Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đã cung cấp sự rõ ràng pháp lý liên quan đến hoạt động khai thác tiền mã hóa sử dụng cơ chế Proof-of-Work.
SEC: Cơ chế đào coin Proof-of-Work không vi phạm luật chứng khoán
Trong thông báo mới được đưa ra, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đã làm rõ lập trường chứng khoán đối với hoạt động khai thác tiền mã hóa theo cơ chế đào coin, hay còn được biết đến với thuật ngữ Proof-of-Work.
JUST IN: 🇺🇸 SEC publishes guidance on proof of work mining 👀 pic.twitter.com/YSKhrESy4Q
— Bitcoin Magazine (@BitcoinMagazine) March 20, 2025
Cụ thể, Bộ phận Tài chính Doanh nghiệp thuộc SEC lập luận cơ chế Proof-of-Work sẽ không bị tính vào phạm trù chào bán chứng khoán.
“Quan điểm của SEC là người tham gia vào hoạt động đào tiền mã hóa sẽ không cần phải đăng ký hoạt động lên ủy ban theo như Luật Chứng khoán, hoặc bị tính vào ngoại lệ đăng ký theo Luật Chứng khoán.”
Proof-of-Work (bằng chứng công việc) là cơ chế đồng thuận phổ biến trong blockchain, yêu cầu người tham gia (thợ đào) mạng lưới phải sử dụng năng lực tính toán để giải một bài toán mã hóa phức tạp nhằm giành quyền hoàn thành xác minh giao dịch và tạo block mới. Đổi lại, thợ đào sẽ nhận được phần thưởng block, tức các đồng coin mới sinh ra từ chính block đó.
Proof-of-Work hiện đang được sử dụng bởi các blockchain lâu đời, bao gồm Bitcoin, Litecoin, Dogecoin,...
Trong khi đó, cơ chế đồng thuận Proof-of-Stake được nhiều blockchain mới hơn như Ethereum sử dụng lại yêu cầu người tham gia mạng lưới phải khóa tài sản lại để xác thực giao dịch
Có thể thấy trong khi Proof-of-Work có sự tách biệt về chi phí đầu tư bỏ ra và tài sản nhận lại từ blockchain, Proof-of-Stake thì cho phép người tham gia sử dụng tài sản gốc của blockchain để sinh lợi thêm từ đó, dẫn đến nguy cơ bị quy vào phạm trù chứng khoán theo luật pháp Mỹ.
SEC vẫn đang sử dụng Phép thử Howey để xác định trạng thái chứng khoán của một loại tài sản, dựa trên 4 tiêu chí gồm:
- Một khoản đầu tư bằng tiền;
- Khoản đầu tư đó được thực hiện vào một doanh nghiệp chung;
- Nhà đầu tư có kỳ vọng lợi nhuận;
- Lợi nhuận được sản sinh ra từ nỗ lực của người khác.
Thông báo mới của SEC diễn giải:
“Hoạt động đào coin của thợ đào không được thực hiện với kỳ vọng lợi nhuận đến từ nỗ lực của người khác. Thay vào đó, thợ đào bỏ ra năng lực tính toán của bản thân, gia tăng tính bảo mật cho mạng lưới và được nhận thưởng đúng theo lập trình của giao thức.”
SEC cũng cho rằng các mining pool khi kết hợp năng lực tính toán cùng nhau và chia sẻ phần thưởng block sau đó cũng không có kỳ vọng lợi nhuận đến từ nỗ lực của người khác, do đó cũng không cấu thành quan hệ chứng khoán.
Lập trường trên của SEC đã cung cấp sự rõ ràng về mặt pháp lý cho hoạt động khai thác các đồng coin Proof-of-Work, từ đó tạo điều kiện cho lĩnh vực này có thể tiếp tục phát triển ở Mỹ.
Theo thống kê từ The Chain Bulletin, Hoa Kỳ vẫn đang là quốc gia dẫn đầu về hashrate khai thác Bitcoin, chiếm 37,84% thị phần. Các quốc gia xếp sau đó lần lượt là Trung Quốc (21,11%), Kazakhstan (13,22%), Canada (6,48%), Nga (4,66%) và Đức (3,06%).
Phân bổ hashrate khai thác Bitcoin toàn cầu. Nguồn: The Chain Bulletin (21/03/2025)
Kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, ông đã có nhiều động thái cải tổ các cơ quan quản lý tài chính ở Mỹ gồm SEC và CFTC, yêu cầu họ nới lỏng quy định quản lý crypto. Như đã được Coin68 đưa tin, SEC sắp bổ nhiệm tân Chủ tịch mới có quan điểm cởi mở với tiền số là ông Paul Atkins.
Ở thời điểm hiện tại, dưới sự dẫn dắt của quyền Chủ tịch Mark Uyeda, SEC đã thiết lập nhóm công tác chuyên trách về crypto, cải tổ bộ máy nhân sự, bãi bỏ các vụ kiện đối với các công ty trong lĩnh vực tiền mã hóa gồm Coinbase, OpenSea, Robinhood, Consensys (MetaMask), Uniswap, Kraken, Yuga Labs, Cumberland KRW, BitClout và Ripple.
Ủy ban Chứng khoán Mỹ còn cởi mở tiếp nhận các hồ sơ đăng ký ETF cho nhiều altcoin và cân nhắc khả năng cho phép staking, cũng như khẳng định memecoin không phải là chứng khoán.
Coin68 tổng hợp