Dù quý 1 năm 2022 còn chưa khép lại, thị trường tiền mã hóa đã phải chứng kiến quá nhiều “quả bom” tin tức nổ ra. Hàng loạt FUD làm hoang mang cộng đồng, những “đại hội bóc phốt” đình đám,… Ngoài lý do nội tại, bức tranh vĩ mô bất ổn cũng tác động rất nhiều đến crypto. Cùng Coin68 điểm lại những sự kiện làm thị trường điêu đứng chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022 ngắn ngủi nhé!
FUD khắp mọi mặt trận
1. Scandal 0xSifu của Wonderland (TIME) bị “bóc phốt”
Wonderland (TIME) là một dự án “copy” mô hình của Olympus DAO (OHM) nhưng lại vận hành trên Avalanche. Dự án được thành lập bởi Daniele Sestagalli – “ngôi sao đang lên” của ngành DeFi khi ông cũng là nhà sáng lập của Abracadabra, Popsicle Finance và hiện đang có tham vọng tiếp quản cả Sushi để đưa vào liên minh “Frog Nation” của mình.
Nhân vật chủ chốt thứ hai của Wonderland là “Giám đốc Tài chính” có tài khoản Twitter là 0xSifu. Việc ẩn danh là điều thường thấy trong thị trường crypto. Việc này sẽ chẳng có gì đáng nói cho đến khi 0xSifu bị một thành viên cộng đồng “bóc” ra danh tính thật là Michael Patryn – đồng sáng lập của sàn giao dịch tiền mã hóa QuadrigaCX của Canada.
Đáng nói là QuadrigaCX là một sàn giao dịch vô cùng tai tiếng, thậm chí FBI cũng tham gia điều tra sự việc của sàn QuadrigaCX. Cái tên Michael Patryn cũng có quá khứ “bất hảo” với tiền án lừa đảo. Coin68 đã có bài viết chi tiết về vụ việc ấy tại đây:
- Chi tiết: Giám đốc Tài chính của Wonderland (TIME) bị cáo buộc có quá khứ “bất hảo”, đồng sáng lập sàn giao dịch “lừa đảo”
Việc một dự án nổi bật của trào lưu DeFi 2.0 có thành viên mang danh “lừa đảo” như vậy dĩ nhiên sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến dự án, làm nhà đầu tư phải tự hỏi về mức độ tin cậy của Wonderland.
Dễ hiểu là giá TIME ngay lập tức “sập hầm”. Tuy nhiên, từ đầu 2022 đến nay các đồng coin thuộc trend DeFi 2.0 như OHM, SPELL, RGT,.. đều giảm mạnh.
2. Cặp vợ chồng liên quan đến vụ hack Bitfinex 2016 bị FBI bắt giữ
Ngày 09/02/2022, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo đã tịch thu 3,6 tỷ USD Bitcoin (94.000 BTC) bị đánh cắp trong vụ hack sàn Bitfinex vào năm 2016, đồng thời bắt giữ hai nghi phạm có liên quan là cặp vợ chồng Ilya Lichtenstein – một doanh nhân công nghệ, và Heather Morgan – một doanh nhân, chuyên gia bảo mật.
Tuy nhiên, theo cáo trạng, cặp vợ chồng này bị cáo buộc có “âm mưu rửa tiền”, nhưng không rõ có phải là hacker trực tiếp tấn công sàn Bitfinex hay không.
Tin tức trên một lần nữa làm hình ảnh của thị trường crypto càng thêm tiêu cực trong mắt đại chúng. Hai nhân vật chính thì đang bị chính quyền Mỹ tạm giam để chờ ngày xét xử trước tòa.
3. Lộ diện hacker trong vụ The DAO Hack 2016 của Ethereum
Nếu đã đọc qua bài viết Lược sử Bitcoin và thị trường tiền mã hóa, chắc hẳn các bạn đã biết đến vụ việc The DAO Hack đình đám.
Có thể nói, Ethereum cũng không thể trở thành Ethereum như ngày hôm nay, nếu không có sự kiện The DAO Hack 2016. Vụ việc này cuối cùng dẫn đến kết quả là sự ra đời của Ethereum Classic (ETC).
Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, danh tính của kẻ đứng đằng sau vụ tấn công vẫn là một bí ẩn. Những tưởng đây sẽ mãi mãi là một trong những bí ẩn lớn nhất của thị trường crypto, thì ngày 22/02/2022, Laura Shin – một nhà báo có tiếng trong lĩnh vực tiền mã hoá – đã đăng tải một bài viết chấn động trên Forbes, tiết lộ về danh tính hacker đứng sau tất cả.
Câu chuyện này tiếp tục làm xấu đi hình ảnh của thị trường tiền mã hóa. Với những “đại hội bóc phốt” liên tục trong năm 2022, công chúng khi nghe đến cụm từ “tiền mã hóa” chỉ nhớ đến các tin tức tiêu cực, lừa đảo, hack,…
4. “Bố già” DeFi trở thành “ông ba bị”
Nếu 2020 và 2021 giúp xây dựng nên hình tượng “Bố già” DeFi cho Andre Cronje với hàng loạt những dự án dẫn dắt lĩnh vực Tài chính Phi tập trung (DeFi), thì chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022 ngắn ngủi đã làm xóa nhòa đi tất cả.
Mọi chuyện bắt đầu với Solidly, AMM trên Fantom được Cronje giới thiệu là đi theo mô hình ve(3,3) “tân tiến”.
Và như thường lệ, hễ là dự án DeFi nào có “dính líu” đến Andre đều được cộng đồng đặc biệt chú ý. Solidly nhanh chóng nhận được lượng tiền dồi dào đổ vào giao thức.
Nhưng nhanh chóng, cộng đồng đã phát hiện ra một lỗi… khá ngớ ngẩn trong những dòng code. Đúng theo ghi trên comment của code, mức Base Emission Rate (tạm hiểu là mức phát thải ban đầu của token SOLID) là 2%. Tuy nhiên, có thể là việc đội ngũ quên lấy 1 trừ đi giá trị này, khiến con số được triển khai thực chất lên đến 98%.
Thật sự đây là một lỗi không nên xảy ra. Nếu người code cẩn thận rà soát hơn, thì có lẽ đã không có bug ấy.
Và người code ở đây là ai? Chính là Andre Cronje!
Với nhiều vấn đề phát sinh như vậy, Andre Cronje là người chịu nhiều chỉ trích. Vị trưởng dự án sau đó có động thái…”nghỉ chơi Twitter”, để lại cộng đồng không biết hướng nào để tiếp tục đồng hành với Solidly.
Tuy nhiên, vài ngày sau, Andre đã có quyết định làm dậy sóng toàn bộ thị trường khi tuyên bố “rời ngành” DeFi, ngừng cống hiến cho 25 dự án.
Ngay lập tức, giá token của những dự án mà Andre Cronje tham gia phát triển đã dump mạnh, khi nhiều người chỉ trích hành động rời đi đột ngột của vị “bố già DeFi” không khác gì rug pull, tức lừa đảo cộng đồng khi họ đã đặt rất nhiều niềm tin vào Solidly và mô hình ve(3,3) trong thời gian qua.
5. Justin Sun bị bóc phốt gian lận
Nhà sáng lập TRON Justin Sun từ lâu đã là một cái tên gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng. Dù là nhà sáng lập một dự án đã từng lọt top 10 vốn hóa thị trường, Sun luôn bị chỉ trích là “quá chiêu trò”, marketing “bẩn”, PR “quá đà”,… Những năm trước, TRON liên tục bị chỉ trích vì copy-paste Ethereum và đã có những trận khẩu chiến xảy ra giữa Vitalik Buterin và Sun.
Đến cuối tháng 12/2021, Justin Sun từ chức CEO của TRON Foundation, tuyên bố TRON đã “phi tập trung”. Sun cho biết mình từ chức để theo đuổi một nấc thang mới trong sự nghiệp là trở thành Đại sứ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho Grenada, một đảo quốc thuộc khu vực Caribbean.
Tuy nhiên, có vẻ những “hành vi tai tiếng” khi còn ở thị trường crypto tiếp tục “vận” vào cuộc đời của Sun. Anh chàng bị phát hiện “bắt cá hai tay” trong cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Chưa dừng lại ở đó, quả boom chính thức phát nổ khi Justin Sun bị cáo buộc gian lận, phạm tội đến “chai mặt” trong một phóng sự điều tra được tờ The Verge đăng tải vào ngày 10/03/2022.
Bức tranh vĩ mô tiêu cực
1. Lạm phát tăng cao
Tình hình lạm phát ở Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới – luôn là tâm điểm chú ý của thị trường tài chính. Và tiền mã hóa cũng không là ngoại lệ. Giá BTC thường xuyên có những biến động rất mạnh khi tin tức lạm phát Mỹ được công bố.
Mới đây nhất, vào tối ngày 10/03, Mỹ thông báo lạm phát tháng 02/2022 tiếp tục tăng lên mốc 7,9% – cao nhất 40 năm qua, khiến BTC có phiên tăng – giảm chóng mặt chỉ trong 15 phút đồng hồ.
Trả lời điều trần trước Hạ viện Mỹ vào đầu tháng 3, Chủ tịch Fed xác nhận sẽ nâng lãi suất trong tháng này bất kể xung đột Nga – Ukraine, mức tăng cụ thể sẽ được xác định tại phiên họp sắp tới của FOMC vào ngày 16/03.
2. Chiến tranh Nga – Ukraine
Thị trường tiền mã hóa không thể nằm ngoài những căng thẳng địa chính trị của thế giới. Khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, giá BTC chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, tiếp tục “bay nhảy” ngoài dự đoán thường thấy. Mức độ biến động của BTC trong thời gian này được ví như “tàu lượn siêu tốc”, kéo theo nhiều đợt thanh lý khủng trên các sàn giao dịch.
Chi tiết: [Cập nhật] Bitcoin pump dump dữ dội vì thông tin Nga tấn công quân sự Ukraine
3. Tổng thống Biden ủng hộ tiền mã hóa
Đúng 06:00 PM ngày 09/03/2022, website của Nhà Trắng đã đăng tải bài viết tóm tắt mệnh lệnh hành pháp về tài sản kỹ thuật số của Tổng thống Biden. Theo đó, mệnh lệnh này chỉ đạo các cơ quan liên bang đẩy mạnh quá trình nghiên cứu các khía cạnh của lĩnh vực tiền mã hóa với mục tiêu cuối cùng là xây dựng một bộ khung quản lý hoàn chỉnh.
@POTUS‘s Order calls for measures to:
-Protect consumers, investors, & businesses
-Protect U.S. & global financial stability
-Mitigate illicit finance
-Promote equitable access
-Support responsible innovation
-Explore a U.S. Central Bank Digital Currency
And more.— The White House (@WhiteHouse) March 9, 2022
Mệnh lệnh hành pháp sẽ yêu cầu các cơ quan trong chính quyền liên bang như Bộ Tài chính, Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính, Bộ Thương mại, Cục dự trữ liên bang,… phải phối hợp cùng nhau trên các khía cạnh, bao gồm:
- Bảo vệ người tiêu dùng, nhà đầu tư và các doanh nghiệp Mỹ khi tiếp xúc với các tài sản kỹ thuật số.
- Bảo vệ sự ổn định của ngành tài chính Mỹ và thế giới, giảm thiểu rủi ro hệ thống mà có thể gây nên bởi tài sản kỹ thuật số.
- Ngăn chặn và đảm bảo an ninh quốc gia trong trường hợp tài sản kỹ thuật số bị lợi dụng cho các hoạt động bất hợp pháp.
- Thúc đẩy vị thế đi đầu của Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ và thế mạnh kinh tế để củng cố vị thế đi đầu trong ngành tài chính toàn cầu.
- Đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng và ít tốn kém đến các dịch vụ tài chính.
- Hỗ trợ các tiến bộ công nghệ, phát triển và sử dụng bền vững các tài sản kỹ thuật số.
- Khám phá khả năng phát hành một đồng tiền số quốc gia (CBDC) tại Hoa Kỳ.
Đây là tín hiệu vô cùng tích cực dành cho crypto ở Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, khi các nhà lập pháp đã có cái nhìn nghiêm túc với tiền mã hóa, bắt tay xây dựng các khung pháp lý minh bạch. Điều này mở ra cơ hội cho tiền mã hóa được chấp nhận rộng rãi, chứ không còn là thị trường “viễn Tây hoang dã” như những năm trước đây.
Nhờ thông tin tích cực trên, thị trường tiền mã hóa đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trở lại, sau những ngày biến động liên tục vì hàng loạt tin tức tiêu cực, trước khi bị điều chỉnh bởi “bóng ma” lạm phát.
Jane
Có thể bạn quan tâm: