Vào đúng ngày này 1 năm về trước, ngày 08/05/2022, giá đồng Terra (LUNA) bắt đầu giảm mạnh kéo theo đó là stablecoin UST depeg lần 1. Đây chính là ngọn nguồn của tất cả.
1 năm nhìn lại: Còn lại gì sau sự sụp đổ của LUNA-UST?
Tiền mã hóa đã chứng kiến nhiều thời khắc "Big Bang" trong lịch sử 13 năm tồn tại của mình, nhưng việc UST depeg chính là thời khắc "Big Crash" mở ra một giai đoạn vô cùng tồi tệ của crypto.
1 năm đã qua, nỗi đau nào cũng đã nguôi ngoai và đêm đen nào cũng đã ló ánh rạng đông. Thôi thì hãy cùng Coin68 nhìn lại "thời khắc lịch sử" đánh dấu một trang mới của thị trường tiền mã hóa nhé!
Sự sụp đổ của LUNA-UST
Cuộc khủng hoảng LUNA và UST chỉ diễn ra trong 1 tuần từ 08/05 đến 14/05/2022 những đã quét đi hết biết bao nhiêu tỷ USD của thị trường crypto. Tầm ảnh hưởng của cú sụp đổ này vô cùng kinh hoàng, ảnh hưởng không chỉ riêng tiền mã hóa mà còn lan đến tài chính truyền thống.
– Ngày 05/05/2022, Luna Foundation Guard (LFG) mua thêm 1,5 tỷ USD Bitcoin để nâng bảo chứng cho UST lên gần 3,5 tỷ USD.
– Ngày 08/05/2022, giá LUNA bắt đầu giảm, stablecoin UST depeg lần 1. Jump Crypto thu mua lượng lớn UST để trợ giá.
– Ngày 09/05/2022, LFG buộc phải bán 750 triệu USD BTC để ổn định giá.
– Ngày 10/05/2022, UST depeg lần 2. Tình hình chuyển biến xấu, LFG chuyển toàn bộ 1,2 tỷ USD BTC còn lại lên sàn để tiếp tục cứu giá.
– Sáng ngày 11/05/2022, UST depeg lần 3, LUNA giảm về 13 USD. Đến tối cùng ngày, UST depeg lần 4, giá LUNA chia 19 lần so với buổi sáng, giảm về 0,68 USD. Do Kwon thông báo phát hành thêm LUNA để mua UST.
– Ngày 12/05/2022, Terraform Labs tiếp tục công bố kế hoạch đốt 1,3 tỷ UST để cứu giá stablecoin.
– Ngày 13/05/2022, vì phát hành thêm token, cung LUNA tăng từ 400 triệu lên 6,9 nghìn tỷ trong vòng 72 giờ, giá “vô phương cứu chữa”, UST depeg lần 5. Ngoài ra, blockchain Terra phải dừng hoạt động 2 lần vì sợ bị tấn công.
– Ngày 15/05/2022, giá LUNA và UST giảm 99%, hệ sinh thái 60 tỷ USD sụp đổ hoàn toàn.
Coin68 đã tổng hợp lại thành infographic dưới đây để bạn đọc tiện theo dõi:
Diễn biến cuộc khủng hoảng LUNA-UST
Nếu mọi chuyện chỉ dừng lại ở đây thôi thì chỉ là sự sụp đổ của một dự án "Big Cap". Nhưng LUNA-UST sụp đổ còn châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn, có tác động đến toàn ngành và thậm chí lan ra đến cả tài chính truyền thống.
Đến tận hôm nay, hậu quả từ sự sụp đổ này vẫn còn dai dẳng và âm thầm "rỉ máu".
Châm ngòi cuộc "khủng hoảng thanh khoản"
Những ngày sau, hàng loạt các tổ chức bị liên đới, lần lượt thừa nhận bị thiệt hại từ LUNA. Chẳng hạn như Binance thiệt hại 1,6 tỷ USD, Galaxy Digital, Delphi Digital, Pantera Capital, Jump Crypto cũng không thoát khỏi thua lỗ.
Không dừng lại ở đó, LUNA-UST còn châm ngòi cho cuộc “khủng hoảng thanh khoản” lan rộng toàn thị trường, kéo dài đến tận hôm nay.
Diễn biến cuộc khủng hoảng này các bạn có thể xem thêm ở hình bên dưới.
Diễn biến cuộc khủng hoảng thanh khoản trên thị trường crypto
Nỗ lực cứu vãn "thất bại" với Terra 2.0
Dù hệ sinh thái Terra đã sụp đổ hoàn toàn, nhưng Do Kwon vẫn không từ bỏ. “Bình cũ rượu mới” Terra 2.0 ra mắt vào ngày 28/05/2022 nhưng thiếu vắng stablecoin UST – vốn dĩ là “sản phẩm” nổi bật duy nhất của hệ Terra trước đây.
Kể từ đó, trên thị trường có 2 token LUNC (đồng coin cũ) và LUNA (đồng coin mới). Khối lượng giao dịch của cả hai đồng đều rất lớn, được niêm yết trên nhiều sàn phổ biến và có cả những cặp margin lẫn futures.
Đến đầu năm 2023, Do Kwon tính đường “tái xuất” với loạt dự án mới trên Terra 2.0.
Terraform Labs bắt đầu đẩy mạnh hoạt động tuyển dụng cho hơn một chục vị trí, từ lập trình viên đa nhiệm cho đến nhà phát triển hợp đồng thông minh. Terra 2.0 được định hướng trở thành một layer-1 multichain, tức là có thể liên kết với nhiều blockchain khác.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, cả Layer-1 Terra hay các dự án thuộc hệ sinh thái của nó đều "im hơi lặng tiếng", không ghi được bất kỳ dấu ấn nào dù đã gần 1 năm kể từ "ngày ra mắt".
Trong khi đó, thị trường crypto đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các dự án L2 và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong phân khúc Layer-1.
Nhưng Terra 2.0 nằm ngoài tất cả.
Do Kwon "chạy trời không khỏi nắng"
Do Kwon "tái xuất" chưa được bao lâu đã phải tiếp tục "lặn mất tăm" vì bị giới chức nhiều nước truy nã gắt gao.
Người dùng, nhà đầu tư vẫn là đối tượng bị thiệt hại nặng nề từ sự sụp đổ của LUNA-UST. Thế là có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, từ Hàn Quốc đến Singapore rồi Hoa Kỳ và cả Interpol.
Cuối cùng sau gần 1 năm chơi trò "đuổi bắt", Do Kwon bị bắt tại Montenegro khi cố gắng dùng hộ chiếu giả, phải đối mặt với án phạt từ 3 tháng đến 5 năm tù.
Ngay sau đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã đưa ra cáo trạng hình sự buộc Do Kwon tội lừa đảo. SEC vào tháng 2 cũng đệ đơn kiện CEO Terraform Labs, cáo buộc LUNA-UST là chứng khoán.
Một bài học lớn
LUNA-UST trở thành "vết nhơ" không thể xóa nhòa của thị trường, là lý do để giới chức nhiều nước thắt chặt pháp lý crypto hơn nữa.
Nhưng đây cũng là bài học lớn mà cộng đồng không thể nào quên. Sự sụp đổ này giúp làm "thanh lọc" thị trường, làm "đào thải" đi những dự án "thùng rỗng kêu to" để đưa môi trường tiền mã hóa trong sạch và cầu tiến hơn.
Có thể bạn quan tâm: