logo
  • Tin tức
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • Kiến Thức
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • Kiến Thức
  • E-Magazine
  • Góc nhìn

LSDfi toàn tập và Câu chuyện về Pendle Wars (Phần 2): Pendle Finance và cơ hội đầu tư trong dài hạn

-18/09/2023

Trong phần 1 của chuỗi hai bài viết này, anh em đã cùng mình tìm hiểu về LSD Finance (LSDfi) và vị trí của Pendle. Phần 2 chúng ta sẽ cùng nhau “mổ xẻ” sâu hơn về Pendle Wars và những dự án tiềm năng trong cuộc chiến này.

LSDfi toàn tập và Câu chuyện về Pendle Wars (Phần 2)

1. Pendle Finance

1.1. Bản chất

Để hiểu rõ bản chất của “Pendle Wars", trước hết anh cần cần tìm hiểu về Pendle Finance - dự án nền tảng cho cuộc chiến này.

- Xem thêm: Pendle Finance (PENDLE) - Nền tảng DeFi mở khóa tiềm năng lợi nhuận của tài sản trong tương lai

Pendle Finance xuất phát từ ý tưởng về việc cố định lãi suất nhận được trong tương lai. Đội ngũ Pendle Finance cho rằng Defi hiện tại có sự biến động về mặt “yield” rất cao. Điều này thể hiện thông qua số liệu APR, APY của các pool thanh khoản hay farming. Thông thường, các dự án sẽ đưa ra mức APY, APR rất cao thông qua các chương trình Liquidity Mining để thu hút người dùng và thanh khoản.

Tuy nhiên, việc tăng TVL + lạm phát của token gốc của dự án khiến mức APY, APR thực tế mà nhà đầu tư nhận được trong tương lai sẽ có sự thay đổi, chênh lệch đáng kể. Bên cạnh đó, mức yield mà nhà đầu tư nhận được cũng phụ thuộc rất lớn vào hoàn cảnh thị trường (bull market hoặc bear market). 

​​Ví dụ về sự biến động trong Supply & Lending Rate của USDC trên AAVE - Nguồn: Dune, @chinmay (11/09/2023)

Cói thể thấy đội ngũ Pendle Finance muốn tạo ra một giao thức có thể cố định lãi suất trong tương lai, cho phép người dùng chủ động kiểm soát lợi nhuận mà họ nhận được.

Anh em có thể hiểu, Pendle Finance là một giao thức giao dịch lợi nhuận phi tập trung, không bị kiểm soát, nơi người dùng có thể thực hiện các chiến lược lợi nhuận khác nhau.

1.2. Đội ngũ phát triển và các nhà đầu tư

Mặc dù đội ngũ phát triển của Pendle khá kín tiếng, tuy nhiên theo thông tin mà Coin68 thu thập được, team phát triển Pendle Finance cũng khá nổi tiếng khi đều là những người đã vào chung kết của ICPC - cuộc thi lập trình toàn cầu lâu đời và danh giá, được ví như “Thế vận hội Olympic” dành cho sinh viên công nghệ thông tin trên toàn thế giới.

Một trong những yếu tố quan trọng để chúng ta có thể đặt niềm tin vào dự án nữa là Pendle đã thành công gọi vốn 3,7 triệu USD với sự tham gia của nhiều quỹ đầu tư nổi tiếng như Mechanism Capital, Binance Labs, Crypto.com…

1.3. Ba thành phần của Pendle

Để hiểu sâu hơn về cách thức hoạt động của giao thức, anh em sẽ cần tìm hiểu về 3 thành phần của Pendle:

a/ Yield Tokenization

Đầu tiên, Pendle Finance sẽ chuyển “bọc” (wrap) token mang lại lợi nhuận (từ các giao thức khác) thành SY Token (Standardized Yield Token) - là token tiêu chuẩn và tương thích với Pendle AMM. Ví dụ: anh em có thể mang stETH nhận được từ Lido vào Pendle và nhận về SY-stETH. 

Tiếp theo đó, SY Token sẽ được chia làm 2 phần là PT (Principal Token - Token đại diện cho token gốc) và YI (Yield Token - Token đại diện cho phần lợi nhuận). Quá trình này được gọi là sự token hoá lợi nhuận. 

b/ Pendle AMM: PT và YT token sẽ được giao dịch thông qua Pendle AMM. Đây là sàn giao dịch “lợi nhuận tương lai”.

c/ vePendle: Mô hình tạo ra bull-case cho Pendle và Pendle Wars.

1.4. Cách Pendle Finance tạo ra lợi nhuận

Bằng cách tạo thị trường lợi nhuận trong DeFi, Pendle khai thác toàn bộ tiềm năng của lợi nhuận, cho phép người dùng thực hiện các chiến lược lợi nhuận nâng cao, chẳng hạn như:

1.3.1. Chiến lược Fixed Yield (Lợi nhuận cố định)

Về cơ bản, người dùng nắm giữ PT có thể nhận lại tài sản gốc của tài sản sinh lãi khi đáo hạn. Ví dụ:


Yield cho stETH của Lido trên Pendle Finance

Giả sử anh em mua hoặc nắm giữ 1 PT - stETH, như hình trên, có nghĩa là khi đáo hạn (30/12/2027), anh em có quyền đổi 1stETH lấy 1ETH. Dĩ nhiên, giá PT - stETH sẽ là giá chiết khấu (vì phần lợi nhuận YT đã được tách khỏi token sinh lãi gốc). 

Ví dụ thời điểm hiện tại 1PT - stETH có giá 0,9 ETH, tại thời điểm đáo hạn anh em có thể quy đổi lấy 1 ETH, như vậy 0,1 ETH chính là khoản lợi nhuận cố định. 

Như vậy, những người nắm giữ PT có lợi nhuận trong 2 trường hợp:

  1. PT tăng giá và bán được với giá cao hơn tại thời điểm mua.

  2. Nhận số ETH nhiều hơn giá trị bỏ ra vào thời điểm mua.

Ở đây, anh em sẽ bắt gặp các khái niệm mới: Fixed APY, Underlying APY & Implied APY.

Underlying APY: là lợi nhuận thực tế, tính tại thời điểm hiện tại của PT. Lợi nhuận của anh em sẽ tốt hơn thị trường chung khi mà phần lợi nhuận nhận được từ PT > Trung bình lợi nhuận thực tế tương lai (Average Future Underlying APY).

Fixed APY: là phần lợi nhuận anh em được đảm bảo sẽ nhận được khi mua PT. Fixed APY luôn có giá trị bằng Implied APY (lợi nhuận ngụ ý). Thực tế, Implied APY được xem như là một chỉ số thể hiện thị trường đang tin rằng lợi suất tương lai có thể tăng hay giảm.

  • Khi Implied APY thấp, thị trường ngụ ý rằng PT sẽ đắt hơn và lợi nhuận sẽ giảm.
  • Khi Implied APY cao, thị trường ngụ ý rằng PT sẽ rẻ hơn và lợi nhuận sẽ tăng.

Khi hiểu được tương quan nói trên, anh em có thể có thêm nhiều chiến lược với PT.

Ví dụ: Quản lý thụ động - Mua PT khi APY cao

Khi APY cao, PT giá sẽ rẻ. Việc mua vào PT cũng đồng nghĩa với bán khống Yield. Khi đó, anh em có thể kiếm được nhiều lợi nhuận hơn nếu thời điểm đáo hạn Fixed APY > Underlying APY.

Giao dịch chủ động: các nhà đầu tư theo trường phái này sẽ chủ động mua và bán PT khi có lợi nhuận tốt. Đây sẽ là cách giao dịch không phụ thuộc vào APY mà chủ yếu kiếm lợi nhuận dựa trên sự thay đổi giá của PT.

1.3.2. Chiến lược Yield Tokenization (Lợi nhuận dài hạn)

Yield Tokenization (YT) cho phép người sở hữu nhận tất cả lợi tức do tài sản cơ sở tạo ra khi đến thời điểm đáo hạn. 


Yield cho GLP của GMX trên Pendle Finance

Ví dụ: khi anh em sở hữu 3 YT-GLP, điều này có nghĩa anh em sẽ nhận được lợi tức do 3 GLP tạo ra khi đến đáo hạn (28/03/2024).

Tương tự như chiến lược PT, với YT anh em cũng sẽ có Underlying APY và Implied APY. Underlying APY sẽ đại diện cho lợi tức mà anh em nhận được khi nắm giữ YT (tức phần lợi tức do tài sản cơ bản tạo ra). Trong khi đó, Implied APY đại diện cho mức giá mà YT đang giao dịch.

  • Khi Implied APY thấp => PT đắt và YT rẻ.
  • Khi Implied APY cao => PT rẻ và YT đắt.

Tương tự như PT, anh em cũng có thể mua YT khi giá rẻ, Implied APY thấp hơn Underlying APY và kiếm lợi nhuận hoặc trade YT bằng cách mua thấp, bán cao.

1.3. Cung cấp thanh khoản

Đây cũng là cách kiếm lợi nhuận phổ biến trên Pendle. Một trong những thành phần quan trọng của Pendle chính là Pendle AMM. Để AMM này hoạt động có hiệu quả, rõ ràng Pendle cần những người cung cấp thanh khoản. Để thu hút thanh khoản, dự án cần có phần thưởng đủ hấp dẫn.

Anh em có thể dùng PT và YT để cung cấp thanh khoản trên các Pool tương ứng của giao thức. Anh em vẫn có thể nhận được lợi tức của YT, PT khi đáo hạn, đồng thời được nhận thêm phần thưởng từ việc cung cấp thanh khoản.

Ưu điểm của cách thức này là hầu như nó khá đơn giản, tất cả đều có thể hiểu và tham gia dễ dàng hơn so với hai chiến lược còn lại.

1.4. Một số điểm đặc biệt của Pendle AMM

Pendle AMM V2 là một phiên bản được thiết kế đặc biệt dành cho giao dịch lợi nhuận, tận dụng một cách tối đa các đặc điểm của PT và YT.

V2 AMM giới thiệu nhiều tính năng tập trung vào việc cung cấp thanh khoản thân thiện, hiệu quả sử dụng vốn và tính linh hoạt. Một số điểm nổi bật của v2 gồm:

  • Giảm tối thiểu tổn thất tạm thời (IL) cho các LPs.

  • Cải thiện hiệu quả sử dụng vốn lên tới 200 lần so với AMM v1.

  • Giảm trượt giá cho các giao dịch.

  • LP kiếm được phí từ giao dịch 2 tài sản trong khi chỉ cung cấp thanh khoản cho 1 pool.

  • AMM có thể được tối ưu hóa bất kỳ phạm vi lợi nhuận cụ thể nào để tối ưu hóa tính thanh khoản (thanh khoản tập trung).

AMM Curve của Pendle được thiết kế để thay đổi theo lợi nhuận tích lũy, cũng như có sự tập trung thanh khoản (thu hẹp phạm vi giá) của PT vào thời điểm đáo hạn. Điều này cho phép hiệu quả sử dụng vốn tăng lên.

1.4.1. Cơ chế hoạt động của Pendle AMM

Cơ chế hoạt động của Pendle AMM. Nguồn: Pendle Finance

Pendle AMM cho phép thực hiện swap PT và YT chỉ thông qua một pool thanh khoản duy nhất bằng cách áp dụng một pseudo-AMM kết hợp với flash swaps. Mình sẽ giải thích chi tiết ngay dưới đây: 

Pool thanh khoản trong giao thức sẽ được thiết kế dưới dạng PT/SY, ví dụ: PT-aUSDC/SY-aUSDC. Việc swap PT đơn giản là swap 2 tài sản trong pool, trong khi đó swap YT được thực hiện thông qua flash swaps (cũng thông qua pool đó).

Ví dụ: Người dùng muốn đổi SY lấy YT, quá trình sẽ được thực hiện như sau:

  1. Người dùng gửi SY của họ vào swap contract.

  2. Hợp đồng sẽ lấy thêm SY từ pool PT/SY.

  3. Mint PT và YT từ SY.

  4. Gửi YT cho người mua.

  5. Bán PT đổi lại SY trả lại cho pool.

Như vậy, chỉ với pool PT/SY, giao thức đã cho phép người dùng swap cả PT lẫn YT.

Sở dĩ Pendle thiết kế pool PT/SY vì tại thời điểm PT gần đáo hạn, đường cong AMM của giao thức có thể điều chỉnh để đẩy giá trị PT về gần giá trị cơ sở, từ đó giúp giảm thiểu IL.

1.4.2. Hiệu quả của Pendle AMM V2

Để chứng minh hiệu quả của Pendle V2 AMM, bản thân team phát triển giao thức đã thực hiện một số nghiên cứu với số liệu thực tế để chứng minh việc tham gia cung cấp thanh khoản trên pool của Pendle là tốt hơn (mang lại lợi nhuận cao hơn) so với việc chỉ nắm giữ tài sản cơ bản, kể cả khi đã loại trừ các ưu đãi riêng của giao thức Pendle.

Đầu tiên, việc cung cấp thanh khoản trên Pendle mang lại lợi nhuận tốt hơn so với việc nắm giữ tài sản cơ bản, ví dụ như ETH.

Đầu tiên, việc cung cấp thanh khoản trên Pendle mang lại lợi nhuận tốt hơn so với việc nắm giữ tài sản cơ bản, ví dụ như ETH.

So sánh hiệu suất của Pendle LP và việc nắm giữ ETH - Nguồn: Pendle

Anh em có thể quan sát hình trên: nhóm stETH với kỳ hạn đến tháng 12/2024. Biểu đồ cho thấy hiệu suất của Pendle LP trong một khung thời gian nhất định luôn hoạt động tốt hơn so với việc chỉ nắm giữ ETH (thể hiện ở giá trị hiệu suất LP > 1).

Bên cạnh đó, thời gian cung câp thanh khoản càng dài, hiệu suất càng cao (anh em có thể thấy LP có chu kỳ dài nhất là đường màu xanh dương mang lại hiệu quả cao nhất).

Thông thường, Impermanent Loss (IL) được xem là mối lo ngại lớn nhất đối với người cung cấp thanh khoản. Tuy nhiên, với V2, IL gần như được loại bỏ bằng 0.

Tiếp theo, anh em hãy cùng mình so sánh hiệu suất của việc cung cấp thanh khoản trên Pendle so với nắm giữ các loại tài sản tạo ra lợi nhuận như stETH, GLP hay gDAI.

Đầu tiên, nếu loại bỏ đi các ưu đãi của giao thức, sẽ có khung thời gian nhất định hiệu suất của Pendle LP hoạt động tốt hơn việc chỉ nắm giữ stETH, với IL tối đa 0,3%.

So sánh hiệu suất của Pendle LP và việc nắm giữ stETH - Nguồn: Pendle

Tuy nhiên, nếu cộng thêm các ưu đãi từ giao thức, tất cả các vị trí LP của Pendle đều hoạt động tốt hơn các vị thế nắm giữ stETH đơn thuần.

So sánh hiệu suất của Pendle LP bao gồm ưu đãi từ giao thức và việc nắm giữ stETH - Nguồn: Pendle

Anh em có thể thấy, về cơ bản, việc cung cấp thanh khoản trên Pendle đã trở nên rất hiệu quả so với việc nắm giữ đơn thuần các loại tài sản không lợi nhuận (như ETH) hoặc thậm chí so với việc nắm giữ đơn thuần các loại tài sản tạo ra lợi nhuận (như stETH, gDAI…). Chính vì vậy, TVL trên Pendle đã có cú hích mạnh mẽ (mình sẽ dẫn chứng số liệu cụ thể ở phần sau của bài viết).

1.4.3. Cơ chế vePENDLE

Người dùng có thể khoá PENDLE nhận về vePENDLE. Bằng cách sở hữu vePENDLE, người dùng có thể nhận được nhiều lợi ích hơn.

Đầu tiên, chủ sở hữu vePENDLE có thể bỏ phiếu cho các pool mà họ yêu thích để hướng phần thưởng cho pool đó nhiều hơn, nhờ vậy gia tăng tính thanh khoản cho pool đó.

Tiếp theo, người sở hữu vePENDLE hiện tại sẽ được hưởng toàn bộ phí giao thức (3% từ tất cả lợi nhuận do YT tích lũy). Hiện tại giao thức Pendle không tích lũy phí cho giao thức, 100% được chia sẻ cho người sở hữu vePENDLE.

Một phần lợi nhuận từ các PT đã đáo hạn chưa được đổi cũng sẽ được phân phối theo tỷ lệ cho những người nắm giữ vePENDLE.

Ví dụ: PT-aUSDC đáo hạn tương đương với aUSDC. Nếu không được đổi, tất cả lợi nhuận của nó sẽ được chuyển đổi thành stablecoin và được giao thức thu thập dưới dạng doanh thu giao thức và được phân phối cho những người nắm giữ vePENDLE.

Đặc biệt:

  • Những người bỏ phiếu vePENDLE cũng có quyền nhận 80% phí hoán đổi từ nhóm đã bỏ phiếu, cấu thành APY của Người bỏ phiếu .

  • Nếu anh em cung cấp LP trong một Pool trong khi anh em đang nắm giữ vePENDLE, các ưu đãi và phần thưởng PENDLE cho tất cả các LP của bạn cũng sẽ được tăng thêm, lên tới 250% dựa trên giá trị vePENDLE của bạn.

Vì vậy, với những lợi ích do vePENDLE mang lại, ngoài câu chuyện người dùng phổ thông sẽ có thêm nhu cầu mua PENDLE khoá nhận vePENDLE để gia tăng lợi ích, nó còn tạo ra một “cuộc chiến” giữa các dự án xây dựng dựa trên PENDLE. Đó chính là cách mà Pendle Wars hình thành.

1.5. Pendle Earn

Ngày 18/07/2023, Pendle đã giới thiệu Pendle Earn, giúp người dùng tiếp cận việc gửi tiền và nhận lãi suất một cách đơn giản hơn với chức năng tương tự như các sàn giao dịch tập trung (Binance Earn, OKEX Earn…)

Giao diện của Pendle Earn - Nguồn: Pendle (11/9/2023) 

Anh em có thể tuỳ chọn sử dụng các loại tài sản gồm sDAI, fUSDC, stETH, sfrxETH, swETH, OETH và USDT để kiếm lợi nhuận trên giao thức.

Với Pendle Earn, người dùng có thể dễ dàng deposit tài sản của mình vào giao thức và nhận lợi nhuận cố định. Người dùng cũng có thể rút tiền bất kỳ khi nào mà họ muốn. 

Ngày 23/08/2023, Pendle đã tiến thêm một bước nữa khi Pendle tích hợp thêm các tài sản RWA trên giao thức. 

Cụ thể, giao thức đã hỗ trợ tạo lợi nhuận cố định cho sDAI của Spark Protocol và fUSDC của Flux Finance. Đây là bước đi rất táo bạo khi Pendle đã lựa chọn ngách RWA, một trong những mảng thị trường khổng lồ và có tiềm năng cực kỳ lớn trong tương lai.

Phản ứng của thị trường sau đó đã cho thấy đây là một quyết định đúng đắn của giao thức khi tính đến hiện tại, RWA đã mang lại hơn 20,3 triệu USD TVL cho giao thức và chiếm đến 14,1% TVL của giao thức.

Cơ cấu TVL của Pendle - Nguồn: Sentio.xyz (11/9/2023)

1.6. Những số liệu nổi bật

Với những thay đổi tích cực trong Pendle V2, chỉ trong vòng 8 tháng đầu năm 2023, Total Value Locked (TVL) của Pendle đã tăng trưởng từ 13,6 triệu USD lên đến hơn 155 triệu USD tại thời điểm cao nhất, tương đương với mức tăng hơn 10 lần. Hiện tại, TVL của giao thức vẫn duy trì ổn đinh quanh mức 145 triệu USD.

Sự tăng trưởng TVL của Pendle - Nguồn: DefiLlama, 09/09/2023

Trong bối cảnh thị trường khó khăn và hầu như không có dòng tiền mới, TVL của các dự án Defi hầu như đều giảm mạnh thì sự tăng trưởng của Pendle là hết sức ấn tượng.

Bên cạnh sự thay đổi trong TVL, Pendle V2 với việc cải thiện IL và chế độ cung cấp thanh khoản tập trung đã giúp gia tăng thanh khoản và khối lượng giao dịch, đồng thời duy trình nó một cách ổn định hơn. Tính đến thời điểm viết bài (09/09/2023), tổng khối lượng giao dịch tích luỹ trên Pendle đã đạt 180,7 triệu USD (số liệu cung cấp trên website dự án).

Khối lượng giao dịch trên Pendle AMM từ 07/2023 đến nay - Nguồn: Sentio.xyz (09/09/2023)

Trong vòng 3 tháng liên tục từ 07/2023 đến 09/2023, anh em có thể thấy khối lượng giao dịch trung bình ngày trên AMM của Pendle rơi vào khoảng từ hơn 1 triệu USD. Với một AMM dành riêng cho thị trường ngách là giao dịch lợi nhuận, khối lượng giao dịch trên vẫn rất ấn tượng.

2. Pendle Wars

Từ cơ chế của vePENDLE, rõ ràng các dự án xây dựng trên Pendle sẽ mong muốn tích lũy nhiều hơn vePENDLE để có thể tăng quyền biểu quyết trong quản trị giao thức, điều hướng luồng phần thưởng tới pool thanh khoản của chính dự án, đồng thời tự gia tăng phần thưởng mà mình nhận được. Hiện tại, các dự án nổi bật nhất gồm Penpie và Equilibria.

2.1. Penpie

Penpie cho phép những người sở hữu PENDLE có thể kiếm thêm lợi nhuận thông qua việc “ký gửi” PENDLE thay vì phải khoá PENDLE trên giao thức, đồng thời họ sẽ sử dụng PENDLE đó để gia tăng quyền quản trị với chi phí và rủi ro thấp hơn.

Khi người dùng đưa PENDLE vào giao thức, họ sẽ nhận được mPENDLE - là token đại diện cho số PENDLE của người dùng. Người dùng có thể staking mPENDLE để nhận APR từ Penpie. Penpie sẽ tích lũy và khoá lượng PENDLE nhận được trên PENDLE để nâng cao phần thưởng và lợi ích quản trị trên Pendle, từ đó đảm bảo phần thưởng và lợi ích lớn hơn cho người dùng.

Bên cạnh đó, dự án cũng cho phép người dùng cung cấp thanh khoản thông qua Penpie và sử dụng vePENDLE tích lũy để gia tăng phần thưởng cho những LPs đó.

Với giải pháp này, người dùng hoàn toàn không phải mua và khoá PENDLE với thời gian cố định trên giao thức Pendle để kiếm lợi nhuận, thay vào đó họ có thể vẫn kiếm được lợi nhuận tốt và linh hoạt thanh khoản với Penpie.

Bên cạnh đó, Penpie cũng có token riêng của mình là PNP. Người dùng có thể mua và khoá PNL để nhận vlPNP. Người dùng nắm giữ vlPNP sẽ được chia sẻ quyền quản trị tích lũy qua vePENDLE của Penpie. Bên cạnh đó, chủ sở hữu vlPNP cũng được chia sẻ doanh thu từ giao thức dưới dạng ETH và PENDLE.

=> tokenomicss tạo ra thêm một cơ chế “hối lộ”. Cac giao thức có thể mua PNL và khoá lại nhận vlPNP, từ đó chiếm được quyền quản trị tích lũy bởi Penpie với chi phí rẻ hơn.

2.2. Equilibria

Tương tự Penpie, Equilibria cũng cho phép người dùng sở hữu PENDLE có thể kiếm thêm lợi nhuận mà không cần phải khoá PENDLE vào giao thức Pendle. Bên cạnh đó, dự án cũng gia tăng lợi nhuận cho các LPs (những người cung cấp thanh khoản) nếu họ tham gia cung cấp thanh khoản vào Pendle thông qua Equilibria. Anh em có thể xem sơ đồ dưới đây để hiểu về mô hình hoạt động của dự án:

Kiến trúc của Equilibira. Nguồn: Equilibria

Đầu tiên, dự án sẽ thu hút người dùng gửi PENDLE vào và nhận về ePENDLE. Việc tích lũy được nhiều PENDLE cho phép dự án tích lũy được nhiều hơn vePENDLE, từ đó gia tăng quyền quản trị và điều hướng phân phối phần thưởng trong giao thức. Song song với đó, dự án cũng thu hút người dùng deposit thanh khoản vào LP Pool và sử dụng thanh khoản đó để deposit vào Pendle Finance. Với việc tích lũy được lượng lớn vePENDLE, Equilibria có thể boosting phần thưởng trong LP Pool. 100% phần thưởng tăng thêm sau đó sẽ được chia lại với tỷ lệ như sau:

  • 2,5% phần thưởng tăng thêm được đưa vào Kho bạc của giao thức.

  • 7,5% được chia cho những người đã mua và khoá EQB.

  • 12,5% được chia cho những người đã gửi PENDLE và stake ePENDLE (PENDLE Holder)

  • 77,5% phần thưởng tăng thêm được chia cho LPs

Tương tự như cơ chế của Penpie, với việc EQB cho phép người nắm giữ có thể khoá EQB và nhận về vlEQB, từ đó đồng thời nhận thêm phần thưởng và kiểm soát được quyền biểu quyết tích lũy bởi vePENDLE của Equilibria, nó cũng tạo ra một cơ chế “hối lộ”. Các dự án hoặc tay to có thể tiếp tục mua và nắm giữ EQB + vlEQB để kiểm soát quyền biểu quyết với chi phí thấp hơn.

2.3. Tiềm năng của Pendle Wars


Số liệu về top holders vePENDLE (Nguồn: https://www.defiwars.xyz/wars/pendle, 11/09/2023)

Mặc dù chỉ mới có sự tham gia của các giao thức nhỏ và vừa được phát triển, tuy nhiên Pendle Wars cũng đã khá “nóng”. Anh em có thể thấy Penpie đang là dự án top 1 khi nắm giữ khoảng 7,66 triệu vePENDLE, tương đương với khoảng 27,21% tổng cung vePENDLE, trong khi đó Equilibria cũng cạnh tranh sát sao với 7,55 triệu vePENDLE, tương đương với khoảng 26,83% tổng cung vePENDLE.

Số liệu nói trên cho chúng ta thấy được bản thân các dự án mới cũng cực kỳ hứng thú với những lợi nhuận do Pendle tạo ra và vì vậy họ mong muốn sở hữu nhiều hơn vePENDLE để có thể gia tăng phần thưởng trên pool thanh khoản của mình. Trong tương lai, với việc Pendle tiếp tục mở rộng tài sản RWA, rất có thể sẽ có nhiều hơn nữa các dự án khác tham gia Pendle Wars và nhờ đó củng cố thêm cho sự phát triển của Pendle.

3. Tổng kết

3.1. Những thay đổi và kết quả tích cực của Pendle

Từ những phân tích nói trên, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét quan trọng như sau:

1. Cơ chế cung cấp thanh khoản trong V2 đang rất hiệu quả, đánh thẳng vào nhu cầu kiếm thêm lợi nhuận một cách an toàn của những người nắm giữ ETH hoặc các loại tài sản sinh ra lợi nhuận như stETH… Pendle đã thành công trong việc giải quyết nhu cầu của thị trường. Việc giải quyết được bài toán IL và cho phép cung cấp thanh khoản tập trung đã tạo ra hiệu suất cao hơn cho LPs, nhờ đó giúp cho thanh khoản giao thức tăng nhanh chóng.

2. Thay đổi tokenomics với vePENDLE cũng là một trong những yếu tố quan trọng khiến giá token bùng nổ. vePENDLE đã ra một bull-case hoàn hảo cho token PENDLE, khiến cho nhiều người mong muốn nắm giữ, staking dài hạn token. Bên cạnh đó, vePENDLE cũng mở ra Pendle Wars, tạo cơ hội cho các dự án khác xây dựng và “cạnh tranh” trên nền tảng của mình, từ đó tiếp tục “kích cầu” cho PENDLE.

3. Việc mở rộng các tài sản trên giao thức như LST (Liquid Staking Token) hay RWA cho thấy tư tưởng nhạy bén, sáng tạo của đội ngũ phát triển Pendle. Đây đều là các thị trường có market size hết sức rộng lớn, tiềm năng, kể cả khi xét đến dài hạn, đồng thời phù hợp với sản phẩm của Pendle. Nhờ vậy, TVL của giao thức đã tăng trưởng nhanh chóng.

4. Pendle hiện tại vẫn có vốn hoá tương đối nhỏ (54 triệu USD), với tiềm năng rất lớn của mình, giao thức còn có thể tiếp tục bùng nổ trong tương lai, bất chấp thị trường chung hiện tại đang còn nhiều khó khăn.

3.2. Tiềm năng của Pendle Finance trong tương lai

Rõ ràng, LSDfi là một mảng hết sức rộng lớn khi mà chỉ với riêng ETH, ngách sản phẩm này đã thu hút được khoảng gần 20 tỷ USD (chỉ mới là con số ETH được staking qua các dịch vụ Liquid Staking). Với sự cạnh tranh giữa các Layer-1, rõ ràng LSDfi sẽ không chỉ dừng chân ở Ethereum mà sẽ còn phát triển mạnh ở các hệ sinh thái tương tự như Solana, Near…

- Xem thêm: TVL mảng LSDfi trên Solana tăng 91% trong nửa đầu năm 2023

Không chỉ các giải pháp phi tập trung đang cố gắng chiếm lĩnh thị trường, Binance, Coinbase hay các sàn giao dịch tập trung khác cũng đang tung ra các chiến lược riêng để giành giật “miếng bánh” khổng lồ này. Gần đây nhất, các động thái của Binance khi ra mắt BETH và WBETH, đồng thời giảm phí dịch vụ, nâng thêm lợi nhuận cho thấy ông lớn này cũng muốn chiếm thị phần nhiều hơn trong mảng Staking ETH.

Vậy tại sao các ông lớn đều muốn chiếm miếng bánh này? LSDfinance sẽ còn rất nhiều tiềm năng bởi vì các nguyên nhân chính sau:

  • Market Size không giới hạn. Chỉ riêng ETH, xét về mặt lý thuyết, số lượng ETH staking trên Ethereum 2.0 chỉ mới chiếm khoảng 25% tổng cung hiện tại. Và ETH là đồng coin có thể lạm phát, tiếp tục tăng trưởng nguồn cung trong tương lai. Bên cạnh đó, các giải pháp L1 sử dụng cơ chế PoW cũng rất nhiều như Solana, Near, Polkadot… Vì vậy, market size của mảng LSDfi gần như là “vô hạn”.

  • Nhu cầu có thật. Việc staking coin/token dài hạn là nhu cầu vốn dĩ có từ lâu từ các quỹ, tổ chức lớn và cả những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Nếu như trước đây, các validator node chủ yếu chỉ dành cho các công ty, tổ chức chuyên nghiệp thì hiện nay, thông qua các giải pháp Liquid Staking, bất kỳ ai cũng đều có thể tiếp cận và tham gia staking. Nhu cầu staking dài hạn và nhu cầu tạo ra thêm lợi nhuận từ các LST (Liquid Staking Token) là có thật và rất nhiều.

  • Việc chiếm giữ thị trường sẽ mang lại khá nhiều lợi thế cho công ty/tổ chức, bao gồm cả lợi nhuận và vị thế. Ví dụ: Lido Finance đang là dự án top 1 về staking ETH, và vì vậy, mọi động thái của họ đều có ảnh hưởng lớn tới Ethereum nói chung và Defi trên Ethereum nói riêng.

Như vậy, LSDfinance sẽ có tiềm năng vô cùng lớn. Và vì vậy, Pendle Finance, dự án trong ngách Yield Strategy của LSDfi cũng sẽ có rất nhiều không gian để phát triển. Hiện tại, Pendle Finance vẫn là dự án hàng đầu và đáng chú ý trong LSDfi.

Đối với anh em, đâu là dự án mà anh em sẽ chọn nếu tham gia Pendle Wars? Để lại ý kiến ở bình luận để thảo luận cùng tụi mình nhé. Hẹn gặp lại anh em trong các bài viết tiếp theo.

Poseidon

Tham gia thảo luận về những vấn đề NÓNG HỔI nhất của thị trường DeFi tại nhóm chat Fomo Sapiens cùng các admin Coin68 nhé!!!
-18/09/2023
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68
      0