Lĩnh vực tiền mã hóa nửa năm vừa qua chắc hẳn đã đem đến cho nhà đầu tư nhiều cung bậc cảm xúc. Thị trường liên tục đạt được nhiều cột mốc giá trị cao nhất lịch sử, cũng như thế giới trở nên cởi mở hơn với Bitcoin nói riêng và thị trường tiền mã hóa nói chung. Đây có lẽ là kết quả tất yếu của một thời gian dài đặt niềm tin và nỗ lực xây dựng của cả các dự án và nhà đầu tư tiền mã hóa.
Nhìn lại Thị trường Tiền mã hóa Việt Nam nửa đầu năm 2021 cùng Kyros Ventures
Hiện tại, thị trường đã bắt đầu hạ nhiệt sau đợt tăng trưởng nóng trong gần 6 tháng vừa qua. Tuy nhiên, đây là thời điểm không thể thích hợp hơn để cùng nhau nhìn lại sau một khoảng thời gian Bitcoin và đồng bọn tăng trưởng phi mã.
Hãy cùng Kyros Ventures nhìn lại thị trường thông qua các dự đoán của cộng đồng nhà đầu tư tiền mã hóa Việt Nam trong “Báo cáo Thị trường Tiền mã hóa Việt Nam 2020” nhé.
Tổng quan về toàn bộ thị trường và Bitcoin
Trong “Báo cáo thị trường tiền mã hóa Việt Nam 2020”, cộng đồng có cái nhìn tích cực về Bitcoin trong năm 2021, song phần lớn không kỳ vọng Bitcoin có thể đạt vùng giá 50k trong quý 1, mà lại nghiêng về sự tăng giá trong dài hạn hơn. Tuy nhiên, đồng tiền mã hóa số 1 thế giới lại một lần nữa làm được điều mà ít ai nghĩ đến, nhảy vọt từ mức $35,000 ở thời điểm đầu năm lên đỉnh $61,800 vào tuần đầu tiên của tháng 3.
Kỳ vọng cộng đồng Việt Nam về biến động giá Bitcoin trong 2021, lấy từ Báo cáo 2020 của Kyros Ventures
Sự tăng giá nhanh ngoài dự kiến của Bitcoin được dẫn dắt bởi một số sự kiện sau:
- Tỷ phú Elon Musk công khai ủng hộ Bitcoin và thị trường tiền mã hóa
- Tesla thông báo đầu tư 1,5 tỷ USD vào Bitcoin và chấp nhận Bitcoin làm phương thức thanh toán
- Các tổ chức lớn như MicroStrategy tiếp tục đầu tư mạnh tay vào tiền mã hóa
Bitcoin đón nhận sự bùng nổ lớn nhưng Altcoin còn bùng nổ lớn hơn nữa. Chúng ta có thể dễ dàng quan sát thấy điều này thông qua chỉ số Bitcoin Dominance. Trong giai đoạn tăng trưởng nóng của toàn thị trường, Bitcoin liên tục mất đi thị phần của mình vào tay các Altcoin. Đây cũng là kỳ vọng của phần lớn cộng đồng nhà đầu tư Việt Nam trong báo cáo thị trường của Coin68 và Kyros Ventures.
Kỳ vọng của cộng đồng về khả năng xuất hiện của Mùa Altcoin trong năm 2021
Trong báo cáo, top 3 ứng viên được kỳ vọng sẽ đe dọa đến vị thế của Bitcoin là:
- Ethereum
- Các dự án DeFi nói chung
- Các blockchain Proof-of-Stake (PoS)
Dự đoán Top 3 ứng viên crypto đe dọa vị thế Bitcoin
Trên thực tế, dự đoán này đã chính xác, Ethereum tăng trưởng mạnh và tiếp tục duy trì vị trí số 2, vị trí số 3 liên tục được hoán đổi bởi các cái tên POS blockchain như Binance Smart Chain, Cardano, Polkadot,…
Đồng thời, Ethereum (ETH), BNB, Polkadot (DOT), Solana (SOL) và Cardano (ADA) cũng là những cái tên đã được cộng đồng Việt Nam kỳ vọng “moon” nhiều nhất, và quả thật đã có một mùa tăng trưởng thành công ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.
