Tiếp tục với chuỗi bài viết phân tích về các Layer-1 trong 6 tháng đầu năm 2022, hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau đánh giá về hoạt động và sự hiệu quả của Avalanche (AVAX).
Chuỗi bài viết tổng kết 6 tháng đầu năm 2022:
- Nhìn lại 6 tháng đầu năm: Liệu Ethereum có đang hoạt động hiệu quả?
- Toàn cảnh pháp lý crypto nửa đầu năm 2022
Bối cảnh thị trường
Bối cảnh chung
Bối cảnh chung của thị trường trong 6 tháng qua, như anh em đã biết, là vô cùng xấu. Lần lượt các dự án lớn (như LUNA, Celsius,…) đến quỹ đầu tư lớn (như Three Arrows Capital) gặp phải các vấn đề nghiêm trọng (FUD). Vì vậy, thị trường phản ứng rất tiêu cực.
Bên cạnh đó, việc FED liên tục tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát gia tăng dẫn đến dòng tiền cũng rút dần khỏi thị trường để về trạng thái phòng thủ. Tổng hợp những nguyên nhân nói trên khiến thị trường crypto rơi vào tình cảnh khó khăn, hầu như các đồng coin đều giảm mạnh.
Tình hình của Avalanche
Avalanche trong Quý 1 đã có nhiều cập nhật quan trọng, trong đó nổi bật nhất là việc tập trung phát triển Subnet – cho phép chuyển đổi Avalanche từ một hệ sinh thái đơn thuần trở thành một “vũ trụ” với các dự án được xây dựng trên các subnet.
Để thúc đẩy cho kế hoạch phát triển Subnet, Avalanche Foundation cũng công bố quỹ Avalanche Multiverse với giá trị lên đến 290 triệu USD. Theo Avalanche Foundation, quỹ sẽ được sử dụng để thúc đẩy và tài trợ cho các dự án phát triển trên Subnet của Avalanche.
Cũng trong Quý 1, Avalanche tiếp tục công bố quỹ Culture Catalyst với giá trị lên đến 100 triệu USD để tài trợ cho các dự án Web3. Có thể nói, Avalanche là một trong các hệ sinh thái chi khá mạnh tay cho việc phát triển hệ sinh thái.
Trong tháng 04/2022, có thông tin cho rằng Ava Labs – đơn vị phát triển blockchain Avalanche – dự định tổ chức một vòng gọi vốn mới với giá trị lên đến 350 triệu USD. Tuy nhiên, thông tin này sau đó chưa được Ava Labs xác nhận chính thức.
Hiện tại, kế hoạch phát triển Subnet của Avalanche mới chỉ thu hút được các dự án là Defi Kingdom. Trước đây, Avalanche từng có kế hoạch hợp tác với Terra với việc sử dụng AVAX để làm tài sản đảm bảo cho UST, đổi lại, Terra sẽ xây dựng trên Subnet. Tuy nhiên, sau vụ sụp đổ của UST và LUNA, kế hoạch này cũng thất bại, thậm chí, Avalanche còn bị ảnh hưởng nhất định khi có liên quan đến LUNA và UST.
Ngoài ra, một phát triển mới đáng chú ý của dự án là việc ra mắt ứng dụng ví riêng mang tên Core, có tích hợp sẵn cầu nối đến Bitcoin (BTC).
Tình hình của Avalanche qua các con số
Về người dùng
Để tìm hiểu về tình hình người dùng trên Avalanche, chúng ta sẽ cùng quan sát biểu đồ Daily Unique Address:
Anh em có thể thấy, mặc dù thị trường suy giảm, tuy nhiên số lượng người dùng (thể hiện thông qua chỉ số Unique Address) trên Avalanche vẫn tăng trưởng ở mức khá tốt. Trong hơn 06 tháng đầu năm, mức tăng trưởng của số ví trên Avalanche lên tới 110% (từ 1.462.276 đạt 3.070.953 vào 06/7/2022).
Kết luận: người dùng vẫn tin tưởng và sử dụng hệ sinh thái Avalanche phổ biến hơn mỗi ngày.
