logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
ads

Tất tần tật về tiêu chuẩn token trên mạng lưới Ethereum

-19/11/2023

Thị trường cryptocurrency của chúng ta có hơn 10.000 loại token khác nhau và mỗi ngày lại có hàng trăm token mới được tạo ra, nhưng ít ai biết rằng hầu hết những token đó đều được xây dựng trên một vài bộ tiêu chuẩn nhất định. Trong bài viết này Coin68 sẽ cùng các bạn tìm hiểu về chủ đề Tiêu chuẩn phát hành token trên mạng lưới Ethereum.

Tất tần tật về tiêu chuẩn token trên mạng lưới Ethereum

Tiêu chuẩn Token là gì?

Tiêu chuẩn Token là một bộ quy tắc dành cho việc phát hành token trên mạng lưới blockchain mà các nhà phát triển cần tuân thủ.

Bộ quy tắc này được thiết kế khác nhau ở mỗi tiêu chuẩn token và mỗi blockchain để phục vụ từng mục đích riêng. Nhưng mục tiêu cuối cùng của chúng là giúp đảm bảo tính tương thíchliền mạch trong quá trình hoạt động trên mạng lưới.

Ví dụ, khi muốn đăng ký mở doanh nghiệp thì bạn cần khai báo với Sở Kế Hoạch và Đầu tư theo một “bộ tiêu chuẩn” thành lập doanh nghiệp. Nó bao gồm:

  • Tên doanh nghiệp
  • Địa chỉ đăng ký kinh doanh
  • Loại hình doanh nghiệp
  • Vốn điều lệ
  • Người đại diện
  • Các giấy tờ kèm theo,...

Nhờ có những thông tin bạn khai báo trong bộ tiêu chuẩn trên doanh nghiệp của bạn sẽ được định danh, tương thích với các dịch vụ khác trong nền kinh tế quốc gia mà không gặp phải rào cản thông tin. Ví dụ khi doanh nghiệp tham gia dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng, hoặc ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp khác thì các bên có thể đọc hiểu doanh nghiệp của bạn dựa trên bộ tiêu chuẩn đã được công nhận này.

Tại sao cần có tiêu chuẩn token?

Như đã giải thích trong phần giới thiệu, tiêu chuẩn token là cần thiết để giúp hệ thống blockchain đạt hiệu quả cao trong quá trình vận hành. Những lợi ích mà token standard mang lại bao gồm:

  • Tính nhất quán: Các bộ tiêu chuẩn đảm bảo sự nhất quán về mặt thông tin và cách hoạt động của các loại token khác nhau giúp ứng dụng và người dùng hạn chế khó khăn trong việc sử dụng.
  • Tính tương thích: Nhờ có một quy chuẩn hoạt động chung mà các dự án dễ dàng tương thích với nhiều loại token khác nhau. Token Standard đảm bảo mọi token chảy liền mạch trong hệ sinh thái mà không bị giới hạn về mặt công nghệ.
  • Tính mở rộng (kế thừa và phát triển): Token Standard không chỉ đóng vai trò là bộ quy tắc chung mà còn tạo điều kiện để thúc đẩy sự phát triển toàn hệ sinh thái. Các nhà phát triển dựa trên bộ quy chuẩn để tạo ra các ứng dụng mới với hạn chế lỗi và đủ khả năng tương thích trong cả mạng lưới.

Có thể việc bắt buộc bị tuân theo những nguyên tắc sẽ phần nào đó giới hạn sức sáng tạo của các nhà phát triển, nhưng xét về tổng quan Token Standard giúp toàn bộ mạng lưới đạt hiệu suất hoạt động cao hơn nhiều với không có.

Ngoài ra, các nhà phát triển vẫn có thể tự phát triển những bộ tiêu chuẩn riêng phù hợp với mục đích bản thân, nhưng trước khi đi vào hoạt động chính thức, chúng cần được thông qua bởi đội ngũ vận hành mạng lưới.

Mỗi mạng lưới sẽ có nhiều bộ tiêu chuẩn riêng tùy vào nhu cầu sử dụng nhưng phổ biến hơn cả vẫn là các tiêu chuẩn token trên Ethereum. Trong phần tiếp theo dưới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu về những tiêu chuẩn token phổ biến trên mạng lưới có sự hoạt động mạnh mẽ nhất là Ethereum.

Các tiêu chuẩn token phổ biến trên mạng lưới Ethereum

Tiêu chuẩn token trên mạng lưới Ethereum được ký hiệu bắt đầu bằng ERC - Ethereum Request for Comment, ví dụ ERC-20, ERC-721.

Hiện tại trên mạng lưới Ethereum có 85 bộ tiêu chuẩn ERC đang hoạt động và khoảng hơn 100 tiêu chuẩn khác đang trong quá trình đề xuất phê duyệt.

ERC-20 - Token Standard

ERC-20 là tiêu chuẩn fungible token phổ biến nhất trong thị trường cryptocurrency. Được đề xuất bởi Fabian Vogelsteller và Vitalik Buterin vào năm 2015. Tiêu chuẩn này cung cấp các chức năng cơ bản để di chuyển token hoặc phê duyệt cho bên thứ ba sử dụng.

Các quy tắc phát hành phải tuân thủ bao gồm:

  • name: tên token được phát hành (không bắt buộc), ví dụ Uniswap.
  • symbol: mã ký hiệu của token (không bắt buộc), ví dụ UNI.
  • decimals: phần thập phân, biểu diễn khả năng chia nhỏ của token (không bắt buộc). Tối đa đến 18 số thập phân.
  • totalSupply: tổng nguồn cung hay tổng số lượng token có thể được tạo ra.
  • balanceOf: số dư token mà một ví đang sở hữu.
  • transfer: phương thức giúp di chuyển token, chuyển token từ ví của bạn sang ví của người dùng khác bằng cách cung cấp địa chỉ ví của người nhận và số token muốn chuyển.
  • transferFrom: chuyển từ tài khoản này sang tài khoản khác, quy tắc này cũng khá tương tự như transfer nhưng tiện dụng hơn, là bạn có thể ủy quyền cho ai đó chuyển token thay cho bạn.
  • approve: đối chiếu giao dịch, giới hạn số lượng token được rút ra từ ví của bạn, quy tắc này giúp bạn tránh được các rủi ro do lỗi hợp đồng và trường hợp bị đánh cắp tất cả token trong ví.
  • allowance: cho phép kiểm tra số dư của người dùng. Trong trường hợp bạn cấp quyền cho một địa chỉ ví nào đó quản lý số token của bạn thì khi sử dụng hàm allowance, bạn sẽ kiểm tra được số dư có thể rút và số dư còn lại đó sẽ được hoàn lại vào ví của bạn.

Cho đến thời điểm hiện tại ERC-20 là tiêu chuẩn phổ biến và quan trọng bậc nhất không chỉ trong hệ sinh thái Ethereum mà ở cả thị trường cryptocurrency.

ERC-721 - Non-Fungible Token Standard

ERC-721 là tiêu chuẩn đầu tiên dành cho việc phát hành non-fungible token trên mạng lưới Ethereum. Đề xuất bởi William Entriken, Dieter Shirley, Jacob Evans và Nastassia Sachs vào năm 2018, tiêu chuẩn này đã đánh dấu bước tiến lớn cho sự phát triển của lĩnh vực NFT. Mỗi token được tạo ra theo theo tiêu chuẩn này là một phiên bản độc nhất và bất biến trên mạng lưới Ethereum.

ERC-721 cung cấp các chức năng cơ bản để theo dõi và di chuyển NFT. Một số thông số kỹ thuật mà nó cung cấp bao gồm:

IERC721: Các thông số định nghĩa token

  • balanceOf: Kiểm tra số dư token của một địa chỉ.
  • ownerOf: Kiểm tra chủ sở hữu của một token.
  • approve: Chỉ định quyền chuyển giao cho một địa chỉ khác.
  • transferFrom: Chuyển token từ một chủ sở hữu sang chủ sở hữu khác.

IERC721Metadata: Thông tin về dữ liệu token (metadata)

  • name: Tên của bộ sưu tập.
  • symbol: Ký hiệu (symbol) của bộ sưu tập.
  • tokenURI - Uniform Resource Identifier: Đường dẫn tới dữ liệu media của token.

IERC721Enumerable: Định nghĩa các hàm để đếm và liệt kê token

  • totalSupply: Tổng số token trong bộ sưu tập.
  • tokenByIndex: Token tại vị trí cụ thể.
  • tokenOfOwnerByIndex: Token của một chủ sở hữu tại vị trí cụ thể.

IERC721Receiver: Xác nhận một hợp đồng hoặc địa chỉ có thể nhận token

  • onERC721Received: Hợp đồng hoặc địa chỉ nhận được token.

Những tiêu chuẩn này cung cấp cơ sở chung để đảm bảo tính tương thích giữa chúng tạo điều kiện cho việc quản lý và tương tác của NFT một cách liền mạch, nhất quán. ERC-721 đã nhanh chóng trở thành chuẩn chung cho NFT kể từ ngày ra mắt.

ERC-1155 - Multi-Token Standard

ERC-1155 là tiêu chuẩn được thiết kế để giải quyết một số hạn chế của các tiêu chuẩn trước đó. Được đề xuất bởi nhóm nhà phát triển dự án Enjin bao gồm: Witek Radomski, Andrew Cooke, Philippe Castonguay, James Therien, Eric Binet, Ronan Sandford.

ERC-1155 mang lại sự linh hoạt và hiệu suất cao hơn khi cho phép quản lý nhiều loại token khác nhau (cả ERC-20 và ERC-721) trong một hợp đồng duy nhất.

ERC-1155 hỗ trợ nhiều loại token trong một contract

ERC-721 thường được ưa chuộng khi muốn đề cao tính độc đáo và sự riêng biệt còn ERC-1155 sẽ hữu ích cho các mục đích yêu cầu sự linh hoạt và luân chuyển nhiều như Game, Metaverse.

ERC-777

ERC-777 là tiêu chuẩn token được đề xuất để cải thiện và mở rộng các tính năng của ERC-20. Tiêu chuẩn này được đề xuất bởi Jordi Baylina, Jacques Dafflon, và Thomas Shababi vào tháng 6 năm 2017. ERC-777 được thiết kế để cung cấp các tính năng mở rộng như giao dịch có thể phản hồi và các tích hợp khác giúp giao dịch trở nên linh hoạt hơn.

Một số cải tiến nổi bật của ERC-777 bao gồm:

  • Giới thiệu khả năng sử dụng phản hồi (callback), cho phép các tài khoản nhận được thông báo và thực hiện hành động khi một token được chuyển hoặc sự kiện quan trọng xảy ra. 
  • Hỗ trợ thực hiện nhiều thay đổi liên quan đến token trong một lệnh giao dịch duy nhất.
  • Cho phép di chuyển token dựa trên thuộc tính, nghĩa là bạn có thể chuyển token không chỉ dựa trên địa chỉ của người nhận mà còn dựa trên các thuộc tính khác của người nhận.

Tính linh hoạt và khả năng tương tác cao của ERC-777 mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là trong các trường hợp cần sự phức tạp và đồng bộ trong các giao dịch token. Tuy nhiên, do sự phức tạp của nó, ERC-777 khó áp dụng và không trở nên phổ biến.

ERC-223

ERC-223 là một tiêu chuẩn được đề xuất nhằm giải quyết vấn đề mất token không mong muốn khi chúng được chuyển vào các smart contract. ERC-223 giải quyết điều này bằng cách sử dụng một hàm chuyển token an toàn, nhà phát triển có thể từ chối nhận token được gửi đến contract của họ. Ngoài ra ERC-223 còn cho phép gửi token và dữ liệu cùng một lần trong một giao dịch giúp tiết kiệm phí gas so với thông thường.

ERC-1400

RC-1400 là một tiêu chuẩn token được thiết kế dành cho việc phát hành chứng khoán trên nền tảng Ethereum. Được đề xuất bởi một nhóm các chuyên gia từ Secure Asset Exchange và ConsenSys, ERC-1400 cung cấp các chức năng về phân quyền và bảo mật cao để đảm bảo rằng các token chứng khoán được phát hành, quản lý một cách an toàn mà vẫn tuân thủ đúng các quy định pháp luật.

Một số chức năng nổi bật mà ERC-1400 hỗ trợ như sau:

  • issueByPartition: Cho phép phát hành mới các token chứng khoán và gán chúng vào một danh mục cụ thể. Mục tiêu là để quản lý và theo dõi các token và quyền lợi khác nhau của người sở hữu.
  • redeemByPartition: Cho phép chủ sở hữu rút tài sản gốc từ một danh mục cụ thể.
  • transferByPartition: Cho phép chuyển giao token giữa các danh mục khác nhau. Hỗ trợ việc quản lý, chuyển nhượng và quyền lợi của người sở hữu.
  • operatorTransferByPartition: Cho phép đơn vị vận hành thực hiện di chuyển token mà không cần sự xác nhận trực tiếp từ phía người sở hữu.
  • controllers: Cho phép định nghĩa người kiểm soát (controllers) của một token, những người có quyền thực hiện các hành động quản lý như phát hành, chuyển giao, và rút tài sản gốc.
  • isControllable: Kiểm tra xem một token có thể kiểm soát được bởi một người vận hành hay không.
  • setControllers: Thiết lập danh sách các người kiểm soát mới cho một token chứng khoán.

ERC-884 - DGCL Token

ERC-884 là tiêu chuẩn token mở rộng ERC-20, nó được thiết kế để tuân thủ Đạo luật Doanh nghiệp của Delaware (DGCL). Điều này cho phép tạo ra các danh mục token ERC-20 đại diện cho cổ phần của các doanh nghiệp Delaware. ERC-884 giúp tăng khả năng kết nối giữa thị trường tài chính truyền thống và blockchain.

Dưới đây là một số chức năng nổi bật của ERC-884:

  • Chủ sở hữu token phải xác minh danh tính
  • Hợp đồng thông minh phải cung cấp các chức năng để ghi chú cổ đông theo quy định của Phần 224 của Đạo luật, bao gồm báo cáo, ghi thông tin cổ phần và ghi chuyển giao cổ phần.
  • Mỗi token là đại diện cho một cổ phần đã thanh toán đầy đủ
  • Cung cấp cơ chế để người sở hữu mất private key có thể hủy địa chỉ của họ và chuyển token sang địa chỉ mới.
  • Hạn chế các quyền thêm, xóa, cập nhật, hoặc thay thế các địa chỉ được xác minh, giữ cho hệ thống được kiểm soát chặt chẽ.

ERC-6551 - Non-fungible Token Bound Accounts

ERC-6551 là tiêu chuẩn token nhằm tăng cường sức mạnh cho ERC-721 mà không cần thay đổi hạ tầng mạng lưới. Nó cung cấp cho NFT tạo ra bởi ERC-721 khả năng sở hữu một tài khoản hợp đồng thông minh riêng biệt, được gọi là Token-bound Account (TBA). Từ đây mở ra vô vàn khả năng tương tác với các ứng dụng và tài sản khác.

Để hình dung sự khác biệt của nó thì bạn hãy tưởng tượng rằng trước đây mỗi NFT cần nằm trong một chiếc ví của chủ sở hữu. Chủ sở hữu chỉ có thể giữ hoặc chuyển nhượng nó.

Nhưng sau khi được Token-bound Account hoá bởi ERC-6551 chiếc NFT đó trở thành một địa chỉ ví (ví trong ví) đóng vai trò như một thực thể hay một người dùng mới trong mạng lưới. Người dùng có thể nhân danh NFT đó để gửi nhận token, nft khác, hoặc là sử dụng nft đó để ký xác thực như một thực thể độc lập.

Nhìn chung ERC-6551 mở ra vô vàn ngữ cảnh sử dụng cả trong không gian DeFi và Web3. Đây là một tiêu chuẩn tuy mới nhưng tính ứng dụng rất lớn, nó nên được quan tâm và nghiên cứu.

ERC-5115 - SY Token

ERC-5115, còn được biết đến với tên gọi SY Token được đề xuất bởi đội ngũ đứng sau dự án Pendle Finance bao gồm Vu Nguyen, Long Vuong, Anton Buenavista.

ERC-5115 là một phần mở rộng dựa trên token ERC-20, nó cho phép đóng gói và bóc tách các token sinh lợi (yield-bearing token), xử lý riêng phần gốc và phần lợi nhuận để rồi từ đó tạo ra một thị trường giao dịch lợi suất nhiêu tiềm năng.

Cơ chế đóng gói và bóc tách lợi suất của Pendle

Các bạn có thể xem toàn bộ danh sách các tiêu chuẩn token trên mạng lưới Ethereum tại đây.

Ngoài ra còn rất nhiều chuẩn token có đóng góp to lớn cho sự phát triển của thị trường cryptocurrency nhưng không thuộc hệ sinh thái Ethereum. Chúng ta có thể kể đến những cái tên như:

  • BEP-20, BEP-721: Tiêu chuẩn fungible token và non-fungible token trên mạng lưới BNBChain
  • TRC-20: Tiêu chuẩn token trên mạng lưới TRON, chúng ta thường biết đến nó thông qua stable coin USDT
  • OFT (Omnichain Fungible Token): Tiêu chuẩn multichain fungible token của LayerZero
  • SPL (Solana Programmable Token): Tiêu chuẩn phát hành token trên mạng lưới Solana.

Lời kết

Bên trên chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về những khía cạnh quan trọng của tiêu chuẩn token đồng thời với đó đó là nắm được những tiêu chuẩn phổ biến trên mạng lưới Ethereum. Hy vọng qua bài viết này các bạn có thể tìm được những thông tin hữu ích.

Kudō

Tham gia thảo luận về những vấn đề NÓNG HỔI nhất của thị trường DeFi tại nhóm chat Fomo Sapiens cùng các admin Coin68 nhé!!!
-19/11/2023
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68