Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) Garry Gensler cho rằng gần như toàn bộ các đồng tiền mã hóa đều có đặc tính làm chứng khoán, trừ Bitcoin.
Chủ tịch SEC: “Chỉ có Bitcoin mới không là chứng khoán”. Ảnh: Bloomberg
Trong bài phỏng vấn mới đây với New York Magazine, Chủ tịch SEC Gary Gensler một lần nữa tái lập nhận định hầu hết các đồng tiền mã hóa hiện nay đều có thể bị phân loại làm chứng khoán, chỉ trừ một trường hợp duy nhất là Bitcoin (BTC).
Phát biểu trên được ông Gensler đưa ra trong bối cảnh SEC trong 3 tháng qua liên tục có những động thái pháp lý nhắm vào những cá nhân và tổ chức có liên quan đến các cú sập đổ nghiêm trọng trong thị trường tiền mã hóa năm 2022, với lập luận “chứng khoán” thường xuyên được sử dụng đến, gồm:
- Cựu CEO Sam Bankman-Fried và token FTT của FTX;
- Do Kwon và Terraform Labs;
- Hacker Mango Markets Avraham Eisenberg và token MNGO;
- Dịch vụ staking của sàn Kraken;
- Đơn vị lending Genesis và sàn Gemini;
- Paxos và stablecoin BUSD của Binance;
- Nền tảng đầu tư Voyager và sàn Binance.US.
Ông Gensler trong bài phỏng vấn tiết lộ bản thân vào tháng 03/2022 đã từ chối đề xuất của FTX về việc hợp tác với sàn chứng khoán IEX nhằm triển khai một nền tảng giao dịch thế hệ mới, cho rằng nó tiềm ẩn nhiều xung đột lợi ích. Vị Chủ tịch SEC cũng phủ nhận thông tin đã có các cuộc gặp riêng với Sam Bankman-Fried trong giai đoạn 2021-2022.
Following the Bankman-Fried debacle, SEC chief Gary Gensler is getting tough — and answering questions about his role in the mess. Ankush Khardori reports https://t.co/V32JGi5E4N
— New York Magazine (@NYMag) February 23, 2023
Khi được hỏi về dự luật được Sam Bankman-Fried cố vấn cho Quốc hội Mỹ, theo đó sẽ trao quyền quản lý Bitcoin, Ethereum cùng những đồng tiền mã hóa được xem là “hàng hóa” cho Ủy ban Giao dịch Tài sản Kỳ hạn (CFTC), cơ quan quản lý tài chính được xem là “đối thủ” của SEC, ông Gensler tuyên bố bản thân không có vấn đề gì về dự luật, ngoại trừ việc những biện pháp bảo vệ nhà đầu tư của nó còn “mơ hồ”.
Vị chủ tịch khẳng định SEC có đầy đủ công cụ cần thiết để quản lý thị trường tiền mã hóa. Ông Gensler cũng trình bày quan điểm của mình về những khía cạnh cần giám sát, theo đó thì tất cả các giao dịch tiền mã hóa đều nằm dưới chủ quyền quản lý của SEC, ngoại trừ giao dịch spot đối với Bitcoin và hoạt động mua bán sản phẩm dịch vụ sử dụng tiền mã hóa làm phương thức thanh toán.
Ông Gensler lý giải:
“SEC sẽ quản lý tất cả [tiền mã hóa] trừ Bitcoin. Ở những dự án crypto khác thì ta có thể tìm thấy website, thấy được những doanh nhân đứng sau, họ có thể lập đăng ký công ty tại một thiên đường thuế, họ có thể lập một tổ chức điều hành, có luật sư để che giấu sự kiểm soát của nó lên dự án.
Họ có thể phát hành token ở ngoài nước Mỹ trước khi đưa nó đến nhà đầu tư Hoa Kỳ. Nhưng về bản chất, những token này là chứng khoán vì tồn tại một tổ chức đứng giữa và công chúng kỳ vọng lợi nhuận sinh ra từ hoạt động của tổ chức đó”.
Bitcoin, theo cách hiểu trên, thì không thể bị xem là chứng khoán vì nhà sáng lập từ lâu đã rời bỏ dự án, trao quyền quản lý về tay cộng đồng. Bitcoin cũng không có một tổ chức trung gian nào điều phối hoạt động trong mạng lưới, thậm chí cũng không có một nhà phát triển nào nổi bật để định hướng cho cộng đồng.
Chủ tịch SEC cảnh báo những công ty crypto chưa đăng ký hoạt động lên Ủy ban Chứng khoán rằng “thời gian không còn nhiều đâu”. Ông Gensler nói nhiều công ty crypto đang cung cấp những dịch vụ mà đằng sau đó “trộn lẫn tiền của khách hàng và đầy những xung đột lợi ích”. Những sản phẩm này theo quy định tài chính truyền thống thì chắc chắn đã không được cấp phép để phát hành đến công chúng. Ngoài ra, nhiều công ty còn đang đảm nhận cùng một lúc nhiều vai trò, từ sàn giao dịch, đơn vị cho vay, tạo lập thị trường, môi giới, cố vấn đầu tư và lưu ký tài sản.
“Có những quy định để ngăn sự xung đột lợi ích như vậy trong tài chính truyền thống, thị trường chứng khoán, ngành ngân hàng thương mại, và không nên được để xảy ra trong crypto vì các công ty crypto ấy hiện chưa tuân thủ quy định về chứng khoán,” ông Gensler nói.
Khi được hỏi về lợi ích kinh tế-tài chính thực tế của tiền mã hóa, Chủ tịch Gensler cho biết crypto trước giờ được ca ngợi vì hai khía cạnh: lưu trữ dữ liệu bằng blockchain và lưu trữ giá trị/thanh toán bằng tiền mã hóa.
Về ứng dụng của blockchain, ông Gensler thừa nhận đây là một phát minh kỹ thuật quan trọng, giúp bảo quản thông tin một cách minh bạch, kháng kiểm duyệt, tấn công, dù nhu cầu sử dụng nó ở thời điểm hiện tại là chưa cao. Tuy nhiên, về phần chức năng làm tiền, thì vị Chủ tịch SEC lại tỏ thái độ hoài nghi.
“Lịch sử từ thời cổ đại đến nay đã dạy chúng ta một bài học là các nền kinh tế thường hoạt động xung quanh một đơn vị tiền tệ nhất định. Việc có một thước đo giá trị và công cụ giao dịch duy nhất tạo ra hiệu ứng mạng lưới hiệu quả.
Tôi không nghĩ việc sử dụng một đồng tiền vi mô hơn sẽ giúp ích gì cho nền kinh tế, và thực tế thì chúng ta đã không thấy một ví dụ như vậy suốt hàng thể kỷ rồi. Hầu hết những token tiền mã hóa hiện tại rồi cũng sẽ thất bại thôi, vì bản chất kinh tế của nó chúng chẳng có gì cả.”
Coin68 tổng hợp
Có thể bạn quan tâm: