Những “thiên thần sa ngã” của ngành tiền mã hóa năm 2022
2022 là năm của những sự kiện có một không hai của thị trường crypto. Nếu bạn đã đọc qua E-magazine 22 Sự kiện Tiền mã hóa Nổi bật của năm 2022, chắc hẳn bạn đã thấy hầu hết trong số này đều là những sự kiện suy thoái, sụp đổ. Hàng loạt những tổ chức lớn “ngã ngựa” dĩ nhiên kéo theo các nhà sáng lập, chủ sở hữu của tổ chức đó phải “xuống đài”.
Năm qua, chúng ta đã nhìn thấy “bộ mặt thật” của những người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng trong ngành. Một khi thị trường suy giảm, công ty phá sản, KOL hay tỷ phú cũng trở thành một con người đầy xa lạ.
Bộ đôi 0xSifu và Daniele Sestagalli – Đồng sáng lập Wonderland (TIME)
Là nguyên nhân chính gây nên drama DeFi đầy tai tiếng mở màn năm 2022, bộ đôi 0xSifu và Daniele Sestagalli từ vai trò là những người builder đáng tôn trọng bỗng hóa thành “tội đồ”.
Nguồn cơn sự vụ, các bạn có thể đọc lại bài viết tường thuật: Giám đốc Tài chính của Wonderland (TIME) bị cáo buộc có quá khứ “bất hảo”, đồng sáng lập sàn giao dịch “lừa đảo”.
Tuy nhiên, cộng đồng crypto vốn rất dễ quên. Và với bản chất ẩn danh cũng như hoạt động chủ yếu trên Internet, hai nhân vật này chỉ tạm thời “ở ẩn” một vài tháng và sau đó lại tiếp tục quay trở lại ngành như “chưa hề có chuyện gì xảy ra”.
Hiện tại, một bộ phận cộng đồng dường như đã quên danh tính thật của 0xSifu. Người này mở bán token SIFU thuộc “dự án” sifu.vision, mở một cộng đồng trên Discord nhưng không rõ dự án thật sự để làm gì.
Trong khi đó, Daniele Sestagalli vừa tuyên bố comeback vào ngày 20/12/2022 và xác nhận chỉ đang tập trung tái thiết Popsicle Finance (ICE). Tầm ảnh hưởng của Daniele vẫn còn đó khi giá ICE tăng gần 4 lần nhờ hiệu ứng này.
Với việc cộng đồng đã “quên đi” scandal lúc trước, trong năm tới có lẽ hai nhân vật này sẽ tiếp tục sắm vai “DeFi builder”, đẩy sóng cho một vài dự án dựa trên một bộ phận fan trung thành của mình.
“Bố già” Andre Cronje
Nếu 0xSifu và Daniele Sestagalli chỉ gói gọn trong cộng đồng DeFi, thì vụ việc Andre Cronje tuyên bố “rời ngành” DeFi, ngừng cống hiến cho 25 dự án thực sự gây nên “cơn địa chấn” lên toàn lĩnh vực.
Bởi lẽ nếu đã trải qua mùa hè DeFi 2020 và đợt uptrend 2021, chắc hẳn chúng ta không còn xa lạ gì với cái tên “DeFi Godfather” của Andre Cronje. Từ một lập trình viên yêu thích tinh thần phi tập trung của crypto, Andre đã đặt nét bút đầu tiên vẽ nên phân khúc DeFi như chúng ta chứng kiến hiện tại.
Thuở DeFi là keyword hot-hit nhất thị trường, Andre lần lượt xây dựng nên hàng loạt dự án quan trọng của ngành như Yearn.Finance, Fantom, Multichain,…. Nên dễ hiểu, một khi Andre tuyên bố ý tưởng mới, dự án mới hay chuẩn bị hợp tác với ai đó, cộng đồng đều cực kỳ FOMO.
Hành trình DeFi của Andre Cronje “thuận buồm xuôi gió” cho đến khi… sáng lập nên dự án Solidly với mô hình ve(3,3).
Andre Cronje, người được mệnh danh là ‘Bố già DeFi”
Công bằng mà nói, Solidly chỉ là một sản phẩm không thành công trong chuỗi những dự án nổi bật khác của Andre. Nhưng có lẽ vì chịu áp lực quá lớn, cùng kinh nghiệm quá nhiều drama mệt mỏi trong ngành, nên Andre đã tuyên bố rời khỏi lĩnh vực mãi mãi.
Tin tức này chấn động đến nỗi giá token của những dự án mà Andre Cronje tham gia phát triển đã dump mạnh, khi nhiều người chỉ trích hành động rời đi đột ngột của vị “bố già DeFi” không khác gì “rug pull”, tức lừa đảo cộng đồng khi họ đã đặt rất nhiều niềm tin vào Solidly và mô hình ve(3,3) trong thời gian qua.
Tuy nhiên, drama đến đây vẫn chưa kết thúc.
Mãi mãi là bao xa? Với Andre mãi mãi chỉ là 8 tháng.
