Bên cạnh những cái tên đã nhẵn mặt với cộng đồng tiền mã hoá như CZ, Cobie hay Michael Saylor, thì Brian Armstrong là một nhân vật khác không thể không nhắc đến. Brian Armstrong và Coinbase là 2 cái tên hiếm hoi được quyền tồn tại trên đất Mỹ khi mảng kinh doanh chính của công ty này là tiền mã hoá và các dịch vụ đi kèm. Vậy Brian Armstrong là ai? Hãy cùng Coin68 tìm hiểu thông qua bài vết dưới đây.
Brian Armstrong là ai? Tiểu sử về nhà sáng lập Coinbase
Brian Armstrong là ai?
Brian Armstrong là tỷ phú, doanh nhân và đồng thời là nhà sáng lập kiêm CEO của Coinbase, một trong những sàn giao dịch tiền mã hoá lớn nhất thế giới. Trở về những năm 2009 và 2010, trước khi thành lập Coinbase, cộng đồng crypto biết đến ông như một người luôn tin tưởng Bitcoin và sự phát triển của nó trong tương lai.
Brian Armstrong sinh ngày 25/01/1983 tại San Jose (California, Mỹ) trong một gia đình có bố và mẹ đều là những người hoạt động trong ngành khoa học máy tính. Năm 2001, Brian Armstrong tốt nghiệp cấp ba và theo học trường Đại học Rice tại Texas chuyên ngành kép (kinh tế và khoa học máy tình). Sau khi tốt nghiệp, ông tiếp tục theo đuổi bằng thạc sĩ nhưng đã từ bỏ không lâu sau đó.
Chân dung Brian Armstrong
Tài năng kinh doanh và lập trình của Brian Armstrong đã được bộc lộ từ rất sớm. Khi còn học trung học, khi các bạn bè đồng trang lứa vẫn còn say mê với các bữa tiệc thâu đêm thì Brian Armstrong đã thành thạo những ngôn ngữ lập trình phổ biến lúc đó như Java hay CSS. Thậm chí, ngay cả trước khi có bằng tốt nghiệp, Brian Armstrong đã có thể kiếm tiền từ khả năng lập trình của mình thông qua việc thiết kế các trang web cho các công ty nhỏ tại địa phương. Văn phòng làm việc của ông là gara để xe mà ông thuê lại của hàng xóm.
Thậm chí, khi đang theo học tại Đại học Rice, Brian Armstrong nhận những việc làm gia sư cho các sinh viên khác và nhận thấy tiềm năng của một nền tảng nơi có thể kết nối phụ huynh, sinh viên và các gia sư sẽ là một cây hái ra tiền. Do đó, một nền tảng tạo sự kết nối giữa những người có nhu cầu học và nhu cầu dạy đã được Brian Armstrong lập nên.
Trước khi tốt nghiệp, Brian Armstrong cũng đã có cơ hội được thực tập tại IBM và nhận ra rằng một bộ máy của một công ty công nghệ nên có và không có những gì. Sau khi tốt nghiệp, Brian Armstrong đầu quân cho Deloitte, một trong những đại gia kiểm toán lớn nhất thế giới ở vị trí tư vấn quản lý rủi ro cho doanh nghiệp.
Sự nghiệp của Brian Armstrong
Mối lương duyên để Brian Armstrong đến với tiền mã hoá xuất phát từ sự hiếu kỳ sau khi đọc whitepaper Bitcoin của Satoshi Nakamoto. Brian Armstrong nhận thấy những phát kiến mới của blockchain và tiền mã hoá sẽ là một trong những thứ có thể hái ra tiền trong tương lai. Và tại thời điểm đó, rất ít công ty khởi nghiệp có mặt trong lĩnh vực này cũng như việc mua bán tiền mã hoá là điều vô cùng khó khăn. Vì vậy, Brian Armstrong cùng đồng sự của mình là Fred Ehrsam đã thành lập Coinbase vào năm 2012.
Ý tưởng ban đầu được Brian Armstrong đưa vào Coinbase đó chính là đây sẽ trở thành một sàn giao dịch mà người dùng có thể trao đổi, mua bán các loại tiền mã hoá phổ biến vào thời điểm đó như Bitcoin hay Ethereum. Tuy nhiên, do là một lĩnh vực hoàn toàn mới và khó lòng nhận được những khoản đầu tư từ các quỹ lớn nhưng Brian Armstrong đã sai. Chỉ trong một năm 2013, Coinbase đã nhận được tổng cộng 30 triệu USD từ các quỹ như USV, Andreessen Horowitz và Ribbit Capital.
Năm 2014, công ty Coinbase Global Inc. chính thức được thành lập với nhiệm vụ chính là quản lý sàn giao dịch Coinbase và các công ty con trong hệ sinh thái. Một năm sau đó, Coinbase nhận được số tiền đầu tư trị giá 75 triệu USD từ Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE). Chỉ trong vòng một năm từ 2026 đến 2017, tổng số giao dịch trên ngày của Coinbase đã tăng từ 4,7 triệu lên 56 triệu ghi nhận tại hơn 100 quốc gia.
Cũng trong năm 2017, Coinbase nhận được giấy phép BitLicense và giấy phép giao dịch Ethereum và Litecoin từ Bộ Dịch vụ Tài chính New York, biến nó trở thành một trong những sàn giao dịch tiền mã hoá được cấp phép đầu tiên tại Mỹ.
Năm 2018, Coinbase tiếp tục gọi vốn thành công, nâng định giá công ty lên mức hơn 8 tỷ USD. Hai năm sau đó, hồ sơ xin niêm yết cổ phiếu của Coinbase được SEC (Ủy ban Chứng khoán Mỹ) chấp thuận và công ty lên sàn không lâu sau đó vào tháng 4 năm 2021. Sự kiện niêm yết của Coinbase không chỉ tăng vốn hoá của công ty lên mức 85 tỷ USD mà nó còn giúp tài sản cá nhân của Brian Armstrong cán mốc 10 tỷ USD, biến ông trở thành một trong những tỷ phú giàu nhất của ngành tiền mã hoá.
Coinbase và những vụ kiện với SEC
Dù được SEC chấp thuận trong việc niêm yết lên sàn chứng khoán Mỹ và đồng thời cũng là nơi mà chính phủ Mỹ bán Bitcoin, nhưng Coinbase cũng không phải là ngoại lệ của Chủ tịch SEC Gary Gensler trong các cuộc thanh trừng nhằm vào tiền mã hoá.
Cụ thể, vào tháng 06/2023, SEC cáo buộc Coinbase đã vi phạm các quy định của Mỹ đối với các hoạt động mua, bán, staking mà uỷ ban này (SEC) cho là chứng khoán: SOL, ADA, MATIC, FIL, SAND, AXS, CHZ, FLOW, ICP, NEAR, VGX, DASH và NEXO. Và vì những token/coin trên được cho là chứng khoán nên Coinbase phải chịu thêm một tội danh nữa đó chính là môi giới chứng khoán không được cấp phép
"Ủy ban cáo buộc Coinbase, dù phải tuân thủ luật chứng khoán, đã trộn lẫn tiền khách hàng và cung cấp dịch vụ giao dịch, môi giới và thanh toán bù trừ mà không xin cấp phép. Trong thị trường chứng khoán, những chức năng kia phải tách biệt. Hành động của Coinbase đã khiến nhà đầu tư mất đi sự bảo vệ quan trọng, bao gồm những quy định ngăn chặn các hành vi gian lận và thao túng thị trường, đảm bảo minh bạch thông tin, chống xung đột lợi ích và được SEC thanh tra thường xuyên. Chưa hết, Coinbase đã không đăng ký dịch vụ staking theo như yêu cầu của luật chứng khoán liên bang, một lần nữa khiến nhà đầu tư không được biết về những thông tin quan trọng và hưởng các cơ chế bảo vệ liên quan". Gary Gensler phát biểu liên quan đến đơn kiện của SEC đối với Coinbase.
Ngay sau đó, đại diện pháp lý của Coinbase đã lên tiếng phản đối và cho rằng những cáo buộc trên chỉ đang hướng về một chiều và nó đang thể hiện rõ rằng việc hiến pháp Mỹ đang không có một luật hay quy định rõ ràng nào liên quan đến việc quản lý tài sản kỹ thuật số.
Hậu quả vụ kiện với SEC
Khi đối diện với những cáo buộc của SEC, động thái của Coinbase được cho là không khác so với kình địch Binance.US trước đó. Cụ thể, Coinbase vào giữa tháng 10 vừa qua đã thông báo huỷ niêm yết 80 cặp giao dịch Spot. Có 2 nguyên nhân được đưa ra trong thời điểm đó chính là một, Coinbase đang muốn đẩy mạnh công dụng của USDC khi đây là sản phẩm chung được tạo ra nhờ vào sự hợp tác với Circle.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác được đồn đoán đó chính là có thể Coinbase đang muốn xoa dịu mối quan hệ với SEC khi trong danh sách 80 cặp giao dịch bị huỷ niêm yết có mặt 3 cái tên là Power Ledger (POWR), XYO Network (XYO), Liechtenstein Cryptoasset Exchange (LCX). Đây chính là 3 trong số những token/coin bị SEC cho là chứng khoán.
Coinbase nắm giữ 5% tổng cung Bitcoin
Ngày 22/09/2023, nền tảng dữ liệu on-chain Arkham cho biết đã truy lùng được cụm địa chỉ ví của Coinbase chứa gần 1 triệu BTC, tương đương 5% tổng cung của Bitcoin.
Với việc nắm giữ 1 triệu BTC, Coinbase là thực thể tiếp theo ngoài Satoshi Nakamoto có thể tạo ra những ảnh hưởng nhất định lên giá của BTC. Vì thế, cộng đồng nên chú ý đến những diễn biến lớn đối với sàn giao dịch này trong tương lai để có những quyết định đúng đắn đối với diễn biến giá.
Tổng kết
Bên trên là những thông tin về Brian Armstrong và những thành công của ông trên con đường khởi nghiệp. Thông qua bài viết, hy vọng Coin68 đã mang đến cho người dùng những góc nhìn tổng quan nhất về Brian Armstrong cũng như những điều mà ông đã mang đến cho thị thị trường tiền mã hoá.