logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • Kiến Thức
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • Kiến Thức
  • E-Magazine
  • Góc nhìn

E-magazine: Tether - Rốt cuộc lại là kẻ chiến thắng sau cùng

-29/04/2023

"Cuộc chiến stablecoin" giữa Tether (USDT), USD Coin (USDC) và Binance USD (BUSD) - tưởng như sẽ trở nên càng gay gắt kể từ sau cú sập LUNA - UST vào giữa năm 2022 - rốt cuộc lại có cái kết vô cùng chóng vánh, với USDT vượt qua đối thủ bằng sự "lì lợm" về pháp lý, lẫn tư duy tránh khỏi lối mòn trong hoạt động kinh doanh.

Tether - Rốt cuộc lại là kẻ chiến thắng sau cùng

This article is also available in English.

Ra đời vào năm 2014, Tether mang trong mình sứ mệnh cao cả là giải quyết những vấn đề tồn đọng của ngành tiền mã hoá, và… cả tài chính truyền thống. Ngành tiền mã hoá lúc này vẫn chưa có hình hài rõ ràng, chẳng ai biết mô tê gì về tương lai, giá BTC lúc thì tăng ngút trời xanh, qua hôm sau đã đi vào lòng đất. Tài chính truyền thống thì lâu nay vẫn một câu chuyện - thiếu sự minh bạch, làm sao tôi biết bạn đã cầm tiền tôi đi đâu, làm gì?

USDT xuất hiện như một thứ gì đó “lai lai”, khi người ta mới nghe khái niệm stablecoin lần đầu, nó mang lại một cảm giác mới mẻ, chấm phá chút uy tín, nhưng tất nhiên không thể thiếu câu hỏi hoài nghi liệu “đồng tiền ổn định” có thật sự “ổn định” như nó vẫn hay vỗ ngực tuyên bố.

Nói sơ về USDT một chút, như chúng ta đều đã biết, về bản chất thì 1 USDT tương ứng với 1 USD ở bên ngoài đời thực, hiểu cách khác USDT chính là “USD của blockchain”. Nhưng điều này chỉ đúng nếu Tether có đủ USD bảo chứng số USDT phát hành ra thị trường, vậy đã có lúc nào Tether không kham nổi định nghĩa “100% hỗ trợ bởi USD" hay chưa?

Câu trả lời là có, vào tháng 5/2019, Tether đã có một tiết lộ gây sốc rằng chỉ có 74% tổng cung của USDT được bảo chứng bằng tiền mặt, ở đây là USD. Con số này trái ngược với những lời cam kết trước đó được đưa ra bởi ban lãnh đạo Tether, vốn từng tuyên bố tất cả USDT đều được bảo chứng bằng USD. Và kể từ thời điểm đó trở đi, tài sản bảo chứng của USDT bao gồm thêm tín phiếu kho bạc Mỹ, thương phiếu, quỹ thị trường tiền tệ, tài sản cho vay và các khoản đầu tư khác.

Tỷ lệ bảo chứng của USDT tính đến ngày 31/12/2022. Nguồn: Tether

Khoảng thời gian 2018 - 2019 có lẽ là hai năm sóng gió đối với Tether. Lúc bấy giờ, công ty mẹ của Tether là iFinex, cũng là công ty điều hành sàn giao dịch Bitfinex, dù đã tuyên bố Tether và Bitfinex hoàn toàn độc lập, song giới quan sát vẫn hoài nghi về mối quan hệ giữa hai công ty. Cả hai đã phải đối mặt với cáo buộc hoạt động giao dịch USDT trên Bitfinex đã “thổi phồng” giá trị Bitcoin, hay nói cách khác USDT đã thao túng giá Bitcoin. Sự việc nghiêm trọng đến nỗi vào tháng 11/2018, bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã vào cuộc điều tra Tether và Bitfinex. Dù không đi đến kết luận rõ ràng, nhưng sự vụ này làm cộng đồng bắt đầu hoài nghi về USDT.

Bất chấp tất cả, USDT vẫn liên tục phát triển trở thành đồng stablecoin mạnh nhất thị trường. Với hơn 60% thị phần stablecoin, đứng thứ 3 vốn hoá với 80 tỷ USD chỉ sau BTC và ETH, USDT hoàn toàn có thể làm chủ cuộc chơi, một tay che trời và thậm chí nuốt chửng tất cả.

Và nó đã trở thành…

Ngay từ khởi điểm, Tether và USDT đã là một trường hợp khác biệt so với các stablecoin cùng lĩnh vực, khi hầu như chúng đều được hậu thuẫn bởi một dự án liên quan đến crypto. Ví dụ như USDC được phát hành bởi Centre – một doanh nghiệp chung Circle và Coinbase; BUSD được hỗ trợ bởi Binance kết hợp cùng Paxos; DAI được phát triển bởi MakerDAO. Duy chỉ có USDT cùng Tether một thân một cõi, tự xưng như một cầu nối trung lập giữa tài chính truyền thống và blockchain.

Tuy nhiên với một thị trường còn non trẻ, đây không hẳn là một kịch bản tốt nhất cho USDT. Đã không ít lần nhà đầu tư và các quỹ lớn hăm he để “short” USDT, tức kỳ vọng USDT lao dốc và mất peg. Dù lúc ấy nó đã trở thành đồng stablecoin được ưa chuộng nhất, là phương thức chính được các doanh nghiệp lớn chọn để "chốt lời", Bitcoin cũng dần đã liên đới sâu sắc với USDT. Kỳ vọng USDT sụp đổ, chẳng khác nào đặt dấu chấm hết cho ngành tiền số vừa chớm nở.

- Bị nghi vấn về nguồn dự trữ tài sản:

Dù được biết đến là một stablecoin lớn nhất thế giới, thế nhưng USDT từ lâu đã bị xem là một quả “bom nổ chậm” vì lý do đã đề cập ở trên - không được bảo chứng toàn bộ bằng USD. Chẳng ai biết điều gì sẽ xảy ra với số dự trữ khác tiền mặt kia, thứ mà Tether chưa bao giờ công khai chi tiết. Nhớ Bloomberg cũng từng thực hiện một phóng sự điều tra nguồn gốc dòng tiền của Tether, để rồi đi đến kết luận rằng không thể tìm thấy bằng chứng đảm bảo Tether đang nắm giữ những tài sản như công ty tuyên bố, cũng tiết lộ Tether có thể đang nắm giữ thương phiếu của các công ty Trung Quốc, điều càng khiến nhà đầu tư càng thêm lo ngại.

Về sau, Tether tuyên bố sẽ loại bỏ thương phiếu ra khỏi danh sách tài sản bảo chứng.

 - Biến động vốn hoá và tài sản bảo chứng:

Đồng stablecoin cũng có những lúc lao đao sụt giảm vốn hoá nghiêm trọng, như hồi tháng 5 - 7/2022, vốn hoá USDT đã rơi từ 83 tỷ USD xuống còn 65 tỷ USD, tương đương với mức giảm 20%. Sự kiện gắn liền với đà trượt dài của USDT không gì khác chính là cú sập lịch sử LUNA-UST. Trong cảnh hỗn mang ngày 12/05/2022, USDT thậm chí đã bị depeg về 0.95 USD rồi nhanh chóng phục hồi trở lại, đó có lẽ là lần duy nhất ta thấy USDT rốt cuộc cũng bị lung lay.

Tính đến thời điểm hiện tại, sau khi ghi nhận lãi ròng 700 triệu USD vào quý IV/2022, cộng thêm lãi dự kiến 700 triệu USD của quý I/2023, Tether khẳng định tài sản bảo chứng cho USDT đã dư ra đến 1,6 tỷ USD, đơn vị kiểm toán BDO cũng tái khẳng định điều này.

- Bị nhiều quỹ đầu tư “đánh úp”:

Lợi dụng hiệu ứng domino từ LUNA-UST, nhiều quỹ đầu tư thậm chí đã liên minh với nhau để tung ra các tin đồn xấu như USDT không được bảo chứng an toàn và có mối quan hệ cho vay “mập mờ” với Celsius và quỹ Three Arrows Capital. Tất cả chỉ để làm tổn thương thanh khoản của USDT để họ có cơ hội gom token với giá thấp hơn.

Bị nhà đầu tư quay lưng và các đối thủ âm mưu đánh gục, vượt qua tất cả những điều này, USDT đã thực sự đi vào nếp sống thị trường bởi chính giá trị nó thực sự tạo ra - sự tiện lợi, ổn định và minh bạch. USDT được sinh ra để giải quyết chính xác thứ thị trường lúc đó đang cần.

Đến cuối cùng nhìn lại, tất cả cũng chỉ là những bài kiểm tra như “vàng thử lửa” cho Tether.

Cũng nói về vàng, có lẽ chưa nhiều người biết đến Tether Gold, đây là một trong những nỗ lực mới nhất của Tether nhằm chạm đến bản vị của loại tài sản có mối liên hệ sâu sắc nhất với loài người. Tether Gold được tạo ra nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư vàng nhưng thông qua một đồng coin được neo vào blockchain, mang tên XAUT.

Tether Gold không được quảng bá rầm rộ, nhưng có lẽ đây là định hướng về cách phát triển XAUT của Tether, chậm mà chắc. Có một so sánh tiệm cận hơn như thế này: BTC > Gold > USD. Vậy nếu phải bán BTC, có lẽ cặp giao dịch BTC/Gold sẽ đến trước BTC/USD.

Theo báo cáo dự trữ mới nhất của Tether (tính đến 31/12/ 2022), công ty khẳng định phần lớn dự trữ cho USDT hiện dưới dạng tín phiếu kho bạc Mỹ ngắn hạn, trong khi tiền mặt chiếm tỷ lệ nhỏ hơn. Trong cuộc phỏng vấn với Coin68, Giám đốc Công nghệ Tether Paolo Ardoino đã giải thích về điều này như sau:

“Nhắc đến stablecoin, người ta nghĩ nó chỉ nên được dự trữ 100% bởi tiền mặt. Nhưng trước tiên, sẽ chẳng có ngân hàng nào cho phép bạn làm điều đó. Vì tiền mặt là một thứ không chắc chắn, ngân hàng không phải lúc nào cũng có sẵn tiền mặt cho bạn. Giống như vụ việc Silicon Valley Bank vừa rồi, mọi người nghĩ rằng tiền mặt là tốt, thế nhưng đối thủ của chúng tôi vẫn bị kẹt 3.3 tỷ USD.

Do đó, Tether lựa chọn bổ sung trái phiếu ngắn hạn, quỹ thị trường để luôn đảm bảo cho USDT trước những sự cố ập đến.”

Ông tiếp tục:

“Bạn nhớ thời điểm UST lao dốc chứ, Tether đã giải ngân hơn 7 tỷ USDT trong vòng hai ngày, đó là một con số ấn tượng chưa từng có tiền lệ. Lúc đó chúng tôi đã dùng trái phiếu kho bạc để đỡ USDT, chúng là loại tài sản ngắn hạn, chúng tôi đã bán nó với tỷ lệ trượt giá bằng 0, không một chút tổn thất, Tether đã thành công trả cho người dùng 7 tỷ USD trong một quãng thời ngắn.”

Trong hành trình gần 10 năm, có bao giờ bạn tự hỏi, điều gì đã kiến tạo Tether ngày hôm nay, vì sao USDT vẫn đứng vững trong khi các stablecoin khác bị quật ngã chỉ sau một hai lần FUD, tất cả sẽ được lý giải bởi chính CTO Tether ngay sau đây.

- Một tư duy đúng ngay từ vạch xuất phát:

Trả lời Coin68, Giám đốc Công nghệ Paolo Ardoino đã nhấn mạnh rằng ngay từ đầu họ không định hướng USDT một ngày nào đó sẽ thay thế BTC, mà chính tầm nhìn của Satoshi Nakamoto khi tạo ra BTC đã trở thành nguồn cảm hứng và là "kim chỉ nam" cho Tether phát triển USDT.

