logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn

USD Coin (USDC) là gì? Tổng quan những thông tin mới nhất về stablecoin USDC bạn cần biết

-05/01/2024

USD Coin (USDC) là stablecoin đã không còn xa lạ với những nhà đầu tư crypto, với vốn hoá đứng thứ hai trên thị trường chỉ sau USDT trong phân khúc stablecoin. Trong bài viết này, hãy cùng Coin68 tìm hiểu về USDC cũng như những thông tin mới nhất về đồng stablecoin này nhé! 


USD Coin (USDC) là gì? Tổng quan những thông tin mới nhất về stablecoin USDC bạn cần biết

USD Coin (USDC) là gì?

USDC là một loại stablecoin được bảo chứng giá trị 1:1 bằng tiền pháp định (Fiat-backed Stablecoin), cụ thể ở đây là đồng USD. Mỗi USD coin đang lưu hành trên thị trường đều có thể quy đổi về 1 USD tiền mặt hoặc các loại tài sản có giá trị tương đương như trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ ngắn hạn do Circle – công ty phát hành USDC quản lý.


USD Coin (USDC) là gì?

USD coin được công bố lần đầu tiên vào tháng 5/2018 và ra mắt vào tháng 9 cùng năm bởi Centre – một liên doanh giữa nhà cung cấp dịch vụ thanh toán ngang hàng (Peer to peer – P2P) là Circle và sàn giao dịch tiền mã hoá Coinbase. GIống như các loại stablecoin khác, USDC được tạo ra để đóng vai trò là tài sản đầu tư an toàn, ít biến động so với Bitcoin, Ethereum và làm phương tiện trao đổi giữa tiền pháp định (fiat) và tiền mã hoá (crypto).

 USDC đã khẳng định vị thế là 1 trong những stablecoin hàng đầu trong thị trường tiền mã hoá khi được sử dụng làm phương tiện trao đổi trên nhiều blockchain khác nhau như Ethereum, Polygon, Solana, Avalanche, TRON,... Tại thời điểm viết bài ngày 01/12/2023, tổng vốn hoá thị trường của USDC là 24,5 tỷ USD đứng thứ 2 sau ông lớn Tether (USDT) với tổng vốn hoá 89,2 tỷ USD trong phân khúc stablecoin.

USDC hoạt động như thế nào?

USDC không hoạt động giống như các đồng coin như Bitcoin, Ethereum khi một đơn vị mới được đưa vào lượng cung lưu hành bằng hình thức khai thác hay staking. Thay vào đó, mỗi USDC mới được tạo ra khi người dùng và doanh nghiệp gửi tiền mặt hoặc các loại tài sản được chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ vào tài khoản Circle của họ.

Khi phát hành USDC mới, số lượng USD tương đương sẽ được Circle nắm giữ dưới dạng tiền mặt và trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ ngắn hạn nhằm đảm bảo rằng giá trị của USDC vẫn được cố định 1:1 với giá trị của USD.

Cách thức hoạt động của USDC

Trái ngược với các loại stablecoin khác, tổ chức phát hành USDC có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ tính minh bạch và làm việc với một loạt các tổ chức tài chính để duy trì dự trữ đầy đủ của loại tiền tệ pháp định (fiat) hoặc các tài sản tương đương. Các đối tác và sàn giao dịch phát hành USDC có nghĩa vụ báo cáo thường xuyên việc nắm giữ USD của họ và được công bố bởi Grant Thornton LLP. Người dùng có thể đọc tất cả các báo cáo chứng thực hàng tháng của USDC tại đây.

Quy trình chuyển đổi từ tiền pháp định USD sang USDC

Quy trình chuyển đổi từ tiền pháp định USD sang USDC sẽ được thực hiện thông qua 3 bước:

  • Bước 1: Người dùng đăng ký tài khoản với một sàn giao dịch đối tác hỗ trợ USDC và gửi số lượng USD muốn chuyển đổi bằng cách chuyển khoản ngân hàng, thẻ tín dụng.

  • Bước 2: Tổ chức phát hành sử dụng hợp đồng thông minh (smart contract) để tạo ra một lượng USDC tương đương số USD đã gửi vào.

  • Bước 3: USDC mới được tạo ra và chuyển đến cho người dùng. Sau đó, đồng USD thay thế sẽ được đem vào kho dự trữ.

Quy trình chuyển đổi từ USDC sang tiền pháp định USD

Ngược lại, người dùng có thể chuyển đổi USDC sang USD bằng cách thực hiện ba bước sau:

  • Bước 1: Người dùng gửi yêu cầu đến sàn giao dịch để chuyển đổi số lượng USDC mong muốn thành USD.

  • Bước 2: Sau đó, sàn giao dịch sẽ gửi yêu cầu tới hợp đồng thông minh (smart contract) để chuyển đổi USD của người dùng thành USDC. Số lượng USDC được yêu cầu chuyển đổi sẽ bị xoá khỏi lượng cung lưu hành.

  • Bước 3: Tổ chức phát hành sẽ gửi lại số USD vào tài khoản ngân hàng của người dùng bằng với số USDC đã trừ đi các khoản phí phát sinh như phí giao dịch.

Ưu điểm và nhược điểm của USDC

USDC có những ưu điểm sau:

  • Cơ chế giữ giá ổn định: USDC là tài sản giúp người dùng tránh được sự biến động giá cao của thị trường tiền mã hoá. Việc sở hữu stablecoin như USDC trong thời kỳ thị trường biến động mạnh có thể giúp ổn định danh mục đầu tư.

  • Có tính thanh khoản cao nhờ vào nguồn dự trữ đầy đủ: USDC cung cấp các khoản thanh toán ngay lập tức giúp nhà đầu tư tránh khỏi sự biến động giá cao của thị trường tiền mã hoá. Dự trữ của USD luôn được hỗ trợ 100% bằng tiền mặt và trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ ngắn hạn. Các khoản dự trữ này được quản lý bởi tổ chức tài chính hàng đầu của Hoa Kỳ bao gồm BlackRock và BNY Mellon.

  • Khả năng tương thích với nhiều blockchain: USDC đã được tích hợp làm phương thức thanh toán với 55 blockchain khác nhau tiêu biểu có thể kể đến như Ethereum, Polygon, Solana, BNB Chain, Avalanche, TRON,...

USDC có những nhược điểm sau:

  • Không có tiềm năng tăng giá: Do giá trị của USD luôn được duy trì ổn định nên nhà đầu tư sẽ khó có thể kiếm được lợi nhuận từ đồng stablecoin này. Tuy nhiên, mặt hạn chế này được bù đắp bằng chức năng DeFi như staking, cho vay (lending) và yield farming để tạo ra lợi nhuận.

  • Stablecoin mang tính tập trung: USDC là stablecoin mang tính tập trung (Centralization) và đơn vị phát hành Circle có toàn quyền kiểm soát và có thể thực thi quyết định quan đến USDC mà không cần hỏi ý kiến từ ​​người dùng. Người dùng bắt buộc phải tin tưởng những bằng chứng dự trữ được đưa ra bởi Circle.

  • Phí rút USDC cao: Một số sàn giao dịch tính phí rút USDC khá cao và phí này có thể cao hơn chuyển khoản ngân hàng thông thường. Phí giao dịch cũng có thể tăng từ tùy thuộc vào trạng thái của blockchain như Ethereum có bị nghẽn hay không.

  • Có khả năng bị depeg: USDC cũng có khả năng bị depeg 1:1 so với USD như các loại stablecoin khác như USDT. Vào tháng 3/2023, USDC đã từng bị depeg và đã có lúc chạm mức 0.877 USD do đợt bán tháo ảnh hưởng trực tiếp từ sự sụp đổ của Silicon Valley Bank.

So sánh USDC và USDT 

Bảng so sánh những thông tin cơ bản về USDC và USDT tại thời điểm viết bài ngày 01/12/2023.


So sánh USDC và USDT 

Từ bảng so sánh trên, ta có thể thấy được USDC được nhiều người coi là lựa chọn an toàn hơn vì tính minh bạch của nó. Circle - nhà phát hành USDC luôn cung cấp các báo cáo về nguồn dự trữ định kỳ mỗi tháng. Mặt khác, Tether không có thời gian cụ thể khi cung cấp thông tin về nguồn dự trữ dành cho USDT và cũng đang phải đối mặt với những rắc rối pháp lý liên quan đến sự thiếu minh bạch trong việc phát hành USDT. 

Người dùng có thể giao dịch USDC ở đâu? 

Người dùng có thể giao dịch USDC tại nền tảng của Circle hoặc gần như toàn bộ các sàn giao dịch tập trung hỗ trợ USD coin như Binance, Coinbase, Huobi, MEXC, Kraken,… 

Những loại ví nào hỗ trợ lưu trữ USDC?

