logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn

Justin Sun bị cáo buộc gian lận, phạm tội đến “chai mặt”

-10/03/2022

Báo The Verge ngày 10/03 đã đăng tải một phóng sự điều tra chỉ ra các hành vi gian lận của nhà sáng lập TRON Justin Sun trong nhiều năm qua.

Justin Sun bị cáo buộc “gian lận, phạm tội đến chai mặt”

Theo đó, cây bút Christopher Harland-Dunaway tuyên bố đã tiếp cận và phỏng vấn đến 15 nguồn tin, vốn đang là hoặc là cựu nhân viên của các dự án mà Justin Sun quản lý. Ngoài ra, nhà báo của The Verge còn đọc qua hàng trăm trang tài liệu nội bộ của TRON được tuồn ra bên ngoài, hé lộ phần nào bức tranh về Justin Sun đằng sau hình ảnh doanh nhân tiền mã hóa thành công trên mạng xã hội.

Coin68 xin được tường thuật lại những chi tiết chính của bài viết. Bài viết gốc quý độc giả có thể xem thêm tại đây. Song, Coin68 sẽ không xác nhận độ chính xác của các thông tin trong bài viết. Độc giả cần cân nhắc khi xem.

Cuộc tháo chạy khỏi Trung Quốc

Đầu tiên, bài báo khẳng định Justin Sun đã “tháo chạy” khỏi Trung Quốc vào tháng 09/2017, thời điểm quốc gia tỷ dân đưa ra lệnh cấm ICO khét tiếng. Dự án TRON của Sun khi ấy mới tổ chức thành cộng đợt ICO đồng TRX, thu về 70 triệu USD, trước đó ít ngày. Vì lo ngại mình trở thành đối tượng bị chính quyền nhắm tới, Justin Sun chẳng nói chẳng rằng với nhân viên của mình, lên một chuyến bay từ Bắc Kinh sang Incheon (Hàn Quốc) rồi bay sang San Francisco (Mỹ).

Trong ít tháng sau, Sun dường như biến mất khỏi Trái Đất, không một ai có thể liên lạc với anh. Khi có người tìm được, Sun tuyên bố mình đang “ở trong rừng với vị lạt ma này”, đồng thời “phải làm hài lòng những nhà lãnh đạo”. Khi được gặng hỏi thêm, giọng Sun bắt đầu vỡ ra và nói: “Bạn không hiểu đâu. Tôi là nô lệ. Tôi không thể kiểm soát được thời gian của mình, tôi còn không thể làm chủ cơ thể của mình nữa.

Sau khi trở về, Sun yêu cầu nhân viên của mình gửi 2 chiếc điện thoại Google Fi đến một người nhận có bí danh là “Brother Rainbow”, với địa chỉ nằm trong khu dân cư dành cho quan chức cấp cao tại thủ đô Bắc Kinh.

Cây bút của The Verge sau khi đối chiếu nhiều nguồn thông tin đã khẳng định nhân vật bí ẩn ấy là Luo Dan, Phó Thủ trưởng Viện nghiên cứu Xã hội Chủ nghĩa của Tây Tạng và là trợ lý đặc biệt cho Ban-thiền Lạt-ma Chökyi Gyalpo được Trung Quốc dựng nên. Lý do 2 chiếc điện thoại trên được gửi cho ông Luo Dan là “để đọc tin tức”, hay nói cách khác là để vượt qua tường lửa Internet của Trung Quốc để truy cập mạng Internet quốc tế.

The Verge nhận định rằng Luo Dan chính là “ô dù” của Justin Sun tại Trung Quốc, dọn đường để anh ta trở lại quê hương cho thương vụ mua lại BitTorrent.

Câu chuyện về cuộc “tháo chạy” của Justin Sun đã được kể đi kể lại nhiều lần bởi nhân vật chính tại văn phòng TRON ở San Francisco nhưng với hơi hướng của “một doanh nhân tư bản thoát khỏi sự kìm kẹp của chính quyền cộng sản”. Mỗi lần như vậy, nhân viên của TRON lại gửi tin nhắn nội bộ cho nhau: “Justin lại khóc nữa rồi”.

Thương vụ mua lại BitTorrent

Sang đến năm 2018, giá TRX tăng và giúp TRON cũng như Justin Sun thu về một lượng tiền kha khá. Justin Sun quyết định hành động tiếp theo sẽ là mua lại BitTorrent, nền tảng chia sẻ dữ liệu P2P, với giá 140 triệu USD vào tháng 06/2018.

Sau đó, Sun mời tất cả nhân sự cấp cao của BitTorrent đến ký thỏa thuận mua lại tại trụ sở Bắc Kinh của TRON. Đây là lần đầu tiên Sun quay về đại lục kể từ tháng 09/2017, khả năng cao là nhờ sự “che chở” của vị lãnh đạo nêu trên.

Trong cuộc họp, Sun tuyên bố anh là “Chủ tịch Mao”, đội ngũ lãnh đạo của BitTorrent sẽ thành “các tướng lĩnh” và cùng nhau, họ sẽ đánh bại mọi đối thủ. Một điều mỉa mai là Mao Trạch Đông trong quá khứ đã thanh trừng gần như toàn bộ hàng tướng ngũ đã giúp thành lập nên nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày nay.

Các lãnh đạo của BitTorrent tiếp đến đã gặp mặt với những bộ phận khác của TRON để cùng phối hợp công việc. Khi trở lại San Francisco, không ít người trong số họ đã “xanh mặt” trước cách làm việc của đối tác. Theo tiết lộ của cựu nhân viên BitTorrent, Giám đốc Tài chính Dipak Joshi chia sẻ theo góc nhìn của ông, TRON đang điều hành một “bộ phận giao dịch nội gián” tại Bắc Kinh.

Joshi khẳng định nhiệm vụ của bộ phận kia là “làm sao để giá TRX luôn ở mức mà Justin muốn”. Họ sẽ mua TRX trước khi TRON công bố một tin tốt nào đấy cho cộng đồng, sau đó xả token để chốt lời. Ngoài ra, bộ phận sẽ còn bắt tay với các “cá voi” khác trong làng crypto để phối hợp bơm xả cho đồng bộ.

Joshi đưa ra lời khuyên là hãy tách biệt mình xa nhất có thể với TRON và TRX, cũng như mọi chủ đề về crypto. Luật pháp Mỹ có thể phạt tù lên đến 20 năm đối với hành vi thao túng thị trường và giao dịch nội gián mà TRON thực hiện.

Trước lo ngại về pháp lý, Justin Sun bổ nhiệm David Labhart, một cựu nhân viên của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC), vào vị trí Giám đốc Tuân thủ, yêu cầu người này phải làm sao để khiến TRX trong mắt giới chức Mỹ là token tiện ích chứ không phải là “chứng khoán” – luận điểm đang được SEC dùng để khởi kiện Ripple và đồng XRP. Sau khi yên tâm về khía cạnh ấy, Sun sau đó tổ chức một đợt ICO mới cho đồng BitTorrent Token (BTT).

Thương vụ mua lại Poloniex

Poloniex là một sàn giao dịch có tiếng trong thị trường tiền mã hóa, cực kỳ phổ biến đối với lớp nhà đầu tư thời kỳ 2016-2017, đặt trụ sở tại Boston (Mỹ). Lý do cho việc này là Poloniex thường là nơi niêm yết các đồng tiền mã hóa mới và độ tin cậy thấp, hay còn gọi là shitcoin.

Đến tháng 02/2018, Circle, công ty Mỹ đứng sau đồng stablecoin USDC, thâu tóm Poloniex với số tiền 400 triệu USD. Circle dự định biến Poloniex thành một sàn giao dịch tiền mã hóa đi theo hướng tuân thủ pháp luật nhằm cạnh tranh lâu dài với ông lớn Coinbase tại thị trường Hoa Kỳ. Circle đã chỉ đạo Poloniex áp đặt các yêu cầu xác minh danh tính người dùng (KYC), cũng như hạn chế niêm yết các đồng shitcoin. Những thay đổi ấy đã khiến Poloniex đánh mất lượng lớn người dùng và khối lượng giao dịch trên sàn sau đó giảm sút rõ thấy. Cái tên Poloniex sau đó cũng rơi vào quên lãng khi có lúc chỉ chiếm 1% volume toàn cầu

Tháng 11/2019, cộng đồng tiền mã hóa lại râm ran thông tin Justin Sun mua lại Poloniex với giá không được tiết lộ. Justin Sun phủ nhận thông tin ấy, đính chính rằng anh đã cùng một nhóm nhà đầu tư cùng chung tay cứu giúp Poloniex, một cái tên lớn một thời của làng crypto và không xứng đáng phải chịu thảm cảnh. Tuy nhiên, ai cũng thấy rõ Poloniex đã được tích hợp vào hệ sinh thái TRON, khi Sun thường xuyên chia sẻ lại bài đăng của sàn, cũng như lối truyền thông giống hoàn toàn TRON và BitTorrent.

