logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
ads

Dragonfly: Nhà đầu tư Mỹ đã bỏ lỡ hàng tỷ USD từ airdrop

-12/03/2025

Việc các dự án chặn người dùng Mỹ tham gia các đợt airdrop đã khiến người dùng Mỹ mất hàng tỷ USD và làm thất thoát nguồn thu thuế khổng lồ của chính phủ.

Dragonfly: Nhà đầu tư Mỹ đã bỏ lỡ hàng tỷ USD từ airdrop 

Báo cáo mới nhất của quỹ đầu tư mạo hiểm Dragonfly Capital công bố vào ngày 12/03, mang tên "2025 Airdrop Status Report", đã hé lộ những con số đáng kinh ngạc về tổn thất mà người dùng Mỹ phải gánh chịu khi bị loại khỏi các đợt airdrop tiền mã hóa.

Người dùng Mỹ mất hàng tỷ đô vì bị chặn khỏi airdrop

Theo báo cáo, từ năm 2020 đến 2024, các chính sách geoblocking (chặn địa lý) đã khiến người dùng Mỹ đánh mất từ 1,84 đến 2,64 tỷ USD tiền thưởng từ các đợt airdrop token.

Trong số 12 đợt airdrop lớn trên Ethereum mà Dragonfly phân tích, có đến 11 dự án chặn người dùng Mỹ vì lo ngại rủi ro pháp lý. Những cái tên đình đám như Arbitrum (ARB), EigenLayer (EIGEN) và ApeCoin (APE), đều sở hữu vốn hóa hàng tỷ USD  đã khiến người dùng Mỹ đánh mất khoản thưởng khổng lồ khi trung bình cho mỗi địa chỉ ví  tại Mỹ đủ điều kiện tham gia vào các đợt airdrop này là 4.562 USD.

Trong đó, ApeCoin dẫn đầu với 516,6 triệu USD bị bỏ lỡ, tiếp theo là Arbitrum với 440,6 triệu USD và EigenLayer đứng thứ ba với 236,4 triệu USD. Chỉ có Uniswap (UNI) là một trong những airdrop lớn cuối cùng không áp dụng geoblocking cho người dùng Mỹ vào năm 2020. Kể từ đó, hầu hết các dự án DeFi lớn đã phải chặn người dùng Mỹ để tránh bị SEC nhắm đến.

Dragonfly chỉ ra rằng gần 5,2 triệu người dùng Mỹ đã bị chặn khỏi các đợt airdrop kể từ năm 2020. Trong đó, một số người đã sử dụng VPN để lách luật nhưng phần lớn vẫn bị bỏ lỡ cơ hội nhận token miễn phí, trực tiếp làm mất đi hàng tỷ USD lợi nhuận tiềm năng cho cá nhân và thất thoát nguồn thu thuế cho chính phủ Mỹ.

Thực tế, con số này có thể còn cao hơn nữa. Dữ liệu từ CoinGecko phân tích 21 đợt airdrop đã ước tính tổng giá trị bị mất có thể lên tới 3,49 đến 5,02 tỷ USD. Dù một số người dùng đã tìm cách lách luật bằng VPN, vẫn còn một lượng lớn người đủ điều kiện nhưng không thể nhận được phần token của họ. 

Không chỉ gây thiệt hại trực tiếp cho người dùng, chính sách geoblocking airdrop còn khiến chính phủ Hoa Kỳ mất đi nguồn thu thuế khổng lồ. Theo ước tính từ Dragonfly, trong bốn năm qua, các khoản thuế bị thất thu do airdrop bị chặn lên tới 525 triệu - 1,38 tỷ USD. Trong đó, thuế liên bang bị mất dao động từ 418 triệu - 1,1 tỷ USD, còn thuế bang bị thất thu rơi vào khoảng 107 triệu - 284 triệu USD.

Số tiền trên bao gồm thuế thu nhập cá nhân và thuế doanh nghiệp từ những khoản airdrop bị chặn. Báo cáo nhấn mạnh:

"Việc đánh giá tác động tài chính của geoblocking là chìa khóa để xây dựng chính sách quản lý hợp lý trong tương lai."

SEC vẫn là nguyên nhân chính

Nguyên nhân chính dẫn đến ngăn chặn người dùng Mỹ là chính sách "quản lý bằng thực thi" (regulation by enforcement) của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC). Do thiếu hướng dẫn pháp lý rõ ràng, hầu hết các dự án crypto chọn cách chặn người dùng Mỹ hoàn toàn để tránh nguy cơ bị SEC kiện tụng.

Thay vì ban hành một khung pháp lý rõ ràng, SEC đã chọn cách thực thi bằng kiện tụng và điều tra hậu kỳ, buộc các dự án crypto phải loại bỏ hoàn toàn người dùng Mỹ để tránh rủi ro pháp lý. Việc này tạo ra một vòng luẩn quẩn khi các công ty blockchain không biết cách nào để hoạt động hợp pháp tại Mỹ, đồng thời đối mặt với nguy cơ bị SEC khởi kiện bất cứ lúc nào.

Một vụ kiện từ SEC có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình tài chính của dự án do chi phí pháp lý khổng lồ, làm cạn kiệt nguồn lực. Bên cạnh đó, không có bất kỳ hướng dẫn cụ thể nào, các dự án buộc phải chọn phương án an toàn nhất là chặn người dùng Mỹ ngay từ đầu.

Không chỉ dừng lại ở các dự án blockchain, SEC còn nhắm đến cả những quỹ đầu tư mạo hiểm lớn như Andreessen Horowitz (a16z) và Union Square Ventures vì đã rót vốn vào các nền tảng phi tập trung như Uniswap.

Trước áp lực pháp lý ngày càng gia tăng, nhiều startup crypto đã rời bỏ thị trường Mỹ, chuyển hướng sang những khu vực có môi trường pháp lý rõ ràng và thân thiện hơn như Singapore, Hong KongHàn Quốc.

Đề xuất giải pháp

Nhằm tháo gỡ rào cản pháp lý và khôi phục vị thế của Mỹ trong lĩnh vực crypto, Dragonfly đã đưa ra một loạt đề xuất mang tính đột phá. Trước tiên, Dragonfly đề xuất chính quyền nên coi airdrop như điểm thưởng thẻ tín dụng - một hình thức ưu đãi hợp pháp mà người dùng có thể nhận mà không bị đánh thuế ngay lập tức. Nếu đề xuất này được thông qua, các dự án blockchain sẽ không còn lý do để chặn người dùng Mỹ, giúp họ tiếp cận những cơ hội airdrop mà trước đây bị bỏ lỡ.

Bên cạnh đó, Dragonfly đề xuất thiết lập cơ chế "safe harbor", tạo ra vùng an toàn pháp lý cho các dự án triển khai airdrop mà không lo đối mặt với rủi ro kiện tụng từ SEC. Đồng thời, họ kêu gọi mở rộng Quy tắc 701, cho phép token được cấp cho người dùng theo cơ chế tương tự ESOP (chương trình cổ phiếu thưởng cho nhân viên), tạo điều kiện để các dự án blockchain phân phối token một cách minh bạch, hợp pháp và không bị xem là chứng khoán.

Về thuế, Dragonfly đề xuất miễn thuế đối với airdrop, thay vì bị đánh thuế ngay lập tức như một khoản thu nhập, từ đó làm giảm gánh nặng tài chính cho người dùng Mỹ và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào các dự án Web3.

Cuối cùng, Dragonfly nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng khung pháp lý rõ ràng và nhất quán cho ngành blockchain để hỗ trợ ngành crypto thay vì bóp nghẹt lĩnh vực này,

Dưới thời quyền Chủ tịch SEC Mark Uyeda, SEC đã liên tiếp tạm dừng và hủy bỏ hàng loạt vụ kiện nhắm vào các công ty crypto lớn, bao gồm CoinbaseRobinhoodConsensys (MetaMask)UniswapKraken và Yuga Labs. Quan điểm này trái ngược hoàn toàn với chiến dịch đàn áp ngành crypto mà cơ quan này đã theo đuổi khi Gary Gensler còn tại vị.

SEC không chỉ rút lui khỏi các vụ kiện mà còn thực hiện những bước đi chiến lược nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngành crypto có thể kể tới như:

  • Thành lập nhóm chuyên trách về crypto do Ủy viên SEC Hester Peirce lãnh đạo, với nhiệm vụ xây dựng khung pháp lý rõ ràng hơn cho lĩnh vực crypto. Động thái này được xem như một tín hiệu tích cực, cho thấy SEC có thể đang chuyển hướng từ đàn áp sang hợp tác, tạo cơ sở cho một môi trường pháp lý minh bạch và ổn định hơn.

  • Hủy bỏ quy định Staff Accounting Bulletin (SAB 121), vốn yêu cầu các công ty lưu ký tài sản mã hóa phải ghi nhận crypto là nợ phải trả trên bảng cân đối kế toán. Trước đây, quy định này từng bị ngành crypto chỉ trích là rào cản không cần thiết, gây khó khăn cho các tổ chức tài chính trong việc cung cấp dịch vụ lưu ký crypto, làm chậm sự phát triển của thị trường.  

Dragonfly nhấn mạnh rằng nếu Mỹ có thể hiện đại hóa quy định crypto, ngành blockchain nói chung và tình hình airdrop nói riêng sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn, mang lại lợi ích cho cả cá nhân lẫn nền kinh tế quốc gia:

"Để khai thác toàn bộ tiềm năng của airdrop trong khi vẫn bảo vệ sự toàn vẹn của thị trường, chúng tôi kêu gọi sự rõ ràng trong quy định và các khung pháp lý phù hợp." 

Coin68 tổng hợp

-12/03/2025
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68
      ĐIỂM TIN🔥