logo
  • Tin tức
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • Kiến Thức
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • Kiến Thức
  • E-Magazine
  • Góc nhìn

Ngày 14 phiên tòa xét xử Sam Bankman-Fried: Cựu CEO FTX khai không biết cấp dưới đã làm gì

-28/10/2023

Sau ngày đầu tiên lên làm chứng mà không có bồi thẩm đoàn, cựu CEO FTX Sam Bankman-Fried rốt cuộc cũng có thể tự bào chữa cho bản thân.

Sam Bankman-Fried tuyên thệ trên bục nhân chứng. Ảnh: Jane Rosenberg/Reuters

Như đã được Coin68 đưa tin, luật sư biện hộ cho Sam Bankman-Fried đã chọn chiến lược mạo hiểm khi gọi chính cựu CEO FTX lên làm nhân chứng trong phiên tòa xét xử người này.

Tuy nhiên, thẩm phán chủ tọa đã thận trọng khi trong ngày làm chứng đầu tiên, Sam Bankman-Fried đã phải trả lời các câu hỏi chất vấn mà không có sự có mặt của bồi thẩm đoàn - những người sẽ cùng đưa ra phán quyết sau cùng về tội danh lừa đảo và gian lận đang được đặt lên cựu CEO FTX.

Song, đến ngày làm chứng thứ hai, Sam Bankman-Fried đã có thể tự bào chữa cho bản thân trước bồi thẩm đoàn.

Sự khởi đầu của Alameda và FTX

Mở đầu phần trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa, Sam Bankman-Fried cho biết FTX là một sàn giao dịch phái sinh tiền mã hóa, nhưng đã sụp đổ và phá sản. Mặc dù vậy, cựu CEO phủ nhận việc đã lừa đảo bất kỳ ai hoặc lấy tiền của khách hàng.

Sam nói:

"Tôi đã phạm phải một số sai lầm cả lớn lẫn nhỏ. Ví dụ như việc FTX không có đội ngũ riêng phụ trách quản lý rủi, cũng như thiếu sự giám sát hoạt động của nhân viên." 

Luật sư biện hộ sau đó hỏi Sam Bankman-Fried về quá khứ của ông, thời còn làm việc cho quỹ đầu tư Jane Street, cho đến lúc gặp gỡ những cộng sự sau này như Gary Wang, Nishad SinghCaroline Ellison để lập nên Alameda Research và FTX.

Sau khi nhận thấy được nhu cầu giao dịch tiền mã hóa lớn và cơ hội kiếm lời từ chênh lệch giá, Alameda đã có nhiều thương vụ thành công với lợi nhuận thường niên từ 50% đến 100%. Quỹ sau đó chuyển trụ sở từ Berkeley (hạt Alameda, bang California, Mỹ) sang Hong Kong để tìm kiếm thêm cơ hội và rốt cuộc là lập nên sàn FTX. Sam còn nói lý do chọn Hong Kong bởi nơi đây cởi mở về pháp lý hơn đối với tiền mã hóa. Alameda Research từ một quỹ đầu tư tiền mã hóa có thêm chức năng market maker cho FTX.

Đáng chú ý, Sam Bankman-Fried nói đã có ý định bán FTX lại cho Binance ở thời điểm này, đúng như tiết lộ trước đó rằng cựu CEO FTX đã ra giá 40 triệu USD cho sàn nhưng bị Changpeng Zhao từ chối. Đây là một trong những lý do khiến Sam Bankman-Fried quyết định tự xây dựng FTX để trở thành đối thủ của Binance. Song, Binance là một trong những nhà đầu tư sớm nhất vào FTX, khi đầu tư 80 triệu USD dưới dạng BNB.

Sam Bankman-Fried cho biết đã áp đặt cơ chế clawback tại FTX, hiểu đơn giản là khi người dùng giao dịch futures bị lỗ, số tiền thiệt hại nếu nằm ngoài khả năng khắc phục của FTX sẽ được chia đều cho tất cả những người dùng khác. Khi một tài khoản bị thanh lý, FTX sẽ bán tài sản thế chấp để bù đắp lại lệnh giao dịch. Song, Sam Bankman-Fried nói rằng trong trường hợp một tài khoản lớn như Alameda bị thanh lý, hệ lụy để lại cho FTX có thể là vô cùng lớn.

Do đó, Sam đã nói với Giám đốc Công nghệ Gary Wang rằng phải có cơ chế ngăn ngừa điều này, rồi sau đó biết được rằng Gary Wang và Nishad Singh đã tạo nên tính năng “allow negative”, cho phép Alameda Research duy trì tài khoản âm tiền trên FTX. Sam Bankman-Fried khẳng định đã được Wang và Singh báo cáo lại là đã khắc phục vấn đề, nhưng không biết cụ thể những gì họ đã làm.