Để vực dậy Poloniex, Justin Sun muốn đưa sàn về giai đoạn trước Circle, đó là thả lỏng vấn đề tuân thủ pháp lý để lôi kéo người dùng Trung Quốc trở lại, song vẫn duy trì các biện pháp KYC để đề phòng chính quyền. Một cựu nhân viên Poloniex tiết lộ khi phát hiện tốc độ phê duyệt tài khoản cho khách hàng Trung Quốc vẫn quá chậm do quy trình KYC, Justin Sun đã hét lên: “Làm giả KYC đi! Làm giả KYC đi!”. Poloniex sau đó đã xây dựng một cơ chế KYC tự động như đầy kẽ hở, khi nhân viên của sàn tuyên bố là người dùng có thể gửi ảnh xác minh là nhân vật hoạt hình nhưng vẫn sẽ được phê duyệt.

Sun tiếp đến chuyển địa điểm đăng ký thành lập của Poloniex sang quần đảo Seychelles, một thiên đường thuế có tiếng, trong khi đội ngũ gốc của Poloniex thì được đăng ký hoạt động dưới cái tên Augustech, LLC và trở thành “nhà cung cấp dịch vụ công nghệ và IT” cho sàn. Nước đi trên là để đề phòng các rủi ro pháp lý cho Poloniex, khi Seychelles là một nơi có pháp luật lỏng lẻo, phù hợp để trú ẩn trong trường hợp sàn bị khách hàng khởi kiện hay bị các quốc gia khác truy tố.

Nội bộ Poloniex còn rúng động trước một sự kiện có tên là “Operation Couch Cushions” (tạm dịch: Chiến dịch chui vào đệm ghế). Theo đó, cấu trúc hoạt động của sàn khá phức tạp, nên theo thời gian, có một lượng lớn tiền mã hóa bị mắc kẹt trong hệ thống, tương tự như tiền lẻ bị rơi vào đệm ghế sofa lâu ngày vậy. Cụ thể, có rất nhiều người dùng Poloniex đã gửi nhầm Bitcoin đến địa chỉ Tether của sàn. Những tưởng số BTC này sẽ thất lạc vĩnh viễn, nhưng thực tế thì trong hệ thống của Poloniex, chúng sẽ bị “treo” và vẫn có thể được khôi phục. Đến năm 2021, Justin Sun phát hiện ra được lỗ hổng và yêu cầu nhân viên của sàn thu thập lại tất cả, với tổng số tiền được cho là lên đến 300 BTC, trị giá khoảng 20 triệu USD. Theo nguồn tin của The Verge, Sun bày tỏ rõ ý định chiếm số tiền kia cho riêng mình trong các cuộc họp với Poloniex, khi luôn hỏi “300 Bitcoin của tôi đâu?”, thay vì sung vào quỹ chung của sàn.

Lượng Bitcoin ấy, chính xác là 230 BTC, đã được tổng hợp bằng hàng trăm giao dịch về ví chung của sàn, sau đó mất hút giữa hàng nghìn giao dịch khác được thực hiện trên Poloniex. Không có bằng chứng cụ thể liệu số Bitcoin ấy đã về túi ai.

Bị FBI điều tra

Giáng sinh 2019, một nhân viên của TRON tại Mỹ đã được Sở thuế vụ Hoa Kỳ (IRS) và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tiếp cận. Họ tuyên bố đang muốn điều tra Justin Sun với cáo buộc trốn thuế. Trong khi đấy, nhiều nhân viên khác thì nhận được trát triệu tập của Tòa án Quận Nam New York, nơi thường thụ lý các trọng án tài chính Phố Wall.

Theo lệnh triệu tập, các tội danh mà tòa án đang muốn điều tra Justin Sun gồm: gian lận chuyển tiền, âm mưu gian lận chuyển tiền, lừa đảo, rửa tiền, sử dụng tiền bẩn của các tổ chức tội phạm, không đăng ký chứng khoán và khai man về vấn đề này, dung túng và thông đồng cho các hoạt động tội phạm và âm mưu lừa đảo nước Mỹ.

Vì tính chất của cuộc điều tra, cả FBI, IRS và tòa án đều từ chối cung cấp thông tin cho phóng viên của The Verge, song hoan nghênh các thông tin mật báo nếu có.

Justin Sun đã rời khỏi Mỹ trước khi đại dịch COVID-19 nổ ra tại xứ cờ hoa và từ đấy không hề trở lại.

Trong năm 2019, Sun đã chi nhiều tiền của để mua quốc tịch của nhiều quốc gia, gồm Malta ở Địa Trung Hải, Saint Kitts và Nevis ở vùng Caribbean và Guinea-Bissau ở Tây Phi. Đây đều là các quốc gia được cho là không có hiệp ước dẫn độ với Mỹ hoặc là Trung Quốc. Ngoài ra, cuối năm 2021, Justin Sun tuyên bố trở thành Đại sứ tại Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) cho Grenada. Nhiều người khi ấy đã cảm thấy khó hiểu với nước đi ấy, nhưng cây bút của The Verge cho rằng đó là để có được quyền miễn trừ pháp lý cho các quan chức ngoại giao, đảm bảo Sun sẽ luôn an toàn trước pháp luật quốc tế.

Hiện vẫn chưa rõ mục đích cuối cùng của Justin Sun là gì. Năm 2021 rồi, cùng với sự nổi lên của xu hướng NFT, Justin Sun đã chi rất nhiều tiền để đánh bóng tên tuổi bản thân. Sun đã bỏ ra 500.000 USD để mua một NFT CryptoRock, rồi 78,4 triệu USD cho một tác phẩm điêu khắc của Alberto Giacometti. Sun cũng chi 28 triệu USD để mua chỗ trên phi thuyền của Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos.

Nhân cuộc xung đột Nga – Ukraine mới đây, Justin Sun cũng sử dụng cương vị của mình để vừa kêu gọi quyên góp cho Ukraine, vừa thảo luận về khả năng tiếp nhận tiền mã hóa cho Nga.

Một cựu nhân viên của TRON bình luận về lý do tại sao Sun lại có thể liên tục có những hành vi sai phạm nhưng vẫn ung dung thực hiện tiếp.

“”Khi bạn phá luật ở tốc độ nhanh đến như vậy, sẽ không ai đủ khả năng theo kịp để bắt lỗi bạn cả.

Đến nay, vẫn chưa có ai làm được điều đó. Và vì thế nó vẫn hiệu quả.” 

Phản hồi của Justin Sun

Ngay sau khi bài viết của The Verge được đăng tải, nhà sáng lập TRON Justin Sun đã đăng phản hồi chính thức của mình lên Twitter. Sun tuyên bố bài viết trên toàn những thông tin bịa đặt và cáo buộc sai sự thật nhắm vào anh và tổ chức của mình, đồng thời đe dọa có hành động pháp lý nhằm vào trang báo vì tội phỉ báng.

Động thái trên của Sun rất giống với Binance, nền tảng vào năm 2020 đã khởi kiện tạp chí Forbes vì đăng thông tin tiêu cực về sàn. Tuy nhiên, đến 2022, Binance lại thông báo đầu tư 200 triệu USD vào Forbes và trở thành chủ sở hữu chính của tạp chí.

Justin Sun cũng đá đều lại quá khứ trên, khẳng định sẽ mua Chelsea thay vì mua The Verge, ám chỉ việc Binance mới đây từ chối mua lại đội bóng Anh.

Giá TRX kể từ lúc bài báo của The Verge được đăng tải vào khuya ngày 09/03 đến nay không có nhiều biến động đột biến, phần lớn vẫn đi theo giá BTC. Có vẻ như là bộ phận “giao dịch nội gián” của TRON vẫn đang làm tốt công việc của mình, duy trì giá TRX đúng theo ý muốn của Justin Sun.

Đồ thị 15m của cặp TRX/USDT trên sàn Binance vào lúc 02:15 PM ngày 10/03/2022

Coin68 tổng hợp

Có thể bạn quan tâm:

-10/03/2022
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68