Người dùng có thể lưu trữ USDC trên các loại ví sau:

  • Ví nóng: MetaMask, Trust Wallet, Coin98 Wallet,...
  • Ví lạnh: Ledger, Trezor.
  • Ví sàn: Binance, Coinbase, OKX,...

Làm thế nào để có nguồn thu nhập thụ động với USDC? 

Người dùng có thể kiếm thu nhập thụ động với USDC bằng cách những hình thức sau:

  • Staking: Người dùng có thể tham gia staking USDC vào các nền tảng CeFi như Binance, OKX, Nexo,... để nhận về mức lãi suất APR linh hoạt hoặc cố định. Ngoài ra, người dùng cũng có thể tham gia staking trên các nền tảng DeFi như PancakeSwap, Aave,... với mức APY linh hoạt tùy thuộc vào điều kiện thị trường.

  • Lending: Người dùng có thể tham gia lending USDC vào các nền tảng CeFi như Binance, OKX, Nexo,... để nhận về mức lãi suất APR linh hoạt. Ngoài ra, người dùng cũng có thể lending trên các nền tảng DeFi như Aave, Compound Finance với mức APY linh hoạt tùy thuộc vào điều kiện thị trường.

  • Farming: Người dùng có thể tham gia farming với vai trò là Liquidity Provider (LP) tại các nền tảng DeFi. Người dùng có thể nạp USDC vào các pool thanh khoản và nhận về lợi nhuận dựa trên mức APR linh hoạt tùy thuộc vào điều kiện thị trường.

Những thông tin nổi bật về USDC trong năm 2023

USDC depeg nặng vì ảnh hưởng từ vụ Silicon Valley Bank

Vào tháng 3/2023, USDC bị depeg nặng và đã có lúc chạm mức 0.877 USD do đợt bán tháo ảnh hưởng trực tiếp từ sự sụp đổ của Silicon Valley Bank. Circle - đơn vị phát hành USDC cho biết số tiền bị ảnh hưởng từ sự sụp đổ của Silicon Valley Bank là 3,3 tỷ USD, chiếm 8,25% tổng tài sản 40 tỷ USD bảo chứng cho USDC.


USDC bị depeg vào tháng 3/2023

Circle triển khai CCTP cho USDC

Cross-Chain Transfer Protocol (CCTP) là giao thức cross-chain hỗ trợ di chuyển USDC liền mạch giữa nhiều blockchain khác nhau thông qua cơ chế “burn and mint”. Circle phát triển CCTP nhằm loại bỏ việc sử dụng các “lock and mint” bridge token của USDC.


Cross-Chain Transfer Protocol (CCTP) 

Hiện tại, Circle đã triển khai mainnet cho CCTP trên 5 blockchain bao gồm Ethereum, Avalanche, Optimism, Arbitrum và Base (tại thời điểm ngày 01/12/2023). Ngoài ra, Circle cũng đang xây dựng 1 hệ sinh thái các dự án tích hợp CCTP để sử dụng cho các giao dịch cross-chain tại hình bên dưới.


Những dự án đang tích hợp CCTP cho giao dịch cross-chain

USDC được ra mắt trên 6 blockchain mới

Với sự hậu thuẫn từ phía Coinbase, Circle đã ra mắt USDC lên 6 blockchain mới bao gồm Polygon PoS, Base, Polkadot, NEAR, Optimism và Cosmos. Như vậy, USDC đã có mặt trên 15 blockchain khác nhau nếu tính luôn cả 6 blockchain mới nhất vừa được ra mắt.

Visa thử nghiệm thanh toán stablecoin USDC trên Solana

Tháng 9/2023, Visa - ông lớn ngành thanh toán trực tuyến toàn cầu cho biết đã chọn Solana làm blockchain để thử nghiệm khả năng thanh toán stablecoin USDC. Visa cũng đã giúp các đối tác thử nghiệm hoạt động thanh toán thông qua mạng lưới VisaNet bằng cách di chuyển hàng triệu USDC từ Ethereum sang Solana.


Visa thử nghiệm thanh toán stablecoin USDC trên Solana

Circle hợp tác FamilyMart cho phép người dùng đổi điểm mua sắm lấy USDC

Ngày 26/10/2023, Circle đã công bố mối quan hệ hợp tác với sàn giao dịch tiền mã hóa BitoGroup của Đài Loan và Taiwan FamilyMart. 3 công ty sẽ ra mắt dịch vụ có tên gọi “points-to-crypto” cho phép khách hàng đổi điểm thưởng từ chương trình khách hàng thân thiết FamilyMart thành tiền điện tử như USDC thông qua BitoGroup.


Circle hợp tác FamilyMart cho phép người dùng đổi điểm mua sắm lấy USDC

Circle triển khai v2.2 cho USDC 

Theo công bố tối ngày 09/11/2023, Circle đã tung ra nâng cấp v2.2 cho USDC với mục tiêu cải thiện phí gas, tối ưu account abstraction và tăng cường bảo mật cho giao dịch trên EVM blockchain. 


Circle triển khai v2.2 cho USDC 

Như Circle thông báo sẽ có 6 thay đổi diễn ra đối với smart contract của USDC và sẽ được triển khai cho từng EVM blockchain được hỗ trợ. Bản nâng cấp hoàn toàn tương thích ngược để không tạo ra bất kỳ xung đột nào với các tích hợp hiện có đồng thời không yêu cầu người dùng và nhà phát triển thực hiện bất kỳ thao tác nào.

Bên cạnh đó, Circle cũng sẽ tiến hành một số cập nhật phụ khác như cho phép xác thực chữ ký từ ví smart contract, cải tiến quá trình quản lý danh sách giao dịch bị chặn blocklist, gia tăng khả năng chống chịu trước các bản fork, loại bỏ các kiểm tra không cần thiết,…

Circle bắt tay với SBI Holdings phổ quát USDC tại Nhật Bản

Circle đang trong quá trình hợp tác với tập đoàn dịch vụ tài chính SBI Holdings nhằm củng cố chiến lược mở rộng USDC và Web3 tại Nhật Bản. Tổ chức phát hành stablecoin USDC cho biết họ đã ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận (MOU) với SBI Holdings vào ngày 27/11. 

Circle bắt tay với SBI Holdings phổ quát USDC tại Nhật Bản

Động thái này diễn ra sau khi chính phủ Nhật Bản sửa đổi Đạo luật Dịch vụ Thanh toán vào tháng 6 thiết lập quy định stablecoin, mà Circle tin rằng sẽ "kích thích việc lưu hành stablecoin và thúc đẩy nền kinh tế web3 của Nhật Bản". Tuy nhiên, SBI Holdings cần phải được chính phủ phê duyệt trở thành một dịch vụ thanh toán điện tử hợp pháp để có thể lưu hành USDC vào Nhật Bản.

Circle được đồn đoán sẽ IPO vào năm 2024

Theo Bloomberg, Circle - đơn vị phát hành USDC dự định sẽ IPO trong năm 2024. Nguồn tin của Bloomberg khẳng định Circle đã có những cuộc thảo luận với các bên cố vấn về triển vọng IPO. Dù chưa rõ định giá của công ty là bao nhiêu nhưng trong một nỗ lực vào năm 2022, Circle đã đặt định giá của mình ở mức 9 tỷ USD.


Circle được đồn đoán sẽ IPO vào năm 2024

Thông tin nổi bật về USDC trong năm 2024

Cặp USDC/USDT mất peg về 0,76 USD

Tối ngày 03/01, cộng đồng tiền mã hoá không khỏi xôn xao bởi cú “sập hầm” của Bitcoin từ mức hơn 45.000 USD về mức thấp 40.500 USD. Trong cơn hoảng loạn, dường như nhiều người đã vội vã rút tiền về khiến cho cặp giao dịch USDC/USDT mất peg trầm trọng về tận 0,76 USD và 0,8 USD trong khoảng 15 phút, bắt đầu từ 19:00 (giờ Việt Nam) trên sàn Binance.

Cặp USDC/USDT mất peg về 0,76 USD sau “cú dump” nghìn giá của Bitcoin

Nguyên nhân gây ra cú sập giá đột ngột của Bitcoin được cho là đến từ bài dự đoán thị trường của Matrixport mới tung ra. Theo đó, đơn vị nghiên cứu phỏng đoán rằng Ủy ban Chứng Khoán Mỹ (SEC) có khả năng từ chối tất cả đơn đăng ký ETF Bitcoin spot trong tháng 1 này. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về việc SEC có phê duyệt ETF Bitcoin hay không sẽ được biết trong quý 2/2024.

Tổng kết

USDC là một trong những stablecoin hàng đầu hiện nay và đang đóng một vai trò lớn trong việc áp dụng làm phương tiện thanh toán trên toàn cầu. Thông qua bài viết này các bạn đã phần nào hiểu hơn về khái niệm, cách thức hoạt động cũng như thông tin mới nhất về USDC. 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết không được xem là lời khuyên đầu tư, Coin68 không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định nào của các bạn.
-05/01/2024
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68