Trước những động thái khó lường những nền kinh tế hàng đầu thế giới đối với ngành tiền mã hóa như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ hay Nga, sự phản đối giao dịch và khai thác Bitcoin ngày càng gia tăng của giới chính quyền tại Châu Âu đang dấy lên lo ngại rằng liệu EU sẽ bắt đầu xem xét một lệnh cấm trên diện rộng?
Trung Quốc đã tạo ra công thức chung
Trung Quốc
Tưởng chừng như Trung Quốc sẽ mở ra một kỷ nguyên mới để chào đón tiền mã hóa sau một thập kỷ có thái độ thù địch với Bitcoin, bằng tuyên bố của Li Bo phó thống đốc ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBoC) rằng quốc gia đang dần xem crypto như một công cụ đầu tư đầy tiềm năng, thì chỉ 1 tháng sau đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc đã “bẻ lái”, yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đào và giao dịch Bitcoin, bắt đầu giai đoạn nhấn chìm thị trường lần đầu tiên trong năm 2021.
Đó chỉ là câu chuyện gói gọn trong tháng 5. Tiếp đến tháng 9, Trung Quốc đã hành động mạnh tay hơn bằng lệnh cấm toàn diện đối với bất kỳ hoạt động nào liên quan đến tiền mã hóa. Điều này đã đẩy nhiều công ty crypto đứng trên bờ vực sụp đổ, họ buộc phải đóng cửa hoặc rời bỏ Trung Quốc để tìm quốc gia khác nhằm duy trì hoạt động.
Những hội đào lớn nhất thế giới đều bị “đánh bại” đến mức phải chặn IP Trung Quốc. Đến cả trang tin tức crypto hàng đầu Trung Quốc cũng ngừng hoạt động, CoinGecko và CoinMarketCap đều không thể truy cập.
Tuy nhiên, đã xuất hiện một điểm đáng chú ý là cổ phiếu blockchain của Trung Quốc chịu rất ít hoặc hầu như không thiệt hại trong cả hai cuộc đàn áp. Mặt khác, tổn thất chỉ nhắm thẳng vào các token Trung Quốc, vốn chẳng liên quan đến các cổ phiếu trên. Từ đó, có thể khẳng định rằng Trung Quốc đã tạo ra một bàn cờ quá hoàn hảo để dẫn dắt dư luận nhằm thúc đẩy tham vọng bành trướng CBDC của họ là đồng e-CNY.
– Xem thêm: CBDC: Bí ẩn đến từ Trung Quốc hay chỉ là “cáo đội lốt cừu”?
Kể từ đó, lời giải dần hé lộ khi Trung Quốc nhanh chóng triển khai thử nghiệm CBDC tại các thành phố lớn trong nước bao gồm Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến, Tô Châu, Thành Đô và Trường Sa. Điều trùng hợp là tin tức thí điểm từ sáu thành phố này được lặp đi lặp lại sau mỗi lần chính phủ gây khó khăn cho Bitcoin.
Và rồi bức tranh hiện tại là bằng chứng rõ nhất cho âm mưu của Trung Quốc trong chuỗi hành động trong năm 2021. Đồng e-CNY đã “đá văng” Visa tại Thế vận hội Mùa đông 2022. Trước đó, e-CNY đã đạt một số cột mốc nhất định khi ghi nhận mức giao dịch lên đến 9,7 tỷ USD và có hơn 140 triệu người sử dụng trong tháng 11, đồng thời ứng dụng e-CNY còn được thử nghiệm phiên bản di động trên quy mô lớn.
Ấn Độ
Vào tháng 11, Ấn Độ đã thể hiện tác động nghiêm trọng của mình vào thị trường khi liên tục gây hoang mang cho nhà đầu tư bởi nhiều luồng thông tin trái chiều, bắt đầu từ đề xuất luật xây dựng CBDC và cấm “hầu hết” các đồng tiền mã hóa, khiến giá Bitcoin (BTC) tại Ấn Độ “sụp đổ” 10.000 USD. Để rồi sau đó chính phủ lại thay đổi thái độ sau khi nhận không ít áp lực từ phía dư luận.
Do đó, các nhà chức trách phải bắt đầu xem xét lại lệnh cấm hoàn toàn đối với ngành, thay vào đó có thể chọn hình thức áp dụng quy định phù hợp hơn trong năm 2022. Theo tuyên bố mới nhất từ Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman, Ấn Độ sẽ triển khai CBDC và áp thuế 30% đối với tiền mã hóa, cũng như có thái độ trung lập về crypto vào thời điểm hiện tại. Về phía ngược lại, Ngân hàng trung ương Ấn Độ (RBI) vẫn giữ vững quan điểm tiền mã hóa là mối đe dọa với quốc gia, thúc giục chính phủ nên đi theo con đường của Trung Quốc.
Nga
Như Coin68 đã đưa tin, vào tháng 1 Ngân hàng Trung ương Nga đã đề xuất một lệnh cấm thẳng tay đối với các hoạt động liên quan đến tiền mã hóa, nhưng đã vấp phải sự phản đối của phần lớn cơ quan chính phủ, đơn cử là Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp và phát biểu ủng hộ ngành khai thác crypto của Tổng thống Putin.
Theo đó, chính phủ Nga đã đồng ý xây dựng lộ trình quản lý tiền mã hóa thay vì cấm. Song, vào thời điểm thực hiện bài viết, đã xuất hiện một chuyển biến khác là chính quyền Nga đang đạt được tiếng nói chung về việc cấm sử dụng crypto làm phương tiện thanh toán.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nga lại đang khởi động giai đoạn thử nghiệm của dự án đồng rúp kỹ thuật số (CBDC), nhận được sự ủng hộ rất lớn từ giới chính quyền đến hơn 80%. Michael Greenwald, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ từng chia sẻ rằng:
“Nếu Nga, Trung Quốc và Iran tạo ra CBDC để hoạt động bên ngoài đồng USD và dẫn đến xu hướng các nước khác sẽ theo sau, thì đó sẽ là điều đáng báo động.”
Kết luận
Song, Châu Âu dường như chưa có bất kỳ hành động nào quá khắt khe từ trước đến nay với thị trường tiền mã hóa ngoài ý định muốn cấm ví tiền mã hóa ẩn danh và thắt chặt giao dịch crypto vào năm 2024. Thậm chí Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) còn đưa ra quyết định giữ nguyên lãi suất nhằm củng cố đà phục hồi của thị trường tài chính nói chung.
Bên cạnh đó, làn sóng tiếp nhận crypto tại EU đang có những bước tiến triển đáng kinh ngạc, chứng kiến tổ chức ngân hàng truyền thống nổi tiếng tham gia vào lĩnh vực.Có thể kể đến ngân hàng Banca Generali (Ý), tập đoàn ngân hàng hàng đầu Sparkasse (Đức), ngân hàng BBVA (Thụy Sĩ), Ngân hàng SEBA (Thụy Sĩ), ngân hàng Societe Generale (Pháp), ngân hàng thương mại Ukraine và ngân hàng trực tuyến N26 (Đức).
Tuy nhiên, một số tín hiệu đáng lo ngại đã xuất hiện ngày càng dày đặc trong khu vực gần đây. Vào ngày 11 tháng 2, Thống đốc Matolcsy của Ngân hàng Trung ương Hungary đã bày tỏ sự ủng hộ đối với ý tưởng về lệnh cấm tiền mã hóa ở EU. Matolcsy cũng đã lấy ví dụ về Trung Quốc và Nga để giải thích lập trường của mình.
China declared all cryptocurrency activities illegal last September (…) I perfectly agree with the proposal and also support the senior EU financial regulator’s point that the EU should ban the mining method used to produce most new bitcoin.
Read more: https://t.co/pBTAH6mney
— György Matolcsy (@gyorgy_matolcsy) February 11, 2022
“Trung Quốc tuyên bố tất cả các hoạt động tiền mã hóa là bất hợp pháp vào tháng 9 năm ngoái. Tôi hoàn toàn đồng ý với điều này và cho rằng EU thực hiện động thái tương tự. Ngân hàng trung ương của Nga đã đúng khi nhận xét sự tăng trưởng chóng mặt và giá trị thị trường của crypto đều là bong bóng tài chính.”
Quan điểm của Matolcsy chỉ đến khoảng vài tuần sau khi Erik Thedéen, Phó chủ tịch Cơ quan Thị trường và Chứng khoán Châu Âu đã kêu gọi EU cấm đào Bitcoin. Ông đã đưa ra cảnh báo về vấn đề ô nhiễm môi trường trong việc sử dụng năng lượng điện quá đà để khai thác. Hơn nữa, ông còn khẳng định đây vấn đề mang tính quốc gia đối với Thụy Điển.
Nhìn chung, với công thức được vạch ra khá rõ ràng đến từ các quốc gia kể trên, đi từ góc nhìn cởi mở không chắc chắn cho đến những đề xuất cấm gây nhiễu loạn thông tin thị trường, rồi trở lại tạm chấp nhận với thái độ trung lập để ngầm triển khai CBDC, đợi thời cơ phát triển chín muồi của CBDC để gạt bỏ hoàn toàn crypto.
Do đó, vẫn luôn tồn tại khả năng cao EU sẽ đi theo mô hình như vậy và điều đó chắc chắn hoàn toàn không có lợi cho thị trường. Hãy nhớ rằng Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu là bà Christine Lagard luôn rất mong muốn thúc đẩy sự phát triển của CBDC.
“ECB sẽ tiếp tục đánh giá các chi phí và lợi ích của việc phát hành CBDC để đảm bảo người dân vẫn sẽ tin dùng tiền pháp định mặc dù tiền giấy đang ngày càng giảm đi.”
Coin68 tổng hợp
Có thể bạn quan tâm: