Việc ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ những tưởng sẽ mở ra một giai đoạn "bull run" mới cho thị trường crypto, nhưng trái lại cộng đồng lại phải đối mặt với thương chiến Mỹ-Trung và áp lực "sell the news".
Tổng hợp những sự kiện crypto nổi bật trong quý 1/2025
Tháng 1
USDT bị thách thức vì MiCA
Ngày 30/12/2024, các sàn giao dịch tiền mã hóa tại Liên minh Châu Âu (EU) chính thức áp dụng quy định MiCA (Markets in Crypto Assets), yêu cầu các stablecoin phải tuân thủ những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về minh bạch và dự trữ tài chính. Đây được xem là bước ngoặt lớn trong việc quản lý thị trường tiền mã hóa tại khu vực này.
Tuy nhiên, USDT, stablecoin lớn nhất thế giới do Tether phát hành, lại đang phải đối mặt với nguy cơ bị gỡ bỏ khỏi các sàn giao dịch Châu Âu. Nguyên nhân là Tether hiện không đáp ứng được các yêu cầu mà MiCA đặt ra.
Cụ thể, MiCA yêu cầu tất cả stablecoin phải báo cáo định kỳ và đầy đủ về tài sản bảo chứng, minh bạch các khoản dự trữ nhằm đảm bảo tính thanh khoản và khả năng quy đổi tức thì của stablecoin.
Trái lại, Tether lại không thực hiện kiểm toán định kỳ mà chỉ cung cấp các báo cáo xác thực tài sản(attestation) hàng quý do một bên thứ ba thực hiện, nên không đáp ứng được yêu cầu của MiCA.
Vì thế, sau khi quy định này có hiệu lực, các sàn giao dịch crypto lần lượt thông báo hủy niêm yết các stablecoin không đáp ứng theo MiCA, mà USDT bị ảnh hưởng nhiều nhất. Các chi nhánh EU của Coinbase, Crypto.com đều nhanh chóng thông báo đến người dùng, sau đó đến đầu tháng 3, Binance hủy niêm yết các stablecoin không đáp ứng MiCA tại EEA.
Dĩ nhiên như Coin68 đã giải thích, USDT khó có khả năng sụp đổ ngay cả khi bị cấm tại EU vì:
- MiCA có tính linh hoạt: Hiện tại USDT không thỏa điều kiện MiCA nhưng công ty Tether có thể nỗ lực cải thiện, kiểm toán đầy đủ để được xét duyệt lại trong những lần đánh giá sau. Nói cách khác, USDT vẫn có thể được MiCA chấp thuận và niêm yết trở lại trong tương lai.
- Phát triển các stablecoin thỏa MiCA khác: Một giải pháp khả thi mà bản thân Tether đang áp dụng là phát triển các stablecoin mới hơn, thỏa điều kiện MiCA để dành riêng cho thị trường EU. Đơn cử như việc đầu tư vào StablR, đơn vị phát triển stablecoin tuân thủ quy định nghiêm ngặt hơn.
Dù vậy, tình trạng chung này vẫn ảnh hưởng đến USDT, và tạo cơ hội để USDC chuyển mình. Vào tháng 1, vốn hóa USDC tăng 80% so với mức thấp nhất năm 2023. Đến cuối tháng 3, vốn hóa USDC lập đỉnh ở 60 tỷ USD.
Stablecoin của Usual Protocol bị depeg
Usual Protocol là giao thức stablecoin phi tập trung, an toàn, phân phối quyền sở hữu và quản trị thông qua token USUAL. Usual Protocol kết hợp tài sản thế giới thực (RWA) với mô hình quản trị tài chính phi tập trung để giải quyết các vấn đề chính trong thị trường stablecoin hiện nay.
Người dùng có thể gửi USDC hoặc tài sản thế giới thực (RWA) vào giao thức để phát hành USD0, một stablecoin được đảm bảo bằng các tài sản này. Người dùng có thể khóa USD0 để tạo ra USD0++, nhận phần thưởng bằng token USUAL và hưởng lợi nhuận từ sự phát triển của giao thức.
Vào ngàu 02/01, USD0 đã giật về 0,9972 USD, trượt khỏi vùng neo giá 1:1 so với tài sản thế chấp, còn gọi là depeg. Theo xác nhận từ Usual Protocol, sự cố này xuất phát từ hành động của một whale (cá voi) trên thị trường.
Đến ngày 11/01, USD0++ lại bị depeg giảm đến hơn 8% khỏi mốc 1 USD vốn hóa khi cộng đồng DeFi ào ạt giảm bớt vị thế sau thay đổi gần đây của dự án.
Nguyên nhân là bởi dù sản phẩm chủ lực của Usual là stablecoin USD0 được bảo chứng bởi tín phiếu kho bạc Mỹ và đảm bảo duy trì mốc giá 1 USD, phiên bản staking của đồng tiền này là USD0++ lại cho phép người dùng khóa tài sản lại trong vòng 4 năm và nhận lại lãi dưới hình thức token quản trị USUAL.
Trước đây, người dùng vẫn có thể quy đổi giữa USD0 và USD0++ một cách tự do, thế nhưng mới đây Usual đã quyết định thay đổi tỷ giá giữa hai tài sản trên, khi giờ đây 1 USD0++ chỉ có thể đổi lấy 0,87 USD0.
Thay vào đó, để có thể nhận lại USD0 với giá trị 1 USD, người nắm giữ USD0++ cần phải chờ 4 năm đến khi thời gian staking hết hạn.
Dù đội ngũ Usual cho biết thay đổi trên đã được chuẩn bị từ tháng 10, thế nhưng dường như không ít nhà đầu tư vào giao thức stablecoin đã hoàn toàn bất ngờ trước thông tin này và trở tay không kịp, dẫn đến hành động bán tháo USD0++ và khiến đồng tiền này depeg sâu.
Do Kwon bị dẫn độ sang Mỹ
Ngay ngày đầu năm mới, giới chức Montenegro cho biết đã bàn giao Do Kwon cho chính quyền Mỹ sau khi giam giữ nhân vật này suốt 20 tháng qua.
Đây là điểm kết thúc của những tranh cãi pháp lý trong nội bộ Montenegro, vốn đã bắt đầu từ khi quốc gia này bắt giữ Do Kwon vào tháng 03/2023 với tội danh sử dụng hộ chiếu giả. Kể từ đó, Bộ Tư pháp nước này và Tòa án Tối cao đã liên tục đưa ra rồi lại hủy bỏ quyết định chọn nơi dẫn độ Do Kwon giữa Mỹ và Hàn Quốc, hai đất nước mà đều muốn xét xử người này vì vai trò trong cú sập LUNA-UST hồi giữa năm 2022.
Tại Mỹ, Do Kwon sẽ phải đối mặt với cáo trạng hình sự gồm 2 tội danh âm mưu lừa đảo, 2 tội danh lừa đảo chứng khoán, 2 tội danh gian lận chuyển tiền, lừa đảo tài sản và thao túng thị trường liên quan đến LUNA và UST, vốn gây thiệt hại 60 tỷ USD.
Vừa đặt chân đến Mỹ sau khi bị dẫn độ từ Montenegro, Do Kwon đã ngay lập tức bác bỏ mọi cáo buộc hình sự liên quan đến vụ sụp đổ của hệ sinh thái Terra- LUNA- UST.
XRP vượt mốc 3 USD sau 7 năm
Tâm lý lạc quan dành cho XRP đã bắt đầu từ tháng 11/2024, thời điểm ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và Chủ tịch SEC Gensler thông báo từ chức, báo hiệu sự thay đổi chính sách pháp lý crypto ở xứ cờ hoa.
SEC từ năm 2020 đã khởi kiện Ripple với cáo buộc XRP là chứng khoán, và dù đã bị tòa án ra phán quyết công nhận một phần lập luận chứng khoán và buộc Ripple đóng phạt 125 triệu USD, Ủy ban Chứng khoán Mỹ vẫn không chịu từ bỏ vụ kiện mà muốn giành chiến thắng toàn diện.
Ngày 16/01, XRP lần đầu vượt mốc 3 USD sau 7 năm, dường như cũng là điềm báo trước cho thắng lợi pháp lý của Ripple. 3 tháng sau vào ngày 19/03, SEC chính thức hủy bỏ vụ kiện Ripple, chấm dứt cuộc chiến pháp lý kéo dài 4 năm.
Memecoin TRUMP gây chấn động thị trường
Sáng ngày 18/01, hai tài khoản mạng xã hội Truth Social và X của ông Donald Trump đã đồng loạt chia sẻ thông tin về Trump Memes (TRUMP), một memecoin được phát hành trên Solana.
