logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
ads

Shadow Banking (Ngân hàng Bóng tối) là gì? Sự ảnh hưởng của Shadow Banking đối với thị trường tài chính

-28/08/2023

Shadow Banking (Ngân hàng Bóng tối) là thuật ngữ chỉ tập hợp các tổ chức trung gian tài chính phi ngân hàng (NBFIs) cung cấp các dịch vụ tương tự như ngân hàng truyền thống nhưng không tuân theo quy định và giám sát từ cơ quan quản lý tài chính. Shadow Banking là một trong những nguyên nhân chủ yếu tạo nên cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008 và khoảng thời gian downtrend tồi tệ của thị trường crypto năm 2022. Hãy cùng Coin68 tìm hiểu về Shadow Banking qua bài viết dưới đây nhé!


Shadow Banking (Ngân hàng Bóng tối) là gì? Sự ảnh hưởng của Shadow Banking đối với thị trường tài chính

Shadow Banking (Ngân hàng Bóng tối) là gì?

Shadow Banking (Ngân hàng Bóng tối) là thuật ngữ chỉ tập hợp các tổ chức trung gian tài chính phi ngân hàng (Non-Bank Financial Institutions - NBFIs) cung cấp các dịch vụ tương tự như ngân hàng truyền thống nhưng không tuân theo các quy định và giám sát từ các cơ quan quản lý tài chính.

Một số ví dụ về NBFIs có thể kể đến như quỹ đầu tư mạo hiểm, công ty bảo hiểm, cửa hàng cầm đồ, tổ chức tài chính cho vay, cung cấp các sản phẩm phái sinh,... Ngoài ra, các ngân hàng truyền thống cũng có thể thành lập các công ty con để thực hiện những hoạt động nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý tài chính.


Shadow Banking (Ngân hàng Bóng tối) là gì?

Shadow Banking là một trong những nguyên nhân chủ yếu tạo nên cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008 khi sự sụp đổ của các tổ chức như Lehman Brothers và American International Group (AIG) làm cho tình hình ngày càng tồi tệ. Ngoài ra, Shadow Banking cũng góp phần tạo nên khoảng thời gian downtrend tồi tệ trong năm 2022 với những sự sụp đổ của Terra-Luna, Celsius, Voyager, Three Arrows Capital và FTX.

Những ví dụ về Shadow Banking 

Thị trường tài chính truyền thống

Lehman Brothers

Lehman Brothers từng là ngân hàng đầu tư lớn thứ 4 của Hoa Kỳ trước khi sụp đổ vào năm 2008. Sự sụp đổ của Lehman Brothers bắt đầu từ những năm 2003 - 2004, khi thị trường bất động sản ở Mỹ đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Trong giai đoạn này, Lehman Brothers đã tiến hành việc mua lại 5 công ty cho vay thế chấp cùng với BNC Mortgage và Aurora Loan Services. Từ đây, Lehman Brothers cung cấp các khoản vay Alt-A cho người đi vay mà không cần giấy tờ đầy đủ rồi biến chúng thành giấy nợ có tài sản đảm bảo (CDO). Cùng với việc mua bán các khoản nợ bất động sản (MBS), Lehman Brothers đã gộp CDO và MBS vào chung thành những gói trái phiếu để bán cho nhà đầu tư.


Lehman Brothers gộp CDO và MBS vào chung thành những gói trái phiếu để bán cho nhà đầu tư. 

Tại thời điểm đó, thị trường bất động sản ở Mỹ đang ở đỉnh cao và giá nhà đất liên tục tăng giúp cho sản phẩm tài chính của Lehman Brothers nhận được sự chú ý. Công ty đã ghi nhận lợi nhuận hàng năm tăng kỷ lục trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2007. Đặc biệt, Lehman Brothers đã công bố lợi nhuận ròng của công ty là 4,2 tỷ USD trên doanh thu 19,3 tỷ USD vào năm 2007. Tháng 02/2007, giá cổ phiếu của Lehman Brothers đạt mức kỷ lục là 86.18 USD mỗi cổ phiếu và giá trị vốn hóa thị trường lúc đó của công ty gần 60 tỷ USD.

