Năm ngoái, các nhà cầm quyền Trung Quốc đã cấm tiệt hoạt động ICO cũng như các sàn giao dịch tiền điện tử tại nước này. Sự gia tăng của những lệnh cấm liên quan đến tiền điện tử đã khiến cho nhiều người lầm tưởng rằng Trung Quốc là quốc gia phản đối Blockchain. Tuy nhiên, sự thật về mối quan hệ của Trung Quốc với tiền số và Blockchain không đơn thuần chỉ là “yêu” hay “ghét”.
Chính phủ Trung Quốc thực sự nhận ra tiềm năng của Blockchain. Hơn thế nữa, nhà nước và các tập đoàn Trung Quốc đã đầu tư hàng triệu đô cho việc phát triển loại công nghệ ấy. Đằng sau những lệnh cấm gây chấn động truyền thông, làm tốn giấy mực báo chí, Trung Quốc đang lặng lẽ xây dựng một hệ sinh thái Blockchain hoàn chỉnh cho cuộc cách mạng kinh tế kỹ thuật sắp tới của công nghệ sổ cái phân tán.
Bài viết này nhằm chỉ ra mối quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc với lĩnh vực tiền điện tử. Chúng ta sẽ thấy rằng nhà nước Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát, cũng như đầu tư trực tiếp vào các dự án phần cứng, tiếp thị… và do đó, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên của thế giới “thuần thục” Blockchain. Nếu các kế hoạch dài hạn của Trung Quốc được hình thành thì tương lai của ngành công nghiệp Blockchain là rất lớn .
“Gã khổng lồ” của giới tiền điện tử
Với những người đam mê Blockchain ở phương Tây, không khó để quên đi sự lớn mạnh của các quốc gia châu Á và đặc biệt là Trung Quốc, về khai thác, đầu tư và nghiên cứu tiền điện tử. Lúc đỉnh điểm, 90% giao dịch trên các sàn giao dịch tiền điện tử toàn cầu đều đến từ Trung Quốc. Blockchain đã in sâu vào tiềm thức của người dân Trung Quốc, nhanh và sâu đậm hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Hàng triệu nhà đầu tư đã mua vào Bitcoin trước khi lệnh cấm giao dịch được ban hành. Ngoài ra, ICO và altcoin đã đạt được thành công to lớn tại thị trường Trung Quốc. Công dân Trung Quốc sở hữu phần lớn trên tổng số lượng tiền điện tử hiện đang lưu hành.
Trung Quốc cũng là thủ phủ khai thác tiền số lớn nhất của thế giới. Nơi đây sở hữu những nguồn năng lượng giá hợp lý, các nhà máy sản xuất chip chuyên dụng cho việc khai đào coin và lượng lớn nhân công rẻ tay nghề cao. Bitmain và BTC.com là hai ví dụ rõ ràng nhất, khi cả hai doanh nghiệp này đều xuất phát từ Trung Quốc. Ở thời điểm hiện tại, 3/4 sức mạnh khai thác tiền điện tử của thế giới đến từ các thợ đào Trung Quốc. Và tất nhiên, phần lớn sản lượng khai thác Bitcoin vẫn đến từ đất nước tỉ dân, mặc dù điều này có thể sẽ thay đổi sớm.
Ở phương Tây, phần lớn những người đam mê Blockchain đều quên mất rằng Trung Quốc đã thống trị lịch sử thị trường tiền điện tử. Trung Quốc là quê hương của nhiều triệu phú Bitcoin – những nhà đầu tư tiên phong thời kì đầu và hiện tại họ đang gặt hái rất nhiều quả ngọt. Những triệu phú này ngày càng tái đầu tư vào các dự án nhỏ hơn. Họ cũng đa dạng hóa lĩnh vực đầu tư và nắm giữ nhiều bất động sản, các công ty khởi nghiệp phương Tây. Dòng vốn tái đầu tư ngày càng tăng mạnh , khiến cho sức ảnh hưởng của nền công nghiệp crypto Trung Quốc lên thế giới tiếp tục tăng.
Quy định pháp lý và sự thắt chặt về quản lý crypto
Do số lượng nhà đầu nhỏ lẻ đổ tiền tiết kiệm của họ vào thị trường tiền số ngày càng tăng một cách chóng mặt, chính quyền Trung Quốc đã có động thái rà soát thị trường tài chính, bảo vệ nhà đầu tư trước các khoản đầu tư rủi ro. Ngoài tiền điện tử, giới chức quản lý đã mạnh tay với một loạt các tổ chức tín dụng đen. Những tổ chức này chuyên cung cấp các khoản vay “nóng”, lãi suất “cắt cổ” cho các nhà đầu cơ trong những làn sóng đầu tư crypto gần đây. Đây cũng chính là một trong những lý do chủ đạo khiến Bắc Kinh ban hành lệnh cấm quốc gia đối với các dịch vụ và đầu tư ICO vào tháng 9 năm 2017.
Chính phủ cũng đã có biện pháp bảo vệ đồng nhân dân tệ, duy trì kiểm soát các sự thay đổi trong thương mại và kinh tế. Tiền điện tử là một cách để di chuyển tài sản giữa các quốc gia, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các nhà chức trách. Trung Quốc đã liên tục theo dõi và hạn chế dòng chảy tiền tệ ra khỏi đất nước trong vài năm qua. Ban hành các quy định hạn chế tiền điện tử là một cách rõ ràng để đóng một kênh chuyển tiền không chính thống.
Trung Quốc ban hành lệnh cấm mở rộng vào tháng 2 năm 2018, đối với các hoạt động tham gia, trao đổi liên quan đến tiền điện tử, bất kể trong nước hay ở nước ngoài. Về mặt pháp lý, các công dân Trung Quốc hiện nay chỉ có quyền truy cập rất hạn chế đối với tiền điện tử. Cách duy nhất để sở hữu một loại tiền điện tử là thông qua giao dịch ngang hàng (OTC).
Tuy nhiên, ngay cả những giao dịch này cũng bị cấm bởi một lệnh cấm mới đây, được ban hành vào tháng 8 năm 2018. Nhiều trang tin tức liên quan đến crypto và các nhóm trader trên WeChat đã phải dừng vô thời hạn do lệnh cấm mới. Một loạt các cuộc đàn áp cho thấy rằng Bắc Kinh muốn kiểm soát việc đầu tư và phát triển ngành công nghiệp Blockchain ở mức gắt gao nhất . Những hoạt động không đem lại tài sản cho ngân khố hoặc nằm ngoài hệ thống tiền tệ truyền thống sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn từ nhà cầm quyền.
Quốc gia khai thác tiền điện tử lớn nhất thế giới
Trong khi thay đổi các quy định về mua và bán tiền điện tử, Trung Quốc gần đây cũng đã thắt chặt hoạt động đào coin.
Trong thời gian đầu, Trung Quốc từng là sự lựa chọn lý tưởng cho những hoạt động khai thác crypto. Giá điện rẻ, các cơ sở địa phương với đầy đủ trang thiết bị, chi phí khai thác thấp nhưng hiệu quả cao, đây chính là những lý do thu hút các thợ đào. Ban đầu chính quyền địa phương rất chào đón các thợ đào Bitcoin vì giúp họ tận dụng nguồn điện thừa từ các công trình thủy điện. Sau này, khi chính phủ không còn cái nhìn thiện cảm đối với tiền điện tử, các thợ đào đã bắt đầu tìm kiếm những địa điểm mới.
- Xem thêm: Câu chuyện buồn tại “tiểu vương quốc” đào coin mới lộ diện sau trận lũ vừa qua tại Tứ Xuyên
Bạn nên nhớ, tất cả các hoạt động khai thác crypto lớn trên thế giới đều xuất phát và phát triển ở Trung Quốc. Ví dụ như Bitmain, công ty sản xuất phần cứng khai thác Bitcoin lớn nhất thế giới, điều hành các trang trại khai thác của họ, và sản xuất chip Antminer tại Trung Quốc. Hiện tại, công ty trị giá 9 tỷ USD. Thợ đào Trung Quốc sản xuất hai phần ba Bitcoin của thế giới. Jihan Wu, Tổng Giám đốc Điều hành Bitmain, từ chối bình luận về chính sách pháp lý của Trung Quốc vì lý do nhạy cảm. Công ty gần đây đã có kể hoạch mở rộng hoạt động tới châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông trong những năm tới.
Tiêu thụ điện năng là một trong những mối lo đối với chính phủ Trung Quốc. Hiện tại, việc khai thác crypto ở Trung Quốc sử dụng 4 gigawatt, tương đương số lượng điện của ba lò phản ứng hạt nhân. Vì vậy, sự thắt chặt quy định khai thác cũng là bước đi đồng bộ với việc kiểm soát tiền tệ. Tiền điện tử từ lâu đã được liên kết với hành vi rửa tiền và gian lận ở Trung Quốc. Thay vì cố gắng điều tiết Bitcoin và những giao dịch tiền điện tử , chính phủ đã quyết định chấm dứt các hoạt động trên.
(Còn tiếp…)
- Xem tiếp: Góc nhìn của chuyên gia: Sự thật về lĩnh vực tiền điện tử và Blockchain tại Trung Quốc (P2)
Xin được trân trọng cảm ơn tác giả Ngô Hoàng Quyền – chuyên gia Blockchain, CEO Công ty CP Công nghệ Orient Việt – đã gửi bài viết phân tích chuyên sâu này về cho Coin68.
Quý độc giả muốn chia sẻ góc nhìn, kinh nghiệm, tâm sự của bản thân về lĩnh vực tiền điện tử và Blockchain có thể liên hệ với Ban biên tập của Coin68 thông qua:
Email: contact@coin68.com
Facebook: https://www.facebook.com/tintuccoin68/