logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn

Solend đề xuất chiếm quyền kiểm soát “ví cá voi” để tránh bị thanh lý 108 triệu USD SOL

-19/06/2022

Nền tảng lending Solend chiều 19/06 đã đăng tải một đề xuất muốn chiếm quyền kiểm soát một ví “cá voi” để ngăn chặn rủi ro thanh lý ồ ạt.

Solend đề xuất chiếm quyền kiểm soát “ví cá voi” để tránh bị thanh lý 170 triệu USD SOL

Cập nhật sáng 22/06:

Sáng 22/06, cuộc bỏ phiếu cho đề xuất SLND3 đã kết thúc với tỷ lệ ủng hộ là 99,7%, với hơn 1,5 triệu SLND bình chọn đồng ý. Solend do đó đã nhận được sự đồng ý từ cộng đồng để giảm bớt kích thước khoản vay của “cá voi” 3oSE… về còn 50 triệu USD.

Ví 6HFx, người đã bỏ ra 1 triệu SLND để “chi phối” kết quả hai lần bỏ phiếu trước, tiếp tục dùng quyền lực 1 triệu SLND của mình để chọn phương án ủng hộ đề xuất.

Solend cho biết thay đổi mới sẽ được áp dụng kể từ 07:00 PM ngày 22/06 (giờ Việt Nam), với mức thanh lý tài sản của cá voi là 500.000 USD/giờ.

Tài khoản 3oSE vào tối 21/06 đã chuyển bớt một phần khoản nợ, cụ thể là 25 triệu USDC sang Mango Markets, nhưng vẫn đang duy trì vị thế vay 84,3 triệu USD trên Solend tại thời điểm cập nhật, thế chấp bằng 4,5 triệu SOL (162 triệu USD).

Cập nhật tối 21/06:

Chiều ngày 21/06, đội ngũ Solend thông báo đã có thể liên lạc được với ví “cá voi” 3oSE… và đã thuyết phục người này giảm vị thế vay sau 15 ngày “án binh bất động”. Trước mắt, 3oSE đồng ý chuyển 25 triệu USDC đang vay trên Solend sang Mango Markets. Cả hai đang tiếp tục thảo luận để tìm hướng đi chung tiếp theo.

Nhờ việc cá voi giảm bớt vị thế vay USDC, Solend tuyên bố đã có thể hỗ trợ rút USDC trở lại cho người dùng.

Song, việc 3oSE hoạt động trở lại được Solend tuyên bố là không ảnh hưởng với đề xuất SLND3 đang được bỏ phiếu, vốn sẽ giảm vị thế vay tối đa của cá voi này về còn 50 triệu USD. Tính đến 08:30 PM ngày 21/06, đề xuất này đang nhận được tỷ lệ ủng hộ lên đến 99,1%, nhưng chưa đạt đủ lượng phiếu 1 triệu SLND cần thiết để được tính là hợp lệ.

Cập nhật sáng 21/06:

Sáng 21/06, đội ngũ Solend tiếp tục đăng tải đề xuất mới và yêu cầu người dùng quan tâm tham gia bỏ phiếu. Đề xuất này có mục tiêu kiểm soát rủi ro của hoạt động vay tiền thông qua Solend, gồm:

– Áp đặt giới hạn vay chỉ 50 triệu USD cho mỗi tài khoản. Tài khoản nào nợ nhiều hơn số tiền này sẽ bị thanh lý, bất kể giá trị tài sản thế chấp. Thay đổi này sẽ được áp dụng dần dần từ mức nợ 120 triệu USD và thanh lý 500.000 USD mỗi giờ.

– Tạm thời giảm hạn mức thanh lý từ 20% giá trị thế chấp về 1%.

– Tạm thời giản phạt thanh lý SOL từ 5% về 2%.

Có thể thấy đề xuất mới vẫn sẽ đánh trực tiếp vào ví “cá voi” 3oSE… đang vay đến 108 triệu USD stablecoin và thế chấp bằng 5,7 triệu SOL (trị giá 201 triệu USD ở thời điểm cập nhật với giá SOL là 35.5 USD), bắt buộc thanh lý tài khoản này cho đến mức mức vay chỉ còn là 50 triệu USD. Tuy nhiên, đề xuất cũng sẽ ảnh hưởng đến các tài khoản khác đang vay nhiều tiền trên Solend. Mặc dù vậy, người dùng muốn vay lớn đơn giản chỉ cần sử dụng nhiều ví khác nhau thay vì là một ví.

Solend tuyên bố vẫn đang tìm kiếm các đơn vị market maker và OTC để tiến hành bán thanh lý thay vì đưa lên DEX và gây ảnh hưởng đến thanh khoản trên những nền tảng này.

Đề xuất mới có tên SLND3 sẽ được bỏ phiếu trong vòng 1 ngày thay vì 6 tiếng như hai đề xuất trước đó, dự kiến chốt sổ vào khoảng 06:30 AM ngày 21/06 (giờ Việt Nam).

Cập nhật chiều 20/06:

Cuộc bỏ phiếu cho đề xuất thứ hai đã kết thúc vào chiều 20/06, với tỷ lệ phiếu thuận lên đến 99,8%, đồng nghĩa với việc đề xuất chiềm quyền kiểm soát ví cá voi đã bị vô hiệu.

Đáng chú ý, địa chỉ ví mà đã bỏ ra 1 triệu SLND để bỏ phiếu thông qua đề xuất đầu tiên lần này tiếp tục ủng hộ đề xuất thứ hai, vẫn chiếm đến 1 triệu trong tổng số 1,5 triệu phiếu ủng hộ.

Ví 6HFx, người đã dùng hơn 1 triệu SLND trong cả hai lần bỏ phiếu, tuyên bố như sau:

“Chào mọi người, tôi là 6HFx. Tôi sẽ bỏ phiếu ĐỒNG Ý với đề xuất thứ hai. Tôi không quan tâm cộng đồng crypto trên Twitter nghĩ gì, miễn là vẫn có thể cứu 120 triệu USD tiền của mọi người thay vì bảo vệ triết lý DeFi cho một cá voi nào đó mà sẵn sàng vứt đi số tiền 9 chữ số. Sức mạnh càng lớn trách nhiệm càng cao, còn cá voi này thì lại giữ im lặng. Nếu chúng ta có thể có giải pháp tốt hơn và thị trường hiện cũng đang cho ta thêm thời gian, tôi sẽ ủng hộ đề xuất SLND2. Nhưng chúng ta cần sớm đưa ra đề xuất SLND3. Mọi thứ có thể thay đổi chóng mặt sau 24 giờ.

Cập nhật sáng 20/06:

Sau khi hứng đủ chỉ trích từ cộng đồng crypto, đội ngũ Solend vào sáng 20/06 đã đăng tải một đề xuất mới, trong đó muốn:

– “Vô hiệu” kết quả của cuộc bỏ phiếu tối 19/06;

– Tăng thời gian bỏ phiếu cho các lần sau lên thành 1 ngày;

– Tìm ra một giải pháp mới để không phải chiếm quyền kiểm soát ví cá voi.

Ngoài ra, vì giá SOL hiện không còn nằm trong “vùng nguy hiểm” đe dọa thanh lý vị thế của cá voi, do đó đội ngũ Solend cho rằng “biện pháp cực đoan” của họ là không còn cần thiết.

Đề xuất này đang được bỏ phiếu và dự kiến kết thúc vào khoảng 02:20 PM ngày hôm nay (20/06). Hiện tại số phiếu đồng ý cũng đang áp đảo.

Tuy nhiên, nó ngay lập tức đã nhận lại sự chế giễu từ cộng đồng, một phần vì kết quả chung cuộc của lần bỏ phiếu trước đó khi có 1 ví đã vote đến 1 triệu SLND cho đề xuất chiếm quyền kiểm soát ví cá voi trong tổng số 1,1 triệu vote đồng ý.

“Solend vừa mở một đề xuất mới để vô hiệu đề xuất cũ, vốn đã cho phép họ chiếm quyền kiểm soát một ví của người dùng.

Nhưng nếu đó là tôi, tôi sẽ gửi tin nhắn thẳng cho người mà đã bỏ 1 triệu phiếu bầu tối qua và hỏi xem họ muốn tôi làm gì.”

Cập nhật tối 19/06:

Cuộc bỏ phiếu đã kết thúc vào khoảng 09:34 PM ngày 19/06, với tỷ lệ ủng hộ áp đảo lên đến 98,2%. Như vậy cộng đồng Solend đã nhất trí về việc trao cho dự án quyền được tiếp quản ví “cá voi” 3oSE… và bán thanh lý tài sản thế chấp qua OTC trong trường hợp giá SOL áp sát mức 22.30 USD. Hạn mức thanh lý ví cá voi là 35% cũng sẽ được áp dụng.

