logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
ads

Bloomberg đăng tải phóng sự “chấn động” về đồng stablecoin Tether (USDT)

-07/10/2021

Báo Bloomberg ngày 07/10 đã đăng tải một phóng sự điều tra về đồng stablecoin Tether (USDT) và nguồn gốc dòng tiền bảo chứng sau đó.

Bloomberg đăng tải phóng sự “chấn động” về đồng stablecoin Tether (USDT)

Bài viết có tiêu đề là “Có ai biết hàng tỷ USD tiền bảo chứng của Tether đang ở đâu không?” của nhà báo Zeke Faux đã xoáy sâu vào mối quan hệ phức tạp của đồng stablecoin hàng đầu lĩnh vực tiền mã hóa với các đối tác và cơ quan quản lý tài chính.

Vấn đề bảo chứng của stablecoin

Tính đến tháng 10, toàn bộ mảng stablecoin trên thị trường tiền mã hóa đang có tổng giá trị là 127 tỷ USD, tăng hơn 4 lần kể từ thời điểm đầu năm 2021. Các công ty phát hành stablecoin hàng đầu là Tether với đồng USDT (72,6 tỷ USD), Circle với đồng USDC (32,2 tỷ USD), Paxos với đồng BUSD (13,1 tỷ USD) và USDP (936 triệu USD),… vẫn đang ra sức gia tăng số lượng stablecoin tung ra thị trường.

Sự gia tăng vốn hóa của stablecoin. Nguồn: The Block

Theo Bloomberg, vào tháng 7, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã mở một cuộc họp đột xuất với Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) Gary Gensler cùng 6 quan chức tài chính khác trong chính quyền Biden để bàn về vấn đề quản lý stablecoin – thứ mà theo họ đang dần phát triển vượt khỏi tầm kiểm soát và có nguy cơ trở thành một rủi ro tài chính cho đồng USD.

Lý do là bởi các công ty phát hành stablecoin tuyên bố đồng tiền do họ tạo ra sẽ luôn được bảo chứng bằng đô la Mỹ thật để chứng minh cho giá trị của nó, trong trường hợp của Tether thì với mỗi 1 USDT được bơm ra thị trường tiền mã hóa, công ty sẽ đưa vào quỹ của mình 1 USD để đảo bảo giá trị luôn bằng nhau. Tuy nhiên, trên thực tế thì không phải đơn vị phát hành stablecoin nào cũng làm như vậy.

Với mô hình hoạt động hiện tại, Tether và Circle trông giống các ngân hàng hơn là đơn vị phát hành tiền mã hóa. Diễn giải một cách đơn giản, nhà đầu tư tiền mã hóa muốn mua USDT để giao dịch trên các sàn crypto thì sẽ phải gửi USD cho Tether, công ty sau đó ghi nhận một lượng USDT trong tài khoản nhà đầu tư, và chuyển số USD kia vào quỹ để bảo chứng. Nhà đầu tư có quyền dùng USDT để đổi lại USD vào bất kỳ lúc nào. Đó là theo lý thuyết. Tuy nhiên, trên thực tế thì những gì mà Tether sẽ làm với lượng USD bảo chứng kia là điều không phải ai cũng rõ.

Trong báo cáo kiểm toán được Tether công bố gần đây nhất, tính đến ngày 30/06, chỉ có 10% tài sản bảo chứng của công ty là còn nằm dưới dạng tiền mặt, còn lại đã được Tether chuyển sang các dạng đầu tư ngắn hạn khác hoặc cho vay để kiếm lời. Một điều đáng lưu ý là từ trước đến nay, Tether chưa từng có một cuộc kiểm toán nào được thực hiện bởi các công ty thuộc nhóm Big4, mà thay vào đó chỉ chọn các hãng kiểm toán nhỏ và ít tên tuổi.

Như vậy, Tether đang không thực chất nắm giữ lượng USD ngang bằng với số USDT đã phát hành ra thị trường. Nếu tất cả nhà đầu tư USDT lúc này đều đồng loạt rút tiền, công ty chắc chắn sẽ không thể nào đủ thanh khoản.