Các altcoin được cộng đồng dự đoán sẽ tăng trưởng nhiều nhất
Các điểm nổi bật chính của thị trường Altcoin
Sự lớn mạnh của thị trường Altcoin trong năm 2021 được dẫn dắt bởi các xu hướng chính như sau:
– Sự bùng nổ của các POS blockchain
– DeFi tiếp tục tăng trưởng mạnh
Xu hướng NFT
Bất ngờ thay! Nhận định NFT sẽ “lên ngôi” trong năm 2021 của cộng đồng hóa ra là cực kỳ chính xác
Trong báo cáo của Kyros Ventures, kết quả khảo sát có phần gây bất ngờ tại thời điểm này vì DeFi đang là một phân khúc thịnh hành nhất trong năm 2020 nhưng NFT và blockchain game lại là phân khúc được cộng đồng Việt Nam kỳ vọng nhất trong năm 2021. Và kết quả là NFT thật sự đã có bùng nổ lớn.
Thống kê của Google Trends cho thấy xu hướng tìm kiếm về NFT bắt đầu tăng mạnh vào đầu tháng 2/2021 và nhanh chóng vượt mặt xu hướng tìm kiếm về Defi.
Xu hướng tìm kiếm về “NFT” và “DeFi” trên Google. Nguồn: Google Trends
Theo dữ liệu được cung cấp bởi Non Fungible, trong 6 tháng vừa qua, thị trường NFT đã có tổng khối lượng giao dịch hơn 900 triệu USD. Khối lượng giao dịch bắt đầu được đẩy mạnh vào tháng 2/2021 đạt 168 triệu USD và gấp gần 6 lần so với khối lượng giao dịch của tháng 1. Khối lượng giao dịch NFT tiếp tục được duy trì ở mức ổn định kể từ tháng 2 trở đi.
Bên cạnh đó, các NFT đắt đỏ nhất từng được giao dịch cũng diễn ra trong khoảng thời gian bùng nổ này. Tiêu biểu là:
Tổng hợp các NFT có giá trị nhất, theo Kyros Ventures
Chưa dừng lại ở đó, Binance bất ngờ thông báo sẽ cho ra mắt Binance NFT Marketplace vào ngày 24/06, khiến nhiều người kỳ vọng sẽ tiếp thêm động lực tăng trưởng cho xu hướng NFT.
Sự bùng nổ của các POS Blockchain
Việc lĩnh vực NFT bỗng nhiên trở nên “cực thịnh” đã có một hệ quả không ngờ. Nguyên nhân là vì phần lớn các dự án NFT đều được xây dựng trên Ethereum, khiến đã lúc một khối lượng không nhỏ giao dịch Ethereum chỉ toàn là giao dịch về NFT, làm blockchain này trở nên tắc nghẽn. Chi phí gas trên Ethereum từ đó trở nên quá đắt đỏ, tạo ra rào cản lớn của người dùng đến với các ứng dụng phi tập trung xây dựng trên đây. Tại cao điểm, phí của Ethereum đã lên tới con số hàng trăm đô la cho mỗi giao dịch.
Vì vậy, POS blockchain mới đón nhận sự phát triển vô cùng mạnh, tiêu biểu bởi những cái tên như Binance Smart Chain (BSC), Solana (SOL), Polygon (MATIC), Avalanche (AVAX), Near (NEAR),… Tất cả giải pháp Layer 1 này đều có chung một ưu thế cạnh tranh với Ethereum là chi phí gas thấp và tốc độ xử lý giao dịch nhanh hơn đáng kể.
Trong đó, BSC là cái tên được nhắc đến nhiều nhất và được kỳ vọng sẽ trở thành đối trọng mới cạnh tranh với Ethereum. Hệ sinh thái của BSC bắt đầu cất cánh và tăng tốc mạnh mẽ trong thời gian rất ngắn.
So sánh số lượng giao dịch on-chain giữa Ethereum và Binance Smart Chain
Theo thống kê của DappRadar, đã có hơn 800 dApps đã được xây dựng trên đây. Điều này đã giúp cho BNB token đạt mức tăng trưởng kỷ lục 1500%, từ mức 40$ đã lên gần 700$ chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
Như cũng đã được chỉ ra trong báo cáo của Kyros, khi BNB đứng vị trí thứ 2 trong danh sách các Altcoin có khả năng “moon” nhiều nhất. Bên cạnh đó, Solana, một cái tên xuất hiện trong danh sách này cũng đang đẩy mạnh quá trình xây dựng và hoàn thiện các mảnh ghép trong hệ sinh thái của mình và đạt được mức tăng trưởng về giá hơn 36 lần.
Thực tế đã cho thấy dự đoán trên là chính xác, khi sự lớn mạnh và gia tăng ứng dụng của các nền tảng trên đã tạo ra làn sóng thúc đẩy đồng tiền riêng của chúng, cũng như token “thuộc hệ” tăng trưởng chóng mặt.
Các altcoin top có mức tăng trưởng mạnh nhất trong nửa đầu năm 2021
Xu hướng DeFi tiếp tục “thịnh hành”
DeFi là một phân khúc đã khiến thị trường tiền mã hóa thay đổi nhanh chóng trong nửa cuối năm 2020. Trong sáu tháng đầu năm 2021, xu hướng này được tiếp thêm nhiên liệu nhờ sự tăng trưởng chung của thị trường cũng như của các hệ sinh thái layer 1 mới. Một thước đo đơn giản chứng minh cho điều này là việc Tổng giá trị được khóa (TVL) của các dự án DeFi trên Ethereum tăng gấp 5 lần và trên BSC tăng hơn 120 lần trong vọn vẹn 5 tháng đầu năm.
Giá trị bị khóa (TVL) trên Ethereum và Binance Smart Chain
DEX vẫn là mảng phổ biến nhất trong DeFi. Theo số liệu được ghi nhận từ CoinGecko, nhóm các token của DEX vẫn chiếm gần 50% tổng vốn hóa của DeFi. Các cái tên đóng góp phần lớn đến từ là Uniswap, SushiSwap (trên Ethereum) và PancakeSwap (trên Binance Smart Chain).
Một điều thú vị là tất cả cái tên này đều nằm trong danh sách các nền tảng DeFi được yêu thích nhất trong báo cáo của Kyros Ventures.
Thống kê các Nền tảng DeFi được ưa chuộng nhất trong Báo cáo 2020 của Kyros Ventures
Những đột biến “vượt ngoài mọi mong đợi”
Tuy nhiên, không thể quên rằng đây là thị trường tiền mã hóa, nơi mọi thứ đều có thể xảy ra. Dự đoán của Kyros cũng như của cộng đồng không thể nào chính xác 100% được. Sau đây là các “biến số” thú vị của ngành crypto trong nửa đầu 2021, là sản phẩm của một mùa uptrend thật sự là đã khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.
Sự tăng trưởng đột biến của Polygon
Polygon (MATIC), một giải pháp mở rộng quy mô trên Ethereum cũng là một hiện tượng ngoài dự đoán của cộng đồng nhà đầu tư Việt Nam. Nhờ vào chi phí mạng lưới gần như bằng 0 cùng với sự hỗ trợ của nhiều ông lớn, làn sóng Polygon nhanh chóng nở rộ vào cuối tháng 4. Chỉ trong vòng hơn nửa tháng (cuối tháng 4/2021 đến giữa tháng 5/2021), giá token của Polygon đã tăng gấp 5 lần. Tại đỉnh điểm giữa tháng 5, có gần 8 tỷ USD giá trị bị khóa trên nền tảng của Polygon, chỉ xếp sau Ethereum và BSC.
Biểu đồ tăng trưởng về giá của Polygon (MATIC)
Xu hướng memecoin
Memecoin, coin động vật hay “coin rác” cũng trở thành một xu hướng lớn trong thị trường tiền mã hóa vào đầu tháng 5/2021, và đây có lẽ là cũng là bất ngờ lớn nhất nhất đối với cộng đồng nhà đầu tư. Động lực của xu hướng này chính là hệ quả của mùa uptrend, dẫn đến tâm lý lạc quan cũng như FOMO của cả các nhà đầu tư mới lẫn cũ, cộng với “chất xúc tác” là Elon Musk công khai ủng hộ Bitcoin trên Twitter của mình.
Sự tăng trưởng có phần điên rồ của Dogecoin đã kích hoạt làn sóng Memecoin, “coin rác” bắt đầu từ tháng 5 và tạo ra hiệu ứng cộng hưởng khiến thị trường xuất hiện hàng loạt đồng coin chó, mèo và động vật, có thể kể đến là Shiba Inu, Hoge Finance, YooShi, Woofy, AquaGoat, vân vân và mây mây. Nhiều nhà đầu tư bắt đầu fomo và đẩy vốn hóa của thị trường Memecoin vượt qua con số 50 tỷ USD, biến memecoin trở thành một phân khúc có vốn hóa nằm trong top thị trường, dù hiện tại đã qua giai đoạn đỉnh điểm cuối tháng 4 – đầu tháng 5.
Bảng xếp hạng về vốn hóa của các phân khúc trong thị trường. Nguồn: CoinGecko
Thời điểm xu hướng memecoin trở nên nở rộ nhất cũng là thời điểm đánh dấu toàn bộ thị trường tiền mã hóa bắt đầu đi vào giai đoạn điều chỉnh.
Thị trường bất ngờ đón nhận đợt điều chỉnh lớn
Bên cạnh việc Bitcoin tăng trưởng sớm hơn mong đợi thì đợt điều chỉnh hơn 50% giữa tháng 5 vừa rồi cũng khiến cộng đồng tiền mã hóa không khỏi bất ngờ. Giá Bitcoin rơi về vùng giá 3.,000 USD, các Altcoin cũng bắt đầu đón nhận sụt giảm lớn từ 70-90% giá trị. Chỉ trong hơn nửa tháng, thị trường nhanh chóng bốc hơi hơn 1.000 tỷ USD.
Sự suy giảm có thể đến từ nhiều lý do như:
– Thị trường đã tăng trưởng nóng và điều chỉnh là một sự kiện không thể tránh khỏi.
– Thị trường phản ứng mạnh với các thông tin tiêu cực như:
- Elon Musk có những động thái không ủng hộ Bitcoin nữa trên Twitter của mình.
- Tesla tạm ngưng chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin do các lo ngại về tác động đến môi trường của hoạt động đào Bitcoin.
- Chính phủ Trung Quốc có nhiều động thái khắt khe hơn với thị trường tiền mã hóa như cấm giao dịch crypto, cấm các hoạt động khai thác Bitcoin tại quốc gia này.
- Một số lo ngại về việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát của Fed.
Tổng kết
Như vậy, chúng ta đã cùng nhau nhìn lại toàn cảnh của thị trường tiền mã hóa nửa đầu năm 2021. Sau khi đối chiếu bức tranh toàn cảnh của thị trường trong nửa đầu năm 2021 với những kỳ vọng về thị trường 2021 trong “Báo cáo thị trường tiền mã hóa Việt Nam”, đội ngũ Kyros cũng không khỏi bất ngờ khi nhiều dự đoán của cộng đồng Việt Nam đã trở nên chính xác trong thực tế.
Hầu hết các dự đoán tổng quan về thị trường đều có sự chính xác như Bitcoin sẽ tiếp tục tăng trưởng, mùa Altcoin sẽ bắt đầu và được dẫn dắt bởi các xu hướng như DeFi, blockchain layer 1 và NFT. Coin68 và Kyros Ventures cảm thấy tự hào khi những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ đã mang lại các thông tin hữu ích cho bạn đọc.
Mặc dù vậy, thị trường đang dần có những bước chuyển mình trong giai đoạn cuối quý 2, khi nhiều đồng coin lớn liên tục mất giá, chia đôi giá trị. Đây là thời điểm khó khăn của thị trường cũng như toàn bộ nhà đầu tư tiền mã hóa tính đến thời điểm hiện tại của năm 2021. Nhiều nhà đầu tư có lẽ cũng đang loay hoay không biết bước tiếp theo của thị trường là gì?
Nếu vậy, hãy đón chờ “Báo cáo thị trường tiền mã hóa Việt Nam nửa đầu năm 2021” của Coin68 và Kyros Ventures. Báo cáo này hứa hẹn sẽ cung cấp các thông tin giá trị và thú vị cho bạn đọc. Hãy cùng chờ nhé!
Trong thời gian chờ đợi, hãy điểm qua các báo cáo đáng chú ý khác từ Kyros Ventures: