Bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vừa khuyến khích các ngân hàng trung ương thế giới “khám phá” tiền kỹ thuật số trước sự sụt giảm ngày càng nhanh nhu cầu dành cho tiền giấy.
- IMF: Sự tăng trưởng nhanh chóng của Bitcoin và tiền điện tử sẽ làm ảnh hưởng đến hệ thống tài chính quốc tế
- IMF “khuyên” quần đảo Marshall không nên dùng tiền điện tử là phương tiện thanh toán hợp pháp
Trong một bài phát biểu tại Hội nghị Singapore Fintech Festival vào hôm thứ Tư (14/11), bà Lagarde nói:
“Tôi tin rằng chúng ta nên cân nhắc khả năng phát hành tiền tệ kỹ thuật số. Các quốc gia khi ấy sẽ đóng vai trò là nhà cung ứng tiền cho nền kinh tế kỹ thuật số.”
Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang bày tỏ thái độ “nghiêm túc” trong việc phát hành những đồng tiền kỹ thuật số do mình chống lưng (gọi tắt là CBDC), trong đó có Trung Quốc, Canada, Thuỵ Điển và Uruquay, nữ Giám đốc IMF cho biết.
“Họ đang đón nhận sự thay đổi và lối tư duy mới – và IMF cũng vậy.”
Bà Lagarde nhận định thêm là nhiều đồng tiền điện tử lớn trên thế giới ngày nay như Bitcoin, Ethereum và XRP cũng đang “khao khát có được vị trí của mình trong xã hội phi tiền mặt của tương lai, liên tục làm mới mình để có thể mang lại giá trị ổn định hơn cùng phương thức thanh toán nhanh và tiết kiệm hơn”.
Tuy nhiên, ở cùng lúc đó, IMF cũng chỉ trích quan điểm rằng tiền điện tử là phương án mới dành cho CBDC.
Trong một báo cáo mới, mang tên “Làm sáng tỏ Tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành”, đăng tải cùng thời điểm với bài phát biểu của bà Lagarde, Quỹ Tiền tệ Quốc tế lập luận rằng “tiền điện tử có nhiều điểm khác biệt trên nhiều phương diện và vẫn đang chật vật để đáp ứng đủ những chức năng của tiền tệ, một phần là do bởi tính biến động thất thường của chúng”.
Trong phần đánh giá những hình thái khác nhau của tiền tệ như là tiền mặt, tiền điện tử, tiền e-money và tín dụng ngân hàng thương mại, IMF thẳng thừng kết luận là “tiền điện tử là lựa chọn kém hấp dẫn nhất”.
Mặc dù vậy, IMF cho rằng quá trình nghiên cứu tiền kỹ thuật số vẫn nên được thực hiện một cách “kiên quyết” bởi nó sẽ giúp trả lời cho những câu hỏi có “tác động lâu dài và sâu rộng”.
Tuy xu hướng được ngày càng nhiều ngân hàng trung ương chọn là tiến lên tiền kỹ thuật số, song nước đi này không phải là không có rủi ro. Bà Christine Lagrade phát biểu rằng tiền kỹ thuật số có “tiềm năng lớn” trong phổ cập tài chính đến mọi tầng lớp và gia tăng mức độ riêng tư trong thanh toán, song lại đồng thời đặt ra mối đe doạ đến sự minh bạch và ổn định tài chính.
Sẽ luôn có sự đánh đổi giữa riêng tư và minh bạch tài chính, người đứng đầu IMF nói, thêm là rằng các ngân hàng trung ương có thể thiết kế một đồng tiền kỹ thuật số, song “đằng sau đấy lúc nào cũng sẽ tồn tại những quy định về chống rửa tiền và tài chính khủng bố”.
Bà Lagarde nói:
“Cách làm này sẽ có lợi cho người dùng, gây bất lợi cho tội phạm, tốt cho các quốc gia, gần giống với tiền mặt. Tất nhiên là sẽ luôn có những thách thức. Mục tiêu của tôi, ở thời điểm hiện tại, là khuyến khích sự khám phá.”
Theo CoinDesk