Sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới Binance liên tục gặp phải những thông tin tiêu cực trong 24 giờ qua.
Hai hãng tin lớn của thế giới là Reuters và Bloomberg trong ngày 06/06 và 07/06 đã lần lượt đăng tải những tin tức không tốt cho sàn Binance.
Binance là trung gian rửa 2,35 tỷ USD tiền bẩn
Tối 06/06, Reuters đăng tải một bài báo điều tra đặc biệt, cáo buộc quy trình KYC lỏng lẻo trên Binance đã tiếp tay để tin tặc dễ dàng rửa tiền thông qua tiền mã hóa.
For five years, the world’s largest cryptocurrency exchange Binance served as a conduit for the laundering of at least $2.35 billion of illicit funds, a @Reuters investigation finds https://t.co/opbhDYHJFO @AABerwick @tomwilson1983 @specialreports pic.twitter.com/dhRoA0e3Zf
— Reuters (@Reuters) June 6, 2022
Reuters đã cung cấp bằng chứng cho thấy nhóm tin tặc Lazarus Group có liên hệ với Triều Tiên vào tháng 09/2020 đã tấn công vào sàn Eterbase của Slovakia và lấy đi hơn 5,4 triệu USD. Hacker sau đó đã sử dụng các email mã hóa để mở ít nhất 2 chục tài khoản trên Binance và tẩu tán tiền.
Lazarus Group cũng là nhóm tin tặc bị cáo buộc đứng sau vụ hack cầu nối Ronin của Axie Infinity gây thiệt hại 622 triệu USD vào tháng 03/2022, là vụ tấn công nghiêm trọng nhất lịch sử ngành tiền mã hóa. Binance sau đó đã tham gia vòng gọi vốn 150 triệu USD của dự án để bồi thường cho người dùng, cũng như tuyên bố đóng băng 5 triệu USD có liên hệ đến bọn thủ ác.
Reuters tuyên bố trong quãng thời gian từ 2017 đến 2021, Binance đã xử lý hơn 2,35 tỷ USD các giao dịch tiền bẩn có liên quan đến tấn công mạng, lừa đảo và mua bán chất cấm qua các “chợ đen” như Hydra.
Báo cũng cung cấp thông tin về số lượng tiền bẩn được tuồn lên Binance từ thời điểm tháng 12/20218 khi sàn mở rộng sang thị trường Nga, nơi hoạt động chính của Hydra, và thời điểm tháng 08/2021 khi Binance áp đặt KYC bắt buộc với tất cả người dùng.
Reuters trong năm nay liên tục có các bài viết phỏng vấn các cựu nhân viên sàn, hé lộ bức tranh hỗn loạn và lỏng lẻo của quy trình KYC, cũng như mối quan hệ “mờ ám” với chính quyền Nga, quốc gia mà đang bị cô lập tài chính sau khi tiến hành cuộc xung đột tại Ukraine.
Binance sau đó đã đưa ra phát ngôn bác bỏ những thông tin cung cấp trong bài viết của Reuters. Sàn khẳng định đang áp dụng các biện pháp chống rửa tiền nghiêm ngặt nhất và thường xuyên hợp tác với cơ quan chức năng toàn cầu để truy lùng tội phạm. Sàn còn cho rằng vì bản chất minh bạch của blockchain, rửa tiền thông qua crypto thực chất là có rủi ro bị truy vết dễ dàng hơn là với tiền mặt, đồng thời cho rằng Reuters đã đưa ra bức tranh phiến diện khi lược bỏ những nỗ lực hợp tác với cơ quan chức năng toàn cầu, cũng như động thái gia tăng KYC/AML của sàn.
As speculation continues to arise regarding the connection between crypto and money laundering, we’d like to invite you to read this blog on how #Binance is at the forefront of tackling global money laundering.https://t.co/2LKuhfWKVV
— Binance (@binance) June 6, 2022
Binance còn đăng tải toàn bộ hơn 50 trang email đối thoại giữa Giám đốc Truyền thông Patrick Hillmann và các phóng viên của Reuters để cộng đồng tự đưa ra đánh giá.
BUILD debunks FUD.
This is 50+ pages of email records between our cyber security team (ex-law enforcement background) and the cherry picking, misleading, and time wasting journalists.
If you have time to waste, see the details and truth for yourself.https://t.co/Y8bAvS5edk
— CZ ? Binance (@cz_binance) June 6, 2022
BNB bị cáo buộc là “chứng khoán”
Đến rạng sáng 07/06, đến lượt báo Bloomberg tiết lộ Binance đang bị Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) điều tra về việc đợt mở bán token BNB vào năm 2017 của sàn có được xem là chào bán “chứng khoán” không.
