Trong thị trường tiền mã hóa đầy biến động, stablecoin là một giải pháp an toàn cho các nhà đầu tư muốn bảo vệ tài sản của mình khỏi những thay đổi giá trị bất thường. Với mục tiêu duy trì sự ổn định giá trị, stablecoin đã trở thành một công cụ không thể thiếu trong các giao dịch crypto, tiết kiệm, cho vay và thậm chí là đầu tư. Vậy stablecoin là gì? Hãy cùng Coin68 tìm hiểu về các loại stablecoin phổ biến trong thị trường crypto qua bài viết dưới đây nhé!
Stablecoin là gì? Tìm hiểu về các loại stablecoin phổ biến trong thị trường crypto
Stablecoin là gì?
Stablecoin là một dạng tiền mã hóa được thiết kế để duy trì giá trị ổn định, thường được neo với một tài sản cụ thể như đồng đô la Mỹ (USD). Không giống như các loại token khác thường biến động mạnh về giá, stablecoin mang lại sự ổn định, giúp chúng trở thành công cụ lý tưởng cho các giao dịch hàng ngày và các ứng dụng tài chính phi tập trung (DeFi).
Stablecoin là gì?
Với khả năng kết hợp lợi ích của công nghệ blockchain như tốc độ giao dịch nhanh, chi phí thấp và bảo mật cao cùng tính ổn định của tiền tệ truyền thống, stablecoin đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa hệ thống tài chính truyền thống và thị trường crypto.
Vai trò của stablecoin trong thị trường crypto
Stablecoin đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái tiền mã hóa, giúp khắc phục hạn chế lớn nhất của thị trường crypto là sự biến động giá. Với khả năng duy trì giá trị ổn định, stablecoin được sử dụng rộng rãi để thực hiện các giao dịch hàng ngày, thanh toán trực tuyến và bảo vệ tài sản của nhà đầu tư trong thời điểm thị trường biến động mạnh. Chúng hoạt động như cầu nối giữa tiền tệ truyền thống (fiat) và tiền mã hóa, cho phép người dùng chuyển đổi dễ dàng giữa hai hệ thống.
Trong lĩnh vực DeFi, stablecoin là nền tảng quan trọng để xây dựng các dịch vụ như cho vay, đi vay và giao dịch, giúp giảm thiểu rủi ro và tăng cường sự ổn định cho người dùng. Đồng thời, stablecoin cũng cải tiến phương thức thanh toán và chuyển tiền toàn cầu với chi phí thấp, tốc độ cao và tính minh bạch. Với vai trò là công cụ hỗ trợ và kết nối trong hệ sinh thái crypto, stablecoin không chỉ mang lại sự ổn định mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của công nghệ blockchain.
Các loại stablecoin trong thị trường crypto
Stablecoin được thế chấp bằng fiat và RWA
Stablecoin được hỗ trợ bởi fiat là một loại tiền mã hóa ổn định, được bảo chứng bằng tiền tệ truyền thống như USD, EUR hoặc các loại tiền tệ khác. Điều này có nghĩa là mỗi đồng stablecoin phát hành được đảm bảo bởi một số tiền tệ fiat tương ứng, được giữ trong tài khoản ngân hàng hoặc các quỹ dự trữ do nhà phát hành quản lý. Mô hình này giúp duy trì giá trị ổn định cho stablecoin, làm cho nó trở thành công cụ hữu ích trong giao dịch, thanh toán và bảo toàn giá trị trong hệ sinh thái tiền mã hóa.
Tuy nhiên, để đa dạng hóa danh mục, gia tăng lợi nhuận từ biến động của thị trường tài chính nhưng vẫn giữ tính ổn định thì mô hình stablecoin được hỗ trợ bở fiat hiện nay có thể kết hợp với tài sản thực (Real-World Assets - RWA). Việc sử dụng tài sản thực như trái phiếu chính phủ (US Treasury Bill) để làm tài sản bảo chứng giúp tăng tính ổn định và thanh khoản cho stablecoin.
Nhìn chung, sự kết hợp giữa fiat và RWA này mang lại lợi ích lớn như tăng tính thanh khoản cho các tài sản truyền thống, mở rộng cơ hội tham gia DeFi và minh bạch hơn trong quản lý tài sản. Tuy nhiên, nó cũng đi kèm với những rủi ro như biến động giá trị tài sản thế chấp, rủi ro pháp lý và phụ thuộc vào các tổ chức phát hành. Stablecoin được thế chấp bằng RWA là một bước tiến hứa hẹn, nhưng cần sự quản lý và quy định chặt chẽ để phát triển bền vững.
Các đồng stablecoin được thế chấp bằng fiat và RWA:
- Tether (USDT): USDT là stablecoin được thế chấp bằng USD phổ biến nhất, do Tether Limited phát hành. Mỗi USDT được hỗ trợ bởi một đô la Mỹ hoặc tài sản có giá trị tương đương, được lưu trữ trong các tài khoản ngoài chuỗi (off-chain) tại các tổ chức tài chính được quản lý. Tuy nhiên, Tether đã vướng phải nhiều tranh cãi liên quan đến tính minh bạch của dự trữ tài sản và mối quan hệ phức tạp với sàn giao dịch Bitfinex, làm dấy lên nhiều nghi vấn về mức độ tin cậy của đồng stablecoin này.
