Tether (USDT) là đồng stablecoin đã quá quen thuộc đối với những nhà đầu tư trong thị trường tiền mã hóa. Mặc dù với danh tiếng là stablecoin lớn nhất thị trường, Tether cũng đã gặp phải nhiều vấn đề gây tranh cãi trong quá trình hình thành và phát triển của mình. Vậy những tranh cãi đó là gì? Các bạn hãy cùng Coin68 tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Tether (USDT) là gì? Tìm hiểu về đồng stablecoin hàng đầu thị trường tiền mã hóa
Tether (USDT) là gì?
Tether (USDT) là một stablecoin được phát hành bởi Tether Limited, một công ty trực thuộc quyền quản lý của pháp luật Quần đảo Virgin thuộc Anh và được thành lập tại Hong Kong. USDT được neo giá theo tỷ lệ 1:1 với đồng USD, nghĩa là giá của 1 USDT sẽ luôn được duy trì ở mức 1 USD.
Tether là gì?
Ban đầu, Tether được phát hành trên blockchain của Bitcoin. Tuy nhiên, sau sự ra mắt và trở nên phổ biến của Ethereum, Tether Limited đã lựa chọn phát hành USDT trên blockchain này và sau này là nhiều blockchain khác. Tether là stablecoin đi tiên phong trong mô hình stablecoin được thế chấp bằng tiền pháp định và là hiện là stablecoin được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay.
Lịch sử phát triển của Tether
Tether được coi là một trong những stablecoin ra đời sớm nhất trong thị trường tiền mã hóa. Stablecoin này được phát hành vào tháng 07/2014 với tên ban đầu là Realcoin, một đồng tiền mã hóa được neo giá cố định 1:1 với đồng đô la Mỹ và được xây dựng dựa trên Mastercoin (Omni), một giao thức trên blockchain Bitcoin. Đến tháng 10/2014, Giám đốc điều hành Tether là Reeve Collins thông báo Realcoin sẽ được đổi tên thành Tether (USDT) và tuyên bố rằng stablecoin này sẽ được hỗ trợ 100% bằng đồng đô la Mỹ, có thể được mua lại bất kỳ lúc nào mà không gặp rủi ro trao đổi.
Vào tháng 1 năm 2015, sàn giao dịch tiền mã hóa Bitfinex đã cho phép giao dịch Tether trên nền tảng của họ với tổng cung lúc bấy giờ là 450.000 USDT. Cuối năm 2016, với sự bùng nổ của Ethereum, Tether Limited đã bắt tay với Ethfinex nhằm phát hành USDT trên blockchain này dưới dạng token ERC-20. Trong những năm sau đó, Tether cũng đã được phát hành trên nhiều blockchain khác như TRON (USDT-TRC20), EOS, Liquid, Bitcoin Cash (SLP) và Solana,...
Vào tháng 3 năm 2019, Tether đã cập nhật tuyên bố trước đây của mình rằng các stablecoin của tổ chức này sẽ không còn được hỗ trợ 100% bằng đô la Mỹ. Thay vào đó, Tether sẽ được hỗ trợ 100% bởi các khoản dự trữ, bao gồm tiền tệ truyền thống và các khoản tương đương tiền mặt, đôi khi là các tài sản và khoản phải thu khác từ các khoản vay do Tether thực hiện cho các bên thứ ba, có thể bao gồm các đơn vị liên kết.
Tính đến tháng 11/2023, Tether là stablecoin lớn nhất thị trường, chiếm hơn 67% thị phần stablecoin và là đồng coin có vốn hóa lớn thứ 3 thị trường chỉ sau Bitcoin và Ethereum với xấp xỉ 85,5 tỷ USDT đã được phát hành trên hơn 30 blockchain khác nhau bao gồm: Ethereum, Binance Smart Chain, Polygon, Solana, Gnosis, Arbitrum, Optimism,...
Cách thức hoạt động của Tether
Cách hoạt động của USDT theo các bước sau:
- Bước 1: Người dùng gửi USD hoặc các khoảng tương đương tiền mặt vào trong kho bạc của Tether.
- Bước 2: Tether sẽ tiến hành tạo ra USDT với tỷ lệ 1:1 với giá trị tài sản mà người dùng đã gửi vào.
- Bước 3: Người dùng có thể tùy ý sử dụng số USDT đó.
- Bước 4: Nếu không có nhu cầu sử dụng USDT nữa, người dùng bán lại số USDT đó cho Tether để lấy lại tiền mặt. Số token này sẽ được tiêu huỷ để đảm bảo tỷ lệ của USDT và tài sản trong kho dự trữ là 1:1.
Một số tranh cãi quanh USDT
Nguồn dự trữ tài sản
Dù được biết đến là một stablecoin lớn nhất trong thị trường tiền mã hóa, thế nhưng USDT từ lâu vẫn luôn bị xem là một quả “bom nổ chậm” vì lý do đã đề cập ở trên - không được bảo chứng toàn bộ bằng USD.
Theo báo cáo tài sản Q3/2023 do Tether công bố vào ngày 31/10/2023 thì công ty này đang nắm giữ 86,3 tỷ USD tài sản, bảo chứng cho 83,1 tỷ USDT đã phát hành ra thị trường. Trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là trái phiếu kho bạc Mỹ (t-bill), chiếm đến 85,7% quỹ dự trữ với tổng giá trị là 56,6 tỷ USD. Trong khi đó, các khoản dự trữ tiền mặt và tiền gửi ngân hàng chỉ chiếm 0,34% ( khoảng 292 triệu USD).
Các tài sản do Tether nắm giữ tính đến ngày 30/09/2023. Nguồn: Tether
Mối quan hệ của Tether và sàn giao dịch Bitfinex
Vào tháng 03/2017, Bitfinex đã tiến hành chấm dứt hợp đồng với Wells Fargo khi ngân hàng này ngừng cung cấp dịch vụ chuyển tiền tới những tài khoản của Bitfinex tại Đài Loan. Chỉ 1 tháng sau đó, sàn giao dịch tiền mã hóa này đã tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác một “tổ chức đầu tư” khác, đó chính là Tether.
Vài tháng sau tuyên bố hợp tác đó, nguồn cung của USDT đã nhanh chóng vượt ngưỡng 1 tỷ USD, được cho là để bù đắp cho “khoản lỗ” 850 triệu USD tiền quỹ người dùng của Bitfinex. Mặc dù đại diện của Tether và Bitfinex đều nói rằng cả hai không liên quan gì với nhau, nhưng trong hồ sơ Paradise bị rò rỉ vào tháng 11 năm 2017 đã tiết lộ rằng các quan chức cấp cao của Bitfinex là Philip Potter và Giancarlo Devasini chính là những người thành lập nên Tether Holdings Limited. Đáng lưu ý hơn, công ty mẹ của Tether là iFinex cũng là công ty điều hành sàn giao dịch Bitfinex. Từ đó, cộng đồng đặt ra nghi vấn về mối quan hệ “người nhà” của 2 tổ chức này.
Cáo buộc thao túng giá Bitcoin trong giai đoạn 2017 - 2019
Theo một thống kê được đăng tải bởi hãng phân tích Diar ngày 04/06/2019, cho thấy rằng các sàn giao dịch tiền mã hóa Trung Quốc đang xử lý đến 60% khối lượng giao dịch USDT trên toàn thế giới. Một báo cáo khác từ Chainalysis vào tháng 10/2019 cũng chỉ ra rằng 99% khối lượng giao dịch spot của Bitcoin tại Trung Quốc đều liên quan đến đồng stablecoin này.
Điều đáng chú ý nhất là những lần Tether “in” thêm USDT đều tác động mạnh lên giá Bitcoin. Thậm chí, nhiều người trong cộng đồng còn cho rằng chính Tether và Bitfinex đã xây nên cái đỉnh 20.000 của Bitcoin vào năm 2017.
Những nghi vấn này không thoát khỏi con mắt của giới chức quản lý. Tháng 11/2018, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra Tether và Bitfinex vì nghi vấn thao túng thị trường. Đến tháng 10/2019, Tether tiếp tục bị kiện về hành vi thao túng thị trường. Cụ thể, tập đoàn Roche Freedman cáo buộc công ty mẹ của Tether là iFinex đã lừa đảo nhà đầu tư, thao túng thị trường và che đậy các khoản tiền bất hợp pháp, đồng thời cũng cáo buộc Tether và Bitfinex đã gian lận, rửa tiền và thao túng thị trường, tạo ra một “bong bóng lớn nhất trong lịch sử”.
Những lần bị kiện cáo
Trong suốt quãng thời gian phát triển, Tether đã không ít lần bị các bên kiện cáo, thậm chí là nhận trát hầu tòa. Vào tháng 1/2018, Bitfinex và Tether bị Uỷ ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Hoa Kỳ (CFTC) gửi trát hầu tòa vì lý do không được tiết lộ. Mọi chuyện lắng xuống chưa được bao lâu thì vào tháng 11 cùng năm, Tether tiếp tục bị Bộ Tư pháp Hoa Kỳ réo tên khi nghi ngờ công ty này đã cùng với Bitfinex thao túng thị trường, tuy nhiên, Leonardo Real, Giám đốc Pháp lý của công ty Tether đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này.
Ngày 17/05/2019, Tether tiếp tục bị vướng vào vòng pháp lý khi Tòa án tối cao New York yêu cầu công ty này không được phép cho Bitfinex vay thêm tiền và phải nộp tất cả những hồ sơ tài liệu về các giao dịch nội bộ trước đó cho Văn phòng Tổng chưởng lý. Tuy nhiên, chỉ 1 tuần sau đó,Tether đã kháng cáo thành công và được Toà án cấp cho quyền miễn tuân thủ trước các yêu cầu từ chính quyền New York.
Chưa kịp “tận hưởng” được sự yên bình trong bao lâu thì vào tháng 9/2022, Tether lại tiếp tục bị Tòa án New York yêu cầu xuất trình phần lớn tài liệu liên quan đến việc bảo chứng USDT. Ngoài việc truy cứu lại vụ việc trong quá khứ vừa đề cập, lệnh còn yêu cầu Tether xuất trình sổ cái chung, bảng cân đối kế toán, báo cáo thu nhập, báo cáo dòng tiền và báo cáo lãi lỗ, cũng như hồ sơ về bất kỳ giao dịch hoặc chuyển tiền bằng tiền mã hóa nào của công ty. Đồng thời cũng đề nghị Tether chia sẻ thông tin chi tiết về các tài khoản mà công ty nắm giữ tại Bitfinex, Poloniex và Bittrex.
Đến tháng 10/2023, Tether tiếp là nạn nhân của một cáo buộc của một nhóm các nghị sĩ đảng Cộng hòa khi nhóm người này yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ điều tra khả năng Binance và Tether vì cho rằng Binance và Tether đang tiếp tay cho hoạt động tài trợ khủng bố, liên quan đến cuộc xung đột Israel - Hamas đang diễn ra, dựa vào các báo cáo trước đó về việc Hamas đã nhận tiền dưới dạng crypto từ năm 2021. Song, đại diện Tether đã bác bỏ những cáo buộc trên trong một phát ngôn vào ngày 26/10. Tether cho biết rằng họ vẫn thường xuyên hợp tác với giới chức toàn cầu để đóng băng các địa chỉ USDT có dính líu với tội phạm, đồng thời cam kết tuân thủ quy định cấm vận.
Ai là người điều hành của Tether?
Hiện tại, Jean-Louis van der Velde đang đảm nhiệm vai trò CEO của Tether và là người điều hành sàn giao dịch Bitfinex. Tuy nhiên, từ tháng 12/2032, ông sẽ chuyển sang vị trí cố vấn tại Tether, và vai trò CEO sẽ được đảm nhận bởi Paolo Ardoino, CTO của công ty. Ardoino đã có nhiều đóng góp quan trọng cho Tether trong các lĩnh vực như tổ chức, kiến thức về Holepunch, khai thác Bitcoin, phần cứng, và trí tuệ nhân tạo (AI). Ông cũng là người đại diện cho Tether trên mạng xã hội X.
Ông Paolo Ardoino - Tân CEO của Tether
Coin68 cũng đã có một video phỏng vấn độc quyền với vị tân CEO này để hiểu về cách dự án stablecoin hàng đầu thị trường vượt qua những thách thức chưa từng có và xây dựng một nền tảng vững chắc cho bức tranh blockchain trong tương lai. Mời bạn đọc xem chi tiết trong bài viết dưới đây:
Ngoài ra, các thành viên khác của Tether bao gồm:
- Giancarlo Devasini: Giám đốc tài chính (CFO) của Tether và iFinex.
- Stuart Hoegner: Ông là cố vấn và hướng dẫn pháp lý cho Tether và iFinex.
- Leonardo Real: Là người được bổ nhiệm vào vị trí CCO vào năm 2018, trước đó, ông là cựu Giám đốc kiểm soát chất lượng chống rửa tiền (AML) tại Ngân hàng Montreal.
- Claudia Lagorio: Là trưởng phòng vận hành tại Bitfinex và Tether.
Các thành viên của Tether
Tổng kết
Trên đây là toàn bộ bài viết của Coin68 về Tether (USDT). Thông qua bài viết, Coin68 hy vọng bạn đọc sẽ nắm được những thông tin cơ bản cũng như lịch sử phát triển của đồng stablecoin lớn nhất trong thị trường tiền mã hóa này. Chúc bạn đầu tư thành công!