Leonardo Real, Giám đốc Pháp lý của công ty Tether, tin rằng đang có một chiến dịch “bôi nhọ” được nhiều trang tin tức lớn nhắm đến đồng tiền điện tử USDT của mình cùng các ngân hàng đối tác.
- Nhà đầu tư Mike Novogratz: “Tether chưa đủ minh bạch”
- Đoán xem? Sàn Bitfinex không phải kẻ giữ nhiều Tether USDT nhất
Trả lời phỏng vấn cho CryptoNews, vị quản lý cấp cao của Tether một lần nữa tái khẳng định đồng stablecoin do công ty phát hành luôn được bảo chứng đầy đủ bằng đô la Mỹ (USDT), nhắc lại những báo cáo kiểm toán được thực hiện trước đó bởi Friedman LLP và Freeh Sporkin & Sullivan.
Ngọn nguồn làn sóng chỉ trích Tether
Xuyên suốt gần nửa năm vừa qua, báo Bloomberg cùng nhiều đơn vị nghiên cứu độc lập đã không ít lần đưa tin rằng đồng USDT đã bị sử dụng làm công cụ đầu cơ và thao túng giá Bitcoin (BTC).
Hồi tháng 6, Giáo sư John Griffin từ Đại học Texas đã công bố một báo cáo, khẳng định USDT vừa được dùng để giữ ổn định, vừa giúp bơm phồng giá Bitcoin – điểm bắt đầu cho làn sóng chỉ trích sự thiếu minh bạch của Tether trên khắp các phương tiện truyền thông và mạng xã hội vốn đã âm ỉ trong suốt năm qua.
Đỉnh điểm xuất hiện vào giữa tháng 10, sau loạt tin đồn mới về việc rời bỏ đối tác ngân hàng cũ và mất khả năng thanh toán nợ, giá trị đồng stablecoin USDT đã bị suy giảm trầm trọng khi nhà đầu tư lũ lượt tháo chạy sang những altcoin khác.
Chưa hết, những diễn biến tiếp nối sau đó như là việc Tether thu hồi gần 1 tỉ và tiêu huỷ vĩnh viễn 500 triệu USDT hay sự trỗi dậy của nhiều stablecoin mới khác như Gemini Dollar (GUSD), USD Coin (USDC), True USD (TUSD), Paxos Standard Token (PAX) cứ như “thêm dầu vào lửa”, làm danh tiếng lẫn giá trị của Tether suy giảm thê thảm.
“Không có thao túng giá tiền số”
Vào ngày 20/11, một bài viết đăng tải trên trang tin tức Bloomberg cho biết Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DoJ) đang điều tra việc có hay chăng Tether đã tự bơm phồng giá trị của Bitcoin trong đợt tăng trưởng cuối năm 2017.
Tuy nhiên, khi được hỏi, Giám đốc Pháp lý của Tether là Leonardo Real khẳng định USDT chi có thể được dùng để thao túng giá Bitcoin nếu như nó không bị neo vào đồng đô la Mỹ. Bên cạnh đó, lập luận cho rằng hiện thiếu hụt nguồn cầu dành cho đồng tiền điện tử này là không có căn cứ, bởi đây vẫn là một trong những stablecoin được sử dụng rộng rãi thị trường tiền số ở thời điểm hiện tại.
Ông Real giải thích:
“Bài báo đăng tải bởi Bloomberg dẫn thông tin từ một nguồn độc lập chưa được kiểm chứng, trong đó cho rằng nếu USDT không được bảo chứng thì sẽ cho thấy đang có sự thao túng giá Bitcoin. Cả nghiên cứu đều dựa trên giả định rằng USDT không được bảo đảm về giá trị và do đó không bị tác động bởi nhu cầu từ nhà đầu tư. Đây là sai sự thật, và lập luận cho rằng giao dịch USDT không bị tác động bởi nhu cầu trong khi nó luôn là đồng tiền điện tử có lưu lượng mua bán thuộc top 2, thật là vô căn cứ.”
Mối quan hệ với Deltec
Lùm xùm tốn không ít giấy mực trước đó nữa liên quan đến đối tác ngân hàng mới được Tether tìm đến là Deltec Bank & Trust, vốn được cho là có dính dáng đến một vụ án rửa tiền với Tập đoàn dầu mỏ PDVSA của Venezuela.
Khi được hỏi về thông tin trên, ông Leonardo Real đáp:
“Đây tiếp tục là những thông tin sai lệch nhắm đến ngân hàng của chúng tôi, như là một phần chiến dịch bôi nhọ chống lại chúng tôi. Chúng tôi tự hào khi được trở thành đối tác của Deltec. Mức độ tuân thủ pháp luật và tiêu chuẩn hoạt động của họ phải nói là xếp là hàng đầu của ngành này. Họ cũng chưa từng bị dính vào bất kì vụ việc nào mà có thể gây nên nghi ngờ về mức độ chính trực của họ”.
Nhu cầu dành cho Tether vẫn rất lớn
Bất chấp nhiều thông tin bất lợi chống lại Tether, song ông Real tiếp tục nhấn mạnh vẫn còn đó nguồn cầu lớn dành cho đồng stablecoin này.
“Nhu cầu dành cho Tether vẫn còn ổn định và mạnh mẽ. Nó vẫn là đồng stablecoin thống trị phân khúc của mình vì nó hữu dụng để người ta trao đổi giá trị trên các sàn giao dịch.”
Tuy nhiên, bao nhiêu đấy vẫn là chưa đủ để dẹp tan những nghi ngờ xoay quanh USDT, ít nhất là trong lúc này.
Theo CryptoCoinsNews
Tether sinh ra nhờ một sáng kiến có thể làm nên đồng tiền kỹ thuật số có giá trị như đồng USD của Mỹ. Ban đầu, chúng có tên là Realcoin, phát hành chính thức từ tháng 7/2014. Mãi về sau, chúng mới được đổi thành Tether (USDT) và được biết đến rộng rãi. Xem thêm…