logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
ads

Web3 là gì? Thế hệ tiếp theo của Internet có gì đặc biệt?

-06/02/2021

Web3 được xem là thế hệ tiếp theo của Internet, được ra đời để giải quyết các vấn đề của Web2. Vậy Web3 là gì, các bạn hãy cùng Coin68 tìm hiểu về khái niệm này thông qua bài viết này nhé!

Web3 là gì? Thế hệ tiếp theo của Internet có gì đặc biệt?

Web3 là gì?

Web3 (hay Web 3.0)  là thế hệ thứ ba của Internet, ứng dụng có thể xử lý thông tin tương tự con người bằng các công nghệ như kết hợp trí tuệ nhân tạo, học máy, và dữ liệu lớn. Gavin Wood, đồng sáng lập của Ethereum, đã giới thiệu khái niệm này vào năm 2014, mở đường cho một kỷ nguyên Internet mới với sức mạnh của công nghệ.

Web3 là giải pháp được đề xuất cho vấn đề mà nhiều người sử dụng tiền mã hóa đang gặp phải: Web đòi hỏi quá nhiều sự tin tưởng. Nghĩa là, hầu hết trang Web mà mọi người biết và sử dụng ngày nay đều dựa vào việc tin tưởng một số công ty tư nhân sẽ hành động vì lợi ích tốt nhất của công chúng.

Các tính năng của Web3

  • Phi tập trung (Decentralized): thay vì một lượng lớn Internet được kiểm soát và sở hữu bởi các thực thể tập trung, quyền sở hữu được phân phối giữa những người xây dựng và người dùng.

  • Không cần cấp phép (Permissionless): mọi người đều có quyền truy cập như nhau để tham gia Web3 và không ai bị loại trừ.

  • Có hệ thống thanh toán riêng (Native Payment): Web3 sử dụng tiền mã hoá làm phương tiện thanh toán mà không sử dụng cơ sở hạ tầng thanh toán của ngân hàng.

  • Không cần sự tin cậy (Trustless): Web3 hoạt động bằng cách sử dụng các biện pháp khuyến khích và cơ chế kinh tế thay vì dựa vào các bên thứ ba đáng tin cậy.

  • Trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (Machine Learning): Với sự trợ giúp của Semantic Web và các công nghệ dựa trên xử lý ngôn ngữ tự nhiên, Web3 sẽ cho phép máy móc hiểu thông tin tương tự như con người. Web3 cũng sẽ sử dụng máy học, một tập hợp con của trí tuệ nhân tạo (AI) bắt chước việc học của con người bằng cách sử dụng dữ liệu và thuật toán, dần dần cải thiện độ chính xác của nó.

  • Khả năng kết nối (Connectivity): Với Web3, nội dung và thông tin có thể truy cập dễ dàng hơn trên các ứng dụng và với số lượng thiết bị phổ biến được kết nối với Internet ngày càng tăng. 

Lịch sử hình thành và phát triển của World Wide Web

Web1 (1990 - 2004)

Vào năm 1989, tại CERN, Geneva, Tim Berners-Lee đã phát triển các giao thức mà sau này trở thành World Wide Web. Ý tưởng của Tim là tạo các giao thức mở, phi tập trung cho phép chia sẻ thông tin từ mọi nơi trên Trái đất.

Sáng tạo của Berners-Lee hiện được gọi là “Web 1.0”, tồn tại từ năm 1990 đến năm 2004. Web 1.0 chủ yếu là các trang web tĩnh do các công ty sở hữu và gần như không có sự tương tác giữa người dùng và các cá nhân hiếm khi tạo ra nội dung, vì vậy Web1.0 được gọi là Web chỉ có khả năng đọc (read-only web).

Web2 (2004 - hiện tại)

Thời kỳ Web 2.0 bắt đầu vào năm 2004 với sự xuất hiện của các nền tảng truyền thông xã hội. Thay vì chỉ đọc, web đã phát triển thành đọc-ghi (read-write). Các công ty thay vì cung cấp nội dung cho người dùng, họ cũng bắt đầu cung cấp nền tảng chia sẻ nội dung cho phép tạo và tham gia vào các tương tác giữa người dùng với người dùng.

Khi có nhiều người truy cập trực tuyến hơn, một số công ty hàng đầu bắt đầu kiểm soát lưu lượng truy cập và giá trị được tạo ra trên web một cách không cân đối. Web 2.0 cũng khai sinh ra mô hình doanh thu dựa trên quảng cáo. Mặc dù người dùng có thể tạo nội dung nhưng họ không sở hữu nội dung đó hoặc được hưởng lợi từ việc kiếm tiền từ nội dung đó.

Web3 – Semantic Web

Web3 là thế hệ mới nhất của Internet, được phát triển để giải quyết các vấn đề của Web2. Web3 sẽ cải thiện các lỗ hổng của Web2 bằng cách cho phép người dùng web kiếm tiền từ hoạt động và đóng góp của họ cho nền tảng.

Một lỗ hổng khác liên quan đến Web2 là quyền riêng tư dữ liệu, vì các công ty công nghệ lớn có toàn quyền kiểm soát dữ liệu của người dùng nhận được từ đăng ký hoặc khảo sát,... Quyền sở hữu dữ liệu là một điểm khác biệt khác giữa Web2 và Web3. Web3 sẽ giúp người dùng chịu trách nhiệm về dữ liệu của họ bằng cách chấm dứt việc đăng ký liên tục bằng những đổi mới như dịch vụ đặt tên miền, nơi danh tính sẽ được gắn với địa chỉ ví Web3.

Ưu điểm của Web3

Không cần trung gian 

Trong một mạng lưới phi tập trung, các giao dịch và dữ liệu được trao đổi trực tiếp do đó dữ liệu và tài sản của người dùng không phải phụ thuộc vào một bên trung gian như Facebook hay Paypal kiểm soát.

Ngăn chặn vi phạm dữ liệu

Dữ liệu của người dùng do chính họ kiểm soát. Tin tặc rất khó để tiếp cận với thông tin của người dùng trừ khi khống chế được toàn bộ mạng blockchain. Những công ty như Facebook và Google không thể bán dữ liệu của người dùng cho bên thứ ba để kiếm lợi nhuận.

Ngoài ra, Web3 còn cho phép người dùng kiểm soát danh tính kỹ thuật số của mình bằng địa chỉ Ethereum và tên miền ENS. Việc sử dụng địa chỉ Ethereum cung cấp một phương pháp đăng nhập trên các nền tảng với đặc tính an toàn, chống kiểm duyệt và ẩn danh.

Mang lại quyền sở hữu dữ liệu cho người dùng

Web3 mang lại quyền sở hữu dữ liệu cho người dùng. Ví dụ: Đối với các vật phẩm trong game, Web3 cung cấp cho người dùng quyền sở hữu trực tiếp thông qua các NFT. Không một ai, kể cả người sáng tạo game, có quyền tước quyền sở hữu của người dùng. Và người dùng sẽ có thể dễ dàng bán hoặc trao đổi các vật phẩm trong game của mình trên các thị trường mở.

Ngoài việc người dùng có quyền sở hữu dữ liệu của mình trong Web3, họ còn có thể sở hữu nền tảng này với tư cách tập thể, sử dụng token hoạt động giống như cổ phần trong một công ty. DAO cho phép người dùng điều phối quyền sở hữu phi tập trung của một nền tảng và đưa ra quyết định về tương lai của nó. DAO được định nghĩa về mặt kỹ thuật là các hợp đồng thông minh đã được thống nhất nhằm tự động hóa việc ra quyết định phi tập trung đối với một nhóm tài nguyên (token). Người dùng có token bỏ phiếu về cách sử dụng tài nguyên và mã sẽ tự động thực hiện kết quả bỏ phiếu.

Các dịch vụ sẽ hoạt động 24/7

Do các dịch vụ trên Web3 không có một máy chủ cố định, chúng sẽ hoạt động liên tục chừng nào mạng lưới còn tồn tại. Sự cố mất điện hay dữ liệu hay một máy chủ bị phá hoại sẽ không thể khiến trò chơi yêu thích của người chơi bị tạm dừng.

Kết nối thông minh

Khả năng gắn thẻ ngữ nghĩa của Web3 sẽ cho phép Internet trở nên thông minh và được kết nối hơn. Người dùng có thể sử dụng các thiết bị kết nối internet được gắn thẻ ngữ nghĩa chung để cung cấp website phù hợp, trực quan và cá nhân hóa kinh nghiệm. Nói một cách dễ hiểu, đó là lợi ích của sự kết hợp giữa IoT và công nghệ AI.

Hệ thống thanh toán riêng

Cơ sở hạ tầng thanh toán của Web2 phụ thuộc vào ngân hàng và bộ xử lý thanh toán. Trong khi đó, Web3 sử dụng các token như ETH để gửi tiền trực tiếp trong trình duyệt và không yêu cầu bên thứ ba đáng tin cậy.

Nhược điểm của Web3

Cơ sở hạ tầng tập trung

Hệ sinh thái Web3 còn non trẻ và phát triển nhanh chóng. Do đó, hiện tại nó phụ thuộc chủ yếu vào cơ sở hạ tầng tập trung (GitHub, Twitter, Discord,...). Nhiều công ty Web3 đang gấp rút lấp đầy những khoảng trống này, nhưng việc xây dựng cơ sở hạ tầng đáng tin cậy, chất lượng cao cần rất nhiều thời gian.

Không thân thiện với người dùng mới

Đa số ứng dụng phi tập trung hiện tại không thân thiện với người dùng mới, đòi hỏi người sử dụng phải có hiểu biết nhất định về công nghệ blockchain mới có thể sử dụng. Trong quá khứ, vấn đề này cũng đã từng xảy ra trong giai đoạn Web1 thịnh hành và Web2 còn quá mới mẻ.

Lượng dữ liệu khổng lồ

Do dữ liệu tồn tại trên blockchain mãi mãi nên chúng khiến cho blockchain ngày càng trở nên nặng hơn. Ngoài ra, công nghệ blockchain yêu cầu mỗi node phải tải toàn bộ dữ liệu blockchain về khiến cho tổng dung lượng của blockchain trên toàn mạng lưới ngày càng nặng nề hơn.

Các ví dụ về Web3

  • Ethereum: Một trong những giao thức Web3 phổ biến nhất thời điểm hiện tại. Nền tảng phi tập trung này hỗ trợ native token cộng với một hệ sinh thái rộng lớn gồm các nhiều dụng phi tập trung khác nhau

  • Brave: Trình duyệt Web3 cho phép người dùng kiếm tiền trực tiếp từ việc tiêu thụ và sáng tạo nội dung của họ. Người dùng được thưởng khi xem quảng cáo và có thể được trả thưởng trực tiếp khi sản xuất nội dung.

  • Nexus Mutual: Nền tảng bảo hiểm được xây dựng dựa trên công nghệ Web3. Sản phẩm của Nexus Mutual bảo vệ người dùng khỏi các lỗ hổng hợp đồng thông minh được sử dụng trên các nền tảng tài chính phi tập trung (DeFi) khác nhau.

  • CyberConnect: CyberConnect là mạng xã hội Web3. Mạng xã hội này trao quyền cho người dùng quyền sở hữu đối với danh tính, nội dung, kết nối và khả năng kiếm tiền kỹ thuật số của họ.

Web3 và công nghệ blockchain có liên quan gì với nhau?

Web3 và blockchain có mối liên hệ khá mật thiết với nhau. Web3 là một mạng lưới phi tập trung, nhưng để một mạng lưới phi tập trung tồn tại thì phải cần một cơ chế đồng thuận để xác thực thông tin, công nghệ blockchain chính là giải pháp nhằm giải quyết vấn đề đó. Nếu không có công nghệ blockchain, tầm nhìn về Web3 sẽ không thể thực hiện được.

Xem thêm: Galxe là gì?

Tổng kết

Web3 là một bước tiến lớn để giải quyết các vấn đề của Web2 ở thời điểm hiện tại. Nhưng sẽ phải còn một thời gian rất dài nữa, Web3 mới có thể đi vào cuộc sống hàng ngày của người dùng như Web2 đang làm. Thông qua bài viết này Coin68 hy vọng rằng các bạn đã nắm được những khái niệm cơ bản về Web3. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết sau.

-06/02/2021
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68