Superchain là một bước đột phá trong lĩnh vực blockchain, giúp giải quyết các hạn chế hiện tại về khả năng mở rộng, chi phí, và tính bảo mật. Tầm nhìn này không chỉ mở ra kỷ nguyên mới cho các ứng dụng phi tập trung mà còn đặt nền móng cho internet phi tập trung trong tương lai. Các bạn hãy cùng Coin68 tìm hiểu về các điểm nổi bật của của Superchain trong bài viết dưới đây nhé!
Superchain là gì? Tìm hiểu về tầm nhìn decentralized internet của Optimism
Superchain là gì?
Superchain, theo cách gọi của Optimism, là một mạng lưới các blockchain layer-2 chia sẻ cùng một bộ công cụ phát triển, lớp kết nối, giao tiếp, và cơ chế bảo mật. Điều này đảm bảo các blockchain riêng lẻ có thể tương tác và hoạt động đồng bộ như một hệ thống thống nhất.
Superchain là gì?
Thay vì hoạt động riêng biệt hoàn toàn, Superchain cho phép xây dựng các mạng lưới layer-2 được liên kết với nhau, mỗi mạng lưới đều dựa trên cùng một nền tảng là OP Stack. Kiến trúc chuẩn hóa này giúp các layer-2 giao tiếp trơn tru với nhau và Optimism sẽ là blockchain trung tâm. Nói cách khác, Superchain giúp cho hệ sinh thái Optimism có được khả năng mở rộng theo chiều ngang.
Tại sao lại cần đến Superchain?
Blockchain hiện tại đối mặt với những hạn chế lớn về khả năng mở rộng, chi phí cao và tốc độ xử lý thấp, khiến việc vận hành các ứng dụng web hoàn toàn trên chuỗi trở nên khó khăn. Các kiến trúc single-chain (như Ethereum, Bitcoin) thường bị tắc nghẽn, trong khi multi-chain (như Solana, Avalanche) lại thiếu sự đồng bộ và bảo mật chung, gây rủi ro hệ thống.
Tầm nhìn về Superchain của Optimism là xây dựng một mạng lưới blockchain gồm nhiều layer-2 hoạt động song song, chia sẻ bảo mật và sự đồng thuận từ một layer-1 chung. Thay vì xem mỗi blockchain là một thực thể độc lập, Superchain xem toàn bộ hệ thống layer-2 như một mạng lưới thống nhất. Điều này giúp blockchain đạt được khả năng mở rộng theo chiều ngang, giảm chi phí triển khai, tăng cường tính tương tác và loại bỏ rủi ro bảo mật thường thấy ở các kiến trúc multi-chain truyền thống.
Superchain không chỉ giải quyết những hạn chế hiện tại về khả năng mở rộng, mà còn thúc đẩy sự phát triển của các ứng dụng phi tập trung (dApps) với chi phí thấp, tốc độ nhanh và có tính kết hợp cao. Đây là một bước quan trọng để biến blockchain từ một công nghệ ngách trở thành hạ tầng cốt lõi cho internet phi tập trung trong tương lai.
Thành phần chính của Superchain
OP Stack
OP Stack là một bộ công cụ nguồn mở cung cấp cơ sở hạ tầng cơ bản cho Superchain, hoạt động như một tập hợp các thành phần phần mềm mã nguồn mở và thống nhất, không chỉ thúc đẩy quá trình tổng hợp layer-2 của Optimism mà còn cung cấp một khuôn mẫu để tạo ra một loạt các layer-2 khác gọi là OP Chain.
Cấu trúc của OP Stack bao gồm 5 lớp (layer) riêng biệt với mục đích và chức năng riêng biệt:
- Lớp khà dụng dữ liệu: Là nơi cung cấp dữ liệu đầu vào thô cho các OP Chain. Lớp này thường sử dụng Ethereum để lưu trữ và cung cấp dữ liệu một cách bảo mật và phi tập trung.
- Lớp sắp xếp: Kiểm soát cách các giao dịch của người dùng được thu thập và chuyển tiếp, thường được quản lý bởi một sequencer duy nhất.
- Lớp dẫn xuất: Chịu trách nhiệm xử lý dữ liệu thô từ lớp khả dụng dữ liệu và biến chúng thành đầu vào cho lớp thực thi.
- Lớp thực thi: Đây là nơi xác định trạng thái của hệ thống và các chức năng chuyển đổi trạng thái.
- Lớp thanh toán: Cho phép các blockchain bên ngoài xác thực trạng thái hợp lệ của một OP Chain.
Luật chuỗi
Luật chuỗi (law of chains) là một khuôn khổ quản trị được thiết kế để đảm bảo rằng Superchain vẫn phi tập trung và mở. Nó xác định các bên liên quan chính của Superchain, quyền và sự bảo vệ của họ, đồng thời cân bằng sự thống nhất và độc lập của các chuỗi riêng lẻ.
Luật chuỗi không có ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng nó là một hợp đồng xã hội, nhấn mạnh sự hợp tác của cộng đồng, tính trung lập và sự phát triển chung và bao gồm ba chức năng chính:
- Sự công nhận của các bên liên quan: Xác định những người chơi chính của Superchain bao gồm người quản lý chuỗi, dịch vụ và người dùng.
- Quyền và sự bảo vệ: Đưa ra một khuôn khổ bảo vệ lợi ích của các bên liên quan, đảm bảo rằng các quyết định đều quan tâm đến quyền và tác động của mọi người.
- Cân bằng sự thống nhất và độc lập: Luật chuỗi cho phép các chuỗi tham gia vào một hệ thống lớn hơn trong khi vẫn giữ được quyền tự do kinh tế và xã hội của riêng mình, cân bằng các quy tắc toàn cầu với quyền tự chủ của từng chuỗi.
Lợi ích của Superchain
Khả năng mở rộng nâng cao
Superchain cho phép xử lý giao dịch hiệu quả hơn và thông lượng cao hơn bằng cách sử dụng nhiều OP Chain hoạt động song song. Cách tiếp cận này giải quyết các hạn chế về khả năng mở rộng vốn có của các blockchain đơn lẻ.
Mô hình bảo mật thống nhất
Tất cả các OP Chain trong Superchain đều được hưởng lợi từ mô hình bảo mật được cung cấp bởi một layer-1 dùng chung. Tính năng này loại bỏ sự cần thiết của các mô hình bảo mật riêng biệt cho mỗi blockchain, giảm rủi ro hệ thống và đảm bảo tính nhất quán trên toàn hệ sinh thái.
Triển khai OP Chain chi phí thấp
Superchain cho phép triển khai OP Chain mới một cách hiệu quả về chi phí bằng cách tận dụng sự đồng thuận của layer-1. Do đó, các nhà phát triển có thể dễ dàng triển khai và thử nghiệm các ứng dụng mới mà không phải chịu chi phí cao liên quan đến việc thiết lập các blockchain độc lập.
Khả năng tương tác liền mạch
Các blockchain trong Superchain được thiết kế để tương tác liền mạch với nhau, thúc đẩy khả năng cộng tác giữa các ứng dụng và người dùng trong hệ sinh thái Superchain, tạo điều kiện cho một môi trường kết nối và hiệu quả hơn.
Quản trị và nâng cấp thống nhất
Superchain hoạt động theo lộ trình nâng cấp thống nhất, được quản lý bởi hội đồng bảo mật phi tập trung. Điều này đảm bảo rằng tất cả các OP Chain được hưởng lợi từ các cải tiến và bản vá bảo mật mới nhất, duy trì tính nhất quán và nâng cao khả năng bảo mật trên toàn hệ sinh thái.
Lợi ích cho các nhà phát triển
Superchain cung cấp một nền tảng tiêu chuẩn hóa và an toàn cho các nhà phát triển, cho phép họ tập trung vào việc xây dựng các ứng dụng sáng tạo thay vì quản lý cơ sở hạ tầng phức tạp.
Thách thức của Superchain
Mặc dù Superchain hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích cho hệ sinh thái Ethereum, nhưng nó cũng phải đối mặt với một số thách thức đáng kể:
Dễ bị fork
Việc dễ dàng bị fork (sao chép và sửa đổi) của OP Stack có thể dẫn đến sự xuất hiện của các blockchain không có bằng chứng gian lận, làm dấy lên lo ngại về bảo mật của người dùng.
Tính nhất quán
Để Superchain hoạt động hiệu quả, tất cả các OP Chain phải tuân theo các tiêu chuẩn, giao thức và cấu trúc chung. Việc đảm bảo tính nhất quán trên nhiều blockchain có thể là một thách thức, đặc biệt là khi có nhiều nhà phát triển và cộng đồng tham gia.
Vấn đề bảo mật
Mặc dù Superchain kế thừa mô hình bảo mật từ Ethereum, nhưng vẫn có những lo ngại về các lỗ hổng tiềm ẩn trong OP Stack hoặc các triển khai cụ thể của OP Chain. Việc đảm bảo tính bảo mật của toàn bộ hệ sinh thái là rất quan trọng để duy trì niềm tin của người dùng và thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi.
Phức tạp trong việc quản trị
Quản trị Superchain là một nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi sự hợp tác và phối hợp giữa nhiều bên liên quan. Việc đưa ra quyết định ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái cần phải minh bạch và có trách nhiệm, đồng thời phải cân nhắc đến nhu cầu của tất cả các bên liên quan.
Khó khăn trong việc mở rộng
Khi Superchain phát triển và có nhiều OP Chain được thêm vào, việc duy trì khả năng mở rộng và hiệu suất sẽ trở nên khó khăn hơn. Việc giải quyết các thách thức về khả năng mở rộng là rất quan trọng để Superchain có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của hệ sinh thái blockchain.
Kiến trúc phức tạp
Kiến trúc Superchain vốn đã phức tạp, có thể gây khó khăn cho các nhà phát triển mới khi tiếp cận và xây dựng trên nền tảng này. Việc đơn giản hóa quy trình phát triển và cung cấp các công cụ và tài nguyên toàn diện là rất quan trọng để thúc đẩy đổi mới và thu hút nhiều nhà phát triển hơn.
Một số OP Chain nổi bật
Các OP chain nổi bật trong hệ sinh thái Superchain
Hệ sinh thái Superchain hiện tại đang phát triển mạnh mẽ với hơn 60 chain được xây dựng, trong đó có các cái tên nổi bật như:
- Base: Là OP Chain đầu tiên và có TVL lớn nhất (hơn 12 tỷ USD) trong hệ sinh thái Superchain, Base được giới thiệu là một trong những layer-2 có chi phí thấp, bảo mật và thân thiện với nhà phát triển nhất.
- OP Mainnet: Được phát triển bởi OP Labs, đóng vai trò trung tâm trong hệ sinh thái với TVL gần chạm mốc 7 tỷ USD.
- World Chain: Là layer-2 do Worldcoin phát triển, được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết vấn đề định danh người dùng trên không gian blockchain. World Chain hiện tại đang có hơn 50 dự án với TVL hơn 400 triệu USD.
- Mode Network: Là layer-2 tập trung vào việc phát triển thành lĩnh vực AiFi (Ai Finance), một hệ sinh thái tài chính mới được hỗ trợ bởi AI Agent. Mode Network hiện là OP Chain lớn thứ 4 trong Superchain với TVL hơn 400 triệu USD.
- Build on Bitcoin (BoB): Là dự án layer 2 được xây dựng trên Bitcoin có khả năng tương thích với EVM. BoB kết hợp sức mạnh, tính bảo mật của Bitcoin với khả năng mở rộng, lập trình và trải nghiệm người dùng trên Ethereum.
- Ancient8: Là layer-2 được xây dựng nhằm giải quyết các thách thức về khả năng mở rộng và áp dụng rộng rãi dành cho các tựa game Web3.
- Fraxtal: Được phát triển bởi Frax Finance, có mức độ bảo mật tương đương Ethereum, song với tốc độ giao dịch cao và chi phí sử dụng thấp hơn.
- Zora: Là nền tảng layer-2 cho phép nghệ sĩ và những nhà phát triển nội dung tạo ra các bộ sưu tập NFT của riêng mình và mua bán chúng với người dùng khác.
- Cyber: Trước đây là CyberConnect, một trong những dự án khá nổi bật trong lĩnh vực SocialFi, sau đó đổi hướng phát triển thành restaked modular layer-2 được thiết kế dành riêng cho mạng xã hội và có thể tương thích được với nhiều ứng dụng khác.
- Unichain: Unichain là một giải pháp layer-2 được phát triển bởi Uniswap Labs, được tạo ra nhằm giải quyết các thách thức chính trong hệ sinh thái DeFi đồng thời nâng cao khả năng mở rộng của Ethereum.
- opBNB: Là giải pháp layer-2 trên BNB Chain nhằm tăng cường khả năng mở rộng, cải thiện tốc độ giao dịch và giảm phí giao dịch của blockchain này.
- Ink: Là layer-2 được phát triển bởi sàn Karen.
Tổng kết
Trên đây là toàn bộ thông tin cơ bản về Superchain, hy vọng bạn đọc đã có cái nhìn rõ hơn về tầm nhìn và cách hoạt động của kiến trúc này. Với tiềm năng giải quyết những hạn chế của blockchain hiện tại và mở ra kỷ nguyên mới cho web phi tập trung, Superchain không chỉ là một giải pháp kỹ thuật mà còn là nền tảng để xây dựng internet tương lai. Chúc bạn tiếp tục khám phá thêm nhiều kiến thức hữu ích và đồng hành cùng sự phát triển của công nghệ blockchain!
Lưu ý: Thông tin trong bài viết không được xem là lời khuyên đầu tư, Coin68 không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định nào của các bạn.