Thêm một câu hỏi khác đặt ra là giá trị của USDT khi ấy có còn được bảo đảm bằng đô la Mỹ như cam kết ban đầu nữa không? Nếu không thì phải chăng những đồng USDT mà đang được lưu hành trên thị trường, nâng đỡ lĩnh vực tiền mã hóa, đẩy giá Bitcoin, tham gia đầu tư vào altcoin,… sẽ có thể sụp đổ vào bất cứ lúc nào hay sao?

Đây chính là rủi ro mà các nhà quản lý tài chính Mỹ lo sợ. Nếu “bong bóng” stablecoin vỡ vụn, không chỉ lĩnh vực tiền mã hóa sẽ sụp đổ, mà uy tính của đồng đô la Mỹ trên trường quốc tế sẽ còn suy giảm nghiêm trọng.

Truy tìm dòng tiền bảo chứng Tether

Trong năm 2021, Tether đã phát hành thêm gần 51 tỷ USDT, nâng giá trị quỹ USD mà họ đáng lý phải nắm giữ để bảo chứng cho stablecoin lên 72,6 tỷ USD. Ấy vậy mà số lượng nhân viên làm việc cho công ty Tether, theo LinkedIn, chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Cây viết điều tra Zeke Faux của Bloomberg tiếp đó đã đi sâu vào trạng thái hiện tại của dòng tiền bảo chứng USDT. Trên website, Tether cho biết 30 tỷ USD đang được họ nắm giữ dưới dạng thương phiếu – là các trái phiếu ngắn hạn được các công ty phát hành. Số tiền này sẽ biến Tether trở thành công ty nắm giữ nhiều thương phiếu thứ 7 của toàn bộ ngành tài chính Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khi dò hỏi các mối quan hệ từ Phố Wall, thứ mà Faux và các cộng sự nhận được chỉ là cái lắc đầu. Không có một công ty lớn nào cho biết đã bán trái phiếu cho Tether cả.

Mặc dù vậy, có một số tài liệu cho rằng Tether đã mua trái phiếu của nhiều công ty nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, đất nước đang có “quả bom nợ”” Evergrande. Tether đã ra thông báo khẳng định không có mối quan hệ nào với Evergrande. Ngoài ra, công ty còn cho nhiều dự án tiền mã hóa vay tiền. Nhà sáng lập Celsius Network Alex Mashinky khẳng định dự án của ông đã vay 1 tỷ USD từ Tether, với lãi suất là 5-6%/năm.

Ngoài ra, việc tiền mã hóa nói chung và stablecoin nói riêng chưa có bất kỳ bộ khung quản lý nào ở Mỹ lẫn trên thế giới càng làm mọi thứ trở nên dễ dàng hơn để Tether “lộng hành”. Không có một cơ quan quản lý tài chính nào giám sát Tether cả! Tether được đăng ký thành lập tại Quần đảo Virgin thuộc Anh, như vậy theo luật thì công ty phải báo cáo hoạt động lên Cơ quan Điều tra Tài chính của quốc gia này. Song, khi được phóng viên của Bloomberg liên hệ, giám đốc cơ quan là ông Errol George trả lời một cách ngắn gọn:

“Chúng tôi chưa bao giờ quản lý Tether cả.”

Tiếp đến, Faux cố gắng liên lạc với các nhân sự lãnh đạo của Tether. Trên website, Tether cho biết CEO của mình là J.L. Van der Velde, một người có quốc tịch Hà Lan đang sinh sống tại Hong Kong, còn CFO là ông Giancarlo Devasini, một cựu bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ người Ý. Cả hai gần như không xuất hiện tại bất kỳ một sự kiện tiền mã hóa nào hay thậm chí là trả lời phỏng vấn truyền thông. Phóng viên của Bloomberg cũng hoàn toàn bất lực trong việc liên hệ đến hai người này, dù là thông qua email hay qua Telegram.

Ba nhân sự cấp cao có mặt trên website của Tether

Người duy nhất là Faux có thể liên lạc là ông Stuart Hoegner, luật sư của Tether. Ông Hoegner nói rằng CEO và CFO của Tether thường tránh ra mặt vì không muốn trở thành “tâm điểm chú ý”. Khi được hỏi về tình trạng dòng tiền bảo chứng hiện tại của Tether, vị luật sư từ chối trả lời. Ông khẳng định công ty có đủ tiền để đảm bảo hoàn trả cho tất cả nhà đầu tư nếu như họ đồng loạt rút tiền, và cho rằng bài viết điều tra của Bloomberg chứa đầy những thông tin sai sự thật được chia sẻ đi chia sẻ lại bởi những người thù ghét Tether, đến nỗi chúng đã trở thành sự thật trong mắt nhiều người. Vị luật sư của Tether chốt hạ:

“Hãy để mức độ thành công của Tether lên tiếng thay.”

Cuộc truy lùng của Zeke Faux nhanh chóng đi vào ngõ cụt, đơn giản vì có quá nhiều thông tin bị giấu kín.

Tether có phải chỉ là “két rỗng kêu to”? Nguồn ảnh: Bloomberg

Mối quan hệ kinh doanh phức tạp

Tether còn có những mối quan hệ vô cùng rối rắm, cả trong ngành tiền mã hóa lẫn bên ngoài.

Đầu tiên, Tether có chung bộ khung quản lý với Bitfinex – một trong những sàn giao dịch tiền mã hóa lớn và lâu đời. CEO Tether cũng là CEO Bitfinex, CFO Tether cũng là CFO Bitfinex, luật sư của Tether cũng là luật sư của Bitfinex.

Cuộc khủng hoảng lớn nhất mà hai cái tên này phải đối mặt là vào năm 2018. Văn phòng Tổng chưởng lý bang New York đã gửi đơn kiện Tether-Bitfinex, cáo buộc Tether đã cho Bitfinex vay tiền để che giấu khoản lỗ 850 triệu USD. Ít lâu sau, người ta phát hiện tuyên bố “bảo chứng 1:1 bằng USD” trên website Tether được đổi thành “bảo chứng 100% bằng tiền mặt và các tài sản tương đương”. Cuối cùng, vào tháng 02/2021, Tether-Bitfinex tuyên bố đã hòa giải vụ kiện với chính quyền New York, chi trả số tiền 18,5 triệu USD.

Tiếp theo, đối tác ngân hàng từ năm 2018 của Tether là Deltec Bank & Trust tại Quần đảo Bahamas, một cái tên ít tên tuổi tại một quốc gia nổi tiếng là “thiên đường thuế”. Chủ tịch hiện tại của ngân hàng này là Jean Chalopin, một người vô cùng thú vị. Ông là người đồng sáng tác nên bộ truyện tranh “Thanh tra Gadget” mà hẳn nhiều người trong thế hệ 8x-9x đều biết. Sau khi bán bản quyền và trở nên giàu có, Chalopin đã chuyển đến Bahamas và mua lại ngân hàng Deltec. Người này tuyên bố lợi thế cạnh tranh của ngân hàng của ông là dịch vụ khách hàng. Ông Chalopin được giới thiệu với CFO Tether Giancarlo Devasini qua một nhà đầu tư Bitcoin vào năm 2018. Cả hai phát hiện ra là đều xuất thân từ một làng quê của Ý, từ đó trở nên thân thiết đến mức gọi nhau là “anh em họ”.

Tuy nhiên, đến cả ông Chalopin cũng không thể cung cấp toàn bộ bằng chứng về dòng tiền của Tether. Ông này tuyên bố chỉ còn giám sát khoảng 15 tỷ USD tài sản của Tether, công ty trong thời gian qua đã mở rộng quan hệ với nhiều đối tác ngân hàng khác. Song, ông Chalopin khẳng định số tiền của Tether là có thật, vì ngân hàng của ông đang trực tiếp nắm giữ nó.

Cuối cùng, không thể không nhắc đến các khoản vay của Tether cho các công ty Trung Quốc, thứ mà nhiều người lo sợ sẽ làm công ty đổ sập trong trường hợp tập đoàn Evergrande phá sản và gây nên cuộc khủng hoảng “vỡ nợ chéo” trong ngành tài chính Trung Quốc.

Trang bìa bài báo điều tra Tether của Bloomberg, vẽ lại các mắc xích trong mối quan hệ vô cùng phức tạp của Tether

Tại sao người ta vẫn dùng USDT?

Tether vẫn đang là đồng stablecoin thống trị ngành tiền mã hóa, với khối lượng giao dịch có những ngày vượt mốc 100 tỷ USD.

Có thể nói USDT đã trở thành cái tên “ăn sâu” vào tiềm thức nhiều nhà đầu tư, đến mức câu hỏi “Đã mua USDT chưa?” trở thành điều kiện cần trước khi bước chân vào thị trường tiền mã hóa. Chưa hết, phần lớn các đồng tiền mã hóa trên các sàn giao dịch đều phải có cặp giao dịch với USDT – qua đó cho thấy mức độ phổ biến khủng khiếp của đồng tiền này.

Lý do cho vì sao Tether lại thành công như thế có thể được lý giải như sau:

1/ Tether đã xuất hiện từ lâu, là đồng stablecoin bảo chứng bằng USD đầu tiên, và đã tự quảng bá mình là phương tiện thay thế cho USD trên thị trường tiền mã hóa.

2/ Tether chưa từng gặp một vấn đề lớn nào cả như là hack, mất cắp tiền. Thay vào đó, công ty chỉ dính vào những rắc rối pháp lý và mập mờ xoay quanh nguồn gốc dòng tiền.

3/ Giới ngân hàng đến nay vẫn rất lạnh nhạt với các công ty tiền mã hóa. Vì vậy, có rất ít cách để chuyển đổi tiền mặt sang phương tiện để đầu tư vào crypto. Tether đã, đang và khả năng cao là sẽ tiếp tục làm giải pháp cho vấn đề này. Ngoài người dùng phổ thông, các doanh nghiệp tiền mã hóa như sàn giao dịch cũng cần một nguồn USDT khổng lồ để phục vụ hoạt động thường ngày.

Trả lời phỏng vấn Bloomberg vào tháng 06/2021, CEO sàn FTX Sam Bankman-Fried cho biết anh “sẵn sàng mua hàng tỷ USDT” vì nó giúp nền tảng của anh xử lý giao dịch bình thường.

Song, tất cả những khuất tất về dòng tiền, mối quan hệ phức tạp, cơ chế bảo chứng thay đổi theo thời gian, cùng mức độ sử dụng vẫn không ngừng gia tăng của USDT đều dẫn đến một câu hỏi:

“Liệu Tether trong thị trường tiền mã hóa có là “too big too fail”? Và rồi chuyện gì sẽ xảy ra với lĩnh vực này nếu một ngày, USDT fail thật?”

Phản hồi từ Tether

Ngay sau khi bài báo của Bloomberg được đăng tải, Tether đã phát đi một tuyên bố chính thức của công ty. Tether cáo buộc bài phóng sự đã đăng tải một bức tranh sai sự thật về hoạt động, cũng như làm xấu hình ảnh công ty và đội ngũ quản lý từ những thông tin mơ hồ và không được kiểm chứng.

Tether tiếp tục khẳng định USDT vẫn được bảo chứng đầy đủ, và sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến bộ tài chính thông qua lĩnh vực tiền mã hóa. Tether khiến thị trường crypto trở nên hiệu quả hơn, càng giữ vững vị thế là stablecoin hàng đầu.

Trong thông báo, đại diện công ty còn nhắc lại câu nói của vị luật sư Hoegner:

“Hãy để mức độ thành công của Tether lên tiếng thay.”

Coin68 tổng hợp

Có thể bạn quan tâm:

-07/10/2021
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68