Nhân dịp kỉ niệm 10 năm ngày Satoshi Nakamoto lần đầu đăng tải whitepaper (cáo bạch) trình bày chi tiết ý tưởng xây dựng Bitcoin (BTC) – ngày 31/10/2008, Giám đốc Công nghệ (CTO) của Ripple David Schwartz đã có một bài bình luận độc lập, chia sẻ suy nghĩ của cá nhân ông trước dấu mốc trọng đại trong lịch sử Bitcoin nói riêng và tiền điện tử nói chung.
- Tiền điện tử muốn làm cách mạng? Hãy học ngành công nghiệp ô tô đi! (Phần 1)
- Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và sự ra đời của Bitcoin
CTO của Ripple: Whitepaper của Bitcoin chính là “chiếc Model T” của lĩnh vực thanh toán
Vào năm 1991, tôi được cấp một bằng sáng chế cho một mạng lưới máy tính phân tán đa cấp độ. Tôi khi ấy đang nghiên cứu cách khắc phục những vấn đề xảy ra khi kết xuất đồ hoạ (render hình ảnh), vốn cần rất nhiều năng lực xử lí từ CPU, và muốn xử lí điều này bằng cách phân phối công việc sang cho một mạng lưới thiết bị có kết nối với nhau.
Mục tiêu chỉ là giúp một mạng lưới máy tính thực hiện những nhiệm vụ đơn giản để rồi đi đến một kết quả chung. Song, xây dựng được hệ thống này, mới chính là kì công đáng phải nói đến.
Tuy nhiên, kể từ khi whitepaper của Satoshi được xuất bản, bài toán trên đã được giải quyết hoàn toàn. Được diễn giải chi tiết trong bản cáo bạch ấy là một hệ thống thanh toán đồng cấp (peer-to-peer) mà sẽ làm gián đoạn ngành tài chính truyền thống, đem lại cho người dùng khả năng thực hiện giao dịch trên một mạng lưới phân tán mà không cần thông qua bất kì trung gian.
Chân dung Giám đốc Công nghệ của Ripple David Schwartz
Là một người đam mê mật mã học, tôi khi đó cứ như đã bị “hớp hồn”.
Được thấy ý tưởng của mình cách đây gần 20 năm được người khác phát triển thành công, tôi cảm thấy vô cùng háo hức khi cuối cùng đã đến lúc để nó thành công.
Cốt lõi của whitepaper này là “dân chủ hoá” quá trình chuyển giao giá trị. Nó giúp người tiêu dùng tự có cho mình khả năng bảo vệ bản thân trước một cuộc khủng hoảng tài chính mới từ việc sử dụng một đồng tiền mà không có lãi suất hay bị lạm phát cao. Sử dụng tiền điện tử cũng giúp loại bỏ những phụ phí giao dịch cao ngất ngưởng và gia tăng tốc độ phủ sóng của ngành tài chính, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển.
“Chiếc Model T” của ngành thanh toán
Những khía cạnh quan trọng nhất trong tầm nhìn phân quyền của Satoshi Nakamoto – cụ thể là “minh bạch” và “đồng thuận” – chính là những nhân tố biến ý tưởng này trở nên mang tính cách mạng đến như vậy.
Khi bạn chuyển tiền cho bạn thông qua Venmo (dịch vụ chuyển tiền bằng tin nhắn di động của PayPal) hay gửi séc trả tiền thuê nhà hàng tháng cho chủ đất, bạn hoàn toàn không có quyền giám sát trực tiếp hoạt động giao dịch. Trái lại, Satoshi muốn cho người dùng khả năng theo dõi từng công đoạn của quá trình thanh toán. Đây chính là “minh bạch”.
Trong khi đó, cơ chế “đồng thuận” của giao dịch Bitcoin yêu cầu mọi thành phần trong mạng lưới đều phải thống nhất về một hành động, từ đó không một bên nào có thể kiểm soát sức mạnh để “đổi trắng thay đen”.
Tôi thường đem cáo bạch của Bitcoin để mang so sánh với chiếc Model T. Trước khi được “Vua ô tô” Henry Ford cho ra đời vào năm 1908, xe hơi vẫn là một món tài sản xa hoa mà ít người, kể cả giới khá giả của Mỹ, có thể đủ tiền sở hữu. Chiếc Model T xuất hiện và nhanh chóng trở thành một lựa chọn khả thi và vừa túi tiền, về cơ bản đã “dân chủ hoá” ngành công nghiệp ô tô xứ cờ hoa. Chẳng mấy chốc những người khác cũng tiếp bước Ford và tạo nên những kiểu xe bình dân khác, thậm chí còn tốt hơn cả Model T.
Tương tự, Bitcoin chính là chất xúc tác giúp phát triển nên cả một lĩnh vực, và đã có hàng nghìn dự án khác lấy cảm hứng từ đồng tiền này và dựa trên công nghệ Blockchain.
Có thể Bitcoin sẽ không đi hết được đến cuối con đường (y như là hãng xe Oldsmobile vậy), hoặc là nó sẽ trở thành một vật lưu trữ giá thực thụ. Chẳng ai có thể nói trước được tương lai cả, thế nhưng điều rõ ràng là sẽ không có duy nhất một người thắng cuộc.
Hiện vẫn còn có đó, và chắc chắn sẽ còn có thêm, nhiều công dụng mới cho tiền điện tử, từ dùng trong thanh toán, làm công cự lưu trữ giá trị hay cấp nguồn cho hợp đồng thông minh – giống như là xe đua, xe tải hay xe minivan – mục đích sử dụng là khác nhau song đều có chung một gốc rễ từ chiếc Model T.
Bitcoin sẽ thay đổi ngành thanh toán thế giới tương tự như những gì mà chiếc Model T của Ford đã làm với ngành công nghiệp ô tô?
Cận kề của sự đổi thay
Những gì xảy ra sau ngày chiếc Model T đầu tiên xuất xưởng quả thật đã trở thành một phần của lịch sử. Thế giới của chúng ta đã điều chỉnh theo làn sóng “dân chủ hoá” xe hơi bằng cách xây dựng thêm nhiều đường xá, cao tốc, trường đua, và trước đó cũng đã vượt qua bao sự chần chừ do dự từ giới cầm quyền. Đấy cũng chính là những gì sắp diễn ra đối với Blockchain.
Nhờ Satoshi Nakamoto và Bitcoin, lĩnh vực thanh toán trong tương lai sẽ rất khác so với của hiện tại. Nhưng đừng ảo tưởng, bởi chúng ta vẫn mới ở trong giai đoạn sơ khởi và sẽ còn được thấy nhiều ý tưởng mới nữa để tối đa hoá tiềm năng của Blockchain.
Đã hơn 100 năm kể từ khi Model T ra đời, và ngành công nghiệp ô tô vẫn đang không ngừng tự cải tiến bản thân bằng những phát minh mới như là xe tự lái hay xe sử dụng 100% năng lượng điện.
Thật khó để có thể mường tượng liệu những công dụng nào của Bitcoin và Blockchain sẽ còn được tương lai hé lộ, nhưng luôn có thể thấy được một kiểu hình đặc trưng là công nghệ sẽ luôn cải thiện đáng kể tốc độ của một hoạt động nào đó, đồng thời giảm thiểu đi chi phí.
Mạng Internet đã làm điều ấy đối với quá trình trao đổi thông tin. Chúng ta ngày nay đang chuyển cho nhau một lượng dữ liệu khổng lồ gần như ngay lập tức bằng một thứ công nghệ không ai sờ nắm được. Chẳng quan trọng liệu bạn đang ở nơi nào trên thế giới hay bạn muốn chia sẻ bao nhiêu thông tin – mà câu hỏi lúc này chỉ là bạn có thể làm được gì.
Blockchain cũng đang làm thứ tương tự đối với lĩnh vực thanh toán. Nếu lịch sử lặp lại, thập kỉ kế tiếp sẽ là khoảng thời gian bùng nổ của những phương thức thanh toán chi phi rẻ, tốc độ cao mà sẽ cách mạnh hoá quá trình trao đổi giá trị. Hoạt động thanh toán khi ấy sẽ chỉ là một thứ ta có thể làm.
Theo CoinDesk