Chỉ sau 1 giờ ra mắt, giá TRUMP đã đạt đến mức vốn hóa gần 3,5 tỷ USD khi cộng đồng ồ ạt mua đồng memecoin này, với khối lượng giao dịch lên đến gần 420 triệu USD.
Sự xuất hiện của memecoin TRUMP đã tạo ra một “cơn địa chấn” trong cộng đồng crypto. Không chỉ làm tăng giá trị và khối lượng giao dịch của Solana, còn góp phần đưa TVL mạng lưới trở lại mốc 10 tỷ USD kể từ sau sự sụp đổ của FTX.
Nhưng cộng đồng chưa kịp hết fomo, chỉ 48 giờ sau đó, dư luận lại được một phen hú vía khi đến lượt tân Đệ nhất phu nhân Melania Trump tiết lộ bà sẽ triển khai một memecoin riêng có mã là MELANIA. Ngay sau tin tức này, giá memecoin TRUMP đã “lún sâu” 45% vì bị "chia sẻ thị phần".
Sự ra đời của TRUMP và MELANIA làm "dậy sóng" toàn mạng lưới Solana và thậm chí là toàn ngành tiền mã hóa. Những ngày đó, đi đâu chúng ta cũng chỉ nghe đến TRUMP, nghe những lời ca ngợi đối với vị Tổng thống sở hữu memecoin đầu tiên này.
Tuy vậy, sau khi cơn say nguôi dần, TRUMP hay MELANIA chung quy vẫn chỉ là các đồng meme không có quá nhiều công dụng, và trên thực tế cũng không có tính năng nào gắn liền với ông Trump. Giá 2 đồng lao dốc dần, nhưng cũng kịp làm Trump bị nhiều bên cáo buộc trục lợi từ TRUMP, vì trên thực tế holder TRUMP và MELANIA phần lớn kiếm lời chưa đến 100 USD.
Việt Nam tăng tốc xây dựng khung pháp lý tiền số
2025 trở thành năm bản lề của bối cảnh pháp lý crypto toàn cầu. Theo cùng với những chuyển biến tích cực ở Hoa Kỳ, chính phủ Việt Nam cũng gấp rút xây dựng bộ khung quản lý tiền số toàn diện.
- Sáng ngày 06/01/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có phiên họp về dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, làm rõ cách phân loại tài sản số để chuẩn bị cho áp dụng khung pháp lý cụ thể.
Ban đầu, Thủ tướng chỉ đạo hoàn thiện khung pháp lý crypto vào tháng 05/2025 nhưng sau đó đã đốc thúc thêm, yêu cầu trình khung pháp lý tài sản số ngay trong tháng 3.
- Ngày 09/01, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech) và tài sản số tại TP HCM và Đà Nẵng. Tiếp đó là kiến nghị các giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa được thử nghiệm trong các trung tâm tài chính từ ngày 01/07/2026.
- Ngày 15/01, One Mount Group được Chính phủ Việt Nam giao nhiệm vụ xây dựng blockchain "Make in Vietnam".
- Ngày 28/02, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh cần nghiên cứu lập sàn giao dịch tài sản số ở Việt Nam. Điều này tiếp tục được Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định vào ngày 05/03.
Ngoài ra, Việt Nam và Singapore ký kết Ý định thư hợp tác (LOI) nhằm tăng cường giám sát thị trường vốn và quản lý tài sản số, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng khung pháp lý phù hợp với xu hướng toàn cầu.
Tháng 2
Trump khơi mào thương chiến, Bitcoin giảm về dưới 80.000 USD
Trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng của cộng đồng rằng crypto sẽ "to the moon", ngay khi nhậm chức, ông Trump đã khơi mào thương chiến với gần như cả thế giới.
- Ngày 03/02, thị trường crypto "đổ máu" khi chính quyền Trump áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc, khiến giá Bitcoin lao dốc về mức 92.000 USD và 2 tỷ USD bị cháy, ghi nhận ngày thanh lý lớn nhất lịch sử.
- Trong cuộc họp vào ngày 09/02,Trump tiếp tục đẩy căng thẳng thương mại lên cao khi cho biết ông sẽ áp thuế nhập khẩu 25% với mọi loại thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ.
- Đến ngày 28/02, thị trường crypto “nhuốm đỏ” sau khi Trump áp thêm thuế 10% với Trung Quốc, Bitcoin mất mốc 80.000 USD, vốn hóa toàn thị trường “sập” về mức thấp nhất 3 năm qua.
Vì viễn cảnh kinh tế tiêu cực, ETF Bitcoin ghi nhận kỷ lục ngày outflow kỷ lục hơn 1 tỷ USD. Kể từ đó, các quỹ ETF hầu như đều outflow nhiều ngày liên tiếp, nếu có ngày inflow hiếm hoi thì dòng tiền cũng vô cùng ít ỏi.
Mỹ tìm ra hacker KyberSwap và Indexed Finance
Ngày 03/02, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) công bố bản cáo trạng gồm 5 tội danh đối với Andean Medjedovic, 22 tuổi, công dân Canada. Medjedovic bị cáo buộc đã tấn công hai giao thức DeFi là KyberSwap và Indexed Finance, từ đó chiếm đoạt khoảng 65 triệu USD từ các nhà đầu tư.
Vào khoảng tháng 11/2023, sau khi thao túng KyberSwap, Medjedovic còn ra “yêu sách” đòi kiểm soát toàn bộ giao thức cũng như tổ chức DAO quản lý KyberSwap, đổi lại sẽ hoàn trả 50% số tiền đánh cắp.
Kyber Network thì mới ngày 03/02 cũng thông báo hoàn tất quá trình bồi thường thiệt hại đã kéo dài suốt 1 năm qua cho hơn 1.300 người dùng bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công.
MicroStrategy đổi tên thành Strategy
Vào ngày 06/02, công ty phần mềm MicroStrategy đã chính thức thông báo đổi tên thành Strategy nhằm khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với Bitcoin trong chiến lược tài chính dài hạn.
THORChain chuyển đổi nợ thành token TCY
Ngày 24/01, THORChain chính thức tạm dừng các dịch vụ của THORFi, bao gồm lending và saving, sau khi cộng đồng bị cảnh báo rằng giao thức đang rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán.
Tính đến thời điểm đó, THORChain đã tích lũy khoản nợ phải trả lên tới 200 triệu USD, trong khi tổng tài sản nắm giữ chỉ còn 107 triệu USD nằm trong các pool thanh khoản (LP), khiến hệ sinh thái đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Quyết định đóng băng các dịch vụ trên THORFi ngay lập tức tạo ra hiệu ứng domino trên toàn mạng lưới khi:
- 31 validator rời khỏi hệ thống, làm giảm sự phân quyền của giao thức.
- 100 triệu USD thanh khoản bị rút khỏi giao thức, tạo áp lực lớn lên thị trường.
- Giá RUNE lao dốc, từ 3 USD xuống còn 1,11 USD, mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua.
Sau đó, cộng đồng THORChain đã đưa ra 8 đề xuất tái cấu trúc để giải quyết khủng hoảng tài chính mà giao thức đang gặp phải, trong đó "Proposal6" do AaluxxMyth từ Maya Protocol đề xuất đã chính thức được thông qua.
Các điểm chính trong Proposal6:
- Chuyển đổi gần 200 triệu USD nợ xấu thành equity token TCY, giúp chủ nợ có quyền sở hữu một phần doanh thu của giao thức.
- Người cho vay và người gửi tiết kiệm sẽ nhận 1 TCY cho mỗi 1 USD bị mất, thay vì được hoàn trả bằng tài sản gốc như BTC hay ETH.
Điều này đồng nghĩa với việc thay vì hoàn trả tài sản ban đầu, THORChain đang biến nợ thành token TCY, một dạng tài sản đầu tư, từ đó cho phép người dùng tự quyết định giữ hoặc bán token TCY dựa trên nhu cầu thị trường.
Bê bối memecoin LIBRA
Ngày 15/02, Tổng thống Argentina Javier Milei khiến dư luận chao đảo với màn công bố token LIBRA, định vị là công cụ hỗ trợ nền kinh tế quốc gia bằng cách cấp vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và startup.
Nhưng chưa đầy 1 tiếng sau đó, chính ông Milei lại xóa bài shill, đăng bài đính chính phủ nhận mối quan hệ với token này. Hành động shill rồi "từ mặt" đã khiến cơn fomo trở thành cơn hoảng loạn, càn quét 90% giá token.
Drama tiếp tục khi "bàn tay sau màn", các bên liên quan đến LIBRA và "đạo diễn" màn ra mắt này lần lượt xuất hiện. Cộng đồng từ đó mới thấy rõ "bộ mặt" của bối cảnh memecoin hiện tại, nơi các "cabal" chia chác lợi nhuận kiếm được từ nhà đầu tư nhẹ dạ cả tin.
- Tổng thống Argentina Javier Milei lần đầu lên tiếng về memecoin LIBRA
- Thế lực ngầm" đứng sau làn sóng memecoin người nổi tiếng - DefiTuna phanh phui đường dây “bòn rút” 200 triệu USD qua memecoin trên Solana
- Bài phỏng vấn chấn động với "người trong cuộc" memecoin LIBRA
- Jupiter mở cuộc điều tra nội bộ, đồng sáng lập Meteora từ chức hậu bê bối LIBRA
- Lộ tin nhắn Hayden Davis "mua chuộc" em gái Tổng thống Argentina để quảng bá LIBRA
- 86% nhà đầu tư LIBRA thua lỗ hơn 1.000 USD, tổng thiệt hại 250 triệu USD
FTX bắt đầu trả nợ, lượng lớn SOL sắp unlock
FTX xác nhận bắt đầu trả nợ từ ngày 18/02. Nhóm chủ nợ được nhận đợt này là “convenience class” - tức những người có yêu cầu bồi thường dưới 50.000 USD.
Họ sẽ nhận lại toàn bộ số tiền thiệt hại, cùng với lãi suất 9% mỗi năm kể từ tháng 11/2022. Nghĩa là, những chủ nợ này sẽ nhận được khoảng 119% giá trị yêu cầu bồi thường, tổng cộng 1,2 tỷ USD.
Cùng với đó là một lượng lớn Solana thuộc sở hữu của FTX sắp được unlock trong thời gian tới. Tổng số tiền mở khóa trong tháng 3 và 4 là lên đến 12 triệu SOL. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến giá SOL tụt dốc trong quý đầu năm.
Pi Network mainnet, PI niêm yết nhiều sàn lớn
Sau quãng thời gian hơn 6 năm phát triển, Pi Network thông báo chính thức triển khai giai đoạn Open Network (mạng mở) vào ngày 20/02. Cùng với đó là việc token PI sẽ có thể được giao dịch, bắt đầu niêm yết trên một loạt các sàn CEX.
Các sàn tích cực niêm yết PI nhất có thể kể đến như OKX, MEXC, HTX... Trong khi đó Bybit lại bị fan PI "tẩy chay" vì kiên quyết không niêm yết token này. Còn Binance thì mở khảo sát lấy ý kiến cộng đồng.
Bybit bị hack 1,4 tỷ USD
Tối ngày 21/02, khi dư âm từ bê bối memecoin LIBRA còn chưa kịp lắng xuống, cộng đồng crypto tiếp tục chấn động trước tin tức Bybit – một trong những sàn giao dịch tiền mã hóa hàng đầu thế giới – bị hacker tấn công và mất hơn 1,4 tỷ USD.
Vụ hack không chỉ lập kỷ lục về quy mô thiệt hại trong ngành tiền mã hóa, mà còn là sự cố tấn công để lại hậu quả lớn nhất lịch sử nhân loại.
Theo thống kê, 401.346 ETH, cùng 15.000 cmETH, 8.000 mETH và 90 USDT đã bị chuyển ra khỏi sàn giao dịch với tổng giá trị ước tính lên tới 1,46 tỷ USD.
Sau khi thông tin về vụ hack lan rộng, CEO Bybit Ben Zhou cũng chính thức lên tiếng trên X, xác nhận rằng một ví lạnh multisig chứa ETH của sàn đã bị tấn công nhưng nhấn mạnh rằng các ví nóng, warm wallet và các ví lạnh khác vẫn an toàn.
Trước mối lo ngại về bank run, theo các tính toán nhanh từ báo cáo Reserve Ratios mới nhất của Bybit thì sàn vẫn đủ khả năng duy trì thanh toán. Nhờ đó giảm thiểu tối đa cơn hoảng loạn của cộng đồng.
Đến sáng ngày 24/02, nghĩa là chỉ hơn 2 ngày kể từ vụ hack lịch sử, các trang theo vết on-chain cho thấy Bybit đã vay mượn đủ 1,2 tỷ USD ETH, khỏa lấp thiệt hại vụ hack. Sàn giao dịch trở lại trạng thái backed 100%.
Danh tính những kẻ tấn công được xác định là Lazarus Group, nhóm hacker khét tiếng của Triều Tiên. Nhưng lỗ hổng bảo mật bắt nguồn từ cơ sở hạ tầng Safe Wallet.
Tháng 3
Trump thành lập quỹ dự trữ crypto chiến lược, thị trường “sell the news”
Lại thêm một diễn biến trái ngược với kỳ vọng của cộng đồng. Sáng ngày 07/03, Trump đã ký mệnh lệnh hành pháp để thành lập "Quỹ dự trữ Bitcoin chiến lược" cho nước Mỹ.
Quỹ ban đầu sẽ tiếp nhận toàn bộ lượng Bitcoin đang được giới chức Hoa Kỳ quản lý, lấy từ số BTC tịch thu từ các hoạt động triệt phá tội phạm và tố tụng hình sự trong quá khứ. Ngoài ra quỹ còn mở rộng với các đồng tiền khác như ETH, XRP, SOL và ADA.
Mệnh lệnh hành pháp về Quỹ dự trữ Bitcoin chiến lược được ông Donald Trump công bố chỉ ít giờ trước khi Nhà Trắng lần đầu tiên trong lịch sử tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về Crypto, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo và CEO từ những công ty tiền số hàng đầu ở Mỹ. Nhưng đáng tiếc không có tuyên bố mới được đưa ra.
Giá Bitcoin giảm mạnh từ 91.000 USD ở thời điểm thông tin quỹ dự trữ được công bố về vùng 85.000 USD, một phần vì tâm lý "sell the news", một phần vì sự thất vọng khi quỹ chỉ tiếp nhận lượng BTC tịch thu thay vì tạo ra thêm áp lực mua.
MGX đầu tư 2 tỷ USD vào Binance
Vào ngày 12/03, sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới Binance và MGX, tập đoàn công nghệ tiên tiến có trụ sở tại Abu Dhabi, đã chính thức công bố thương vụ đầu tư trị giá 2 tỷ USD.
Đây không chỉ là khoản đầu tư lớn nhất từng được rót vào một công ty crypto, mà còn là lần đầu tiên Binance nhận vốn từ một tổ chức tài chính kể từ khi thành lập.
Khoản đầu tư 2 tỷ USD của MGX không chỉ củng cố vị thế dẫn đầu của Binance trong ngành tiền mã hóa mà còn khẳng định tham vọng của MGX trong việc thúc đẩy sự phát triển của AI, DeFi và nền kinh tế kỹ thuật số được mã hóa.
Pectra trễ hẹn
Nối tiếp bản nâng cấp Dencun triển khai thành công trên Ethereum với đề xuất EIP-4844 quan trọng góp phần giảm phí gas mạng lưới cả chục lần hồi Q1/2024, Pectra là bước tiến quan trọng tiếp theo của ETH, nhằm cải thiện tốc độ, khả năng mở rộng và trải nghiệm của người dùng cũng như lập trình viên.
Ban đầu Pectra dự kiến ra mắt vào cuối năm 2024, nhưng bị trì hoãn do phạm vi nâng cấp mở rộng đáng kể. Cuối cùng, các nhà phát triển Ethereum "chốt lịch" triển khai Pectra lên mainnet vào tháng 3 năm nay.
Và tiếp tục trái với kỳ vọng, các thử nghiệm Pectra trên testnet Holesky và Sepolia đều gặp lỗi. Cụ thể, Holesky gặp sự cố không thể finalize, hoàn tất xác nhận giao dịch, như mong đợi vào ngày 25/02. Nâng cấp cũng gặp trở ngại trên mạng Sepolia vào hôm 05/03, do lỗi các hợp đồng gửi tiền tùy chỉnh.
Vì vậy các nhà phát triển buộc phải kéo dài thời gian thử nghiệm trên các testnet khác để đảm bảo không còn lỗi nghiêm trọng nào xảy ra mới có thể chính thức triển khai lên mainnet. Hiện tại theo kế hoạch thì Pectra có thể triển khai trước ngày 30/04.
Cronos phát hành lại 70 tỷ CRO đã đốt bỏ
Cronos, blockchain Layer-1 được hậu thuẫn bởi sàn giao dịch Crypto.com, ngày 03/03/2025 đã có một đề xuất chấn động: sử dụng lại 70 tỷ token CRO đã đốt bỏ.
Vào năm 2021, 70 tỷ CRO đã bị đốt bỏ trong một trong những giao dịch đốt quan trọng nhất lịch sử.
Nhưng với đề xuất mới nhất, 70 tỷ CRO đó sẽ được phát hành lại trên mạng lưới Cronos POS, và gửi vào ví ký quỹ Cronos Strategic Reserve. Mục đích nhằm đưa tổng cung trở lại con số ban đầu là 100 tỷ CRO.
Những tưởng đề xuất "vô lý" như thế sẽ không được chấp thuận. Nhưng không, đến ngày 18/03, đề xuất được thông qua vì được boost phiếu bầu vào "phút chót", dẫn đến hàng loạt chỉ trích vì thao túng quản trị DAO.
EOS đổi tên thành Vaulta
EOS Network (EOS), blockchain layer-1 ra mắt vào năm 2018 và nổi lên với tư cách là đợt ICO lớn nhất lịch sử ngành tiền mã hóa, thông báo sẽ đổi tên thành Vaulta và chuyển hướng sang trở thành “ngân hàng Web3”.
Vaulta sẽ được xây dựng trên nền phần mềm EOSIO hiện có của EOS, đồng thời tích hợp với exSat, giao thức cho phép hỗ trợ smart contract trên Bitcoin. Hệ sinh thái của Vaulta sẽ hỗ trợ tương thích EVM và xử lý giao dịch chỉ mất 1 giây.
Mỹ gỡ bỏ lệnh trừng phạt với Tornado Cash
Tối ngày 21/03, Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức gỡ bỏ nền tảng trộn tiền số Tornado Cash ra khỏi danh sách trừng phạt của Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC).
Ngay lập tức, giá token TORN đã tăng vọt gần 100% chỉ trong vài phút - thể hiện phản ứng tích cực từ thị trường, khi Tornado Cash sắp tới sẽ lấy lại một phần thanh khoản và hoạt động của mình sau thời gian dài bị hạn chế.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc tất cả các vấn đề pháp lý của Tornado Cash đã được giải quyết. Roman Storm, một trong những đồng sáng lập của Tornado Cash, vẫn sẽ phải ra tòa vào tháng 7 với cáo buộc hỗ trợ và phát triển smart contract có liên quan đến hoạt động rửa tiền. Một nhà phát triển khác là Alexey Pertsev cũng bị truy tố nhưng vẫn chưa bị bắt giữ.
SEC chấm dứt hàng loạt vụ kiện crypto
Dưới thời chính quyền Donald Trump, Ủy ban Chứng khoán đã có những chuyển biến vô cùng đáng kể, gần như thay đổi "180 độ" về các quyết sách crypto.
Nổi bật trong số này là việc chấm dứt các cuộc điều tra và các vụ kiện đối với những công ty blockchain/crypto, mở ra một thời đại mới về bối cảnh pháp lý tại Hoa Kỳ.
- SEC kết thúc các cuộc điều tra Robinhood, Uniswap, Gemini, Justin Sun, Consensys, Immutable và Crypto.com
- Các vụ kiện crypto được SEC bác bỏ: Kraken, Yuga Labs, Cumberland
Ngoài ra, SEC còn khẳng định memecoin không phải là chứng khoán, cũng như cơ chế đào coin PoW không vi phạm luật chứng khoán.
"Cá voi" Hyperliquid làm náo loạn thị trường
Những ngày cuối quý 1, thị trường crypto kém thanh khoản, giá các đồng coin lớn sideway kéo dài làm trader mệt mỏi. Vì thế trader tìm đến các nền tảng long/short nhằm tận dùng đòn bẩy khyếch đại lợi nhuận.
Nổi lên là sàn perp DEX hàng đầu hiện tại, dù mới ra mắt gần đây, Hyperliquid đã trở thành bến đỗ của các futures trader. Cũng từ đó, các ví cá voi xuất hiện, đặt vị thế giá trị lớn làm náo loạn cộng đồng.
- Hyperliquid gánh lỗ 4 triệu USD vì lệnh long ETH "bất thường" của cá voi
- "Cá voi" Hyperliquid làm náo loạn thị trường với lệnh short Bitcoin
- Hyperliquid "gồng lỗ" 12 triệu USD vì lệnh short JELLYJELLY của trader
Coin68 tổng hợp