Từ đầu tháng 11/2022, Andre thi thoảng lại xuất hiện trên Twitter, comment vài dòng, viết vài bài blog và một vài lần “lộ hint” sẽ quay trở lại. Những hành động này dù làm cộng đồng “ngán ngẩm” nhưng vẫn được một bộ phận “fan cứng” chờ đón. Vì suy cho cùng, Andre Cronje vẫn là một trong những nhân vật cộm cáng và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của lĩnh vực.
Do Kwon – Nhà sáng lập Terra (LUNA) và stablecoin UST
Quân cờ domino đầu tiên trong chuỗi domino gãy đổ năm 2022 chính là LUNA-UST. Cú sụp đổ của hệ sinh thái nổi bật khi đó đã làm tốn biết bao giấy mực của báo chí trên toàn thế giới. Các bạn có thể xem lại bài viết: Tổng hợp diễn biến LUNA-UST, hành trình “bơm thổi” Terra 2.0 và lùm xùm quanh Do Kwon.
Là “đầu sỏ” gây nên mọi việc, Do Kwon từ một nhà sáng lập uy tín trở thành “tội phạm” trong mắt cộng đồng lẫn giới chức Hàn Quốc và Interpol.
Dù tỏ ra khá “bình thản” trước việc gặp rắc rối với chính quyền và liên tục xuất hiện trong nhiều cuộc phỏng vấn tuyên bố bản thân không trốn chạy khỏi lệnh truy nã, nhưng Do Kwon không hề “hé nửa lời” về vị trí mình đang sinh sống hiện tại. Theo nhiều nguồn tin trong tháng 10 tiết lộ, ông đã rời khỏi Singapore sang Dubai “tị nạn”.
Đến ngày 12/12/2022, báo giới Hàn Quốc đưa tin rằng Do Kwon được cho là đang ở Serbia, Hàn Quốc yêu cầu chính quyền Serbia hợp tác điều tra.
Như vậy có thể thấy, dù liên tục khẳng định mình vẫn là “công dân tốt” nhưng sự thật là Do Kwon hiện đang là “tội phạm bị truy nã” và mãi sẽ là vết nhơ trong sự nghiệp của Kwon.
Bộ đôi Zhu Su và Kyle Davies – Đồng sáng lập Three Arrows Capital
Viên domino gãy đổ tiếp theo chính là quỹ đầu tư Three Arrows Capital (3AC).
Dưới sự chỉ đạo đầy “mưu mẹo” của Zhu Su và Kyle Davies, 3AC không chỉ là một quỹ đầu tư làm ăn thua lỗ dẫn đến phá sản như bình thường, mà là tổ chức bị cáo buộc “lừa đảo”.
Hai nhà sáng lập của Three Arrows Capital: Zhu Su (trái) và Kyle Davies (phải)
Dù hai nhà sáng lập kể trên vẫn không ngừng “tẩy trắng” nhưng sự thật là 3AC đã sử dụng tiền của nhà đầu tư sai mục đích, tận dụng đòn bẩy quá cao dẫn đến thất thoát thanh khoản trầm trọng.
Hình ảnh “hào nhoáng” mà Zhu Su và Kyle Davies xây dựng trên mạng xã hội cũng nhằm mục đích gây dựng niềm tin nhằm thu hút thêm nhà đầu tư bỏ tiền vào quỹ.
Dù vậy, chưa có cáo buộc pháp lý đáng kể nào với 2 người này. Bộ đôi vẫn “đóng vai nạn nhân” trên mạng xã hội, đổ lỗi cho FTX và Alameda Research đã “triệt hạ” công ty nhằm lợi dụng thời gian và truyền thông để che lấp đi những sai phạm của mình.
Alex Mashinsky – CEO Celsius
Bị ảnh hưởng từ cú sụp đổ LUNA-UST và Three Arrows Captial dẫn đến rơi vào cuộc khủng hoảng thanh khoản trầm trọng, cuối cùng Celsius nộp đơn phá sản.
Celsius cũng vướng vào nghi vấn sử dụng đòn bẩy cao, dùng tiền của người dùng trái mục đích. Celsius thậm chí còn trầm trọng hơn 3AC vì nạn nhân của Celsius đa số là người dùng cá nhân, nhỏ lẻ, tin tưởng gửi tiền tiết kiệm của mình vào nền tảng.
Alex Mashinsky dù từ chức CEO nhưng vẫn đối mặt với nhiều chỉ trích vì hoạt động giao dịch không minh bạch với tiền của nhà đầu tư.
CEO của Celsius Network Alex Mashinsky
Michael Saylor – CEO MicroStrategy
Trái ngược với năm 2021, sang đến năm 2022, MicroStrategy trở thành đối tượng “đùa cợt” của cộng đồng vì đã lỡ… đu đỉnh Bitcoin.
Tệ hơn, việc đầu tư thua lỗ dẫn đến sự suy giảm của toàn công ty. Khi MicroStrategy báo lỗ 918 triệu USD trong báo cáo tài chính quý 2/2022, tỷ phú Michael Saylor đành ngậm ngùi từ chức Giám đốc điều hành (CEO).