Tuy nhiên, biến cố xảy ra khi bong bóng bất động sản Mỹ “phình to” và các khoản nợ thế chấp dưới chuẩn bắt đầu tăng lên mức cao nhất trong 7 năm. Từ đây, giá trị của CDO giảm mạnh khiến cho Lehman Brothers mất đi khoảng 20 tỷ USD chỉ trong thời gian ngắn. Ngoài ra, cổ phiếu của Lehman Brothers cũng giảm mạnh khi cuộc khủng hoảng tín dụng nổ ra vào tháng 08/2007 vì sự thất bại của Bear Stearns - quỹ đầu cơ dưới quyền của Lehman Brothers.

Trước tình hình tồi tệ đó, Lehman Brothers đã phát hành nhiều chứng khoán được bảo đảm bằng tài sản thế chấp và tích lũy danh mục đầu tư 85 tỷ USD, cao gấp 4 lần vốn chủ sở hữu của cổ đông. Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều tài sản thế chấp với tỷ lệ đòn bẩy của lên đến mức cao nhất là 31 đã khiến Lehman Brothers vỡ nợ và tuyên bố phá sản vào ngày 15/09/2008. Sự sụp đổ của Lehman Brothers đã làm chao đảo các thị trường tài chính toàn cầu trong và được xem là Shadow Banking nổi tiếng tác động không nhỏ đến cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008.

Bạn có thể tìm hiểu thêm về Lehman Brothers qua bài viết sau: Nhìn lại sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers và những bài học dành cho các nhà đầu tư Crypto

American International Group (AIG)

American International Group (AIG) là công ty bảo hiểm và tài chính đa quốc gia của Mỹ. Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, AIG đã cung cấp sản phẩm hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (Credit Default Swap - CDS) đồng thời đầu tư vào chứng khoán dựa trên nợ thế chấp.


American International Group (AIG)

Khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008, AIG phải gánh chịu những tổn thất từ việc đầu tư vào chứng khoán dựa trên nợ thế chấp đồng thời chi trả bồi thường bảo hiểm sản phẩm tài chính CDS của công ty. AIG bị hạ bậc xếp hạng tín dụng và được yêu cầu bổ sung ký quỹ với các đối tác giao dịch. Điều này dẫn đến cuộc khủng hoảng thanh khoản vào ngày 16/09/2008 và khiến AIG đứng trên bờ vực sụp đổ. Tuy nhiên, vụ phá sản của Lehman Brothers đã gây tác hại quá lớn và đặt Chính phủ Hoa Kỳ vào tình thế không thể để AIG sụp đổ bởi công ty này cung cấp dịch vụ bảo hiểm và tài chính ở 130 quốc gia. Sự sụp đổ của AIG sẽ có tác động toàn cầu nghiêm trọng hơn nhiều so với Lehman Brothers.

Nhằm ngăn chặn sự sụp đổ và tạo điều kiện cho AIG bổ sung thế chấp cho các đối tác giao dịch CDS, chính phủ Hoa Kỳ công bố thiết lập một quỹ tín dụng bảo đảm lên đến 85 tỷ USD cho AIG vay trong 2 năm. Trong đó, chính phủ Hoa Kỳ cài vào các điều kiện kèm theo là nắm 79,9% cổ phần công ty với quyền đình chỉ cổ tức của các cổ phiếu ưu đãi và cổ phiếu phổ thông phát hành trước đó. Từ tháng 9/2008, AIG bắt đầu rao bán tài sản để trả nợ chính phủ. Tháng 5/2012, AIG dần ổn định và chính phủ Hoa Kỳ mới bắt đầu bán dần số cổ phần trong AIG. Mặc dù vẫn hoạt động ổn định nhưng AIG vẫn được xem là một Shadow Banking điển hình vì những sản phẩm công ty đã từng cung cấp trong quá khứ.

GE Capital

GE Capital là công ty tài chính và là công ty con của General Electric (GE) - tập đoàn từng là biểu tượng của nền công nghiệp Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch kiêm CEO Jack Welch trong hai thập kỷ từ năm 1981-2001, GE thực hiện 600 vụ thâu tóm và trung bình mỗi tháng GE sẽ mua thêm 2.5 công ty. Từ đây, GE đã mở rộng ra vô số mảng kinh doanh bao gồm cả tài chính và GE Capital đã ra rời.


GE Capital 

GE Capital là bên cho vay lớn thứ 5 tại Mỹ vào năm 2008. Khác với các ngân hàng truyền thống, GE Capital không nhận tiền gửi của khách hàng thông thường mà huy động tiền thông qua thương phiếu với lãi suất thấp và sau đó cho vay với lãi suất cao hơn. Vào năm 2008, GE Capital chiếm 4% tổng số thương phiếu của Mỹ. Khi khủng hoảng tài chính năm 2007-2008 ập tới, GE Capital không thể thu tiền từ người đi vay cũng như không có khả năng trả nợ. Đứng trước bờ vực sụp đổ, GE Capital đã nhận được khoản cứu trợ khổng lồ trị giá 139 tỷ USD từ chính phủ để xoay xở. 

Trong những năm tiếp theo, đã bán gần như mọi thứ bao gồm cả GE Appliances - công ty thuộc mảng kinh doanh ban đầu là đồ gia dụng. Ngoài ra, GE cũng thoái vốn khỏi nhiều khoản vay, bất động sản cũng như NBC Universal, GE Plastics, GE Water và GE Capital. Ngày 26/6/2018, GE chính thức bị loại khỏi Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sau 111 năm góp mặt và đây được xem là một Shadow Banking điển hình trong thị trường tài chính.

Thị trường crypto

Terra - Luna

Terra là blockchain được xây dựng bởi Terraform Labs với 2 token chính là LUNA và UST - stablecoin thuật toán sử dụng cơ chế Rebase giúp cho stablecoin giữ được giá 1 USD bằng việc điều chỉnh số lượng cung lưu hành của token. Mối liên kết giữa 2 token này là UST được điều chỉnh bởi giá của LUNA và được mô tả như sau:

  • Nếu giá UST > 1 USD: Hệ thống sẽ đốt LUNA với giá trị tương ứng ở thời điểm đó để phát hành thêm UST. Khi cung tăng lên, UST sẽ tự động giảm về 1 USD.

  • Nếu giá UST < 1 USD: Hệ thống sẽ đem UST redeem lại LUNA. Việc này sẽ làm UST giảm cung và neo về vùng 1 USD. 

Giải pháp của Terra là sử dụng cơ chế mint-burn token để neo giá cho stablecoin của giao thức. Tuy nhiên, giải pháp của Terra bị đánh giá là có nhiều nguy cơ về tính bền vững vị sự biến động của thị trường crypto là vô cùng lớn.


Mối liên kết giữa LUNA và UST bị đánh giá là không bền vững

Không ngoài dự đoán, sự sụp đổ của LUNA - UST chỉ diễn ra trong 1 tuần từ 08/05 đến 14/05/2022 nhưng đã làm bốc hơi 400 tỷ USD vốn hoá và châm ngòi cho cuộc “khủng hoảng thanh khoản” lan rộng toàn thị trường thị trường crypto. Hàng loạt các tổ chức lần lượt thừa nhận bị thiệt hại từ LUNA như Binance thiệt hại 1,6 tỷ USD, Galaxy Digital, Delphi Digital, Pantera Capital, Jump Crypto,...

Mặc dù Terra đã sụp đổ hoàn toàn nhưng Do Kwon vẫn không từ bỏ mà vẫn cố chấp ra mắt Terra 2.0 vào ngày 28/05/2022. Tuy nhiên, Do Kwon "tái xuất" chưa được bao lâu đã phải tiếp tục "lặn mất tăm" vì bị giới chức nhiều nước truy nã gắt gao. Cuối cùng, Do Kwon đã bị bắt tại Montenegro sau 1 năm truy nã gắt gao khi cố gắng dùng hộ chiếu giả và phải đối mặt với án phạt từ 3 tháng đến 5 năm tù. Từ đây, LUNA-UST trở thành "vết nhơ" và Terraform Labs cũng được xem là một Shadow Banking trong thị trường crypto. 

Bạn có thể tìm hiểu về sự sụp đổ của LUNA-UST qua bài viết sau: 1 năm nhìn lại: Còn lại gì sau sự sụp đổ của LUNA-UST? 

Tether

Cuối năm 2021, một số cơ quan quản lý tài chính trên thế giới đã bắt đầu bày tỏ mối quan ngại về stablecoin và cho rằng chúng có thể là một hình thức shadow banking mới. Từ đây, những tổ chức phát hành stablecoin được xem là một phần của mạng lưới Shadow banking trong đó có Tether - công ty phát hành stablecoin USDT. Nơi mà Tether nắm giữ các khoản tiền gửi bằng USD là Deltec Bank - một ngân hàng có trụ sở ở Bahamas. Deltec Bank không được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hỗ trợ và USD mà họ nắm giữ được xem là eurodollar - là USD được giữ trong tài khoản tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng bên ngoài Hoa Kỳ, do đó không thuộc thẩm quyền pháp lý của FED.


Tether và USDT được xem là hình thức Shadow Banking mới

Về USDT thì đây là stablecoin được neo theo giá của USD bên ngoài đời thật với tỷ lệ quy đổi 1:1 nhưng điều này chỉ đúng nếu Tether có đủ USD bảo chứng cho số lượng USDT phát hành ra thị trường. Vậy đã có lúc nào Tether không kham nổi định nghĩa “Stablecoin 100% hỗ trợ bởi USD" hay chưa? Câu trả lời là có, vào tháng 5/2019, Tether đã có một tiết lộ gây sốc rằng chỉ có 74% tổng cung của USDT được bảo chứng bằng tiền mặt là USD. Điều này đã đi ngược với những lời cam kết trước đó của ban lãnh đạo Tether khi tuyên bố tất cả USDT đều được bảo chứng bằng USD. Kể từ thời điểm đó trở đi, tài sản bảo chứng của USDT bao gồm thêm tín phiếu kho bạc Mỹ, thương phiếu, quỹ thị trường tiền tệ, tài sản cho vay và các khoản đầu tư khác.

Từ đây, ta có thể kết luận rằng việc USDT có thể được quy đổi thành USD với tỉ lệ 1:1 hay không hoàn toàn phụ thuộc vào khoản dự trữ USD và khả năng thanh khoản của Tether. Trong trường hợp Tether không có đủ USD thực tế để trả cho tất cả những người muốn rút tiền theo tỷ lệ quy đổi 1:1 thì những người nắm giữ USDT sẽ không thể lấy lại toàn bộ số tiền của mình. Viễn cảnh USDT sụp đổ sẽ rất khó xảy ra nhưng nếu trở thành sự thật thì thiệt hại vô cùng lớn khi USDT đang là stablecoin lớn nhất thị trường và có vốn hoá chỉ sau Bitcoin và Ethereum.

Binance

Binance hiện là sàn giao dịch crypto lớn nhất với khối lượng giao dịch cao nhất trong các sàn CEX hiện tại dựa trên dữ liệu của CoinMarketCap và Coingecko. Binance được sáng lập bởi Changpeng Zhao (CZ), cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ cho người dùng giao dịch với 740 cặp coin/token. Với các sản phẩm, dịch vụ Binance đang cung cấp cho người dùng và một vài vấn đề pháp lý thì câu hỏi được đặt ra là: “Liệu Binance có phải là Shadow Baking lớn nhất đang hoạt động trong thị trường crypto?”.


Liệu Binance có phải là Shadow Baking lớn nhất đang hoạt động trong thị trường crypto?

Việc xem Binance là Shadow Banking hay không còn tùy thuộc vào cách định nghĩa và tiêu chí của từng người. Tuy nhiên, Binance có một số đặc điểm tương tự với các tổ chức Shadow Banking khi cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính rủi ro cho người dùng như Margin, hợp đồng tương lai, cho vay,... Bên cạnh đó, vấn đề pháp lý cũng khiến cho Binance phải đau đầu khi đối mặt với 2 vụ kiện với Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC)Ủy ban giao dịch Tài sản Kỳ hạn Mỹ (CFTC) đã kéo dài từ tháng 3 đến nay. Riêng Bộ Tư pháp Mỹ vẫn đang cân nhắc kết tội Binance, song từng bước thận trọng vì sợ gây hoảng loạn lên toàn bộ thị trường.

Ngoài ra, một số KOL nước ngoài đang chia sẻ với nhau về việc Binance đang mất khả năng thanh toán khoản vay thế chấp bằng BNB trên Venus. Đây có thể là các bài viết nhắm đến Binance từ những đối thủ cạnh tranh trên thị trường nhưng cũng không loại trừ khả năng Binance đang thật sự rơi vào tình thế nguy hiểm. Người dùng có thể phòng ngừa rủi ro bằng cách chuyển tài sản từ Binance qua các sàn CEX khác hoặc ví blockchain nhằmg đề phòng trường hợp xấu nhất. Nếu kịch bản Binance sụp đổ thành sự thật thì đây có thể là “FTX 2.0” và là một Shadow Banking gây thiệt hại nặng nề nhất trong thị trường crypto bởi thị phần của sàn giao dịch này đang lớn nhất.

FTX

FTX đã từng là một trong những sàn giao dịch crypto lớn nhất thế giới nhưng đã sụp đổ vào tháng 11/2022 và gây ra rất nhiều thiệt hại cho thị trường crypto. Mọi chuyện bắt đầu từ việc Alameda Research được cho là có một thỏa thuận cho vay trị giá 500 triệu USD với Voyager Digital, công ty cho vay crypto đã tuyên bố phá sản vào tháng 07/2022. Đây là điểm bắt đầu của chuỗi hiệu ứng dây chuyền lên sàn FTX. Alameda Research và FTX từ lâu đã được biết là có mối liên kết chặt chẽ đều do tỷ phú Sam Bankman-Fried thành lập và điều hành dù họ luôn tuyên bố đây là hai đơn vị độc lập.


Mối liên kết giữa FTX và Alameda Research

Alameda Research là một trong những cái tên chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng thanh khoản sau đó vì Voyager phá sản, còn các tổ chức crypto lớn khác cũng kẹt tiền. Mặc dù nắm giữ lượng tài sản trị giá 15 tỷ USD nhưng Alameda Research vẫn lâm vào thế bần cùng đến nỗi CEO FTX Sam Bankman-Fried phải ra tay cứu trợ. Sam Bankman-Fried đã tìm cách chuyển ít nhất 4 tỷ USD của FTX sang cho Alameda Research. Đổi lại, Alameda Research sẽ thế chấp khoản vay bằng chính token FTT và 7.6% cổ phần trên sàn giao dịch Robinhood.

Điều đáng nói là một phần trong số 4 tỷ USD này là tiền gửi của khách hàng và có thông tin cho rằng Sam Bankman-Fried đã không nói với các lãnh đạo khác của FTX về bước đi hỗ trợ Alameda Research. Ngày 02/11/2022, CoinDesk đã tung ra một bảng cân đối kế toán bị rò rỉ cho thấy phần lớn tài sản trị giá 14.6 tỷ USD của Alameda là token FTT. Caroline Ellison - CEO Alameda Research đã tweet đáp lại rằng bảng cân đối kế toán này “chưa đầy đủ”, quỹ vẫn còn 10 tỷ USD tài sản chưa được ghi lại.

Tuy nhiên, chuyện này đã dấy lên quan ngại về tình hình tài chính của Alameda Research và CEO Binance CZ sau đó đã tuyên bố bán toàn bộ FTT nắm giữ kể từ khi “sự thật đang dần được đưa ra ánh sáng”. FTX sau đó đã bị người dùng ồ ạt rút tiền và buộc phải ngừng xử lý rút tiền. Ngày 11/11/2022, FTX thông báo đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản và chấm dứt đế chế huy hoàng từng được xem là đối trọng lớn của Binance. Sự sụp đổ của FTX đã khiến cho nhiều nhà đầu tư cá nhân, quỹ đầu tư lớn thiệt hại nặng nề và được so sánh như Lehman Brothers vì đã sử dụng quá nhiều tài sản thế chấp với mức rủi ro cao.

Ảnh hưởng của Shadow Banking đối với thị trường tài chính

Thị trường tài chính truyền thống

Shadow Banking là một trong những yếu tố gây nên cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008. Nguyên nhân đến từ việc các tổ chức tài chính như Lehman Brothers, AIG đưa ra các sản phẩm CDO, MBS liên quan đến thị trường bất động sản tại Mỹ. Hình thức vay thế chấp nhắm vào những người mua nhà có thu nhập thấp, rủi ro cho vay rất cao cùng với sự bùng nổ bong bóng nhà đất tại Hoa Kỳ.

Sau khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra, chính phủ Hoa Kỳ đã triển khai các khoản cứu trợ đối cũng như áp dụng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống tài chính nhưng đã quá muộn. Cuộc khủng hoảng đã lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Liên minh Châu Âu như Đức, Anh, Pháp,... Cuộc khủng hoảng này đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế toàn cầu với hơn 10.000 tỷ USD đã bị “bốc hơi”, hơn 30 triệu người thất nghiệp, các cơ sở kinh doanh đình trệ, tình trạng thất nghiệp kéo dài. Nền kinh tế Mỹ phải mất đến 10 năm mới có thể trở lại quỹ đạo nhờ các gói kích thích kinh tế. 

