logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn

Có phải Soulbound Token là tương lai của quản trị phi tập trung?

-06/06/2022

Mới đây, nhà sáng lập Ethereum Vitalik Buterin đã nên lên khái niệm "soulbound token" và đề xuất nó có thể trở thành một cách thức quản trị crypto tiềm năng trong tương lai.

Có phải Soulbound Token là tương lai của quản trị phi tập trung?Có phải Soulbound Token là tương lai của quản trị phi tập trung?

Tài chính phi tập trung Vs. Quản trị phi tập trung

Kể từ khi khái niệm Tài chính Phi tập trung (Decentralized Finance – DeFi) ra đời, chúng ta thường đánh đồng rằng đã là tài chính “phi tập trung” rồi thì cơ chế quản trị của nó cũng “phi tập trung” nốt. Nhưng có thật như vậy không?

Quản trị Phi tập trung (Decentralized governance – DeGov) dùng để mô tả cách thức quản trị không tập trung vào một cá nhân hoặc một nhóm nhỏ các cá nhân – mà là trao quyền ra quyết định cho cộng đồng, những người dùng thật sự của giao thức/tổ chức ấy. Lấy ví dụ từ DeFi, các giao thức DeFi thường có cơ chế quản trị phi tập trung dưới dạng DAO – cho người dùng quyền biểu quyết các vấn đề quan trọng của giao thức, chứ không chỉ làm theo ý định của nhóm những người tạo ra giao thức.

Nhờ có cơ chế DAO này, DeFi nói riêng và thị trường tiền mã hóa nói chung đã và đang hướng đến một “mục tiêu cao cả hơn”, tạo ra một cuộc cách mạng mới với lý tưởng thay thế các tổ chức tài chính truyền thống – nơi những “tay to” và nhà cầm quyền nắm quyền “sinh sát”.

Dù chưa thật sự đạt được những lý tưởng tốt đẹp đó, Quản trị Phi tập trung dưới dạng các DAO trong DeFi đang giúp tạo ra một mô hình hoạt động mới, góp phần hiện thực hóa những ý tưởng táo bạo, đưa tiền mã hóa hướng đến sự phát triển tốt đẹp.

Kể từ “Mùa hè DeFi” 2020, đã có nhiều giao thức với DAO quản trị ra đời, dẫn đầu các xu hướng chính trong phân khúc như Uniswap DAO, AAVE DAO, Curve DAO hay các Synthetix DAO.

Quản trị phi tập trung có thật sự “phi tập trung”?

Lý tưởng là thế, tuy nhiên không có mô hình nào mà không có yếu điểm. Mà yếu điểm của DeGov đến từ chính cụm từ “phi tập trung” của mình. Một ví dụ nhãn tiền là đề xuất Terra 2.0 gần đây. Dù không ít người dùng nhỏ lẻ không muốn fork chain mới, nhưng quyền quyết định thì nằm trong tay validator – những người cầm phần lớn LUNA.

Vì thế, câu hỏi đặt ra là:

Quản trị phi tập trung có thật sự “phi tập trung” như chúng ta vẫn nghĩ?

Để trả lời câu hỏi này, cha đẻ Ethereum Vitalik Buterin đã có bài viết khá dài nêu ra những yếu tố không hề “phi tập trung” trong cách DAO vận hành.

“Quản trị phi tập trung là cần thiết, nhưng thực hiện nó thông qua bỏ phiếu bằng coin tiềm ẩn nhiều rủi ro mà đã hoặc chưa được phát hiện. Cốt lõi của giải pháp là phải thay đổi hoặc thay thế bỏ phiếu bằng coin.”

Vai trò của token quản trị

Về cơ bản, trong cơ chế DeGov, người dùng có thể biểu quyết cho các quyết định quan trọng của giao thức bằng cách “voting” hay gọi nôm na là “bỏ phiếu bầu”. Dĩ nhiên, số phiếu càng nhiều thì “tiếng nói càng có trọng lượng”. Đến cuối cùng, lựa chọn nào nhận được nhiều phiếu bầu hơn sẽ chiến thắng.

Và việc bỏ phiếu bầu này chính là công dụng vốn được xem là quan trọng nhất của token quản trị (governance token) của giao thức đó.

Chúng ta hãy cùng xem qua cách bỏ phiếu trong Uniswap DAO với token quản trị là UNI:

  • Một người dùng Uniswap muốn đề xuất một ý kiến gì đó cho giao thức, trước tiên người đó phải hold UNI. Khi đăng đề xuất lên Uniswap DAO, đề xuất đó phải nhận được ít nhất 25.000 UNI lượt vote yes (đồng ý) mới có thể lọt vào vòng xét duyệt thứ 2. Ngược lại, nếu không đủ lượng vote thì đề xuất sẽ bị loại ngay từ vòng gửi xe.
  • Đến vòng 2, đề xuất sẽ phải nhận được ít nhất 50.000 UNI lượt vote để tiến vào vòng thứ 3.
  • Các vòng xét duyệt tiếp theo, số lượng UNI cần có để bỏ phiếu bầu ngày càng tăng lên.

Với các DAO khác như AAVE DAO hay Curve DAO, token quản trị cũng được dùng tương tự: giao thức yêu cầu stake và lock một số lượng CRV hay AAVE nhất định mới có thể tham gia vào các vòng bầu chọn.

Rào cản của Quản trị phi tập trung

Đến đây, chắc bạn đọc cũng bắt đầu nhận ra “có gì đó sai sai” với DeGov và token quản trị. Đó chính là việc:

Một người hoặc một nhóm người nếu nắm giữ lượng token quản trị đủ nhiều sẽ có quyền chi phối toàn bộ giao thức.

1. Rào cản tham gia đối với người dùng cá nhân

Đầu tiên, nếu bạn là người dùng cá nhân, việc sở hữu số lượng lớn UNI để tham gia biểu quyết quả là khó khăn. Và không phải ai cũng sẵn sàng lock nhiều AAVE hay CRV để tham gia quản trị – thay vì dùng nó vào giao dịch hay tham gia lending,…

Dĩ nhiên, vấn đề này khá hiển nhiên và từ lâu đã có nhiều giải pháp như người dùng stake token của mình vào các pool token lớn. Việc này cũng tương tự như việc công dân bầu chọn các “đại biểu” tham gia biểu quyết thay cho mình.

Tuy vậy, với việc ngày càng thu hút token từ người dùng nhỏ lẻ, quyền quản trị vẫn tiếp tục nằm trong tay các pool lớn này.

2. Lợi ích của kẻ cầm quyền

Nếu thể chế chính trị có các “Nhóm lợi ích” thì DeGov cũng có các nhóm lợi ích chi phối giao thức như thế. Để đề xuất có lợi cho mình được thông qua, pool A có thể làm nhiều cách thu hút lượng token đổ vào pool của mình như tăng lãi suất staking, đưa ra thêm nhiều lợi ích cho người tham gia. Việc này cũng không khác gì việc “mua bình chọn” mà chúng ta thường thấy.

Và cách thức này phổ biến trong DeFi đến nỗi đã có một cụm từ dành riêng cho nó được sinh ra – Liquidity War. Khởi nguồn và nổi tiếng nhất chính là Curve Wars, cuộc chiến thu hút thanh khoản trên Curve. Để hiểu rõ thêm về sự kiện này, bạn hãy nghe: DeFi Discussion ep.27: Curve Wars – từ khóa bí ẩn đằng sau đà tăng giá của CRV.

Một mặt trái khác của voting bằng token quản trị chính là việc:

Không cần biết anh là ai, chỉ cần anh nắm giữ đủ số lượng token để tham gia biểu quyết.

Việc các staking pool, validator nắm giữ lượng lớn token để chi phối giao thức càng không nguy hiểm bằng việc trong số những người ra quyền quyết định có người là “con sói gian ác” – không muốn giao thức phát triển mà chỉ muốn tấn công và lấy đi hết số tài sản của mọi người.

Coin68 đã có bài viết bàn về những rào cản hiện nay của DAO, các bạn đọc thêm tại: DAO là tương lai? Những rào cản nào cần vượt qua để giúp các tổ chức DAO bùng nổ?

Soulbound Token có phải là giải pháp?

Vitalik Buterin đề xuất một số cách giải quyết giúp việc voting phi tập trung hơn, một trong số đó chính là "Soulbound Token".

Soulbound Token là gì?

Soulbound Token hay còn gọi là Soulbound NFT, được lấy ý tưởng từ tính năng “Soulbound” của các vật phẩm game World of Warcraft.

soulbound-wow
Vật phẩm có tính năng soulbound trong game WoW bị khóa, không thể giao dịch cho người khác.

Trong WoW, vật phẩm có tính năng soulbound sẽ không giao dịch được nữa, gắn chặt với người sở hữu. Nói cách khác, người dùng nắm giữ soulbound token sẽ không thể giao dịch, chuyển nhượng token đó cho người khác. Từ đó, token này đóng vai trò định danh, khẳng định quyền sở hữu, là bằng chứng chứng tỏ holder có được token này thông qua một hoạt động được công nhận, chứ không phải mua “sang tay” từ người khác.

Một thông tin bên lề là Vitalik Buterin từng kể một trong những lý do đẩy anh đến lý tưởng phi tập trung của tiền mã hóa là khi còn nhỏ, anh rất say đắm trò World of Warcraft. Tuy nhiên, đến một ngày, game lại quyết định xóa bỏ một tính năng mà anh rất thích nên nhà sáng lập Ethereum đâm ra “cay cú”. Trong trang giới thiệu tiểu sử bản thân, anh viết:

“Tôi sinh ra ở Nga vào năm 1994 và chuyển đến Canada vào năm 2000, nơi tôi đi học. Tôi từng rất hạnh phúc khi được chơi trò World of Warcraft từ năm 2007 đến 2010, nhưng đến một ngày Blizzard quyết định bỏ tính damage cho bùa phép Siphon Life của nhân vật warlock yêu thích của tôi. Hôm đó tôi đã khóc đến tận lúc ngủ đi và nhận ra nỗi kinh hoàng mà các dịch vụ tập trung mang lại. Tôi đã quyết định bỏ game ngay sau đó.

Giải pháp cho quản trị phi tập trung

Từ đó, Vitalik đề xuất sử dụng soulbound token thay cho các token quản trị như hiện tại.

Nhà sáng lập Ethereum đề xuất rằng thay vì một mô hình DAO ưu tiên cho những người nắm giữ lượng lớn token quản trị, chúng ta nên sử dụng soulbound token để voting. Từ đó có thể hạn chế việc các pool staking thu gom token từ người dùng khác – vì soulbound token không thể giao dịch.

Và cuối cùng, Vitalik ủng hộ mô hình quản trị hiện tại của Optimism – dự án Layer-2 nổi bật với đợt airdrop OP khủng vừa qua.

Một ví dụ: Optimism

Như đã giải thích trong bài viết Những điều quan trọng cần biết về Optimism Collective, dự án này sử dụng mô hình quản trị “lưỡng viện” gồm hai bộ phận riêng biệt là “Token House” và “Citizens House”.

  • Token House: người nắm giữ token OP có thể tham gia vào việc bỏ phiếu quản trị đối với các vấn đề như nâng cấp giao thức, khuyến khích cho một dự án khác trên Optimism… Token House tương tự như cách Uniswap DAO hiện tại vận hành – ưu tiên số lượng phiếu bầu dưới dạng token quản trị.
  • Citizens House: tham gia quản trị về các vấn đề như phân bổ vốn cho giao thức, retroactive,… gồm những người nắm giữ soulbound token gọi là Citizenship. Bằng chứng đại diện cho quyền quản trị này không thể chuyển nhượng, nhằm ngăn chặn vấn đề cá voi thu gom token.

Mô hình “Lưỡng viện Quốc hội” gồm Token House và Citizens’ House của Optimism Collective

Tuy nhiên, như từ đầu bài viết đã nói không có giải pháp nào là hoàn hảo. Soulbound token tuy mang đến lợi ích trong việc quản trị hơn là mô hình token quản trị như hiện tại, nhưng token loại này cũng có nhược điểm. Thử hình dung nếu ví nắm giữ soulbound token bị hack, thì chiếc “chứng minh nhân dân số” này cũng phải đổi chủ.

Bên cạnh đó, vì chưa có nhiều ứng dụng thực tế của soulbound token, nên một số nhược điểm tiềm tàng cũng có thể chưa được phát hiện ra.

Còn bạn thì sao, bạn có cho rằng Soulbound Token là tương lai của quản trị phi tập trung hay không?

Jane

Có thể bạn quan tâm:

-06/06/2022
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68