logo
  • Tin tức
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • Kiến Thức
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • Kiến Thức
  • E-Magazine
  • Góc nhìn

Sàn FTX gọi vốn “khủng” 900 triệu USD, được định giá 18 tỷ USD

-21/07/2021

FTX vừa hoàn tất đợt gọi vốn lớn nhất từ trước đến nay trong ngành tiền mã hóa, huy động thành công số tiền lên đến 900 triệu USD và được các quỹ đầu tư định giá ở con số 18 tỷ USD.

Sàn FTX gọi vốn “khủng” 900 triệu USD, được định giá 18 tỷ USD

FTX gọi vốn 900 triệu USD, định giá 18 tỷ USD

Ngày 20/07, sàn giao dịch phái sinh tiền mã hóa FTX cho biết đã gọi vốn thành công 900 triệu USD từ hơn 60 quỹ đầu tư lớn nhỏ trên toàn thế giới. Danh sách các quỹ đầu tư gồm những cái tên “cộm cán” như Paradigm, Sequoia Capital, Ribbit Capital, Third Point, Lightspeed Venture Partners, Coinbase Ventures, Softbank, Sino Global Capital, Multicoin Capital, gia đình Paul Tudor Jones, VanEck, Circle và các nhà đầu tư cá nhân Izzy Englander và Alan Howard. Với số tiền 900 triệu USD, FTX đã trở thành công ty tiền mã hóa có khoản gọi vốn lớn nhất lịch sử 12 năm của lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, FTX còn nhận được định giá lên đến 18 tỷ USD, tăng gấp 15 lần con số 1,2 tỷ USD hồi cách đây 1 năm – cho mấy mức độ phát triển chóng mặt của nền tảng giao dịch tiền mã hóa này sau giai đoạn thị trường tăng trưởng cuối năm 2020 và đầu năm 2021.

Hồi tháng trước, tạp chí Forbes đã ước tính tổng tài sản của CEO FTX Sam Bankman-Fried, người nắm giữ 58% cổ phần công ty, là khoảng 8,3 tỷ USD. Tuy nhiên, sau khi xác nhận gọi vốn thành công 900 triệu USD và nâng định giá sàn lên 18 tỷ USD, Forbes đã đưa ra con số đánh giá mới cho tài sản của ông chủ FTX – đó là lên đến 16,2 tỷ USD. Nhờ đó, khả năng cao vị CEO này đã trở thành tỷ phú giàu nhất lĩnh vực tiền mã hóa.

Khi được hỏi về dự định trở thành công ty đại chúng bằng cách lên sàn chứng khoán, điều mà đã được sàn tiền mã hóa lớn nhất nước Mỹ là Coinbase thực hiện hồi tháng 4 hay sắp đến là sàn Bullish do EOS phát triển với số vốn 9 tỷ USD, Sam bình luận:

“Đây là một phương án đang được chúng tôi cân nhắc, nhưng vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Chúng tôi muốn đặt mình vào một vị trí để có không gian và thời gian làm điều đó tùy theo ý muốn. Chúng tôi không bị áp lực thời gian là phải lên sàn ngay.”

Danh sách các thỏa thuận gọi vốn lớn nhất trong lịch sử ngành tiền mã hóa. Nguồn: TheBlock

Chiến lược của FTX đằng sau thương vụ gọi vốn “khủng”

Sam Bankman-Fried, CEO của FTX, chia sẻ về kế hoạch sử dụng số tiền mới huy động được như sau:

“Mục đích chính của chúng tôi trong đợt gọi vốn này là tìm kiếm những đối tác chiến lược mà có thể giúp FTX xây dựng thương hiệu, song số tiền thu về chủ yếu sẽ được dùng cho hoạt động mua bán sáp nhập. Chúng tôi sẽ cân nhắc mua lại các doanh nghiệp không phải trong ngành tiền mã hóa, hoặc các đơn vị giao dịch, thậm chí là nền tảng NFT – bất kỳ bên nào mà chúng tôi nghĩ sẽ mang lại giá trị cho FTX hay là giúp tích hợp những công cụ mà chúng tôi đã phát triển.”

Thật vậy, chiến lược gia tăng nhận diện thương hiệu của FTX thông qua mua bán sáp nhập đã được thể hiện rõ từ giữa năm 2020 đến nay. Hồi tháng 8 năm ngoái, FTX cho biết đã mua lại ứng dụng theo dõi crypto Blockfolio với giá 150 triệu USD, sau đó phát triển nó thành một ứng dụng giao dịch thực thụ rồi nhắm đến thị trường Mỹ.

Ngoài ra, trong năm 2021, FTX còn có những thương vụ marketing và tài trợ chấn động, chủ yếu nhắm đến ngành thể thao tại xứ cờ hoa:

– Vào tháng 4, sàn đã ký hợp đồng mua quyền đặt tên sân bóng rổ của đội Miami HEAT trong vòng 19 năm với giá trị 135 triệu USD.

– Đến tháng 6, FTX tiếp tục chi đến 210 triệu USD để trở thành đối tác chính thức của tổ chức Esports TSM, đổi tên đội tuyển này thành TSM FTX.

– Chỉ ít tuần sau, sàn tiếp tục trở thành đối tác tiền mã hóa của toàn bộ Giải bóng chày Mỹ (MLB).

– FTX còn hợp tác với cả huyền thoại bóng bầu dục Tom Brady và vợ là siêu mẫu Gisele Bundchen, đưa cả hai trở thành đại sứ của mình tại Hoa Kỳ.

Có thể thấy FTX đang chi rất nhiều tài nguyên cho hoạt động quảng bá thương hiệu ở Mỹ, cho thấy rõ tham vọng giành lấy thị phần từ hai nền tảng giao dịch tiền mã hóa đang nổi tiếng nhất tại đây là Coinbase và Robinhood.

CEO Sam Bankman-Fried cũng tiết lộ là có đến 50% người dùng được khảo sát “biết đến FTX là thông qua những thương vụ tài trợ” nêu trên, cho thấy mức độ hiệu quả cao của chiến lược này.

“Bất ngờ” với cái tên vắng mặt

Nếu lướt qua danh sách nhà đầu tư vào FTX ở đầu bài viết, những ai theo dõi ngành tiền mã hóa từ năm 2019 hẳn sẽ thấy bất ngờ khi thấy thiếu đi cái tên Binance – sàn giao dịch tiền mã hóa số 1 thế giới hiện nay. Như đã được Coin68 đưa tin, vào tháng 12/2019, Binance công bố khoản đầu tư chiến lược vào FTX với số tiền không tiết lộ. Đây là nước đi hòa giải giữa hai bên khi một tháng trước đó, Binance đã đâm đơn kiện FTX tấn công nền tảng Futures với số tiền lên đến 150 triệu USD.

Trả lời phỏng vấn Forbes, CEO Binance Changpeng Zhao cho biết sở dĩ Binance không còn nằm trong danh sách các nhà đầu tư vào FTX là vì mới đây, công ty đã thoái tất cả vốn chủ sở hữu có trong FTX. Ông nói:

“Chúng tôi đã chứng kiến họ tăng trưởng với tốc độ vũ bão, chúng tôi rất vui vì điều đó nhưng đã chấm dứt hoàn toàn quan hệ đầu tư. Lý do thì chỉ là vì chu kỳ đầu tư thông thường. Cả hai bên vẫn là bạn bè với nhau nhưng không còn mối quan hệ đầu tư vốn sở hữu nữa.”

Điều này khả năng cao sẽ càng khoét sâu hơn sự cạnh tranh “cơm không lành, canh không ngọt” giữa FTX và Binance. Như đã được Coin68 tường thuật trong bài viết đặc biệt kỷ niệm 2 năm ngày thành lập FTX, giữa FTX và Binance từ lâu đã tồn tại mối hiềm khích khó dung hòa. Điểm bắt đầu chính là sự kiện Binance cáo buộc FTX thao túng nền tảng giao dịch Futures của mình vào năm 2019, tiếp đến là việc Binance hỗ trợ token đòn bẩy của FTX, sau đó đột ngột hủy niêm yết vì cho rằng nó không có lợi cho người dùng, để rồi ngay sau đó niêm yết phiên bản token đòn bẩy của chính mình.

Tình hình hiện tại cũng đang phản ánh bức tranh trái ngược giữa hai nền tảng giao dịch này. Trong khi FTX thời gian qua liên tục gặt hái thành công và gia tăng danh tiếng, thì Binance lại vướng phải hàng loạt các rắc rối pháp lý ở khắp nơi trên thế giới, thậm chí phải cho chấm dứt dịch vụ giao dịch token chứng khoán của mình – một sản phẩm cũng bắt nguồn từ chính FTX.

Để biết thêm về chặng đường hình thành và phát triển, những câu chuyện hậu trường và hệ sinh thái FTX ngày nay, đừng bỏ qua bài viết đặc biệt “E-Magazine: FTX và hành trình 2 năm không ngừng đổi mới” của Coin68 nhé.

Coin68 tổng hợp

Có thể bạn quan tâm:

-21/07/2021
ads
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là cổng thông tin tiền mã hóa bằng tiếng Việt nhanh nhất và chính xác nhất, mang lại cho độc giả cái nhìn tổng quan về lĩnh vực tiền mã hóa và tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68