gửi fiat của người dùng như Alameda, cũng như sở hữu giới hạn tín dụng lên đến 65 tỷ USD như Alameda. Cựu CEO cũng ấp úng thừa nhận chỉ mình Alameda có tài khoản được cấp tính năng "allow negative", sau khi bị công tố viên gặng hỏi vì đưa ra quá nhiều những "câu cửa miệng" như "tôi không nhớ", "tôi không chắc".

Thừa thắng, công tố viên yêu cầu Sam trả lời về việc liệu Alameda có được phép rút tiền vay từ FTX ra khỏi sàn mà không lo bị thanh lý vị thế, và được cựu CEO FTX gật đầu.

Lối sống của Sam Bankman-Fried

Nhằm phản bác phát ngôn của Sam Bankman-Fried trong ngày làm chứng trước đó rằng việc ông để đầu tóc bù xù là vì "lười biếng", và mặc quần đùi áo thun là để "thấy thoải mái", công tố viên đã lật lên các cuộc phỏng vấn của cựu CEO FTX trước truyền thông, theo đó người này khẳng định cần phải duy trì hình ảnh như vậy trước dư luận để được đúng với cam kết "vì cộng đồng" và chủ nghĩa "effective altruism" mà ông theo đuổi. Sam Bankman-Fried từng nói sẽ dành phần lớn khối tài sản chục tỷ USD của mình để làm từ thiện. Đối mặt với các bằng chứng, Sam Bankman-Fried nói không nhớ rõ ngữ cảnh đưa ra những phát ngôn kia.

Ở sau hình ảnh trước dư luận, các công tố viên cáo buộc Sam Bankman-Fried có lối sống xa hoa, chi đến 15 triệu USD đi công tác bằng máy bay riêng, thậm chí thuê riêng máy bay để chở bưu kiện Amazon của nhân viên FTX từ Mỹ sang Bahamas.

Các phát ngôn của Sam Bankman-Fried tiếp tục "báo hại" cựu CEO FTX

Công tố viên lặp lại lời làm chứng của Sam Bankman-Fried trước tòa rằng ông "ước gì mình đã quản lý rủi ro tại FTX cẩn thận hơn", từ đó ngăn chặn sự sụp đổ của sàn.

Tuy nhiên, công tố viên đã đưa ra bằng chứng cho thấy điều ngược lại, rằng Sam Bankman-Fried từng nói "mô hình FTX có thể đáp ứng được bất kỳ khung pháp lý nào trên thế giới với tiêu chuẩn rủi ro cao nhất". Phát ngôn này thậm chí được đưa ra tại một phiên điều trần của cựu CEO FTX trước Quốc hội Mỹ, tức là dưới lời tuyên thệ phải cung cấp sự thật.

Tại buổi điều trần cuối năm 2021 ấy, Sam Bankman-Fried còn đưa ra những khẳng định như "FTX có các biện pháp quản lý rủi ro để bảo vệ khách hàng", "có cách tiếp cận cẩn trọng đối với công tác quản trị rủi ro", "FTX và FTX.US có cơ chế thanh lý ưu việt hơn những nền tảng khác",... tất cả sau đó đều bị công tố viên đưa ra dữ kiện phản bác trước tòa.

Sam Bankman-Fried cũng thừa nhận đã chỉ đạo Gary Wang và Nishad Singh điều chỉnh mã lập trình của FTX để  Alameda có tài khoản không bị thanh lý, rồi không thông báo điều đó đến khách hàng FTX, nhà đầu tư hay Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, Sam nói mình không biết chi tiết về những điều chỉnh đã được hai nhân sự kia thực hiện, dù bản thân là CEO của sàn.

Đến giữa năm 2022, khi thị trường tiền mã hóa đối mặt với một cuộc khủng hoảng thanh khoản theo sau sự sụp đổ của mô hình LUNA-UST cùng loạt tuyên bố phá sản của nhiều công ty lending trong ngành, Sam Bankman-Fried đã tham gia một số podcast của Bloomberg, trong đó ông chủ của FTX chỉ trích những tổ chức đang gặp khó khăn trên thị trường là vì không quản lý được rủi ro.

Trở lại với chuyện Alameda vay tiền từ FTX

Công tố viên quay lại với chủ đề về Alameda. Họ hỏi cựu CEO FTX xác nhận rằng vào tháng 05/2022, quỹ có sử dụng một số tài sản không được gửi lên sàn để làm thế chấp cho các khoản vay. Sau một hồi trả lời vòng vo "tôi không nhớ, tôi không chắc", Sam Bankman-Fried thừa nhận đã đưa ra lời khai như vậy.

Sam nói trong suốt thời gian làm CEO của FTX, ông có biết tài khoản giao dịch của Alameda nhưng chưa một lần truy cập vào cơ sở dữ liệu để xem chi tiết về nó. Các công tố viên đưa ra bằng chứng cho thấy sau khi FTX phá sản, tài khoản này đã có lịch sử vay tiền lên đến 65 tỷ USD từ FTX.

Sam Bankman-Fried trả lời rằng bản thân biết chuyện Alameda Research vay tiền từ FTX, và chỉ có quỹ là có riêng đặc quyền vay tiền nhiều đến như vậy. Các market maker khác trên sàn đều chỉ có giới hạn tín dụng từ 150 triệu USD trở xuống. Ngoài ra, Sam cũng không hề nhớ liệu Alameda có từng ký thỏa thuận vay tiền từ FTX giống như những market maker khác hay không, nhưng thừa nhận rằng Alameda đã có thể rút tiền đã vay ra bên ngoài. Những đặc quyền ấy được công tố viên nhấn mạnh lần nữa là chưa bao giờ được công bố cho dư luận.

Công tố viên còn cung cấp bằng chứng từ những cuộc phỏng vấn của Sam Bankman-Fried trước truyền thông vào đầu tháng 12/2022, khi ấy cựu CEO FTX nói rằng ngay từ lúc sàn mới thành lập, Alameda đã được quyền vượt hạn mức vay thế chấp trên sàn để giao dịch, không phải tuân theo những quy định về ký quỹ.

Vào năm 2021, một số nhà đầu tư đã khai thác được lỗ hổng trong cơ chế thanh lý lệnh trên FTX, từ đó kiếm lời từ việc thế chấp MobileCoin và Bitmax rồi giao dịch trên sàn. Để che giấu thiệt hại, Sam Bankman-Fried đã chỉ đạo FTX ghi nhận vị thế trên vào tài khoản của Alameda, khiến quỹ phải gánh khoản lỗ 800 triệu USD từ nó. Cựu CEO không muốn chuyện này bị lộ ra ngoài qua báo cáo tài chính của FTX bởi sàn sắp kết thúc vòng đầu tư trị giá 900 triệu USD, do đó quyết định phải giấu lỗ. 

Các khoản đầu tư của FTX - Alameda

Khi được công tố viên hỏi có phải Alameda Research đã chi ra vài tỷ USD để đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2022, Sam Bankman-Fried trả lời là có, bản thân ông cũng là người ra quyết định của một số thương vụ trong đó. Nổi bật nhất là việc FTX chi ra 2 tỷ USD để mua lại cổ phần sàn từ tay Binance và 1 tỷ USD đầu tư vào công ty đào coin Genesis Digital Assets.

Sam khai là ở thời điểm đưa ra những quyết định đầu tư ấy, Alameda Research vẫn chưa áp đặt các biện pháp phòng hộ trong trường hợp thị trường tiền mã hóa xoay chiều.

Ngoài ra, Sam Bankman-Fried còn chi 23 triệu USD để mua lại Storybook Brawl, trò chơi điện tử mà người này yêu thích, cũng như bí mật chi hàng chục triệu USD cho The Block, một công ty truyền thông có tiếng trong ngành crypto.

Công tố viên sau đó tiếp tục chất vấn Sam Bankman-Fried về các khoản đầu tư khác vào Dave, quỹ SkyBridge Capital, Modulo Capital (460 triệu USD), K5 Global (700 triệu USD), Robinhood (hơn 600 triệu USD). Đặc biệt, trong thương vụ đầu tư vào Robinhood, Sam Bankman-Fried đã thực hiện nó qua một công ty trung gian, rồi lại chuyển quyền sở hữu về Alameda Research. Trong tài liệu chuyển tài sản, chỉ có mình ông là người đặt bút ký với tư cách là "thành viên hội đồng quản trị Alameda Research".

Khi bị các công tố viên cáo buộc hội đồng quản trị Alameda chỉ có một người, và đó chính là Sam nhờ việc sở hữu 90% cổ phần của quỹ, cựu CEO FTX nói "không cố tình kết cấu công ty như vậy".

Sau khi FTX phá sản, Sam Bankman-Fried đã tiến hành nỗ lực pháp lý để giành quyền kiểm soát lượng cổ phiếu Robinhood, trước khi bị giới chức Mỹ tịch thubán lại cho chính Robinhood.

Phía công tố viên cáo buộc Sam Bankman-Fried đã sử dụng tiền của khách hàng FTX để mua cổ phiếu Robinhood, để rồi khi FTX phá sản thì cố gắng chiếm đoạt số tài sản này cho bản thân.

Đã có thời điểm Sam Bankman-Fried thừa nhận các khoản đầu tư của Alameda chiếm tỷ trọng quá lớn trong danh mục tài sản của quỹ và đặt ra rủi ro khi thị trường lao dốc. Tuy vậy, vị CEO không hề đề cập gì đến việc áp đặt các biện pháp phòng hộ rủi ro.

Phải đến sau tháng 05/2022, khi thị trường crypto bị bán tháo vì cú sập LUNA-UST, Sam Bankman-Fried mới chỉ đạo cho Alameda phải lập vị thế phòng hộ cho những tài sản của quỹ, bao gồm những đồng "Sam coin" như FTT, Solana (SOL) và Serum (SRM). Cùng lúc đó, Sam cũng biết rằng Alameda đã vay rất nhiều tiền để phục vụ cho hoạt động đầu tư, sử dụng "Sam coin" làm tài sản thế chấp.

Đến tháng 06/2022, các tổ chức cho vay yêu cầu thu hồi tín dụng từ Alameda, với giá trị lên đến hàng tỷ USD. Sam Bankman-Fried khai là chỉ biết được chuyện này vào giữa tháng 6. Tình hình căng thẳng đến nỗi CEO Alameda Caroline Ellison đề cập đến khả năng có thể quỹ sẽ phá sản. Mặc dù vậy, Alameda vẫn trả tiền cho chủ nợ bằng cách vay thêm tiền từ người dùng FTX. Sam Bankman-Fried nói trước tòa là không biết gì về việc vay tiền từ FTX.

Công tố viên sau đó trình ra bằng chứng trong một cuộc phỏng vấn Sam Bankman-Fried thực hiện vào tháng 12/2022, cho thấy cựu CEO FTX đã thảo luận về việc vay tiền từ FTX để trả nợ.

Khi bị công tố viên hỏi là liệu với những giao dịch cho vay như vậy, Sam Bankman-Fried có ý thức được là sẽ có nguy cơ Alameda không thể trả lại tiền cho sàn, cựu CEO trả lời là luôn có rủi ro nhất định.

Công tố viên hỏi Sam Bankman-Fried là việc vay tiền từ FTX để trả nợ có phải là giao dịch margin hay không, vị CEO ban đầu cố tình lảng tránh việc trả lời, nhưng khi bị thẩm phán nhắc nhở, cựu CEO thừa nhận là "không".

Công tố viên mở lên bảng tính Google Spreadsheet có 7 bảng cân đối kế toán được Caroline Ellison khai là do mình lập nên để che giấu khoản lỗ của Alameda theo chỉ đạo của Sam Bankman-Fried. Tài liệu cho thấy dù quỹ đang nợ sàn 9,9 tỷ USD, nhưng tài khoản ngân hàng thì chỉ còn 525 triệu USD. Cựu CEO FTX phủ nhận việc đã từng xem tài liệu này. Công tố viên cho biết là đã xem được metadata từ Google, cho thấy Sam Bankman-Fried đã truy cập vào bảng tính vào ngày 19/06/2022.

Đến tháng 10/2022, Sam Bankman-Fried thừa nhận việc biết Alameda nợ FTX 10 tỷ USD. Sam Bankman-Fried cân nhắc đóng cửa Alameda và thay thế bằng Modulo Capital, một quỹ đầu tư khác cũng do Sam cấp vốn và làm cổ đông đa số. Tuy vậy, sau khi nhìn lại tình hình của quỹ, Sam Bankman-Fried đi đến kết luận là không thể khai tử Alameda được.

Phiên tòa sẽ tiếp tục trong ngày 31/10 (giờ Mỹ).

Coin68 tổng hợp

Tham gia thảo luận về những vấn đề NÓNG HỔI nhất của thị trường DeFi tại nhóm chat Fomo Sapiens cùng các admin Coin68 nhé!!!
-31/10/2023
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68