logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
ads

MakerDAO và Những ngã rẽ về tương lai của stablecoin DAI

-02/09/2022

Ngày 26/08 vừa qua, Rune Christensen, đồng sáng lập của MakerDAO (MKR), dự án đằng sau đồng stablecoin phi tập trung lớn nhất thị trường tiền mã hóa Dai (DAI), đã đăng một đề xuất về tương lai “thả nổi” DAI trên diễn đàn của MakerDAO. 

MakerDAO và Những ngã rẽ về tương lai của stablecoin DAI

Ngay lập tức, đề xuất này đã dấy lên nhiều tranh cãi, và cũng vén màn cho nhiều câu chuyện sâu xa đằng sau nó. Bài viết dưới đây nhằm xâu chuỗi lại các sự kiện quan trọng giúp người đọc hiểu hơn về bức tranh toàn cảnh của những tranh luận trái ngược nhau xoay quanh tương lai của DAI trong những ngày gần đây. 

Toàn cảnh mọi sự kiện dẫn đến đề xuất “thả nổi DAI”

Endgame Plan của Maker

Endgame Plan là một đề xuất cải tổ toàn diện MakerDAO được Rune Christensen đưa ra từ tận tháng 06/2022 để việc phân chia nhiệm vụ của MakerDAO về cho từng MetaDAO chuyên trách. 

Cốt lõi của Endgame Plan là các MetaDAO, có thể được hiểu là các “subDAO” (DAO con) của MakerDAO, là các tổ chức chuyên trách có mô hình kinh doanh “thực tế, có lợi nhuận, bền vững và hoàn toàn phi tập trung”. Mỗi MetaDAO sẽ đảm nhiệm một chức năng cụ thể trong Maker, ví dụ như MetaDAO quản lý Maker Ethereum (MATH, là đồng synthetic ETH trên Maker), MetaDAO quản lý RWA, MetaDAO quản lý Maker’s Node Network (MANO),…

Mô tả về MetaDAO của Maker

Nhà sáng lập dự án cho rằng nếu “chuyên môn hóa” nhờ MetaDAO và các token của chúng, Maker có thể giải quyết những vấn đề mà dự án đang gặp phải ở thời điểm hiện tại, bao gồm: 

– tăng trưởng chững lại;

– toàn giao thức chỉ phụ thuộc vào một số pool lớn; 

– mập mờ về phân bổ ngân sách hoạt động;

– không có mô hình kinh doanh bền vững;

– hoạt động quản trị phức tạp;

– giảm phụ thuộc vào MKR;

– mức độ tham gia không cao trong các cuộc bỏ phiếu.

Cấu trúc của MakerDAO trước Endgame Plan (trái) và sau Endgame Plan (phải), theo tầm nhìn của Rune Christensen

Tương lai của Maker và DAI

Hãy quay lại với đề xuất của Rune.

Theo Rune, có hai hướng phát triển khả thi cho DAI và MakerDAO:

Một là, giúp DAI được sử dụng rộng rãi, được pháp luật ủng hộ, được sử dụng để thúc đẩy tài chính toàn diện (Financial Inclusion), được tích hợp với các tài sản thực tế (real-world assets, viết tắt là RWA) nhưng vẫn giữ được tinh thần phi tập trung;

Hai là, biến DAI trở thành một đồng tiền phi tập trung hoàn toàn, không dính líu gì tới các tổ chức chính quyền hay các tài sản gì trong mảng tài chính truyền thống thông qua việc “thả nổi” giá trị của DAI, không còn neo vào mốc 1 USD nữa.