Thị trường crypto

Shadow Banking cũng là nguyên nhân gây ra khoảng thời gian downtrend tồi tệ trong năm 2022 của thị trường crypto. Mở đầu là sự sụp đổ của LUNA-UST tiếp theo đến quỹ đầu tư Three Arrows Capital và 2 công ty cho vay Celsius, Voyager khiến thị trường crypto thiệt hại 400 tỷ USD. 

Kế đến là sự sụp đổ của FTX và Alameda Research đã khiến cho khiến cho nhiều quỹ đầu tư lớn thiệt hại nặng nề chẳng hạn như Sequoia Capital thiệt hại 213 triệu USD hay Galaxy Digital với 76.8 triệu USD. Ngoài ra, lượng người dùng không thể rút tiền trên FTX là không đếm xuể và sàn giao dịch này được ví như Lehman Brothers của thị trường crypto vì đã sử dụng quá nhiều tài sản thế chấp với mức rủi ro cao.

Ưu và nhược điểm của Shadow Banking

Hiện tại, Shadow Banking vẫn còn tồn tại và hoạt động cho đến tận ngày nay. Bên cạnh những nhược điểm như rủi ro cao thì Shadow Banking cũng có những ưu điểm nhất định.

Ưu điểm

Nhiều lựa chọn về sản phẩm, dịch vụ: Shadow Banking cung cấp cho người dùng nhiều lựa chọn về sản phẩm, dịch vụ hơn các tổ chức tài chính truyền thống như giao dịch phái sinh, cho vay thế chấp bằng tài sản crypto,.... 

Tốc độ xử lý nhu cầu của người dùng: Shadow Banking xử lý các nhu cầu của khách hàng nhanh hơn so với các ngân hàng truyền thống. Họ thường có thể xử lý các đơn xin vay và giải ngân tiền nhanh hơn so với các ngân hàng truyền thống. Chính vì thế các Shadow Banking dễ dàng thu hút và giữ chân người dùng.

Chi phí thấp hơn: Người dùng thường trả ít chi phí hơn cho các dịch vụ của Shadow Banking so với ngân hàng truyền thống. Vì không phải tuân thủ các quy định và yêu cầu nghiêm ngặt, Shadow banking có thể cung cấp các dịch vụ với các khoản phí và lãi suất thấp hơn ngân hàng truyền thống.

Khả năng tạo ra lợi nhuận cao: Người dùng có thể tạo ra cơ hội sinh lợi nhuận cao hơn khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ của Shadow Banking so với các sản phẩm tài chính truyền thống. 

Nhược điểm

Thiếu sự kiểm soát của cơ quan tài chính: Shadow banking thường không được kiểm soát chặt chẽ như hệ thống ngân hàng truyền thống. Các công cụ tài chính phức tạp và thiếu minh bạch có thể tạo ra nguy cơ gây ra sự sụp đổ hệ thống tài chính của một quốc gia và lan truyền rủi ro đến toàn cầu.

Thiếu minh bạch: Shadow banking thường thiếu minh bạch trong hoạt động và cung cấp thông tin không đầy đủ về rủi ro đối với các bên liên quan. Điều này gây ra khó khăn trong việc đánh giá và quản lý rủi ro đồng thời làm tăng khả năng xảy ra các vấn đề tài chính không mong muốn.

Tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của hệ thống Shadow Banking: Do tính không ổn định và liên kết phức tạp trong Shadow Banking, khi một sự cố xảy ra trong một thành phần của hệ thống có thể ảnh hưởng và lan rộng đến toàn bộ hệ thống tài chính.

Tổng kết 

Shadow Banking (Ngân hàng Bóng tối) là thuật ngữ chỉ tập hợp các tổ chức trung gian tài chính phi ngân hàng (NBFIs) cung cấp các dịch vụ tương tự như ngân hàng truyền thống nhưng không tuân theo quy định và giám sát từ cơ quan quản lý tài chính. Shadow Banking là một trong những nguyên nhân chủ yếu tạo nên cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008 và khoảng thời gian downtrend tồi tệ của thị trường crypto năm 2022.

Hiện tại, Shadow Banking vẫn còn tồn tại và hoạt động cho đến tận ngày nay. Bên cạnh những nhược điểm như rủi ro cao thì Shadow Banking cũng có những ưu điểm nhất định. Thông qua bài viết này chắc các bạn đã phần nào nắm được những thông tin liên quan đến Shadow Banking. Coin68 chúc các bạn thành công và kiếm được thật nhiều lợi nhuận từ thị trường tiềm năng này! 

-28/08/2023
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68