Jesse Livermore là một nhà giao dịch, nhà đầu cơ chứng khoán huyền thoại của phố Wall và được ví như “cha đẻ” của trường phái giao dịch theo ngày. Ông đã từng kiếm được cả trăm triệu USD từ thị trường chứng khoán, nhưng cũng đã thua lỗ dẫn đến việc tự tử ở tuổi 63. Di sản Jesse Livermore để lại là những cuốn sách về đầu tư cùng với 8 sai lầm và 23 quy tắc giao dịch nổi tiếng. Hãy cùng Coin68 tìm hiểu về Jesse Livermore qua bài viết dưới đây nhé!
Jesse Livermore là ai? Tiểu sử nhà đầu cơ huyền thoại của Phố Wall với 8 sai lầm và 23 quy tắc giao dịch nổi tiếng
Jesse Livermore là ai?
Jesse Livermore tên đầy đủ là Jesse Lauriston Livermore, sinh ngày 26/07/1877 và được biết đến là một nhà giao dịch, nhà đầu cơ chứng khoán huyền thoại của Phố Wall. Jesse Livermore được ví như “cha đẻ” của trường phái giao dịch theo ngày khi ông sử dụng phương pháp này để kiếm lợi nhuận trong thị trường chứng khoán vào những năm đầu thế kỷ 20.
Chân dung Jesse Livermore
Từng có thời điểm Jesse Livermore là một trong những người giàu nhất hành tinh khi sở hữu khối tài sản cả trăm triệu USD nhờ vào việc đầu tư và bán khống cổ phiếu. Với những thành công có được, ông được đặt cho những cái tên rất mỹ miều là “Gã đầu cơ liều lĩnh trẻ tuổi” hay “Con gấu vĩ đại của Phố Wall”. Ngoài ra, Jesse Livermore còn là niềm cảm hứng cho Edwin Lefèvre để viết nên tác phẩm “Hồi Ức Thiên Tài Đầu Tư Chứng Khoán” - một cuốn sách khắc họa sinh động về cuộc đời của Jesse Livermore.
Bên cạnh những thành công thì Jesse Livermore cũng đã nếm trải những thất bại khi thiệt hại rất nhiều tài sản khi đầu tư, bán khống cổ phiếu. Đáng chú ý, Livermore đã trải qua không chỉ một mà tận ba lần rơi từ đỉnh cao xuống vực sâu. Mặc dù gặp thất bại, ông vẫn không gục ngã mà quyết định khởi đầu lại từ đầu và lần sau còn thành công hơn lần trước. Tuy nhiên, khi phá sản lần thứ ba ở tuổi 63, Jesse Livermore đã mất đi động lực để bắt đầu lại và ông đã quyết định tự vẫn vào ngày 28/11/1940. Jesse Livermore đã để lại những di sản quý giá của ông là những cuốn sách về đầu tư đồng thời là 8 sai lầm và 23 quy tắc giao dịch bất hủ cho thế hệ sau học hỏi.
Sơ lược về cuộc đời đầy thăng trầm của Jesse Livermore
Jesse Livermore sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo tại Shrewsbury, Massachusetts (Hoa Kỳ). Năm 14 tuổi, ông buộc phải thôi học để phụ giúp gia đình tại nông trại, thế nhưng ông không thích công việc này mà chỉ làm do sự ép buộc của người cha. Sau đó, ông đã quyết định bỏ nhà ra đi nhờ sự ủng hộ của mẹ. Công việc đầu tiên của Livermore là theo dõi, cập nhật bảng giá niêm yết cho công ty chứng khoán Payne Webber và tiền lương ông nhận được lúc đó chỉ vỏn vẹn 5 USD mỗi tuần. Sau khi quan sát và nghiên cứu trong một thời gian dài, Livermore cuối cùng đã quyết định tham gia vào thị trường đầu tư tài chính khi trong túi chỉ có vỏn vẹn 5 USD.
Jesse Livermore trở thành nhân viên cập nhật bảng giá của công ty chứng khoán Payne Webber
Năm 15 tuổi, Jesse Livermore và một người bạn đã cùng nhau bỏ ra 5 USD để đặt cược vào các bucket shop - những địa điểm cá cược, nơi bạn có thể đặt cược vào một cổ phiếu dựa trên việc bạn nghĩ nó sẽ tăng hay giảm tại Chicago, Burlington và Quincy Railroad. Khoản đặt cược này giúp ông thu về 3.12 USD đầu tiên và ông lại tiếp tục đặt cược tại nhiều bucket shop khác tại Boston. Đến năm 20 tuổi, Livermore đã có hơn 10.000 USD, song lại bị cấm đặt cược tại tất cả các bucket shop tại Boston. Nhận thấy không còn khả năng kiếm lợi nhuận ở Boston, ông tìm đến Phố Wall để tìm kiếm hướng đầu tư mới và thị trường chứng khoán là điểm đến tiếp theo.
Nhờ vào khả năng nắm bắt tâm lý thị trường, Jesse Livermore nhanh chóng trở thành một trong những “con cáo già” của thị trường Phố Wall và có lúc tài sản của ông lên đến cả trăm triệu USD. Sự thành công này đã ghi tên ông vào danh sách giới thượng lưu và để theo kịp lối sống “thượng lưu” của mình, ông tiếp tục đầu tư vào chứng khoán.
Tuy nhiên, thành công với chứng khoán nhưng Jesse Livermore cũng thất bại bởi thị trường này với việc phá sản đến tận ba lần. Ông đã gượng dậy thành công trong 2 lần phá sản đầu nhưng đã gục ngã ở lần thứ 3 với số nợ 2.26 triệu USD. Vào ngày 28/11/1940, Jesse Livermore đã tự sát trong phòng của khách sạn Sherry Netherland ở Manhattan khi ông 63 tuổi. Ông ra đi để lại một bức thư tuyệt mệnh dài 8 trang cho vợ trong đó có câu: “Cuộc đời anh là một sai lầm” và nó được tìm thấy trong cuốn sổ bìa da.
Những lần thành công và thất bại của Jesse Livermore trong thị trường chứng khoán
Nếm trái đắng đầu tiên khi mới bước chân đến Phố Wall
Năm 1899, Jesse Livermore quyết định đến New York và dấn thân vào thị trường chứng khoán tại Phố Wall. Ngay phiên giao dịch đầu tiên tại Sàn chứng khoán New York, ông bất ngờ thua sạch toàn bộ tài sản bởi giá giao dịch chậm hơn giá thị trường 30 – 40 phút. Khi đó, ông thậm chí phải nhờ Nettie - người vợ mới chỉ kết hôn sau vài tuần hẹn hò - cầm cố toàn bộ trang sức của bà. Sự việc này khiến vợ mới cưới của ông cực kỳ tức giận và cả hai người chia tay chỉ sau vài tháng làm đám cưới.
Sau thất bại đầy cay đắng tại sàn New York, Jesse Livermore tiếp tục tìm kiếm cơ hội tại một sàn “chui” ở St.Louis. Việc giao dịch của ông diễn ra khá suôn sẻ trước khi bị chủ sàn phát hiện mình và bị cấm giao dịch tại đây. Không chấp nhận thất bại, ông tiếp tục thuê hàng loạt người giao dịch hộ và kiếm lời 5.000 USD từ sàn giao dịch chui này.
Đến năm 1901, Jesse Livermore quay trở về Phố Wall tại thời điểm thị trường chứng khoán đang trên đà khởi sắc. Ông dễ dàng kiếm được mức lợi nhuận 50.000 USD nhưng ông lại bị thiệt hại nặng nề khi mạo hiểm giao dịch với mặt hàng bông. Đây được xem là một bài học để ông thực hiện đầu tư một cách thận trọng hơn.
Thu lợi nhuận khủng từ việc bán khống cổ phiếu Union Pacific
Năm 1906, ông tạm thời nghỉ ngơi tại khách sạn đắt đỏ Palm Beach sau một vài thất bại trong thị trường chứng khoán. Tại đây, ông có cơ hội gặp gỡ chủ khách sạn và nhận được thông tin mật liên quan đến cổ phiếu Union Pacific. Trở về sau kỳ nghỉ, Jesse Livermore ngay lập tức ra quyết định bán khống toàn bộ cổ phiếu Union Pacific mặc dù thời điểm đó giá cổ phiếu vẫn tăng rất mạnh. Quyết định của ông khiến nhiều người nghĩ ông đang bị điên và không kiểm soát được hành vi của mình.
Kết quả là sau trận động đất ở San Francisco, số cổ phiếu Union Pacific đã giảm giá không phanh. Quyết định bán khống của Jesse Livermore đã giúp ông thu được khoản lợi nhuận 250.000 USD.
Jesse Livermore dự đoán chính xác sự lao dốc của thị trường chứng khoán vào năm 1907
Năm 1907, Jesse Livermore dự đoán chính xác sự lao dốc của thị trường chứng khoán đồng thời nghe theo lời khuyên của JPMorgan để thu gom cổ phiếu. Từ đây, hàng loạt nhà đầu tư khác cũng làm theo giúp thị trường chứng khoán dần khởi sắc. Trong giai đoạn đó, có thời điểm Jesse Livermore đã thu về lợi nhuận 1 triệu USD trong 1 ngày.
Thiệt hại triệu đô vì nghe theo lời khuyên của người khác
Năm 1908, Jesse Livermore đã lắng nghe Teddy Price - một nhà kinh doanh bông nổi tiếng - thuyết phục ông rằng mình có một số thông tin nội bộ và giá cổ phiếu bông sắp tăng mạnh. Jesse Livermore có chút do dự nhưng vì danh tiếng của Teddy Price mà sau đó ông đã tin tưởng và mua vào cổ phiếu ngành bông.
Jesse Livermore bơm tiền để mua cổ phiếu bông thì Teddy Price lại đang bán đi số cổ phần bông của mình. Cuối cùng, giá bông giảm và Jesse Livermore phải chịu khoản lỗ lớn và gần như mất hết số tiền của mình. Những năm sau đó, khoản lỗ của Jesse Livermore ngày càng lớn khi ông mắc nợ 1 triệu USD và phải tuyên bố phá sản lần thứ hai vào năm 1915. Biến cố này đã khiến ông bị chấn động tâm lý và ảnh hưởng đến quyết định tự tử của ông sau này.
Tuy nhiên, Jesse Livermore đã kiếm được 5 triệu USD chỉ một năm sau đó nhờ số cổ phiếu mà ông đã mua vào năm 1907. Số tiền này giúp Jesse Livermore trả hết nợ một cách nhanh chóng và sự trở lại của ông được ví như người hồi sinh từ đống tro tàn giống như một con phượng hoàng.
Kiếm được 100 triệu USD trong bối cảnh thị trường sụp đổ
Năm 1929, Jesse Livermore bắt đầu nhận thấy một số mô hình kỳ lạ xảy ra trên thị trường chứng khoán và nó rất giống với những gì ông đã nhận ra từ vụ sụp đổ năm 1907. Ông nhận ra nhiều thứ đáng ngờ về các mô hình và chúng cho thấy rằng dòng tiền thông minh đang rời khỏi thị trường.
Sau đó, Jesse Livermore quyết định tận dụng toàn bộ thời gian của mình trong văn phòng để tự nghiên cứu về các mô hình này và bắt đầu tự thực hiện giao dịch. Ngày 29/10/1929, thế giới đã chứng kiến một trong những vụ sụp đổ lớn nhất của thị trường chứng khoán - một ngày mà được gọi là "Ngày thứ Ba đen tối". Kết cục sau đó là cuộc Đại suy thoái kéo dài cho đến Thế chiến II.
Tuy nhiên, Jesse Livermore đã trở về nhà với một nụ cười trên gương mặt vì điều mà không ai ngờ tới là ông đã thực hiện một vị thế bán khống khổng lồ ngay trước khi sự sụp đổ diễn ra. Vị thế đó đã giúp ông kiếm được 100 triệu USD, tương đương khoảng 1.4 tỷ USD vào thời điểm hiện tại.
Rơi vào tình thế phá sản và quyết định tự tử
Jesse Livermore đã phá sản 2 lần trước đó và đều có sự trở lại vô cùng mạnh mẽ nhưng lần 3 đã khiến ông gục ngã. Lối sống xa hoa kèm theo những biến cố gia đình khiến tài sản của Jesse Livermore không còn nhiều như trước đây. Mặt khác, Jesse Livermore có nhiều vấn đề về tâm lý khiến ông thường xuyên trong tình trạng stress và khó đưa ra quyết định giao dịch. Năm 1934, Jesse Livermore buộc phải tuyên bố phá sản lần thứ 3.
Ngoài ra, sự ra đời của SEC (Securities and Exchange Commission – Ủy Ban Giao Dịch và Chứng khoán) là cản trở lớn khiến Jesse Livermore khó quay lại với thị trường. Sau đó, SEC bắt đầu điều tra, tìm cách ngăn chặn ông thực hiện các giao dịch như đã từng làm trong quá khứ. Ngày 28/11/1940, Jesse Livermore đã tự sát trong phòng của khách sạn Sherry Netherland ở Manhattan khi ông 63 tuổi.
8 sai lầm của Jesse Livermore
Jesse Livermore có 8 sai lầm giao dịch kinh điển mà những nhà đầu tư crypto đều có thể nhìn nhận và khắc phục. Những sai lầm của ông bao gồm:
1. Để cho các lệnh lỗ chạy dài mà không cắt: Jesse Livermore rất giỏi trong việc dự đoán xu hướng thị trường nhưng ông lại không cắt lỗ đúng thời điểm. Ông có thói quen ôm lệnh trong thời gian dài ngay cả khi thị trường đã thay đổi xu hướng và nó khiến ông không ít lần thua lỗ nặng. Sau khi đúc kết kinh nghiệm từ quá trình giao dịch của mình, Jesse Livermore đã đưa ra lời khuyên: “Bạn chỉ nên giữ lại thứ những gì còn sinh lời và bán hết thứ bạn cảm thấy sẽ thua lỗ”.
2. Giao dịch quá nhiều: Jesse Livermore tham gia thị trường với tâm thế sốt sắng, hăng hái và giao dịch rất nhiều ngay cả khi đã lãi lớn. Chính sự tham lam này là một trong những nguyên nhân khiến ông bị sa đọa quá mức vào thị trường.
3. Ảnh hưởng bởi những lời khuyên: Jesse Livermore là một nhà giao dịch đại tài nhưng đôi lúc công vẫn nghe theo lời khuyên của người khác, đặc biệt với những người được cho nào giỏi hơn mình về chuyên môn. Thiệt hại hàng triệu USD từ việc nghe theo lời của Teddy Price chính là bài học giúp ông nhận ra rằng kẻ thù của trader là là sự yếu đuối của lập trường không chắc chắn.
4. Không chú trọng đến quản lý rủi ro: Từ những lần cháy tài khoản và phá sản, Jesse Livermore không chú trọng đến việc quản lý rủi ro khi quá tự tin vào bản thân. Cộng thêm việc Jesse Livermore không có khoản tiền tiết kiệm phòng thân nào khi ông đều bỏ vào giao dịch, mua sắm, tiêu pha. Vì thế, rất nhiều lần ông phải mượn tiền bạn bè khi phá sản để làm lại từ đầu.
5. Khối lượng lệnh giao dịch không hợp lý: Jesse Livermore có thói quen giao dịch theo kiểu “mồi nhử” bằng cách vào 1 vài lệnh nhỏ để xem phản ứng thị trường. Trường hợp đoán đoán được xu hướng giá, ông lập tức nhồi lệnh lớn hay có thể nói là all in. Kiểu giao dịch này nếu thắng thì sẽ thắng đậm và ngược lại nếu thua thì sẽ cháy tài khoản.
6. Kỷ luật chưa vững: Livermore dường như gặp vấn đề trong việc quản lý giao dịch một cách kỷ luật vì ông nhiều lần phá vỡ kế hoạch đề ra trước đó. Trong lần thắng đậm vào "Ngày thứ Ba đen tối" chính là dịp hiếm hoi Livermore thực hiện chiến lược giao dịch một cách có kỷ luật.
7. Lối sống buông thả: Jesse Livermore kiếm ra rất nhiều tiền nhưng ông phung phí vào các chuyến du lịch sang trọng, những món đồ xa xỉ. Ông tiêu xài nhưng lại không có một khoản phòng thân vững chắc cho chính bản thân mình.