Đến thời điểm hiện tại, hướng phát triển thứ nhất không khả thi bởi nhiều lý do, trong đó lý do quan trọng nhất là vì ngành blockchain vẫn chưa tạo ra được giá trị thực tế đáng kể nào cho thị trường chính thống. Và dù rằng Maker đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ để hiện thực hóa mục tiêu “Clean Money” cho DAI – tức giúp nó trở thành một loại tiền tệ phi tập trung và công bằng tuyệt đối – đến nay mục tiêu ấy vẫn còn rất xa vời bởi việc hoạt động theo hệ thống DAO khiến cho mọi thứ được xử lý một cách rất chậm chạp và khó khăn. Hơn nữa, sự sụp đổ của Terra – LUNA, Celsius, Voyager, Three Arrows Capital và hàng loạt vụ lừa đảo khác trong thị trường tiền mã hóa đã làm xấu hình ảnh của loại tài sản này trong mắt các nhà đầu tư chính thống, và vì vậy, bây giờ sẽ rất khó để có thể thuyết phục họ rằng tiền mã hóa nên được “đối xử theo một cách khác so với những loại dịch vụ tài chính hiện có”. 

Tuy vậy, từ trước đến nay, Rune đã luôn muốn phát triển DAI theo hướng thứ nhất, vì việc liên kết DAI với thế giới tài chính truyền thống sẽ là một cơ sở vững mạnh để nó phát triển tốt hơn về sau. Thế nhưng một biến cố lớn đã xảy ra trong tháng 8 vừa qua đã khiến Rune phải suy nghĩ lại: sự kiện “cấm cửa” của chính quyền Mỹ đối với Tornado Cash

Tornado Cash – sự kiện khiến Maker thay đổi định hướng

Trước đây, khi tiến hành tích hợp những tài sản ngoài đời thực thông qua những khoản cho vay với Huntingdon Valley Bank hay Societe Generale, cộng đồng MakerDAO đã luôn ngầm chấp nhận hai giả định chính, bao gồm:

  • Các cuộc tấn công từ chính quyền vào RWA sẽ được thông báo trước để người dùng có thời gian phản ứng; 
  • Kể cả khi việc đóng băng tài sản diễn ra, những người dùng vô tội vẫn có cách lấy lại tiền của mình (như trong trường hợp của E-Gold khoảng hơn mười năm trước, sau khi tài sản của người dùng bị đóng băng, chính phủ Mỹ cuối cùng cũng đã đồng ý với các giám đốc của công ty này rằng số vàng mà công ty còn đang nợ người dùng sẽ được hoàn trả lại dưới sự giám sát của Thẩm phán Hollander).

Thực tế từ sự việc của Tornado Cash, có thể thấy hai giả định trên đều không đúng. Việc chính quyền áp đặt lệnh trừng phạt thông qua RWA vẫn có khả năng diễn ra đột ngột mà không báo trước, gây thiệt hại đến những người vô tội. Không những thế, Circle còn đóng băng USDC trong tất cả các địa chỉ ví từng tương tác với Tornado Cash một cách triệt để mà không hề đưa ra thông báo rằng số USDC kia sẽ được hoàn trả lại cho những người dùng vô tội như thế nào. Tiếp đó, các dự án DeFi lớn đồng loạt tẩy chay Tornado Cash vì sợ bị liên lụy, khiến người dùng crypto cảm thấy được sự nghiêm trọng về một cuộc tấn công thật sự nhắm vào bản chất phi tập trung của ngành.

Khác với USDC, thiết kế của DAI không cho phép nó bị “đóng băng”. Đây giống như một “lưỡi dao” đang treo lơ lửng trên đầu MakerDAO vậy, vì nếu như tổ chức này nhận bất kỳ lệnh áp đặt nào từ chính quyền, họ cũng không cách gì thay đổi được quy luật đó. Và vì thế, phi tập trung là con đường duy nhất để DAI tồn tại, bởi khi ấy, nếu chính MakerDAO không ra tay “cứu” được DAI, nó vẫn có thể sống tiếp. 

Lộ trình “thả nổi DAI”

Trước những sự việc vừa diễn ra với Tornado Cash, Rune Christensen đã phải cập nhật thêm phần “Tương lai của DAI” vào Endgame Plan, trong đó kêu gọi “thả nổi DAI”, tức không để đồng stablecoin neo giá vào USD nữa. Rune đã gợi ý ra hai công cụ giúp hiện thực hóa lộ trình thả nổi DAI, bao gồm: 

  • MetaDAO và MetaDAO token: Tạo ra token mới của các MetaDAO để khuyến khích người dùng nắm giữ DAI, vì đổi với Rune, đây chính là công cụ “quyền lực” để thu hút người dùng sử dụng DAI.
  • Protocol Owned Vault: Trong chiến lược này, MakerDAO sẽ tích trữ thật nhiều ETH để trực tiếp kiểm soát việc mint ra DAI.