Đối ngoại, Michael Saylor giải thích vì khó khăn trong việc tách bạch giữa 2 vai trò là Chủ tịch Hội đồng Quản trị và CEO, nên ông quyết định từ chức CEO để tập trung cho vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Tuy nhiên, cộng đồng thạo tin đều hiểu rõ vì MicroStrategy dưới sự lãnh đạo của Michael thua lỗ quá nhiều, dưới áp lực của dàn cổ đông nên ông bị buộc phải từ chức.
CEO Michael Saylor của MicroStrategy
Nayib Bukele – Tổng thống El Salvador
Chung số phận “đu đỉnh” với MicroStrategy là quốc gia El Salvador. Bị cộng đồng đùa cợt là “quốc gia đu đỉnh”, Tổng thống Nayib Bukele – người khởi xướng ý tưởng chấp nhận Bitcoin là tiền tệ hợp pháp – chịu áp lực nặng nề.
Tuy không bị buộc phải từ chức như Michael Saylor nhưng Nayib Bukele cũng dần mất uy tín trong mắt người dân quốc gia lẫn giới chức trên toàn thế giới.
Thậm chí, theo chiều hướng xấu nhất, nếu giá BTC tiếp tục giảm sâu trong năm tới, Tổng thống Nayib Bukele sẽ phải rất đau đầu giải quyết khó khăn tài chính của El Salvador.
Sam Trabucco và Caroline Ellison – Đồng CEO của quỹ đầu tư Alameda Research
Không biết nên nhận xét việc Sam Trabucco từ chức CEO Alameda Research ngay trước khi FTX/Alameda sụp đổ là chuyện vui hay chuyện buồn.
Sam Trabucco là một trong những thành viên cộm cán, đã đồng hành cùng Sam Bankman-Fried (SBF) từ thuở đầu mới thành lập quỹ Alameda. Sau khi SBF tuyên bố tập trung phát triển FTX, Alameda được chuyển giao cho 2 đồng CEO là Sam Trabucco và Caroline Ellison.
Cựu CEO Alameda Research Sam Trabucco
Thuở Alameda và FTX vẫn còn là “cây đa cây đề” trong lĩnh vực, tầm ảnh hưởng của CEO là không thể bàn cãi.
Do đó, cộng đồng cảm thấy vô cùng khó hiểu khi Sam Trabucco từ chức CEO giữa thời điểm Alameda đạt phong độ danh tiếng cao nhất. Nhiều đồn đoán cho rằng ông cũng bị buộc từ chức vì quỹ Alameda thua lỗ khá nhiều trong thời gian trước.
Đến nay chúng ta đều thấy dường như Sam Trabucco đã “front-run” vụ FTX sụp đổ. Nhờ từ chức từ trước, ông không bị dính líu đến các rắc rối pháp lý như SBF và Caroline đang phải đối mặt.
Trong khi đó, bà Caroline Ellison thì vẫn đồng hành cùng Alameda Research cho đến phút chót, biến rõ các sai phạm trong mối quan hệ với sàn FTX nhưng vẫn cùng Sam Bankman-Fried thực hiện, và giờ đang đối mặt với bản án 110 năm tù đến từ chính quyền Mỹ. Tuy nhiên, “cánh tay phải” của SBF đã quyết định đầu thú và nhận tội, đồng thời cam kết hợp tác điều tra để được xin khoan hồng.
Cựu CEO FTX Sam Bankman-Fried (trái) và cựu CEO Alameda Research Caroline Ellison (phải)
Sam Bankman-Fried – Nhà sáng lập FTX và Alameda Research
Vụ sụp đổ dẫn đến phá sản của FTX chốt hạ năm 2022, cũng đẩy SBF từ “người hùng” trong thị trường crypto trở thành “tội đồ” đáng bị chỉ trích nhất.
SBF đang đối mặt với 3 cáo trạng riêng biệt với rất nhiều tội danh từ Bộ Tư pháp, Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) và Ủy ban Giao dịch Tài sản Kỳ hạn Mỹ (CFTC), bao gồm:
– Bộ Tư pháp:
- Âm mưu gian lận tiền gửi của khách hàng;
- Gian lận tiền gửi của khách hàng;
- Âm mưu gian lận tiền của chủ nợ;
- Gian lận tiền của chủ nợ;
- Âm mưu gian lận tài sản;
- Âm mưu gian lận chứng khoán;
- Âm mưu rửa tiền;
- Âm mưu lừa gạt nước Mỹ và vi phạm quy định quyên góp tài chính.
– SEC:
- Gian lận trong hoạt động chào bán chứng khoán;
- Gian lận có liên quan đến hoạt động mua hoặc chào bán chứng khoán.
– CFTC:
- Gian lận;
- Tuyên bố gian lận.
Đến sáng ngày 13/12, SBF bị chính quyền Bahamas bắt giữ và sau đó đã chấp nhận bị dẫn độ về Mỹ.
Sam Bankman-Fried bị giới chức Bahamas dẫn độ về Mỹ
Dù có thoát tội được (khả năng này không cao) thì hồ sơ của SBF đã có một vết nhơ vô cùng lớn, khó có thể “comeback” một lần nữa. Uy tín và danh tiếng của Sam cũng trở về 0, khó lòng hoạt động trong các lĩnh vực khác được.
Jane