8. Vấn đề tâm lý: Livermore bị stress và trầm cảm nặng, phần lớn từ lối sống buông thả khiến gia đình tan vỡ. Ông vẫn giao dịch trong khi bị trầm cảm từ đó thua lỗ nặng nề và phải tự sát.
23 quy tắc giao dịch nổi tiếng của Jesse Livermore
Jesse Livermore có 23 quy tắc giao dịch nổi tiếng mà những nhà đầu tư crypto đều có thể học hỏi và áp dụng.
1. Không có gì mới ở Phố Wall. Điều đó không thể xảy ra vì đầu cơ cũng lâu đời như những ngọn đồi. Bất cứ điều gì xảy ra trong thị trường chứng khoán ngày hôm nay đã từng xảy ra trước đây và sẽ xảy ra một lần nữa.
Jesse Livermore khẳng định như vậy bởi vì thị trường chứng khoán được tạo thành từ tất cả các trader hay nói cách khác là tất cả các trader tạo ra thị trường chứng khoán. Có nhiều sự thay đổi về hoàn cảnh của thị trường ngày nay so với gần trăm năm trước nhưng cách mọi người phản ứng với những thay đổi trên thị trường chứng khoán sẽ không bao giờ thay đổi.
2. Mua chứng khoán tăng và bán chứng khoán giảm
Có những trader và nhà đầu tư đi ngược lại với xu hướng thị trường nhưng lại rất thành công trên thế giới. Họ sẽ mua khi giá cổ phiếu tăng và bán khi chúng giảm từ đó thu về lợi nhuận.
3. Không giao dịch hàng ngày
Là một nhà đầu tư mới, bạn rất háo hức được hoạt động trên thị trường và bạn đổ dồn tất cả thời gian của mình để nghiên cứu và giao dịch. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng bạn không cần giao dịch hàng ngày và tốt hơn là không nên giao dịch nhiều lần. Bạn chỉ nên chọn các giao dịch có tỷ lệ cược tốt nhất để kiếm tiền.
4. Chỉ giao dịch khi thị trường tăng giá hoặc giảm giá rõ ràng
Khi thị trường không có định hướng rõ ràng, tốt nhất là bạn chỉ nên quan sát và chờ đợi diễn biến tiếp theo.Một khi thị trường hình thành xu hướng tăng hoặc giảm rõ ràng, bạn có thể ra quyết định mua hay bán cổ phiếu, crypto.
5. Chỉ thực hiện giao dịch sau khi hành động thị trường xác nhận ý kiến của bạn và ngay lập tức tham gia
Trước khi thực hiện giao dịch, bạn cần chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch giao dịch của mình khi nào tham gia giao dịch và khi nào nên kết thúc. Sau khi kế hoạch giao dịch đã sẵn sàng, đừng giao dịch ngay mà hãy để thị trường xác nhận những gì bạn đã dự đoán và chờ thời cơ thích hợp để nhảy vào.
6. Tiếp tục các giao dịch có tiềm năng lợi nhuận, kết thúc các giao dịch cho thấy thua lỗ
Bạn có thể kết thúc nhiều giao dịch đang hoạt động vào bất cứ lúc nào và điều quan trọng là giữ lại các giao dịch có tiềm năng mang lại lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, cần kết thúc giao dịch ngay khi nhận thấy thua lỗ sắp đến.
7. Kết thúc giao dịch khi thấy rõ xu hướng đang tạo lợi nhuận sắp kết thúc
Sau khi giao dịch và có lợi nhuận từ vị thế của cổ phiếu hay coin/token, bạn nên có kế hoạch quản lý rủi ro cho riêng mình. Khi xác nhận cổ phiếu hay coin/token đó không còn khả năng tạo thêm lợi nhuận nữa, bạn có thể đóng vị thế và thu về lợi nhuận.
8. Trong bất kỳ lĩnh vực nào, hãy giao dịch chứng khoán hàng đầu – một trong những xu hướng mạnh nhất
Trong nghiên cứu của mình, bạn đã tìm thấy một lĩnh vực đang làm rất tốt ở thị trường hiện tại. Từ đây, bạn đã quyết định tìm kiếm mã chứng khoán trên thị trường đó để giao dịch.
Lấy ví dụ ở thị trường crypto, khi bạn tìm kiếm về blockchain Layer-1 bạn sẽ quan tâm đến những top coin của mảng này bao gồm: ETH (Ethereum), BNB (BNB Chain), AVAX (Avalanche),... Đối với mảng Layer-2 sẽ là OP (Optimism), ARB (Arbitrum),...
9. Đừng bao giờ để tổn thất chung, chẳng hạn bằng cách mua thêm chứng khoán đã giảm giá
Những nhà đầu tư nhận ra cổ phiếu hay coin/token của họ liên tục giảm và họ muốn mua thêm ở những vị thế thấp hơn. Sau đó, họ sẽ chốt lời khi giá cổ phiếu hay coin/token đó tăng lên. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần thận trọng với quyết định DCA của mình ở vùng giá thấp và chốt lời ở vùng giá cao.
10. Đi long khi cổ phiếu đạt mức cao mới. Bán short khi đạt mức thấp mới
Cổ phiếu đạt mức cao mới và đây có thể là thời điểm hoàn hảo để nhà đầu tư mua chúng. Ngược lại, hãy short cổ phiếu khi nó tạo ra mức thấp mới vì có lý do khiến nó bị hạ giá.
11. Đừng trở thành một nhà đầu tư tùy tiện bằng cách nắm giữ các chứng khoán có giá giảm
Khi bạn giao dịch cổ phiếu hay crypto với vị thế thua lỗ, rất khó để ra quyết định cắt lỗ chúng. Tuy nhiên, bạn không nên sử dụng kế hoạch trading cho mục đích đầu tư lâu dài vì chúng sẽ khiến bạn ngày càng thua lỗ. Hãy cắt lỗ ngay và tìm ra cơ hội khác tốt hơn.
12. Thị trường không bao giờ sai – là quan điểm sai
Đừng bao giờ tranh luận với thị trường tài chính ngay cả khi bạn đã nghiên cứu rất tỉ mỉ và bạn chắc chắn cổ phiếu hay crypto phải di chuyển theo một hướng nhất định. Khi bạn nhận thấy thị trường bắt đầu đi chệch hướng, bạn cần phải thoát khỏi giao dịch ngay để tránh thiệt hại.
13. Lợi nhuận cao nhất được thực hiện trong các giao dịch cho thấy lợi nhuận ngay từ khi bắt đầu
Lợi nhuận chỉ đơn giản là yếu tố xác nhận ý tưởng của bạn về hành động giá của cổ phiếu hay coi/token là đúng. Hãy duy trì những giao dịch đang có lợi nhuận lâu nhất có thể.
14. Không có quy tắc giao dịch nào mang lại lợi nhuận trong 100% thời gian
Bạn cần chấp nhận sự thật rằng bạn sẽ không bao giờ đúng 100% và bạn sẽ thua lỗ vào một lúc nào đó. Cần quản lý rủi ro bằng cách cắt lỗ các vị thế có khả năng gây thiệt hại cao cho bạn.
15. Chừng nào mà chứng khoán còn hoạt động đúng và thị trường đúng thì đừng kiếm lợi nhuận với tâm thế vội vàng
Nhiều nhà đầu tư muốn kiếm lợi nhuận với tâm thế vội vàng và điều đó sẽ gây ra tác dụng ngược. Thay vào đó, hãy cẩn thận và chắc chắn với các giao dịch của mình kể cả trong thị trường chứng khoán hay crypto.
16. Không bao giờ mua chứng khoán chỉ vì nó đã giảm mạnh từ mức cao trước đó
Nghe có vẻ hấp dẫn khi mua cổ phiếu mà nó đã giảm rất nhiều so với mức cao trước đó. Tuy nhiên, điều này không bao giờ là một dấu hiệu tốt và phải có một lý do tại sao thị trường đã dump cổ phiếu đó. Bên cạnh đó, không có gì đảm bảo rằng cổ phiếu đó sẽ trở lại mức cao nhất và vẫn có thể xuống thấp hơn, thậm chí cuối cùng phá sản. LUNA hay UST của thị trường crypto là một trường hợp điển hình.
17. Không bao giờ bán chứng khoán vì có vẻ như giá lên cao
Hầu như lý do khiến mọi người bán cổ phiếu vì nó đã tăng mạnh hay đạt giá cao trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên, lý do duy nhất để bán chứng khoán là khi bạn nhận được dấu hiệu từ thị trường là tâm lý dành cho cổ phiếu đang thay đổi.
Một số lý do có thể kể đến như giảm mức độ quan tâm, giảm sức mua hay gia tăng số lượng người bán cổ phiếu trên thị trường. Những thay đổi như vậy mới là lý do khiến bạn phải quyết định bán hay giữ thay vì tiếp tục giữ cổ phiếu.
18. Yếu tố con người là kẻ thù lớn nhất của nhà đầu tư hoặc nhà đầu cơ
Đây là một trong những trích dẫn của Jesse Livermore được yêu thích nhất bởi vì nó thường bị các trader ngó lơ. Các khía cạnh kỹ thuật của giao dịch không khó để tìm hiểu nhưng quá trình áp dụng thường khó khăn hơn vì bạn đã để cảm xúc xen vào quyết định của mình. Bạn cần học cách kiểm soát cảm xúc của mình để trở nên thành công trên các thị trường tài chính như chứng khoán hay crypto.
19. Loại bỏ suy nghĩ mơ mộng
Hy vọng rằng mọi thứ diễn ra đúng cách sẽ không giúp bạn kiếm được lợi nhuận từ thị trường tài chính. Mà thay vào đó, hãy bám sát các sự kiện mà nghiên cứu của bạn và thị trường cho thấy để ra quyết định đầu tư sáng suốt nhất.
20. Các biến động lớn cần có thời gian để phát triển
Mặc dù các giao dịch tốt nhất cho thấy lợi nhuận ngay từ đầu nhưng các động thái lớn cần có thời gian để phát triển. Lý do là vì các tổ chức giao dịch lớn trên thị trường chứng khoán không thể giữ vị trí trong một vài ngày hoặc vài tuần. Đôi khi phải mất vài tháng để họ có được vị trí họ muốn và cổ phiếu luôn di chuyển theo hướng tích cực đã định sẵn.
Khi chứng khoán đang hoạt động đúng hướng, bạn phải kiên nhẫn và chờ nó phát triển cho đến khi có lý do để thoát khỏi vị thế giao dịch. Bạn có thể áp dụng quy tắc này cho thị trường crypto.
21. Đừng quá tò mò về tất cả các lý do gây thay đổi giá
Tìm hiểu lý do dẫn đến thay đổi giá cổ phiếu hay coin/token là tốt nhưng đôi khi không cần quá tò mò về nó. Đối với một nhà giao dịch, điều đó vẫn ổn miễn là họ có thể thu về lợi nhuận từ việc giá cổ phiếu hay coin/token thay đổi.
22. Chắt lọc danh mục đầu tư
Hãy đảm bảo danh mục đầu tư cổ phiếu, coin/token luôn trong tầm kiểm soát của bạn. Hạn chế theo dõi nhiều cổ phiếu, crypto không cần thiết và luôn đặt những tài sản trọng tâm trong danh mục đầu tư của bạn.
23. Mô hình lặp lại bởi vì bản chất con người không thay đổi sau hàng ngàn năm
Con người là động lực đằng sau tất cả các giao dịch trên thị trường tài chính như chứng khoán hay crypto. Bởi vì bản chất con người không bao giờ thay đổi nên mô hình của các thị trường chứng khoán, crypto sẽ không bao giờ thay đổi.Các quy tắc đã hoạt động hàng trăm năm trước vẫn sẽ tiếp tục hoạt động cho đến ngày nay.
Tổng kết
Thông qua bài viết này chắc các bạn đã phần nào nắm được những thông tin liên quan đến Jesse Livermore với 8 sai lầm và 23 quy tắc giao dịch nổi tiếng của ông.
Lưu ý: Coin68 không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định đầu tư nào của các bạn khi tham khảo về các quy tắc đầu tư của Jesse Livermore.
!