Tuy nhiên, ở thời điểm cập nhật, rủi ro ấy là không cao khi SOL đã tiếp tục phục hồi lên vùng 32 USD.

Solend đã xác nhận kết quả, đồng thời khẳng định dự án đã không dùng quỹ token SLND của mình để tham gia bỏ phiếu.

Tranh cãi vẫn chưa dừng lại khi nhiều người dùng Twitter chỉ ra rằng trong số 1,068 triệu SLND bình chọn đồng ý, 1 triệu là đến từ 1 địa chỉ duy nhất.

Ngay cả CEO Binance Changpeng Zhao cũng bày tỏ sự ngạc nhiên khi đề xuất được thông qua.

Bài viết gốc:

Rủi ro thanh lý bao trùm các nền tảng lending

Vì thị trường tiền mã hóa liên tục đi xuống trong thời gian qua, giá của những đồng coin lớn đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Hệ quả là rất nhiều lệnh vay thế chấp bằng crypto trên những nền tảng lending lớn như Aave, Compound, Maker trên Ethereum đã ồ ạt bị thanh lý trong thời gian qua theo chiều đi xuống của giá ETH, tiêu biểu như là vị thế của quỹ đầu tư Three Arrows Capital, tạo thêm áp lực bán tháo lên thị trường.

Một dự án lending đang gặp khó khăn khác là Celsius thì cũng có nhiều lệnh vay “khủng”, nhưng vì nạp thêm tài sản thế chấp kịp thời nên tạm tránh được nguy cơ.

Vào sáng 19/06, cộng đồng Ethereum đã một phen hú vía khi lệnh vay thế chấp bằng 152.000 ETH (hơn 150 triệu USD) trên Aave suýt chút nữa đã bị thanh lý. Mặc cho ETH đã có lúc dump về 881 USD, thấp hơn giá thanh lý 895 USD của lệnh vay, nhưng vì biến động diễn ra quá nhanh nên oracle Chainlink đã không kịp update giá cho Aave, nên lệnh này vẫn chưa bị thanh lý. Ví này được cho là của Cai Wensheng, nhà sáng lập ứng dụng chỉnh sửa ảnh Meitu phổ biến của Trung Quốc.

Song, một lệnh vay thế chấp bằng 71.863 ETH (hơn 66 triệu USD) trên Liquity đã bị thanh lý vào sáng nay. Đây là lệnh thanh lý lớn nhất lịch sử dự án.

Ví cá voi “bất động” đe dọa Solend

Tuy nhiên, nền tảng lending Solend của hệ Solana thì lại đang “đau đầu” với một lệnh vay “khủng” đến 108 triệu USD stablecoin USDC/USDT và thế chấp bằng 5,7 triệu SOL, trị giá khoảng 172 triệu USD ở thời điểm thực hiện bài viết (giá SOL 31,65 USD).

Địa chỉ ví 3oSE9CtGMQeAdtkm2U3ENhEpkFMfvrckJMA8QwVsuRbE là người vay lớn nhất của Solend, chiếm 25% TVL của dự án, 95% lượng SOL được nạp vào Solend và 88% lượng USDC được vay – cho thấy tầm quan trọng cua “cá voi” này cũng như rủi ro đặt ra trong trường hợp bị thanh lý.

Vấn đề nằm ở chỗ ví 3oSE… đã ngừng hoạt động từ cách đây 12 ngày và mọi nỗ lực liên lạc từ phía Solend nhằm kêu gọi người này trả bớt nợ hoặc tăng thêm tài sản thế chấp để giảm thiểu rủi ro thanh lý là vô vọng. Kể cả nhà sáng lập của Solend là 0xrooter cũng đã lên Twitter kêu gọi cộng đồng lan truyền tin tức với nhằm biết đâu có thể tiếp cận đến “cá voi” cũng không lại kết quả gì từ ngày 15/06 đến nay.

Ví 3oSE… còn đang phải trả lãi vay đến khoảng 140.000 USD mỗi ngày.

Theo ước tính của Solend, nếu giá SOL giảm về mức 22.30 USD, lệnh vay trên sẽ bị thanh lý 20% giá trị vay – tương đương khoảng 21 triệu USD. Dự án lo ngại các sàn DEX của Solana sẽ không có đủ thanh khoản để xử lý lượng SOL mà Solend xả ra, do đó dự án có thể gặp phải “nợ xấu” và phải tự gồng khoản lỗ ấy.

Giá SOL sáng 19/06 đã có lúc giảm về tận 25,86 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 07/2021, trước khi phục hồi lên 31,65 USD ở thời điểm viết bài.

Đồ thị 1D của cặp SOL/USDT trên sàn Binance vào lúc 05:25 PM ngày 19/06/2022

Solend muốn chiếm quyền kiểm soát ví cá voi

Chính vì vậy, vào chiều 19/06, Solend đã đăng tải một đề xuất để xin ý kiến cộng đồng về nước đi tiếp theo. Đây là đề xuất quản trị đầu tiên trong lịch sử của Solend kể từ khi đi vào hoạt động từ giữa năm 2021.

Cụ thể, dự án muốn:

– Áp đặt mức ký quỹ mới cho cá voi. Bất kỳ tài khoản nào vay từ 20% giá trị Main Pool của Solend trở lên thì sẽ chỉ bị thanh lý nếu giá trị tài sản thế chấp giảm về bằng 35% so với mức ban đầu, thay vì 85% như trước.

– Trao cho đội ngũ Solend “quyền lực khẩn cấp” để chiếm quyền kiểm soát tài khoản ví 3oSE… và tiến hành thanh lý tài sản nếu như cần thiết qua các đối tác OTC thay vì sản DEX của Solana. Quyền này sẽ bị thu hồi khi ví 3oSE… trở về trạng thái an toàn.

Lý do được Solend đưa ra là vì lợi ích của người dùng nền tảng nói riêng và cộng đồng Solana nói chung, dự án không thể làm ngơ và để ví cá voi trên bị thanh lý vì nó có thể dẫn đến rủi ro dây chuyền cho các sàn DEX như Serum và Orca của Solana. Hướng giải quyết tốt nhất vẫn sẽ là thanh lý tài sản của 3oSE… nhưng mà thông qua các đơn vị OTC để vừa đảm bảo không tác động lên giá trên thị trường, vừa giữ cho Solend không bị nợ xấu.

Nhà sáng lập Solend 0xrooter khẳng định trong trường hợp xấu nhất, Solend có thể bị nợ xấu đến 100 triệu USD và khiến quỹ dự trữ 20 triệu USD của dự án “bốc hơi”.

Phản ứng của cộng đồng

Cuộc bỏ phiếu hiện đã bắt đầu và sẽ kết thúc vào khoảng 09:36 PM ngày hôm nay (giờ Việt Nam). Hiện đã có hơn 6.500 phiếu bầu, với tỷ lệ đồng ý là 76,5%. Để bỏ phiếu, người dùng cần kết nối ví Solana và sử dụng token SLND của Solend để bầu.

Dù Solend có ý định tốt với đề xuất trên, song việc đơn phương chiếm quyền kiểm soát tài khoản của người khác là đi ngược lại với mọi nguyên tắc phi tập trung của DeFi, tạo nên một tiền lệ nguy hiểm cho tương lai.

“Tuy đây là một giải pháp điên rồ và triệt để, là cú tát thẳng vào mặt các triết lý của DeFi, nhưng nó có thể là lựa chọn tốt hơn nếu xét về lợi ích của thị trường và dự án. Điều đáng buồn là ta chỉ lo cho rủi ro tập trung của các cá voi khi giá giảm, chứ không phải lúc giá tăng.”

Có người cho rằng đây là “thất bại thị trường” và nên được giữ nguyên để làm bài học.

“Đây đáng ra phải là một hình thức tài chính mở và phân quyền. Code là luật. Những tham số trên đã được quy định với dự án từ đầu. Việc có hành động để ngăn chặn thanh lý là có thể hiểu được. Nhưng tôi không đồng ý với việc dừng/thay đổi tham số dựa trên một cuộc bỏ phiếu mà có thể bị thao túng bởi số ít.

Theo tôi thì nếu bạn có sức chơi thì phải có sức chịu. Solend và người dùng sẽ bị thiệt hại nặng nhưng đó là cái giá phải trả. Những giao thức nên nhận thức rõ rủi ro hơn. Khi bạn nợ ngân hàng 1 triệu USD, ngân hàng có thể tác động lên bạn. Nhưng nếu bạn nợ ngân hàng 1 tỷ USD thì bạn mới là người nắm thóp ngân hàng. Gieo nhân nào thì gặt quả đó thôi.”

Coin68 tổng hợp

Có thể bạn quan tâm:

-19/06/2022
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68