logo
  • Tin tức
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • Kiến Thức
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • Kiến Thức
  • E-Magazine
  • Góc nhìn

Ordinals – Inscription – Bitcoin NFT và những điều cần biết

-19/03/2023

Ordinals – Inscription – Bitcoin NFT và những điều cần biết

Rạng sáng ngày 02/02/2023 mạng lưới Bitcoin đã mint một block nặng nhất lịch sử có kích thước 4MB, cao gấp 4 lần so với giới hạn 1MB thông thường. Nguyên nhân là có một giao dịch được “điều khắc” hình ảnh lên nó, giao dịch này gần như đã chiếm trọn không gian của block <774628>

Block này đã trở thành cột mốc lịch sử cho Bitcoin NFT, mở đường cho phong trào Bitcoin NFT hay Ordinals Inscription từ đó về sau.

Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng đào sâu về Bitcoin NFT và những tác động của nó tới thị trường.

Các khái niệm

Nếu đã quen thuộc với khái niệm NFT, chắc hẳn bạn sẽ hiểu được đặc thù của nó là tính độc nhất và không thể xếp chồng như token.

- Xem thêm: NFT là gì? Tìm hiểu những điểm đặc biệt khiến NFT trở nên cực hot

Trên các mạng lưới Blockchain khác như Ethereum hay BNB Chain có các bộ tiêu chuẩn (hay còn gọi là bộ quy tắc) dành riêng cho việc tạo ra các NFT như ERC-721, ERC-1155. Các tiêu chuẩn này yêu cầu các token (NFT) tạo trên nó phải hoạt động theo những quy tắc nhất định, giúp người dùng và các ứng dụng dễ dàng tạo và tương tác với các token (NFT) này.

Mạng lưới Bitcoin thì không như vậy, mạng lưới Bitcoin không hỗ trợ chuẩn riêng cho việc tạo ra các NFT. Bitcoin Blockchain chỉ có duy nhất hệ thống dành cho việc xác nhận giao dịch gọi là Bitcoin Transaction Protocol. Cũng chính vì vậy, Bitcoin không thể xây dựng các smart contract trên nó được, đây cũng là điểm khác biệt lớn nhất giữa Bitcoin so với Ethereum và các Blockchain thế hệ sau này.

Kể từ khi ra đời vào ngày 03/01/2009 tới nay, ứng dụng duy nhất của Bitcoin vẫn chỉ là lưu trữ giá trị. Mặc dù Bitcoin vẫn làm rất tốt nhiệm vụ của mình, tuy nhiên những nhà cách mạng thì không muốn dừng lại ở đó, họ muốn mạng lưới Bitcoin phải bận rộn hơn, có nhiều tính ứng dụng hơn. Với những lý tưởng như vậy, một kỹ sư phần mềm tên Casey Rodarmor đã tạo ra giao thức Ordinals – thứ cho phép người dùng mint NFT trên mạng lưới Bitcoin.

Một số thuật ngữ thường sử dụng trong Bitcoin NFT

Ordinals: là tên giao thức phép tạo ra các NFT trên mạng lưới Bitcoin. Trong tài liệu chính thống của Ordinals cũng đề cập tới “ordinal number” chỉ số thứ tự của các sats. Sats là đơn vị nhỏ nhất của Bitcoin, 1 BTC = 100.000.000 sats, mỗi sats này đều có số thứ tự riêng mỗi khi nó được tạo ra.

Inscription: là nội dung được khắc lên sats để tạo ra Bitcoin NFT. Bạn cũng có thể hiểu Inscription là NFT trên mạng lưới Bitcoin.

Inscribe: là hoạt động khắc Inscription lên sats, tương tự như hoạt động “mint” đối với các NFT thông thường.

Digital Artifact: là thuật ngữ nhà sáng lập đặt cho các NFT được lưu trữ với tiêu chuẩn cao hơn NFT thông thường. Theo đó, để một NFT là Digital Artifact nó phải có những tính chất sau: phi tập trung, bất biến, full on-chain và không thể bị hạn chế.

Để dễ hình dung bạn có thể hiểu Inscription là NFT trên mạng lưới Bitcoin, và Inscription là một loại Digital Artifact. Digital Artifact là một phân loại nhỏ nằm trong NFT có những tính chất cao cấp hơn theo đề cập của tác giả. Digital Artifact không nhất thiết phải thuộc mạng lưới Bitcoin.

Trong khuôn khổ bài viết, để độc giả dễ hiểu, tác giả sẽ sử dụng Bitcoin NFT với ý nghĩa là Inscription hay NFT trên mạng lưới Bitcoin, và “mint” hoặc “điêu khắc” với ý nghĩa là Inscribe.

Cách một Bitcoin NFT được tạo ra

Như đã giải thích trong phần trên, các Blockchain khác như Ethereum có bộ tiêu chuẩn riêng hỗ trợ tạo ra NFT một cách nhanh chóng, nhưng mạng lưới Bitcoin thì khó khăn hơn nhiều. Bitcoin không hỗ trợ xây dựng smart contract trên nó, việc tạo ra NFT trước năm 2017 là bất khả thi.

Nhờ vào sự xuất hiện của bản nâng cấp SegWit 2017Taproot 2021 là bước đệm hoàn hảo cho sự ra đời của Bitcoin NFT, đặc biệt là đề xuất Tapscript (BIP342) nằm trong bản nâng cấp Taproot cho phép các giao dịch được thực hiện theo hướng dẫn chỉ định. Nhà sáng lập Ordinals đã tận dụng điều này để đính kèm các thông tin NFT vào giao dịch để tạo ra Bitcoin NFT.

Cơ chế

Sau mỗi giao dịch Bitcoin sẽ tạo ra UTXO (Unspent Transaction Output) – nó như một chứng chỉ chứng nhận số dư của bạn và được lưu trên mạng lưới Bitcoin.

Giao thức Ordinals cho phép đính kèm thông tin NFT (Inscription) của bạn vào các UTXO hay còn gọi là khắc NFT vào Bitcoin, dĩ nhiên dữ liệu được “điêu khắc” đã được mã hóa thành dạng chuỗi trước đó. Nói theo cách khác, Ordinals khắc NFT lên chứng nhận số dư của bạn.

Đơn vị nhỏ nhất của Bitcoin là Satoshi (1 BTC = 100.000.000 sats) vậy thì số lượng BTC nhỏ nhất có thể lưu trữ và giao dịch được là 1 sats, tương ứng với đó 1 BTC sẽ tạo ra nhiều nhất 100.000.000 NFT. Giao thức Ordinals cho phép theo dõi từng sats đơn lẻ và khắc thông tin NFT lên nó, các Bitcoin NFT này được lưu hoàn toàn on-chain trên mạng lưới Bitcoin và có thể chuyển qua lại được thông qua Ordinals.

Khác biệt giữa Bitcoin NFT và NFT truyền thống

Trở lại với các “NFT truyền thống”, thông thường mỗi NFT gồm 2 phần:

  • Thông tin token: được triển khai từ smart contract và lưu trữ hoàn toàn on-chain.
  • Metadata: nội dung của NFT, thường được lưu trữ trên các hệ thống lưu trữ phi tập trung như IPFS, cũng có thể là hệ thống lưu trữ tập trung. Metadata được link với Token thông qua một trường thông tin on-chain của token là tokenURI.

Với Bitcoin NFT thì khác, toàn bộ thông tin về NFT được lưu trữ hoàn toàn on-chain, từ đó tạo nên những điểm khác biệt so với “NFT truyền thống”.

  • Thứ nhất, Bitcoin NFT được kế thừa hoàn toàn đặc tính của Bitcoin là sự phi tập trung hoàn toàn, tính minh bạch, bảo mật và bất biến một khi nó đã được lưu trữ trên mạng lưới.
  • Thứ hai là khả năng kiểm duyệt nội dung, bất cứ ai chạy một full node BItcoin đều có thể tạo ra Bitcoin NFT, vì vậy không thể kiểm soát được nội dung mà người dùng đưa lên, cho dù đó là những nội dung nhạy cảm.
  • Thứ ba là về cách xác định độ quý hiếm, đối với “NFT truyền thống” độ quý giá của nó được xác định bằng giá trị nghệ thuật, giá trị sử dụng,… nhưng với Bitcoin NFT, một nhân tố mới được bổ sung chính là con số thứ tự sats mà NFT được khắc vào.

Lý thuyết của Ordinals chia độ hiếm cho các sats thành 6 loại:

  • common: bất kỳ satoshi nào không phải là satoshi đầu tiên trong block của nó;
  • uncommon: sat ở vị trí đầu tiên của mỗi block;
  • rare: sat đầu tiên của mỗi lần điều chỉnh độ khó;
  • epic: sat đầu tiên của mỗi mùa Bitcoin Halving;
  • legendary: sat đầu tiên của mỗi chu kỳ;
  • mythic: sat đầu tiên của block genesis.

Bạn có thể tìm hiểu thêm về hệ thống phân loại độ hiếm của Ordinals tại đây.

Đọc thêm về cách xác định giá trị của dự án NFT trong bài viết: Phân tích một bộ sưu tập NFT theo giá trị cốt lõi.

Tác động của Bitcoin NFT tới thị trường

Từ khi xuất hiện Bitcoin vẫn được xem như là một nơi để lưu trữ giá trị, xa hơn nữa là phương tiện thanh toán khi mà El Salvador hợp pháp hóa BTC. Nhưng lần này, có vẻ Bitcoin đã đi xa hơn những gì nhà sáng lập Satoshi Nakamoto có thể nghĩ tới. Bitcoin NFT không chỉ tác động tới sự vận hành của mạng lưới Blockchain, mà còn có ảnh hưởng đến nền kinh tế crypto.

Đối với mạng lưới Bitcoin Blockchain

Kể từ sau block 4MB lịch sử, con số Inscription được tạo ra trên mạng lưới Bitcoin đang tăng lên từng ngày theo kiểu “only up”. Hiện tại đã có gần 500.000 Inscription được tạo ra.

Nguồn: Dune Analytics

Nguồn: Dune Analytics

Cùng với đó là kích thước mỗi block thường xuyên nặng hơn so với trước đây, bởi lẽ nhu cầu khắc Inscription ngày một lớn từ cộng đồng. Điều này mang tính hai mặt:

  • Kích thước block trở nên nặng hơn khiến mạng lưới Bitcoin ngày càng trở nên cồng kềnh khiến các miner phải liên tục nâng cấp phần cứng để đáp ứng và cũng là rào cản cho những “miner tay bé”.
  • Ở chiều ngược lại, mạng lưới bận rộn hơn, đồng nghĩa với việc miner sẽ kiếm được nhiều phí hơn từ các giao dịch. Khi mà mỗi mùa Halving qua đi, phần thưởng từ việc đào Bitcoin sẽ giảm đi một nửa thì Bitcoin NFT mở ra cánh cửa khác để các miner có thêm động lực “bật app”.

Một điểm có lợi nữa cho mạng lưới Bitcoin đó là kéo theo sự phát triển của Bitcoin NFT, nhiều dịch vụ Inscribe – điêu khắc NFT sẽ mọc lên nhằm phục vụ nhu cầu, mà cần phải chạy full node để có thể cung cấp dịch vụ, từ đó làm mạng lưới Bitcoin trở nên phi tập trung hơn.

Các block của Bitcoin thường xuyên có dung lượng nặng hơn so với trước đây

Đối với nền kinh tế crypto

Như thông điệp mà block 4MB lịch sử muốn truyền tải “Make Bitcoin magic again”.

  • Trào lưu Bitcoin NFT gắn liền với cuộc cách mạng đưa giá trị và tính ứng dụng của Bitcoin đi xa hơn nữa. Bitcoin NFT giúp thu hút được nhiều sự chú ý từ cộng đồng, từ đó gia tăng giá trị cho Bitcoin.
  • Giờ đây, những Bitcoin holder đã có nhiều tiện ích hơn cho những đồng Bitcoin đang nắm giữ.
  • Thêm vào đó, việc khắc NFT lên Bitcoin sẽ khuyến khích chủ sở hữu giữ nó thay vì bán. Cũng giống như khi khi bạn khắc một bức tranh yêu quý lên thỏi vàng, bạn sẽ muốn giữ nó hơn là bán đi.

Hạn chế của Bitcoin NFT

Nhưng vẫn còn đó những điểm hạn chế của Bitcoin NFT:

  • Đầu tiên về mặt chi phí, mạng lưới bận rộn hơn đồng nghĩa với người dùng có thể sẽ phải trả phí cao hơn cho mỗi giao dịch của mình, mặc dù nó chẳng liên quan gì tới NFT.
  • Hiện tại hạ tầng dành cho Bitcoin NFT mới ở giai đoạn đang phát triển, còn nhiều hạn chế về độ thân thiện với những người dùng “non-tech”.
  • Giá của các Bitcoin NFT đang bị fomo quá cao.
  • Nhiều dự án rác mọc lên nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng.
  • Sự không thể kiểm duyệt cũng là một điểm mang tính văn hóa cần được xem xét.

Bitcoin NFT và hơn thế nữa

Không chỉ dừng lại ở việc mua/bán/lưu trữ NFT, Bitcoin NFT là khởi đầu cho một nền kinh tế xoay quanh những tấm JPEG trên mạng lưới Bitcoin. Các dịch vụ tạo Inscription, Marketplace, Wallet, Swap đã xuất hiện. Tương lai chúng ta đáng mong chờ một hệ sinh thái DeFi nở rộ trên Bitcoin.

Sự xuất hiện của Bitcoin NFT đã tạo ra một cuộc chiến nảy lửa giữa 2 phe. Một phe coi đó là sự cải cách gia tăng lợi ích cho Bitcoin, phe còn lại thì nghĩ rằng Bitcoin NFT là không cần thiết, nó đang tấn công vào mạng lưới Bitcoin.

Hệ sinh thái Ordinals

Lưu ý: Dưới đây là những dự án nổi bật được cộng đồng dành nhiều sự quan tâm theo quan sát cá nhân của tác giả, tất cả chỉ vì mục đích cung cấp thông tin không phải lời khuyên tài chính.

Các bộ sưu tập Bitcoin NFT nổi bật

Các bộ sưu tập NFT nổi bật trên mạng lưới Bitcoin

Taproot Wizards

Không thể không nhắc tới Taproot Wizards bộ sưu tập mang tính dấu ấn lịch sử, NFT đầu tiên của bộ sưu tập chính là thứ tạo nên block 4MB lịch sử.

Taproot Wizards là bộ sưu tập gồm 2121 NFT hình phù thuỷ với nét vẽ đơn giản lần đầu xuất hiện trên Reddit r/Bitcoin, sau đó được hỗ trợ bởi Udi Wertheimer với thông điệp “Make Bitcoin magic again”.

Bitcoin Rocks

Lấy cảm hứng từ Ether Rock, một trong những bộ sưu tập nổi tiếng trên Ethereum. Bitcoin Rocks là bộ sưu tập gồm 100 NFT hình tảng đá. Bitcoin Rocks có dải Inscription trong khoảng từ 71 tới 241. Giá sàn hiện tại của Bitcoin Rocks dao động khoảng 10 BTC (~ 260.000 USD).

Ordinal Punks

Punks thường là dòng đại diện cho những NFT đầu tiên trong một không gian nào đó, đối với Ordinals cũng vậy. Ordinal Punks kế thừa tinh thần tiên phong đó và tiến vào mạng lưới Bitcoin với 100 NFT được mint tại 650 Inscription đầu tiên. Hiện tại, giá sàn của Ordinal Punk khoảng 4,75 BTC (~ 127.000 USD).

Bitcoin Punks

Một bộ sưu tập chủ đề Punks khác trên mạng lưới Bitcoin, điểm nhấn của Bitcoin Punks nằm ở chỗ là nó bộ sưu tập có 10.000 NFT đầu tiên triển khai trên Bitcoin thông qua Ordinals. Hiện tại, giá sàn của Bitcoin Punks khoảng 0,67 ETH (~ 1.139 USD). Bitcoin Punks cũng là bộ sưu tập đầu tiên được hỗ trợ và bày bán trên OKX NFT Marketplace.

Twelvefold

Bộ sưu tập gồm 300 NFT phát hành bởi Yuga Labs trên mạng lưới Bitcoin. Twelvefold là bộ sưu tập dạng generative art được Yuga Labs mô tả là sự kết hợp của nhiều yếu tố như thời gian, toán học, logic, blockchain. Sau đó được thể hiện ra bằng các hình khối 3D trên một lưới 12×12 với 4 dải màu thể hiện cho 4 mùa xuân, hạ, thu, đông, từ đó tạo nên những tấm art độc nhất.

Ngày 06/03/2023, Twelvefold chính thức mở phiên đấu giá 288 NFT, có tổng cộng 3.246 người tham gia với tổng giá trị 735,7 BTC (~ 16 triệu USD). Giá thầu cao nhất là 7,1159 BTC (~ 184.000 USD) cho một NFT Twelvefold.

DeGods

DeGods – một trong những bộ sưu tập nổi tiếng nhất được phát hành trên Solana ngày đầu cũng đã đặt chân lên mạng lưới Bitcoin. Ngày 14/03/2023, DeGods đã chính thức chuyển toàn bộ 535 NFT đã bị thiêu huỷ trước đây lên mạng lưới Bitcoin trong một block duy nhất. 535 NFT này cũng nhanh chóng được “sold out” sau đó, giá của mỗi NFT là 0,333 BTC.

Các dự án nổi bật khác trong hệ sinh thái Ordinals

Ngoài các bộ sưu tập NFT, hệ sinh thái Ordinals đã bắt đầu chớm nở các dự án về ví, marketplace và Inscribe Tool – công cụ để “điêu khắc” NFT.

Hệ sinh thái Ordinals

Tổng kết

Tuy rằng Ordinals đã gây được nhiều sự chú ý và dành được sự ủng hộ của nhiều tên tuổi lớn trong thời gian vừa qua, nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn cần giải quyết. Mỗi sự đổi mới đều gặp phải những luồng ý kiến trái chiều, Ordinals mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu, tương lai chúng ta có thể mong chờ một sự bùng nổ để “Make Bitcoin magic again”.

Kudō

-19/03/2023
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là cổng thông tin tiền mã hóa bằng tiếng Việt nhanh nhất và chính xác nhất, mang lại cho độc giả cái nhìn tổng quan về lĩnh vực tiền mã hóa và tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68