The SEC is investigating whether Binance broke securities rules by selling digital tokens as it was getting off the ground five years ago — a token that is now the world’s fifth-biggest https://t.co/L7L8hIkV6J
— Bloomberg (@business) June 6, 2022
Theo nguồn tin giấu tên của Bloomberg, SEC đang điều tra nguồn gốc của BNB có thể được xếp vào nhóm chứng khoán và liệu Binance có vi phạm luật khi không đăng ký lên cơ quan này.
Vào tháng 07/2017, Binance khi đó là một sàn giao dịch mới thành lập, đã tổ chức đợt ICO cho BNB (khi đó được gọi là Binance Coin) và thu về tổng cộng 15 triệu USD. Binance tuyên bố số tiền này sẽ được dùng để xây dựng sàn và chỉ nửa năm sau, Binance đã trở thành nền tảng giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới, duy trì vị thế thống trị của mình kể từ đó đến nay.
Đến đầu năm 2022, sàn thông báo đổi tên Binance Coin thành “Build and Build”, vẫn giữ nguyên mã là BNB. Binance cho rằng việc đổi tên là phản ánh thực tế BNB đã không còn là một token của sàn nữa mà đã trở thành một đồng tiền của cộng đồng. Binance còn áp dụng cơ chế đốt coin hàng quý mới cho BNB, bên cạnh cơ chế BEP-95 đã được áp dụng từ cuối năm 2021.
BNB đang là đồng tiền mã hóa lớn thứ 5 thế giới với vốn hóa thị trường hơn 46 tỷ USD.
Một đồng tiền khác đang bị SEC điều tra với cáo buộc chứng khoán là XRP, vốn đã bị cơ quan này khởi kiện vào cuối năm 2020 và từ đó đến nay bị cuốn vào cuộc chiến pháp lý mà chưa có dấu hiệu là sẽ kết thúc.
Chưa dừng lại ở đó, Bloomberg còn tiết lộ SEC cũng đang xem xét mối quan hệ giữa Binance và Binance.US, hai nền tảng được tuyên bố là độc lập. Binance.US vào tháng 04/2022 đã thông báo gọi vốn 200 triệu USD ở định giá lên đến 4,5 tỷ USD.
Binance ở thời điểm hiện tại còn đang bị điều tra bởi Bộ Tư pháp Mỹ, Ủy ban Giao dịch Tài sản Kỳ hạn (CFTC) và Sở thuế vụ (IRS).
Binance hiện vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về vụ điều tra của SEC.
Giá token BNB đang giảm đến hơn 7% trong 24h gần nhất vì những thông tin tiêu cực nói trên.
Binance và pháp lý
Như đã được Coin68 đưa tin, trong quý 2 và 3 của năm 2021, Binance đã phải đối mặt với làn sóng pháp lý từ nhiều quốc gia, bao gồm:
– Đức | – Ý |
– Hoa Kỳ | – Lithuania |
– Vương quốc Anh | – Ba Lan |
– Ấn Độ | – Thái Lan |
– Nhật Bản | – Malaysia |
– Hà Lan | – Canada |
– Hong Kong | – Singapore |
– Quần đảo Cayman | – Nam Phi |
Kể từ lần “đại hạn” pháp lý ấy, Binance đã có nhiều thay đổi để đáp ứng yêu cầu của các cơ quan pháp lý toàn cầu. Sàn đã hủy niêm yết sản phẩm “token chứng khoán”, giảm đòn bẩy giao dịch futures về chỉ còn 20x (so với mức tối đa 125x), áp đặt giới hạn rút tiền, yêu cầu tất cả người dùng phải KYC trung cấp và ngừng cung cấp dịch vụ tại Hàn Quốc, Hong Kong cùng Singapore.
Binance còn cho biết sẽ thành lập một trụ sở toàn cầu (khả năng cao là tại Dubai), cũng như từ bỏ văn hóa làm việc phi tập trung.
Sang đến 2022, tình hình pháp lý của Binance đã có nhiều cải thiện khi nền tảng xin được giấy phép hoạt động ở UAE, Pháp, Ý và có thể sắp tới là ở Đức.
CEO Binance Changpeng Zhao mới đây đã có chuyến thăm đến Việt Nam và đối thoại với các quan chức chính phủ về thúc đẩy tiếp nhận blockchain và các ứng dụng liên quan.
Coin68 tổng hợp
Có thể bạn quan tâm: