Eclipse tự miêu tả mình là dự án "đứng trên vai những người khổng lồ" với thiết kế tận dụng tối đa điểm mạnh của các blockchain khác, như SVM từ Solana, Ethereum làm lớp xác thực và đồng thuận, Celesta với data availability. Dự án được kỳ vọng là Layer 2 với tốc độ siêu nhanh, khả năng mở rộng mạnh mẽ.
Eclipse là gì? Blockchain Layer 2 với kỳ vọng tốc độ nhanh nhất
Giới thiệu
Eclipse là một giải pháp mở rộng trên Ethereum theo hướng Layer 2 cho mục đích sử dụng chung (general-purpose). Eclipse được thiết kế với cấu trúc modular để tận dụng tối đa điểm mạnh của các blockchain khác, nó sử dụng SVM của Solana làm lớp thực thi, Ethereum làm lớp xác thực và đồng thuận, Celestia làm với data availability, bên cạnh đó Eclipse còn sử dụng RISC Zero để tạo ZK Proofs cho xác minh.
Nói theo định nghĩa từ phía dự án thì họ đang thiết kế một hệ thống “đứng trên vai người khổng lồ”.
Sản phẩm
Ở thời điểm trước đây Eclipse tập trung vào xây dựng giải pháp giúp triển khai các chuỗi rollup tùy chỉnh hay còn gọi là RaaS (Rollup as a Services). Nhưng các nhà phát triển đã nhận ra rằng điều Ethereum cần là một Layer 2 cho mục đích chung với khả năng mở rộng thực sự lớn. Bởi vì việc tạo ra các chuỗi với nhiều tùy chỉnh sẽ chỉ tăng thêm sự phân mảnh và giảm trải nghiệm người dùng. Do vậy định hướng phát triển hiện tại của Eclipse là trở thành một Ethereum Layer với tốc độ và khả năng mở rộng mạnh nhất.
Điều này được hiện thực hoá bởi mô hình modular blockchain với sự tham gia của nhiều blockchain có các thế mạnh tốt nhất hiện nay. Trong phần dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về cơ chế hoạt động của nó.
Nhưng trước tiên, bạn cần hiểu về Modular Blockchain và cách nó hoạt động. Dưới đây là các kiến thức căn bản cần đọc trong trường hợp bạn chưa biết.
Cơ chế hoạt động
Để tận dụng sức mạnh của các blockchain, Eclipse phân chia công việc thành 4 nhóm chính:
- Execution - Thực thi
- Proving - Tạo bằng chứng
- Settlement & Consensus - Xử lý và đồng thuận
- Data Availability - Cung cấp tính khả dụng của dữ liệu
Kiến trúc của Eclipse
Execution - Thực thi
Eclipse lựa chọn Solana Virtual Machine (SVM) cho lớp thực thi (execution). Sự lựa chọn này đến từ tốc độ của nó, khác với EVM và nhiều virtual machine khác chỉ chạy đơn luồng, SVM của Solana cho phép thực thi các giao dịch một cách song song miễn là những giao dịch đó không liên quan tới nhau. Chính vì tính chất này mà SVM luôn được xếp vào danh sách những môi trường thực thi có tốc độ tính toán hàng đầu.
Ngoài ra Eclipse cũng hỗ trợ các ứng dụng EVM thông qua Neon EVM để các lập trình viên không phải viết lại dApp nếu cần chuyển từ Ethereum qua.
Proving - Tạo bằng chứng
Eclipse sử dụng RISC Zero để tạo các bằng chứng gian lận (fraud proofs) Zero Knowledge. Bộ bằng chứng gian lận bao gồm:
- Cam kết đầu vào của giao dịch
- Nội dung giao dịch
- Các bằng chứng chứng minh việc thực hiện lại các giao dịch sẽ dẫn đến kết quả đầu ra khác với kết quả trên chuỗi.
Settlement & Consensus - Xử lý và đồng thuận
Tương tự như các Layer 2 khác, Ethereum sẽ là blockchain được lựa chọn làm lớp xử lý và đồng thuận cho Eclipse. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì cho đến hiện tại Ethereum vẫn là smart contract blockchain có tính phi tập trung cao nhất và an toàn nhất, những tác vụ liên quan tới xác thực được xử lý trên đây sẽ được thừa hưởng tính bảo mật của nó.
Chưa kể tới, Ethereum cũng là nền kinh tế sôi động nhất thị trường crypto, vì vậy đặt lớp xác thực và cầu nối trên này cho phép dòng tiền di chuyển qua lại cũng sẽ giúp Eclipse dễ thu hút thanh khoản và người dùng hơn.
Eclipse sử dụng ETH làm token thanh toán gas fee, trong tương lai, dự án có đề cập rằng người dùng có thể sử dụng các loại token khác cho công chuyện này (ví dụ USDC).
Data Availability - Cung cấp tính khả dụng của dữ liệu
Celestia sẽ làm lớp Data Availability cho Eclipse. Ngoài Ethereum mainnet, không có nhiều sự lựa chọn về lớp DA cho các dự án Modular giai đoạn này.
Celestia là một trong những dự án đi đầu và có sự thành công nhất mảng Data Availability với gần 100 dự án trong hệ sinh thái. Ngoài Celestia nhóm DA còn có một số cái tên khác như EigenDA, Avail, NearDA.
Sử dụng Celestia cho lớp DA sẽ giúp thông lượng giao dịch và giảm chi phí một cách đáng kể trên Eclipse.
Luồng thực thi của Eclipse
-
Tạo giao dịch: Người dùng tương tác với Eclipse thông qua dApp bằng các giao dịch.
-
Sắp xếp giao dịch: Sequencer là người tiếp nhận và sắp xếp thứ tự các giao dịch.
-
Sản xuất khối: Sau khi các giao dịch được sắp xếp nó sẽ được đưa vào bộ thực thi để tính toán, đầu ra của quá trình này là một trạng thái mới của mạng lưới. Có sự khác biệt của Eclipse so với các rollup khác là nó không tính toán trạng thái toàn mạng lưới, vì điều này sẽ gây ra sự tắc nghẽn trái ngược với mục tiêu thực thi song song, thay vào đó cam kết trạng thái được thực hiện thông qua sự khác biệt về trạng thái (state diff). Tiếp đó block này được đăng tải lên DA Layer là Celestia, đồng thời các cam kết trạng thái cũng được gửi xuống Settlement Layer là Ethereum. Hiện tại đội ngũ Eclipse là người duy nhất vận hành Sequencer và trình tạo khối, họ cũng có kế hoạch phi tập trung hóa trong tương lai.
-
Giải quyết giao dịch: Thông qua DA Attestation (từ Celestia) và Validity Proof (từ Sequencer), contract trên Ethereum sẽ thực hiện các bước tính toán cơ bản để bảo đảm rằng dữ liệu được định dạng chính xác. Kế đó là khoảng thời gian thử thách tuân theo cơ chế của Optimistic Rollup. Sau khoảng thời gian thử thách này nếu không có bằng chứng gian lận nào thành công trạng thái mới sẽ được cập nhật và lưu trữ vĩnh viễn.
Luồng thực thi trên Eclipse
Trên đây là toàn bộ cơ chế hoạt động của mạng lưới Eclipse, chúng ta sẽ quay lại với phần nhận xét sản phẩm tại mục nhận xét chung của bài viết này.
Đội ngũ phát triển
- Neel Somani - Founder: Neel là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển phần mềm. Trước khi thành lập Eclipse, Neel đã có quá trình làm việc tại nhiều vị trí liên quan tới lập trình ở các công ty khác nhau bao gồm: Citadel, Airbnb, Two Sigma, Oasis Labs.
- Vijay Chetty - CBO: Vijay có thể nói là người nhiều kinh nghiệm và quan hệ trong lĩnh vực cryptocurrency nhất team Eclipse. Vijay đã từng làm việc tại Uniswap Labs với vai trò Head BD và sau đó là Advisor, trước đó là các vị trị BD tại dYdX, SharesPost, Ripple. Vijay cũng đã có khoảng thời gian gần 3 năm làm việc tại BlackRock với vai trò Investment Associate và 2 năm làm Researcher tại NASA.
Đội ngũ của Eclipse khá kín tiếng, nên ngoài những nội dung trên chưa có nhiều thông tin của các thành viên khác.
Nhà đầu tư
Eclipse đã có 2 vòng gọi vốn với tổng số tiền đầu tư là 15 triệu USD.
- Vòng Pre-Seed diễn ra vào tháng 9/2022 dẫn đầu bởi Polychain Capital kêu gọi được 6 triệu USD. Các quỹ đầu tư khác có Polygon Ventures, Accel, Tribe Capital.
- Vòng Seed Round diễn ra vào tháng 12/2022 dẫn đầu bởi Tribe Capital và Tabiya. Ngoài ra còn có sự tham gia của Coinlist, Infinity Ventures. Số tiền huy động được ở vòng này là 9 triệu USD.
Nếu so sánh với các dự án Layer 2 khác trên Ethereum thì số tiền mà Eclipse kêu gọi được là rất ít. Có thể trong tương lai sẽ có thêm nhiều vòng gọi vốn khác.
Nhận xét chung
Ý tưởng của Eclipse xuất phát từ trải nghiệm người dùng, việc tạo ra hàng nghìn chuỗi rollup độc lập với mục đích riêng sẽ chỉ làm phân mảnh thanh khoản và khiến trải nghiệm người dùng trở nên tồi tệ, mỗi khi sử dụng một rollup họ lại cần nhiều thiết lập khác nhau.
Từ thực tế đó Eclipse cố gắng tạo ra một Rollup đủ sức mạnh và khả năng mở rộng để làm tất cả mọi việc thay thế cho hàng nghìn rollup kia. Đó cũng chính là lý do vì sao họ lựa chọn SVM làm môi trường thực thi, Parallel Execution sẽ giúp ích rất nhiều cho tầm nhìn này. Trong khi đó sự an toàn vẫn đến từ lớp bảo mật bởi Ethereum và công nghệ tạo bằng chứng Zero Knowledge.
Dự án bắt đầu hoạt động từ nửa đầu năm 2022, thời gian phát triển cũng đã tương đối dài, có lẽ một phần là vì do việc tích hợp nhiều blockchain khác nhau tạo ra rào cản về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên thời điểm hiện tại dự án đã đến giai đoạn triển khai Testnet và dự kiến mainnet trong năm 2024.
Lộ trình mainnet của Eclipse
Nhìn chung, Eclipse là một sản phẩm có tính đột phá khi thành công kết hợp nhiều module hiệu quả nhất lại với nhau. Bản cập nhật Dencun của Ethereum tới đây sẽ là chất xúc tác tốt cho xu hướng Layer 2 và tất nhiên là cả Eclipse.
Phần gọi vốn của Eclipse đang khá khiêm tốn so với các dự án chung danh mục, có thể sẽ có những vòng gọi vốn từ VC hoặc cộng đồng trong tương lai. Nhưng gọi vốn thấp đâu đó cũng là một điểm lợi cho nhà đầu tư nhỏ lẻ vì dự án sẽ không bị định giá quá cao.
Mặc dù dự án có đề cập rằng chưa có kế hoạch phát hành token riêng nhưng các bạn có thể tham gia Eclipse Testnet để vừa là trải nghiệm mạng lưới layer 2 tốc độ cao vừa có cơ hội nhận airdrop trong tương lai.
Lời kết
Trên đây là những thông tin về Eclipse, dự án được kỳ vọng là layer 2 với tốc độ siêu nhanh. Hy vọng những nội dung này sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình nghiên cứu.
Miễn trừ trách nhiệm: Thông tin trong bài viết không được xem là lời khuyên đầu tư, Coin68 không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định đầu tư nào của các bạn.
Kudō
Tham gia thảo luận về những vấn đề NÓNG HỔI nhất của thị trường DeFi tại nhóm chat Fomo Sapiens cùng các admin Coin68 nhé!!!