Giờ đây, sau khi đã nghe lời khai của Gary WangNishad Singh, Sam Bankman-Fried mới hiểu cơ chế đó là cho phép Alameda Research đặt lệnh giao dịch trên FTX mà không cần thế chấp tài sản, được phép âm tiền tài sản mà không lo bị thanh lý. Trong khi đó, Gary Wang và Nishad Singh thì lại khai rằng chính Sam vào năm 2020 là người ra lệnh cho họ phải áp đặt allow negative để tránh việc Alameda bị lỗ thêm tiền.

Sau đó, Alameda bắt đầu vay tiền từ FTX, với lượng tín dụng lên đến hàng tỷ USD. Sam Bankman-Fried đã thảo luận với Gary Wang và Nishad Singh về vấn đề này, và tưởng rằng tiền được gửi đến tài khoản ngân hàng của Alameda và được ghi nhận thành nợ của quỹ trên FTX.

Luật sư biện hộ sau đó hỏi Sam Bankman-Fried về token FTT của sàn FTX, cũng như cơ chế mua và đốt token sàn nhận lại dưới dạng phí giao dịch. Token FTT cũng được giao dịch trên các sàn khác như Binance và đã có lúc Binance dự định bán tất cả FTT mà họ nắm giữ. Cựu CEO FTX nói FTT được xây dựng giống với mô hình của BNB trên Binance.

Khi được hỏi thế nào là “thao túng thị trường”, Sam Bankman-Fried mô tả theo cách hiểu của Jane Street, “là một lệnh giao dịch tệ dẫn đến biến động giá.”

Sam Bankman-Fried tuyên bố mỗi ngày thường làm việc đến 12 tiếng đồng hồ, thậm chí lên đến 22 tiếng trong những dịp bận rộn. Ông thường có đến 60.000 email chưa đọc, tham gia đến hàng trăm nhóm hội thoại trên ứng dụng nhắn tin Signal.

Toàn năm 2019, doanh thu của FTX chỉ là 20 triệu USD, nhưng đến năm 2021, sàn kiếm được đến 3 triệu USD mỗi ngày.

FTX lớn mạnh, các khoản đầu tư và tài trợ

Đến thời điểm cảm thấy cần phải dồn sự chú ý để phát triển FTX, Sam Bankman-Fried đã quyết định trao quyền điều hành Alameda Research cho Sam Trabucco và Caroline Ellison vào cuối năm 2021. Đây đều là những nhân sự có tài, dù vậy, Sam nhận xét Caroline Ellison là một người giỏi nghiên cứu nhưng không có đủ kinh nghiệm để quản lý rủi ro.

Vào tháng 08/2022, Sam Trabucco từ chức vì mong muốn nghỉ ngơi. Sam đề xuất với Caroline để tìm kiếm một đồng CEO mới nhưng bị cô từ chối.

Mùa hè năm 2021, FTX quyết định rời Hong Kong để chuyển trụ sở sang Bahamas, vùng Caribbean. Sam Bankman-Fried nói lý do cho quyết định trên là bởi môi trường pháp lý crypto tại Châu Á có sự chuyển biến, cũng như tình hình dịch COVID-19.

Tiếp đó, FTX bắt đầu chi tiền mạnh tay cho các thỏa thuận tài trợ để quảng bá sàn, trong đó có việc bỏ ra hàng trăm triệu USD để mua lại quyền đặt tên của sân vận động đội bóng rổ Miami Heat.

Sam Bankman-Fried còn chỉ đạo hoạt động đầu tư của FTX và Alameda, tham gia thẩm định cho nhiều dự án, trong đó có Solana (SOL). Vị CEO thừa nhận đã bắt đầu mua SOL từ mức giá chỉ 0.2 USD, sử dụng lợi nhuận mà Alameda kiếm được cũng như tiền đi vay. Sam Bankman-Fried vào đầu năm 2021 nổi tiếng vì vướng vào một tranh cãi với một nhà đầu tư khác, dẫn đến tuyên bố sẽ mua lại toàn bộ lượng Solana mà người này nắm giữ với giá 3 USD - cao hơn giá thị trường lúc đó.

Tại Bahamas, FTX đã chi hàng chục triệu USD để mua bất động sản phục vụ nhu cầu cư trú của nhân viên nhằm thuyết phục họ chuyển đến đây. Sam Bankman-Fried còn trở thành “bộ mặt” của FTX sau khi các buổi phỏng vấn của ông tạo được nhiều ấn tượng tích cực trên truyền thông.