Tất cả cùng chung đích đến, minh bạch và công khai dòng tiền giao dịch, đây chính là điểm mù ở thị trường tài chính truyền thống như đã đề cập. Ngoài ra, tiền mã hoá nói chung còn mang sứ mệnh chạm đến những ngóc ngách “bankless", những khu vực kém phát triển chưa được tiếp cận đến hệ thống ngân hàng, việc sở hữu một chiếc điện thoại kết nối mạng đã có thể cho họ một cuộc sống khác.

- Thay vì chờ đợi thành công, họ nghĩ về thất bại:

Tether không bước vào thị trường chỉ bằng động cơ tốt đẹp để thành công, họ có những công thức kinh doanh của mình. Paolo cho biết Tether luôn xem xét đến các trường hợp xấu có thể xảy ra, lấy đó xây dựng bộ quản lý rủi ro hiệu quả, thay vì chỉ chăm chăm nghĩ về những gì mình có thể đạt được.

- Khi những người làm ra nó “thật sự" tin vào nó:

Và cuối cùng, Tether tự hào khi những con người đang làm việc trong bộ máy thực sự tin vào sứ mệnh của USDT. Yếu tố "nhân hoà" kết hợp với một chiến lược kinh doanh đúng đắn đã giữ cho Tether luôn ổn định sau gần 10 năm.

Bỏ qua quá khứ "bất hảo", USDT đã vùng lên như một nơi “trú bão” cho hầu hết các nhà đầu tư trước những cơn sóng lớn từ thị trường, những cuộc khủng hoảng tưởng chừng sẽ nhấn chìm tất cả. Lúc này trong vô thức, USDT ngấm ngầm trở thành một tượng đài, vững chãi và hiên ngang.

Giống như Binance, USDT chính là kẻ chiến thắng và được sủng ái nhất trong lĩnh vực của nó, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Các stablecoin xuất hiện sau dù có ra mắt hoành tráng, được hậu thuẫn bởi ông này bà nọ, thì đến hiện tại cũng chỉ được xem là mảnh ghép bổ sung làm đa dạng mảnh đất stablecoin.

Và một sự thật là “Không gì có thể thay thế USDT được nữa".

Trên thực tế, Tether hội tụ đủ hai yếu tố chính tương tự như một ngân hàng, bao gồm: Tài sản dự trữ (USD) và Nợ phải trả (USDT). Nhiều người so sánh rằng Tether chẳng khác gì một ngân hàng chưa đăng ký, phần là bởi lượng tài sản bảo chứng đã pha tạp, khiến nó có vẻ … bớt ổn định hơn một ngân hàng.

Ở một góc độ nào đó, chúng ta phải thừa nhận rằng mô hình hoạt động của Tether không giống như một ngân hàng truyền thống. Nếu áp các quy định của giới ngân hàng lên Tether thì càng không thể.

Nhưng để đưa ra giả thuyết sau đây, chúng ta sẽ tạm xem Tether như một ngân hàng. Với vốn hoá hơn 80 tỷ USD ở hiện tại, Tether đang mấp mé top 20 ngân hàng lớn nhất thế giới. Hãy tưởng tượng nếu Tether không ngừng phát triển và ngày càng lớn mạnh, nó thậm chí lọt vào top 5 sánh vai với những cái tên như JPMorgan, Bank of America hay ICBC thử xem. Liệu Tether sẽ trông như thế nào khi ở trên đỉnh cao, có phải là thị trường tiền mã hoá lúc đó đã đồng pha với sự lớn mạnh của Tether. Và thực tế hơn thì, liệu các ngân hàng có để Tether leo lên được đến đó?

Kịch bản #1: Giới ngân hàng tìm cách kìm hãm Tether

Việc Tether lớn bật ra khỏi khuôn khổ tiền mã hoá có lẽ là một kịch bản chưa mấy ai nghĩ tới. Nhưng nếu điều đó có xảy ra, giới ngân hàng sẽ cảm thấy bị đe dọa và tìm mọi cách để kìm hãm Tether. Nó giống như việc lãnh thổ của một đất nước bị xâm phạm, cho rằng địch sẽ bòn rút hết của cải quốc gia và thuần hóa con người sang thành của chúng.

Vậy thì họ sẽ kìm hãm bằng cách nào? Thứ duy nhất khả thi có lẽ là “pháp lý”, đó cũng là điểm yếu chí mạng của crypto, một bộ quy định phù hợp là thứ crypto chưa có và vẫn phải neo vào bộ luật truyền thống. Nhân mọi thứ còn đang lỏng lẻo, chưa vững vàng, giới tài chính thậm chí là ngân hàng Tether đang hợp tác, nó sẽ chỉ cho phép Tether được phát triển đến một giới hạn nhất định.

Vì suy cho cùng, phần lớn tài sản thế chấp của USDT vẫn nằm trong tay ngân hàng.

Kịch bản #2: Giới ngân hàng bắt đầu phát hành stablecoin của mình

Nói không ngoa nhưng blockchain cùng kế toán tam phân chính là tương lai của ngành tài chính. Tether đang giữ một chìa khóa quan trọng mà ngân hàng không có - tính phi tập trung. Hình ảnh Tether lúc này giống như một vị cứu tinh đang gồng mình thay thế một hệ thống đã có từ mấy trăm năm, mọi thứ vận hành chính xác đến từng mắt xích.

Tuy viễn cảnh ngân hàng nhún nhường công nhận Tether có thể sẽ không xảy ra, nhưng nói ngân hàng tích hợp blockchain, phát hành hệ thống stablecoin của mình thì hoàn toàn có thể. Bằng chứng là nhiều ngân hàng lớn trên thế giới đã và đang làm điều này.

Quay lại thực tế, Tether thực ra cũng không nên được xếp cùng loại với ngân hàng, như Giám đốc Công nghệ Tether Paolo Ardoino nói trong buổi phỏng vấn:

“Tôi không nghĩ Tether nên được nhìn nhận như là ngân hàng, Tether tốt hơn chúng."

Đề xuất của Paolo ở đây là, mảng stablecoin nên có bộ quy định riêng của nó. Một bộ quy định đối với các loại tài sản mà nó đại diện. Để khi có bank run xảy đến, nhà đầu tư vẫn được đảm bảo rút tài sản mà không gặp vấn đề gì, như cách USDT đã cung cấp được hơn 7 tỷ USDT tiền rút trong 48 giờ giai đoạn UST lao dốc.

Tạm kết

Điều khó nhất của một nền kinh tế thịnh vượng không phải là tìm cách để sinh ra thêm của cải, mà là làm sao để duy trì sự thịnh vượng đó, lâu dài.

Muốn ngồi lên ngai vàng, thì phải chịu được sức nặng của vương miện.

Liệu USDT sẽ giữ được phong độ này đến bao lâu, 10 năm đã đủ cho một sản phẩm chín muồi và được thế giới công nhận, và liệu Tether có thể lớn mạnh hơn cả ngân hàng hay không? Sẽ chẳng ai nói trước được điều gì nhưng một khi Tether vẫn bám trụ với những sứ mệnh ban đầu và không ngừng phát triển với nội lực sẵn có, thì ít nhất trong tương lai gần, Tether vẫn là một bến đỗ và một tay gồng gánh thị trường.

Tưởng tượng Tether như nhân vật Holden Caulfield và thị trường là hỗn tạp một đám nhóc sốc nổi trong Bắt trẻ đồng xanh, Tether sẽ là kẻ ở đó canh giữ cho đám nhóc chạy nhảy để không đứa nào bị rơi tõm xuống vực khi chơi đùa mà chẳng bận tâm chúng đang chạy đi đâu.

Ari

-29/04/2023
Bình luận (5)
Đăng kýhoặcđăng nhậpđể bình luận
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68