- USD Coin (USDC): USDC là một stablecoin được phát hành bởi Circle, được hỗ trợ bởi USD hoặc tài sản có giá trị tương đương được giữ trong các tài khoản ngoài chuỗi (off-chain) tại các tổ chức tài chính được quản lý. USDC được coi là một lựa chọn minh bạch và đáng tin cậy hơn so với Tether.
- Eurite (EURI): Đây là stablecoin được bảo chứng giá trị 1:1 bằng tiền pháp định, cụ thể ở đây là đồng EURO. EURI được phát hành bởi Banking Circle S.A tuân thủ theo quy định MiCA dành cho người dùng tại Châu Âu có thể giao dịch trên sàn Binance thay thế cho USDT.
- First Digital USD (FDUSD): FDUSD là một stablecoin được phát hành bởi công ty FD121 Limited, hoạt động dưới thương hiệu First Digital Labs tại Hong Kong. FDUSD được hỗ trợ bởi dự trữ fiat, được giữ trong các tài khoản của các tổ chức tài chính được quản lý, với mục tiêu mang lại sự ổn định và đáng tin cậy trong giao dịch trên blockchain. Stablecoin này cũng nhắm đến việc cung cấp các giải pháp thanh toán hiệu quả và minh bạch.
- PayPal USD (PYUSD): PYUSD là stablecoin được phát hành bởi gã khổng lồ thanh toán toàn cầu PayPal trên Ethereum. cho phép người nắm giữ giao dịch thông qua ứng dụng PayPal và mua các đồng tiền mã hóa khác được họ hỗ trợ gồm BTC. ETH, BCH và LTC.
- TrueUSD (TUSD): TrueUSD là một stablecoin được hỗ trợ đầy đủ bởi tài sản fiat, có tính minh bạch cao và được bảo vệ hợp pháp. Tài sản thế chấp của TrueUSD được giữ trong các tài khoản ngân hàng do các đối tác ủy thác quản lý, với sự xác minh độc lập thường xuyên để đảm bảo tính minh bạch và an toàn. Điều này làm cho TrueUSD trở thành một lựa chọn đáng tin cậy trong các ứng dụng tài chính phi tập trung và giao dịch blockchain.
Stablecoin được thế chấp bằng crypto
Stablecoin được thế chấp bằng crypto là loại stablecoin sử dụng tiền mã hóa làm tài sản đảm bảo. Vì tiền mã hóa có tính biến động cao, các stablecoin này thường được thế chấp quá mức để đảm bảo tính ổn định. Người dùng khóa một lượng token vào hợp đồng thông minh, sau đó hợp đồng này phát hành stablecoin với tỷ lệ thấp hơn giá trị thế chấp để duy trì an toàn.
Stablecoin USDe
Các loại stablecoin được thế chấp bằng crypto:
- USDe: Đây là một stablecoin phi tập trung được phát hành bởi giao thức Ethena, hoạt động chính trên blockchain Ethereum. Điểm đặc biệt của USDe nằm ở cơ chế phát hành sử dụng LST (Liquid Staking Token) làm tài sản thế chấp. Ethena bảo đảm giá trị của USDe thông qua việc kết hợp staking LST và mở vị thế short không đòn bẩy trên các sàn phái sinh. Điều này giúp USDe duy trì tính ổn định, tránh rủi ro thanh lý và đảm bảo lợi nhuận bền vững cho người dùng.
- USDX: Đây là một stablecoin thuật toán được phát hành bởi usdx.money, với mục tiêu chống kiểm duyệt và độc lập với hệ thống ngân hàng truyền thống. USDX duy trì sự ổn định giá trị thông qua chiến lược delta-neutral, sử dụng tài sản thế chấp và giao dịch phái sinh để giảm thiểu tác động của biến động thị trường. Người dùng có thể gửi tài sản như ETH vào giao thức để nhận USDX và tài sản này sẽ được chuyển đến các sàn giao dịch lớn để bảo vệ giá trị của USDX.
- USDS/DAI: Đây là một stablecoin phi tập trung được phát hành bởi Sky Protocol, trước đây được biết đến với tên gọi MakerDAO. Đây là một phần trong kế hoạch Endgame, nhằm tái cấu trúc toàn diện giao thức MakerDAO. USDS kế thừa mục tiêu của DAI, hướng đến việc trở thành một stablecoin hoàn toàn phi tập trung, không phụ thuộc vào tài sản thực hay fiat.
Danh sách các stablecoin hàng đầu. Nguồn: CoinMarketCap (12/12/2024)
Tổng kết
Thông qua bài viết này chắc các bạn đã phần nào nắm được những thông tin cơ bản về stablecoin để tự đưa ra quyết định đầu tư cho riêng mình.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết không được xem là lời khuyên đầu tư, Coin68 không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định nào của các bạn.