Luật sư biện hộ sau đó đặt câu hỏi cho Sam Bankman-Fried về những khoản đầu tư vào K5 Global, quỹ đầu tư có liên hệ với nhiều người nổi tiếng, cũng như các khoản quyên góp chính trị để vận động hành lang nhằm giúp FTX có tiếng nói trong việc thiết lập khung pháp lý crypto tại Mỹ. Tiền quyên góp được Sam Bankman-Fried cùng các quản lý khác của FTX gồm Nishad Singh và Ryan Salame thực hiện bằng tiền vay từ Alameda. Dù vậy, cựu CEO phủ nhận việc chỉ đạo Singh và Salame tiến hàng các khoản quyên góp.

Sam Bankman-Fried còn 3 lần được mời tham gia điều trần tại các ủy ban của Quốc hội Mỹ, đáng chú ý là về đề xuất quản lý ngành tiền mã hóa của Ủy ban Giao dịch Tài sản Kỳ hạn (CFTC).

Sam Bankman-Fried thừa nhận đã cố tình đẩy doanh thu của FTX lên 1 tỷ USD bằng cách điều chỉnh các giao dịch Serum (SRM) của sàn, bởi nó sẽ giúp "đạt con số tròn".

Cuộc khủng hoảng thanh khoản hè 2022

Sau sự sụp đổ của LUNA - USDT vào tháng 05/2022, thị trường tiền mã hóa gặp cú sốc thanh khoản lớn, khiến nhiều công ty hàng đầu cũng lâm vào cảnh khó khăn.

Giá trị tài sản của Alameda rơi từ 40 tỷ USD về chỉ còn 10 tỷ USD chỉ riêng trong tháng 6. Sam Bankman-Fried đã nói chuyện với Caroline Ellison và phát hiện quỹ không có các khoản đầu tư phòng hộ rủi ro nào. Cựu CEO FTX nói Ellison đã tìm đến ông để báo rằng có khả năng Alameda sẽ phá sản, rồi được Nishad Singh thông báo về lỗi kế toán khiến nợ của Alameda trên FTX cao hơn 8 tỷ USD so với thực tế. Sam Bankman-Fried sau đó yêu cầu khắc phục lỗ hổng và nói Alameda trả bớt nợ.

Sam Bankman-Fried nói không nhớ gì về việc chỉ đạo Caroline Ellison chuẩn bị 7 bảng cân đối kế toán khác nhau để che giấu tình hình nợ và thâm hụt tài sản của Alameda Research để gửi cho chủ nợ hòng vay thêm tiền.

Bằng chứng được nộp lên tòa, cho thấy giá trị tài sản của Alameda Research trước và sau cú sập LUNA-UST

Cựu CEO FTX còn khai là đã được nhiều công ty đang gặp khó khăn khi ấy liên hệ để xin thanh khoản, bao gồm đơn vị lending Genesis của DCG, Celsius, BlockFi và Voyager. Sam Bankman-Fried khi ấy nổi lên như một "tài phiệt" dang tay cứu trợ thị trường và được ví như "J.P. Morgan của ngành crypto", thậm chí còn tranh cãi với CEO Binance Changpeng Zhao về vấn đề này.

Trong số này, FTX chỉ đồng ý giải cứu BlockFi qua thỏa thuận mua lại trị giá gần nửa tỷ USD. Song, sau khi FTX phá sản vào tháng 11, BlockFi cũng nộp đơn phá sản chỉ sau đó ít tuần. Voyager thì thông báo phá sản vào tháng 7 - tương tự như Celsius, còn Genesis thì phá sản vào tháng 01/2023.

Luật sư sau đó hỏi cựu CEO FTX về các cuộc trò chuyện với những quản lý khác của FTX như Nishad Singh và CEO Alameda về tình hình của sàn, đối chiếu với lời khai của họ.

Phiên tòa sau đó kết thúc và sẽ trở lại vào thứ Hai (30/10) với phần đối chất của công tố viên của Bộ Tư pháp Mỹ dành cho Sam Bankman-Fried.

Coin68 tổng hợp

Tham gia thảo luận về những vấn đề NÓNG HỔI nhất của thị trường DeFi tại nhóm chat Fomo Sapiens cùng các admin Coin68 nhé!!!
-28/10/2023
ads
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là cổng thông tin tiền mã hóa bằng tiếng Việt nhanh nhất và chính xác nhất, mang lại cho độc giả cái nhìn tổng quan về lĩnh vực tiền mã hóa và tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68