Về tình hình sử dụng mạng Avalanche
Đầu tiên, để đánh giá chính xác, anh em cần quan sát số lượng ví hoạt động (active wallet) trên C-Chain (mạng mà chúng ta sử dụng hằng ngày và tương tác trên Avalanche).
Như anh em có thể thấy, mặc dù ở trên chúng ta có tổng số ví tạo mới trên Avalanche tăng trưởng, tuy nhiên anh em đừng quên Avalanche đang phát triển theo hướng subnet, gồm nhiều mạng con. Vì vậy, chúng ta sẽ đánh giá khách quan hơn khi tách riêng C-Chain. Với biểu đồ trên, rõ ràng số lượng ví hoạt động trên Avalanche đã giảm đi khá nhiều, khoảng gần 80%. Điều đó cho thấy mặc dù số lượng ví mới gia tăng, nhưng số lượng ví cũ tạm ngưng hoạt động cũng rất nhiều.
Tiếp theo, chúng ta sẽ quan tâm về số lượng giao dịch hằng ngày.
Trái ngược với biểu đồ tăng trưởng người dùng, số lượng giao dịch lại có sự sụt giảm khá lớn. Tính từ thời điểm đạt ATH năm 2022, hiện số lượng giao dịch hằng ngày trên Avalanche đã ghi nhận giảm đến 80%. Điều này khá phù hợp với sự sụt giảm số lượng ví hoạt động nói trên.
Total Value Locked (TVL)
Tính theo giá trị USD, TVL trên Avalanche đã sụt giảm từ mốc 11.67 tỷ USD hiện chỉ còn 2.75 tỷ USD, tương đương mức giảm 76.4%.
Kết luận: Dòng tiền đang rút dần ra khỏi Avalanche để phòng thủ. Đây là thời điểm khó khăn cho hệ sinh thái.
Revenue
Vì không có số liệu về Revenue (doanh thu) của dự án, mình sẽ sử dụng dữ liệu về gas fee (doanh thu, lợi nhuận của Avalanche được tạo ra từ việc thu phí trên mạng).
Khi số lượng ví hoạt động và số lượng giao dịch đồng thời giảm, không khó để chúng ta suy luận được lượng gas fee trong nửa đầu năm 2022 trên Avalanche cũng suy giảm. Trên biểu đồ, anh em có thể thấy gas fee đã giảm khoảng 60% so với thời điểm đạt ATH. Nếu xét chi phí vận hành không thay đổi, Avalanche hiện đang sụt giảm về lợi nhuận khá nhiều.
Kết luận
Từ những phân tích nói trên, anh em có thể thấy tình hình của Avalanche trong nửa đầu năm 2022 không mấy khả quan. Các số liệu quan trọng đều sụt giảm ở mức lớn, duy chỉ có số lượng ví tạo mới là có sự tăng trưởng. Đây sẽ là thời điểm mà Avalanche cần tinh gọn, cắt giảm chi phí và tồn tại để làm cơ sở tiếp tục phát triển.
Việc subnet có thể bùng nổ hay không hiện vẫn còn là dấu chấm hỏi khi mà chỉ mới có duy nhất 01 dự án thực sự triển khai. Theo quan điểm cá nhân của mình, Avalanche còn phải làm rất nhiều thứ để đạt được giấc mơ subnet còn đang dang dở.
Cuối cùng, với việc gần đây quỹ Three Arrows Capital (một trong những ông lớn đứng sau hệ sinh thái Avalanche) đã tuyên bố phá sản, hệ sinh thái này gần như mất đi chỗ dựa lớn trên thị trường. Trong tương lai, Avalanche sẽ cần tìm lại cho mình các quỹ đầu tư lớn và uy tín khác để tiếp tục đồng hành cùng họ trong quá trình phát triển.
Ý kiến của anh em đối với hệ sinh thái Avalanche như thế nào? Để lại comment để cùng thảo luận nhé! Hẹn gặp lại anh em trong các bài viết tiếp theo.
Poseidon
Xem thêm các bài viết khác của tác giả Poseidon: