Giám đốc điều hành Binance Changpeng Zhao đang xem xét thoái lui khỏi thương vụ mua lại nền tảng lending Voyager Digital.
“Có lẽ chúng ta nên rút lui?” là câu hỏi tu được CZ Binance viết trên Twitter của mình kèm đề cập đến thỏa thuận với Voyager vào tối qua 03/03. Tuy nhiên trong dòng tweet tiếp theo, ông chủ Binance “vẫn cam kết ủng hộ thỏa thuận và trả lại tiền cho người dùng Voyager trong thời gian sớm nhất, nếu thương vụ ngã ngũ.”
We are still in support of the deal and helping returning funds to users as quickly as possible, if allowed to do so. ?
— CZ ? Binance (@cz_binance) March 3, 2023
Kể từ khi Binance.US đạt được thỏa thuận thâu tóm Voyager với giá 1 tỷ USD vào tháng 12/2022, một loạt cơ quan quản lý Mỹ đã sờ gáy phản đối. Tháng trước, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) và chính quyền bang New York đều lên tiếng cho rằng chi nhánh tại Mỹ của sàn Binance có dấu hiệu vi phạm luật pháp của xứ sở cờ hoa. Ủy ban còn khẳng định token VGX của Voyager là một hợp đồng chứng khoán, do đó hoạt động bồi thường cho người dùng là chào bán và chuyển giao chứng khoán trái phép.
Cách đó chưa đầy 1 tháng, SEC từng can dự giao dịch trên, nhưng là vì lo ngại Binance.US không đủ tiềm lực tài chính. Ngoài ra, Sở Dịch vụ Tài chính New York và Tổng chưởng lý Bang New York cũng cáo buộc Voyager kinh doanh trái phép tại đây.
Một diễn biến đáng chú ý khác trong tuần này, Voyager vừa bổ sung thêm hai điều khoản vào hồ sơ phá sản. Trong đó, đề xuất rằng Hoa Kỳ và các cơ quan quản lý không thể cáo buộc giao dịch tái cấu trúc do Voyager thực hiện là vi phạm bất kỳ quy tắc nào trong nước, cũng như không được quyền áp đặt quan điểm nào chống lại những bên liên quan.
Tâm tư của ông Zhao ở đầu bài viết được đưa ra vài ngày sau khi một số Thượng nghị sĩ Mỹ, đại diện cho cả đảng Dân chủ và Cộng hòa gửi thư yêu cầu Binance và Binance.US giải trình tình hình tài chính và cách thức tuân thủ quy định.
Theo đó, các Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, Chris Van Hollen và Roger Marshall cáo buộc Binance là “điểm nóng cho hoạt động tài chính bất hợp pháp khi đã tạo điều kiện cho hơn 10 tỷ USD tiền bẩn và che đậy những kẻ trốn tránh lệnh trừng phạt”. Song cả Binance và Binance.US đều khẳng định sẽ sớm phản hồi yêu cầu của nhà lập pháp.
Trong một buổi thảo luận trên Twitter gần đây, Zhao nhấn mạnh rằng ông đang dành 80 đến 90% thời gian của mình để làm việc với giới chức quản lý. “Bên cạnh những cơ quan thân thiện với sàn, thì cũng có không ít nhà quản lý có thái độ thù địch chống lại chúng tôi” – CZ cho biết.
Mặt khác, tại một phiên tòa phá sản của Voyager Digital mới đây, một quan chức SEC đã bình luận rằng “Binance.US là sàn giao dịch chứng khoán chưa đăng ký” lên cơ quan này.
Như quý độc giả đã biết, Voyager là một “vết thương” của thị trường tiền mã hóa trong năm 2022. Nền tảng đã đệ đơn phá sản vào tháng 7, sau khi không thể gắng gượng vì liên đới với sự sụp đổ của quỹ Three Arrows Capital. Công ty ban đầu được bán lại cho FTX, nhưng FTX sau đó cũng phá sản vào tháng 11 và lại về tay Binance.US với giá trị 1 tỷ USD.
Kể từ hàng loạt cú sụp đổ mang tính lịch sử vừa qua, Binance dần “thống trị” thị trường crypto, với hơn 60% miếng bánh thị phần, theo dữ liệu từ CryptoCompare. Cũng chính vì thế mà quan chức Hoa Kỳ ngày càng dè chừng và siết chặt pháp lý ngành tiền mã hóa nói chung và Binance nói riêng.
Gần nhất là vụ việc nhắm đến đồng stablecoin BUSD mang thương hiệu Binance, tiếp tục sử dụng cáo buộc chứng khoán để áp lực đơn vị quản lý BUSD là Paxos phải ngừng phát hành.
Coin68 tổng hợp
Có thể bạn quan tâm: