Đây có thể nói là một trong những khuất mắc được tranh luận nhiều nhất trong thế giới tiền số: Liệu công ty Tether có đang nói thật về việc đồng tiền kỹ thuật số của mình được bảo chứng hoàn toàn bằng đô la Mỹ? Câu trả lời có thể sẽ tạo nhiều hệ luỵ lâu dài, bởi Tether (USDT) lúc này đang thuộc nhóm các đồng coin có khối lượng giao dịch nhiều nhất thế giới, thậm chí còn được nhiều trader xem là phương án thay thế cho đồng đô la trên toàn thị trường tiền điện tử.
Trong mấy ngày trở lại đây, USDT đã và đang xa cách ra khỏi khung giới hạn giá quanh khu vực $1 mà stablecoin này đáng ra phải duy trì, từ đó gây nhiều đồn đoán rằng giới đầu tư đang dần mất niềm tin vào đồng tiền kỹ thuật số có vốn hoá thị trường lớn 8 thế giới.
- Xem thêm: Stablecoin là gì? Tại sao chúng ta cần Tether
Tether (USDT) là gì?
Tether là một đồng tiền số đặc biệt. Khác với Bitcoin, giá trị của USDT không biến động dữ dội ngày qua ngày, mà thay vào đó sẽ được giữ ổn định. Giá Tether đa phần trong lịch sử đã luôn quanh quẩn ở khu vực tiệm cận $1 – bởi công ty Tether cam kết mỗi một đồng USDT được phát hành sẽ có bảo chứng bằng một đồng đô la Mỹ thật trong tài khoản ngân hàng.
Tại sao Tether lại trở nên phổ biến như vậy?
Lí do là bởi có một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư trên thị trường tiền số đang xem Tether là phương án thay thế hữu hiệu cho đồng đô la. USDT hiện có thể dễ dàng được mua bán trao đổi trên những nền tảng giao dịch lớn.
Đồng thời, việc giá Tether luôn ổn định giúp nó trở thành công cụ hữu hiệu để đầu tư vào biến động của những đồng coin khác.
Vậy vì sao lại xuất hiện những nghi ngờ, lo ngại?
Tuy công ty Tether từ trước đến nay vẫn luôn giữ nguyên cam kết sẽ luôn có đủ đô la Mỹ để chống lưng cho USDT, song họ chưa một lần đưa ra được bằng chứng chứng minh cho tuyên bố ấy để thuyết phục cộng đồng. Bên cạnh đó là những nghi vấn xoay quanh mối liên hệ giữ công ty kia và sàn giao dịch top đầu thế giới Bitfinex. Nhiều nhà quan sát thị trường cáo buộc rằng hoạt động giao dịch USDT trên Bitfinex từ trước đến giờ đã giúp thổi phồng giá trị Bitcoin lên.
Trong bài đăng blog gần đây nhất vào ngày 08/10, sàn Bitfinex đã bác bỏ hoàn toàn các cáo buộc về việc không còn khả năng thanh toán, khẳng định cơ chế rút tiền vẫn hoạt động bình thường. Song, sang đến 12/10, nền tảng này lại thông báo chặn gửi tiền 1 tuần mà không cung cấp lí do cụ thể, qua đó làm những tin đồn trục trặc với ngân hàng càng trở nên có cơ sở.
Tether trong mắt giới chức tài chính Mỹ
Uỷ ban Giao dịch Hàng hoá Tương lai Hoa Kỳ (CFTC) đã từng gửi trác hầu toà đến cả công ty Tether lẫn Bitfinex vào tháng 12 năm ngoái, nhưng các thông tin cụ thể về nguyên nhân và kết quả thì lại được giấu kín.
Bình luận về tin tức trên, đại diện của Bitfinex và Tether phát biểu:
“Chúng tôi thường xuyên nhận được các yêu cầu hợp tác điều tra từ các cơ quan hành pháp và quản lý tài chính. Chúng tôi có chính sách không bình luận gì thêm với báo giới về các yêu cầu như thế.”
Vì sao Tether giờ lại trở nên quan trọng như vậy?
Bất chấp vốn hoá thị trường “khiêm tốn” ở mức 2,4 tỉ USD, đồng USDT lại đóng một vai trò có thể nói là thiết yếu cho sự tồn tại vào phát triển của lĩnh vực đầu tư tiền điện tử. Lưu lượng giao dịch của nó trong 24 giờ qua đạt mức hơn 2 tỉ đô la Mỹ, xếp thứ 2 thế giới chỉ sau Bitcoin (BTC).
Cùng lúc đó, tuy thời gian qua cũng đã xuất hiện rất nhiều các đồng stablecoin mới, song vẫn chưa có ai đủ lớn mạnh để thách thức vị thế của Tether.
Sắp tới sẽ là gì?
Nếu các nhà quản lý tài chính có thể tìm ra bất kì bằng chứng cho thấy hoạt động sai trái của công ty Tether hay ngày mà giới đầu tư rốt cuộc không còn tin tưởng vào cam kết 1 USD – 1 USDT nữa thì đồng tiền này chắc chắn sẽ trượt giá thê thảm. Nhưng sẽ chỉ có thời gian mới cho ta câu trả lời liệu sự suy sụp của Tether chỉ mang tính cục bộ hay sẽ là khởi đầu cho một thứ gì đó lớn hơn.
Jehan Chu, quản lý tại công ty tư vấn đầu tư lĩnh vực Blockchain Kenetic Capital, nhận xét:
“Sự thống trị của Tether sẽ chỉ duy trì nếu họ có thể giải quyết những chỉ trích về tính minh bạch một lần và mãi mãi.”
Theo Bloomberg