Khi nhu cầu yield farming cần tới DAI quá cao sẽ dẫn tới sự bất cân xứng trong cung và cầu, vì vậy lãi suất âm sẽ được sử dụng đến để giúp mint ra DAI nhiều hơn vì chúng đã trở nên rẻ hơn so với giá trị của tài sản thế chấp là ETH. 

Ba giai đoạn thả nổi DAI sẽ diễn ra như sau:

3 giai đoạn để MakerDAO “thả nổi” stablecoin DAI

Giai đoạn 1: Pigeon Stance

  • Mốc thời gian: ở thời điểm hiện tại;
  • MakerDAO sẽ tận dụng RWA để tối đa hóa lợi nhuận và để mua thêm ETH;
  • Sẽ không có giới hạn nào cho việc dùng RWA làm tài sản thế chấp;
  • Mục tiêu chính của giai đoạn này là thúc đẩy sự phát triển của DAI, càng nhiều càng tốt, bất chấp những rủi ro từ RWA.

Giai đoạn 2: Eagle Stance

  • Mốc thời gian: sau 3 năm kể từ Pigeon, song có thể bị trì hoãn nếu cần thiết
  • Cân bằng lại rủi ro từ RWA với định hướng phát triển lâu dài cho DAI;
  • RWA được giới hạn lại còn 25% trong tổng vault tài sản thế chấp;
  • DAI có thể bắt đầu được thả nổi.

Giai đoạn 3: Phoenix Stance

  • Mốc thời gian: sau Eagle, được kích hoạt khi rủi ro DAI bị tấn công là rõ ràng;
  • Sự phát triển có thể chững lại, nhưng DAI khi ấy đã có khả năng chống chịu tốt hơn với các đòn trừng phạt (nếu có) từ chính phủ;
  • Không còn RWA trong vault tài sản thế chấp;
  • DAI có thể được thả nổi.

Câu hỏi đặt ra cho tương lai của DAI

Không có một từ ngữ nào có thể giải thích cho mức độ quan trọng của tuyên bố mới được Rune đưa ra. Về cơ bản thì đây là một sự thay đổi hoàn toàn quan điểm và định hưởng sắp tới của Maker với DAI. Có lẽ Rune đã thấy được sự thật rằng DAI sẽ không thể nào đạt đến sự phi tập trung nếu vẫn còn dính líu đến các tài sản mà có thể bị kiểm duyệt vào bất kỳ lúc nào bởi một thể chế tập trung, dù đó có thể là bất động sản hay trái phiếu hay là USD trong tài khoản ngân hàng. Tất cả chúng đều có thể dễ dàng bị kiểm duyệt, đóng băng hay tịch thu, chỉ với vài ngòi bút của những quan chức ngồi tại Nhà Trắng.

Vậy còn những lựa chọn khác thì sao? DAI vẫn có thể được bảo chứng bằng một tài sản crypto, giả dụ như ETH. Đây cũng là giải pháp được nhiều người ủng hộ Ethereum thúc đẩy, vì về bản chất, Maker sẽ dùng USDC để mua ETH trên thị trường, đẩy giá ETH lên. Bản thân ETH cũng là một đồng tiền đã có công dụng cũng như chỗ đứng vững chắc trong hệ sinh thái crypto, do đó sẽ không có rủi ro sụp đổ và bị cuốn vào vòng xoáy tử thần như những gì đã xảy ra với mô hình LUNA – UST hồi tháng 5. Tuy nhiên, việc neo DAI vào ETH sẽ có rủi ro hữu hình là việc DAI sẽ dễ bị depeg hơn, ảnh hưởng đến chức năng cốt lõi của một stablecoin đó là phải luôn luôn ổn định về giá trị. 

Việc thả nổi DAI, trái lại, sẽ càng khiến stablecoin này không còn là stablecoin nữa. Đây có thể so sánh với việc đồng USD từ bỏ bản vị vàng vào những năm 70 của thế kỷ trước vậy. Tương tự như USD, giá trị của DAI sẽ hoàn toàn do quy luật cung cầu và chính sách tiền tệ quyết định. Nhưng khác với USD, DAI chưa phải là đồng tiền chi phối cả một nền kinh tế, vẫn có đối thủ và những hạn chế của riêng mình. Không ai có thể nói trước được việc liệu DAI có bị depeg và sụp đổ sau khi thả nổi hay không, song đây sẽ là bài kiểm tra thực sự về tham vọng của cả Maker và DAI trong việc theo đuổi tính phi tập trung. Nếu vượt qua được giai đoạn này, có thể nói DAI chính là đồng stablecoin phi tập trung thực thụ.

Maker và thực trạng “chia bè kéo cánh”

Góc nhìn của Luca Prosperi

Quá trình thay đổi quan điểm của Rune Christensen từ việc “bắt tay” đến “rời xa” giới tài chính truyền thống thông qua bước ngoặt mang tên Tornado Cash có vẻ đã diễn ra vô cùng hợp lý, và rằng ông này đã luôn là một cá nhân tôn thờ tinh thần “phi tập trung”, tinh thần “tất cả vì cộng đồng”.

Thế nhưng nếu đọc thêm về lịch sử của quá trình tích “bắt tay” với giới tài chính truyền thống của Rune từ một góc nhìn khác, cụ thể là của Luca Prosperi, người chịu trách nhiệm giám sát hoạt động cho vay của MakerDAO, có lẽ ta sẽ thấy một hình ảnh rất khác. 

Từ khi Luca Prosperi được giao trọng trách kiểm duyệt và đánh giá các khoản vay sử dụng RWA làm tài sản thế chấp, ông đã nhận thấy rằng “có một sự thiếu vắng của việc phân chia quyền lực một cách lành mạnh giữa một người khởi xướng, một người kiến thiết, và một người giám sát rủi ro trong tổ chức của Maker”. Kể từ đó, ý tưởng thành lập một bộ phận kiểm toán mới, gọi là Lending Oversight Core Unit (viết tắt là LOVE) đã ra đời để giúp đưa ra những hướng dẫn, giúp đánh giám, xử lý các báo cáo kiểm toán, và giám sát quá trình mà DAO hợp tác với các đơn vị đối tác trong ngành tài chính truyền thống. 

Vào tháng 03/202, một công ty tên là Monetalis đã đến và yêu cầu Maker hỗ trợ nền tảng cho vay của họ. Cụ thể, Maker sẽ hỗ trợ cho Monetalis, Monetalis từ đó mới có cơ sở thu hút SMEs gửi tiền để cho người đi vay vay. Đánh giá rủi ro của Luca và các cộng sự của ông đối với Monetalis không khả quan là mấy. Một điều thú vị xảy ra ở đây là, trong hội đồng cổ đông của Monetalis còn bao gồm cả UDHC (quỹ đầu tư (VC) đã hỗ trợ rất nhiều cho MakerDAO), Dragonfly Capital (có Rune làm venture partner), Pat LaVechhia – cựu lãnh đạo Bộ phần Hành pháp của Maker, Claudia Rivero – thành viên hiện tại của SES CU, và chính bản thân Rune Christensen cũng là cổ đông của Monetalis nữa. Tổng MKR mà những con người này nắm giữ lên tới 140.000 (hoặc hơn nữa, nếu họ có nhiều ví) – đủ để biểu quyết những gì có lợi cho mình. Như vậy, có chăng là việc phân chia cổ phần không đều đã trở thành vướng mắc trong lợi ích giữa các bên?

Sự xung đột lợi ích đã ngấm ngầm diễn ra trong nội bộ của Monetalis, và gần như đó là điều mà ai cũng đã sớm nhận thấy, mặc cho những phủ nhận đến từ công ty này. Cuối cùng, Rune đã phải lên tiếng rằng ông đã bán hết cổ phần trong công ty, theo một cách “chậm chạp và bất mãn” – theo như mô tả của Luca.  

Sau sự kiện trên, rất rõ ràng rằng, Rune không ưa đơn vị giám sát rủi ro riêng lẻ mà Luca lập nên là mấy. 

Chính vì lý do ấy, khi việc phê chuẩn cho LOVE diễn ra, Rune đã ủy quyền phần lớn phiếu bầu của mình cho một nhân vật có tên là “Shadow Delegate” mà theo Luca, đây cũng chính là Rune. Shadow Delegate đã bỏ một phiếu chống to tướng cho việc thành lập LOVE, nhưng hasu và ElProgreso (cũng là một trong số những người được Rune ủy quyền) thì ngược lại – họ chấp thuận LOVE. 

Thế trận giữa bên ủng hộ và chống đối diễn ra khá giằng co với sự tham gia của nhiều ví cá voi và thậm chí là cả những cá nhân đại diện cho các quỹ lớn cũng ra mặt bày tỏ quan điểm ủng hộ của mình đối với vấn đề này (cụ thể là Porter Smith của a16z và Kevin Miao của BlockTower đã lên tiếng ủng hộ LOVE).

Luca có đề cập tới sự quay trở lại của Nikolai, đồng sáng lập của Maker, nhưng cũng không rõ lập trường của ông về việc thành lập LOVE. Luca cũng bóng gió về việc ý định biểu quyết của Nikolai khi thấy “ai đó đã vay tới 9 triệu MKR trên AAVE” để bỏ phiếu chống cho đề xuất về LOVE, dù lãi suất khi ấy lên tới 60-70%. Hành động điên cuồng đó có lẽ đã thúc đẩy Nikolai phải xuất hiện và bỏ phiếu ủng hộ cho LOVE.

Phân bổ lượng phiếu MKR ủng hộ và phản đối đề xuất LOVE của Maker. Nguồn: Luca Prosperi

Nhiều ví cá voi khác sau đó đã bỏ phiếu ủng hộ cho LOVE, cho đến khi Nikolai quyết định rút lại số tokens của mình. Một cú đổi vị thế ngoạn mục, vì giờ đây LOVE gần như không còn cửa thắng nữa.

Tới những phút cuối cùng, trong khi Luca đang bận viết thư cảm ơn cho những người đã ủng hộ mình thì Rune lại tìm cách thay đổi số MKR mà ông đã ủy quyền cho những đối tượng khác nhau hòng làm gia tăng khoảng cách giữa phiếu ủng hộ và phiếu chống. 

Kết quả là LOVE nhận được một cú “úp sọt” đau điếng từ Rune – nó đã không được thông qua.

Để có thể làm rõ mức độ tranh cãi của LOVE thì tại thời điểm cuộc bỏ phiếu kết thúc vào ngày 29/06/2022, đã có hơn 293 nghìn MKR được huy động để tham gia bỏ phiếu, với tổng giá trị là hơn 260 triệu USD. Đây là cuộc bỏ phiếu quản trị thu hút lượng tài sản lớn nhất lịch sử ngành crypto.

Kết quả cuộc bỏ phiếu LOVE của Maker

Các phe phái chính trị trong MakerDAO

Theo Greg Di Prisco, người đứng trên quan sát của ông với tư cách là một người đã tham gia cộng đồng Maker từ lâu (từng là giám đốc hợp tác kinh doanh của Maker), cũng như hỗ trợ dự án thực hiện chiến lược RWA, thì cộng đồng MakerDAO đang cực kỳ chia rẽ thành các nhóm khác nhau với những định hướng, mục tiêu và nghị trình khác nhau. Mặc dù vậy, có thể chia thành 3 nhóm lớn nhất như sau (cách đặt tên, phân loại và nêu đặc điểm của từng nhóm hoàn toàn là quan điểm cá nhân của ông Greg Di Prisco):

Nhóm 1: Futurist (Phái tương lai)

Phe cánh hữu, đại diện là Rune Christensen và hầu hết team Maker, đặt lợi ích của MKR lên hàng đầu. Nhóm này tin vào Kế hoạch Endgame mà Rune đề ra, trong đó Maker sẽ bao gồm nhiều subDAO có thiết kế nhỏ gọn hơn nhằm đưa ra quyết định nhanh hơn khi đứng trước các cơ hội kinh doanh mới. Đội ngũ Maker sẽ đứng giữa và chịu trách nhiệm định hướng cho các subDAO. 

Nhóm 2: The Centralist (Phái trung lập)

Gần giống như phái ôn hòa, linh hoạt về chính kiến nhưng luôn hướng tới mục tiêu vì lợi ích của MakerDAO. Nhóm này luôn muốn giải quyết mọi thứ một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất có thể, kể cả việc hi sinh sự phi tập trung để đổi lấy những thay đổi tích cực cho Maker. Các thành viên trong Centralist nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt trong Maker, và bị cáo buộc là thân VC. (Dựa vào cách phân loại thì có thể kết luận rằng Luca thuộc nhóm Centralist).

Nhóm 3: The Decentralist (Phái phi tập trung)

Nhóm này giống như phe cánh tả, đề cao tính phi tập trung của DAI, hướng tới lợi ích duy nhất dành cho DAI.

Ban đầu, nhóm Futurist và Centralist cùng chiến tuyến khi hướng đến mục tiêu liên kết DeFi với RWA bởi điều đó sẽ rất có lợi cho Maker và DAI: Thứ nhất, DAI sẽ không còn gánh nặng lệ thuộc vào USDC; thứ hai, đối với Centralist (phe thân VC), lợi thế ở đây là họ có thể giúp mở rộng network của Maker đến thị trường tài chính truyền thống và đổi lại, họ có thể có cơ hội mua tokens với giá chiết khấu từ Treasury của dự án mà không ảnh hưởng đến thị trường. Thế nhưng sau vụ Tornado Cash, nhóm Futurist đã nhận ra rủi ro của RWA nên đã “nhảy thuyền” để về phe Decentralist nhằm bảo vệ toàn vẹn tính phi tập trung của DAI.

Tóm lại là…

Thực chất lợi ích của tất cả các nhóm đều xoay quanh MetaDAO.

Đối với nhóm Futurist, khi các DAO mới đó được thành lập và tung ra token, chính Maker sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất khi giữ vai trò cố vấn (để đổi lấy token) cho các sub-DAO. Thứ mà nhóm Futurist tôn thờ là Endgame Plan, dù trước đây hay sau này vẫn vậy, chứ không phải là RWA hay sự phi tập trung. 

Tương tự với nhóm Centralist, họ cũng sẽ hưởng lợi từ MetaDAO, nhưng có lẽ cách làm việc theo lối tài chính truyền thống đòi hỏi nhiều quy tắc về việc quản trị rủi ro khiến họ dần trở nên “mất uy tín” trong mắt các Futurist. Tornado Cash có thể chỉ là cái cớ để Rune có dịp “lật kèo”, “nghỉ chơi” với RWA theo một cách quang minh chính đại và cũng là để ông lôi kéo thêm sự ủng hộ của phe Decentralist. 

Phe Decentralist hưởng lợi nhờ các token DeFi, hiển nhiên là vậy. Họ thu lợi trực tiếp từ việc yield farming các token mới từ MetaDAO, nhưng nếu các sub-DAO hoạt động trong khuôn khổ pháp lý của giới tài chính truyền thống, giá token có thể sẽ không có dịp tăng phi mã như xưa nữa. Phi tập trung chỉ là cái cớ để phe này thoát khỏi sự kìm hãm về tỷ suất lợi nhuận của các loại tài sản trong các kênh tài chính truyền thống mà thôi. 

Mai Phan

Xem thêm các bài viết khác của tác giả Mai Phan:

-02/09/2022
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68