Anh em tham gia thị trường DeFi chắc khá quen với khái niệm lãi suất APY hay APR. Tuy nhiên, một điều ít anh em để ý, đó là mức lãi suất cho vay trên các sản phẩm DeFi thường biến động rất mạnh, đặc biệt là theo nhịp sóng của thị trường và giá token. Hôm nay, hãy cùng điểm qua các sản phẩm lending có mức lãi suất ổn định và đánh giá xem liệu đây có là xu hướng trong tương lai không nhé?
Lãi suất vay linh hoạt (Variable APY)
Trước tiên, hãy cùng tìm hiểu qua mô hình lãi vay biến động hiện tại và những vấn đề có thể phát sinh.
Đầu tiên, mô hình lãi biến động này không phù hợp cho các tổ chức lớn. Anh em đầu tư cá nhân thì có thể không quá quan tâm đến sự biến động của lãi suất, nay 5% cũng được mai 10% cũng oke. Tuy nhiên, với các tổ chức lớn, sự biến động này sẽ làm bảng kế hoạch sử dụng vốn của họ trở nên khó kiểm soát.
Các doanh nghiệp lớn tất nhiên sẽ không rủi ro đánh cược vào các khoản vay trên không gian DeFi với biến động nhảy theo thị trường như hiện nay. Do đó, dễ hiểu vì sao DeFi vẫn khó tiếp cận được với các tổ chức truyền thống.
Thứ hai, mô hình lãi suất biến động có thể bị điều khiển bởi các cá voi. Điển hình nhất là vụ việc Justin Sun sau khi rút khoản tiền thế chấp của mình khỏi Aave, đã làm lãi suất cho vay trên nền tảng này tăng vọt. Một vài thông tin bên lề cho biết động thái trên từ Justin Sun đó là vì lo ngại những lỗi tiềm tàng trong sản phẩm của dự án. Anh em nào quan tâm thì có thể tìm đọc chi tiết ở bài dưới đây.
>> Xem thêm: Justin Sun rút 4,2 tỷ USD khỏi Aave, lo ngại có lỗ hổng bảo mật
Trở lại câu chuyện lãi suất bị điều khiển bởi cá voi. Khi xuất hiện những cú sốc về lãi suất, điều này có thể dẫn đến dòng chảy không ổn định của tài sản giữa các sản phẩm DeFi, đồng thời gây ra những rủi ro bị tấn công tiềm tàng.
Giải pháp fixed-rate
Các giải pháp fixed-rate sẽ tạo ra các pool (hoặc có sản phẩm sẽ dùng khái niệm Tranche) với mức lãi cam kết và độ rủi ro khác nhau. Tài sản người dùng gửi vào các Tranche này sẽ được đem đi cho vay trên các giải pháp lending cũ (Aave, Compound,..), sau nó lợi nhuận từ lãi vay sẽ được phân bổ ngược lại cho các pool tài sản ban đầu. Các pool ít rủi ro, có mức lãi cam kết thì luôn được ưu tiên hưởng lãi trước, phần lãi còn lại sẽ được phân bổ cho các pool có mức rủi ro cao hơn.
Dưới đây là một ví dụ về 2 dạng pool gồm Pool cố định (rủi ro thấp) và Pool lãi biến động (rủi ro cao):
- Pool cố định (ví dụ lãi suất là 10%): tài sản cho vay trong pool sẽ được đảm bảo nhận 10% như giao ước ban đầu.
- Pool biến động: nếu toàn bộ tài sản trên nền tảng đem đi cho vay thu được lãi suất là X, thì phần nhận về của pool biến động này sẽ là X – 10% (sau khi đã ưu tiên trả lãi cho pool cố định). Ví dụ, nếu tổng tài sản thu về lãi 30%, 10% sẽ luôn được ưu tiên cho pool cố định, còn 20% sẽ cho pool biến động này. Ngược lại, nếu khoản vay không tạo ra đủ 10% lãi, tài sản trong pool biến động này sẽ được cấn trừ để trả đủ 10% cho pool cố định ở trên.
Như vậy, pool cố định sẽ có mức lãi cam kết cố định thấp và rủi ro thấp, còn pool biến động sẽ có mức lãi cao, cùng rủi ro có thể bị cấn trừ tài sản nếu nền tảng không đủ sức tạo ra lãi suất cam kết.
Tùy sản phẩm mà dự án có thể chia ra nhiều tầng pool khác nhau để đảm bảo đáp ứng được đa dạng nhu cầu cho vay của người dùng.
Ngoài ra, vẫn xuất hiện một hướng đi khác là chủ động phân chia khoản tiền người dùng cho vay thành các khoản khác nhau, rồi từ đó deposit vào các loại pool. Đại diện của mảng này là Barnbridge. Tuy nhiên, nhìn chung thì giải pháp này chỉ giúp làm giảm độ biến động về lãi suất, chứ không thể cố định lãi suất toàn phần như giải pháp được phân tích ở trên.
Rủi ro của mô hình fixed-rate
Rủi ro đầu tiên sẽ là vì nhóm sản phẩm này vẫn sẽ cho vay trên nền tảng của các mô hình truyền thống như Aave, Compound,.. cho nên những hạn chế của mô hình cũ vẫn sẽ được xuất hiện trong sản phẩm fixed-rate. Cụ thể, những người gửi tài sản cho vay ở pool số 2 (với lãi suất động) sẽ là người chịu rủi ro này.
Thứ hai, rủi ro sẽ phát sinh từ việc xác định và quản lý lãi suất cố định. Lãi cam kết của nền tảng có hợp lý? Lí do lập luận nào để nền tảng cam kết với người cho vay mức lãi suất cố định trên? Liệu xác định một mức lãi cố định có khiến sản phẩm tập trung quyền lức vào đội ngũ xây dựng dự án? Những câu hỏi này vẫn sẽ cần giải đáp trước khi các quỹ, các tổ chức lớn tin tưởng vào sản phẩm này.
Bản thân người cho vay cũng cần xem xét kỹ lưỡng mức cam kết của dụ án trước khi gửi tài sản để tránh những sự cố mất tài sản.
Cuối cùng, rủi ro vỡ nợ là có, khi về bản chất các tài sản cho vay là crypto và mức độ thanh khoản của tài sản này vẫn đang là dấu hỏi lớn. Đừng quên rằng cuộc khủng hoảng nhà đất 2008 cũng bắt nguồn từ những mô hình CDO, cho vay chồng chéo dựa trên giá trị thế chấp bị thổi phồng.
Một vài sản phẩm đi theo hướng fixed-rate
Nhóm sản phẩm đầu tiên đã có token và sản phẩm cũng thu được khoản TVL lớn bao gồm Tranchess (vừa được niêm yết trên Binance), Saffron, Barnbridge, Notional. Anh em có thể tham khảo về các sản phẩm này trong bài viết dưới đây.
>> Xem thêm: Hiểu về Saffron Finance và Phân cấp rủi ro trong DeFi
Nhóm thứ hai là các dự án chưa có token và nhiều khả năng sẽ retro cho người dùng có thể kể đến như Element Finance. Danh sách này thì bọn mình sẽ tiếp tục cập nhật cho anh em nào quan tâm.
Lưu ý, tất cả nội dung trên đây chỉ mang tính chất thông tin và không được xem là lời khuyên đầu tư.
Tạm kết
Như vậy là chúng ta đã cùng điểm qua một ngách sản phẩm của mảng lending đó chính là các nền tảng cho vay với lãi suất cố định. Hi vọng là những thông tin trên đây sẽ giúp anh em có góc nhìn toàn diện và sâu hơn về nhóm thị trường này.
Coin68 tổng hợp
Có thể bạn quan tâm: