“Tấn bi-hài kịch” Juno: Vote thu tiền của “cá voi”, rồi lại tự hủy token vì nhập sai địa chỉ

Dự án blockchain Juno (JUNO) xây dựng trên nền tảng Cosmos đang trở thành chủ đề đàm tếu trong cộng đồng crypto vì pha “tự hủy” mới thực hiện.

“Màn tấu hài” của Juno: Vote thu tiền của “cá voi”, rồi lại tự hủy token vì nhập sai địa chỉ

Drama giữa Juno và “cá voi” Nhật Bản

Juno (JUNO) là giao thức xây dựng hợp đồng thông minh (smart contract) cho hệ sinh thái Cosmos, ra mắt vào năm 2021.

Vào tháng 02/2022, Juno đã tiến hành airdrop token JUNO của mình cho người nắm giữ token ATOM của Cosmos. Cụ thể, những ai staking token ATOM trên Cosmos Hub sẽ nhận được JUNO theo tỷ lệ 1:1. Đội ngũ phát triển Juno đã đặt giới hạn airdrop tối đa cho mỗi ví là 50.000 JUNO nhằm tránh để token bị tập trung hóa bởi một số người dùng.

Tuy nhiên, đội ngũ Juno đã không tính đến việc một “cá voi” sở hữu nhiều ví có thể nhận được một lượng lớn token. Đây chính là điều đã xảy ra khi Takumi Asano, một nhà đầu tư tiền mã hóa 24 tuổi người Nhật Bản, đã nhận airdrop hơn 10% tổng cung JUNO, trị giá hơn 120 triệu USD vào thời điểm đó.

Cụ thể, Asano là người đứng đầu của CCN, một cộng đồng đầu tư crypto Nhật Bản với hơn 50 ví staking ATOM từ các thành viên. Trả lời phỏng vấn CoinDesk, Asano tuyên bố đã nhận ủy thác từ cộng đồng của mình cho chỗ ATOM trên và đã chia nó ra thành 50 ví “vì lý do bảo mật”. Anh này tuyên bố sẽ phân bổ JUNO về cho các thành viên dựa trên tỷ lệ đóng góp của họ.

Nhận thấy nguy cơ mạng lưới non trẻ của mình sẽ sớm bị tập trung vào tay “cá voi”, cộng đồng Juno vào tháng 3 đã khởi xướng Proposal 16 , một đề xuất yêu cầu tịch thu tiền của Asano và chỉ để lại đúng 50.000 JUNO trong ví của nhà đầu tư này, bằng với mức tối đa mà một người có thể nhận. Juno sau đó đã thông qua đề xuất với 40,85% phiếu thuận, 33,75% phiếu chống, 21,79% phiếu trắng và 3,59% phiếu chống với quyền phủ quyết.

Những gì xảy ra sau đó càng khiến tình hình rối ren hơn. Cũng trong tháng 3, mạng Juno đã bị tấn công và sập mất nhiều ngày, khiến giá JUNO sụt đến hơn 60%. Asano sau đó tuyên bố chính đội ngũ phát triển của Juno mới là người đang xả token làm giá giảm nhằm hướng sự chú ý khỏi đề xuất tịch thu token của người này.

Tuy nhiên, đến ngày 30/04, cộng đồng Juno tiếp tục thông qua Proposal 20, xác định thời điểm tịch thu JUNO của Asano vào ngày 05/05/2022, với tỷ lệ ủng hộ áp đảo lên đên 70%.

Proposal 20 tuyên bố sau khi thương thảo với Takumi Asano, đội ngũ Juno nhận ra bản chất của CCN là một dịch vụ giao dịch crypto chứ không phải là quỹ đầu tư, vì thế không đáp ứng điều kiện nhận airdrop. Đề xuất do đó đã chốt phương án tịch thu toàn bộ token từ Asano, chỉ để lại 50.000 JUNO.

Chuyện blockchain hard fork đảo ngược giao dịch

Việc blockchain hard fork để đảo ngược giao dịch không phải là chưa từng xảy ra, nổi tiếng nhất là sự kiện The DAO Hack của Ethereum (ETH) vào năm 2016. Khi đó thì hợp đồng DAO của Ethereum đã bị hacker tấn công và lấy đi 3,6 triệu ETH, tương đương với 31% lượng ETH của tổ chức DAO. Số ETH đó ngày nay có giá trị lên đến hơn 11 tỷ USD. Vì thiệt hại quá lớn, Ethereum đã quyết định hard fork blockchain để đảo ngược giao dịch và thu hồi tiền từ hacker.

Tuy nhiên, một bộ phận cộng đồng lại không đồng tình với cách làm trên, cho rằng “Code is law” và không thể thay đổi như vậy, dẫn đến sự ra đời của Ethereum Classic (ETC), blockchain mà trên đó sự kiện The DAO Hack vẫn xảy ra. Danh tính của tên hacker phải đến năm 2022 mới bị phanh phui.

Asano tuyên bố hành động nhận token của anh là hoàn toàn hợp lệ và khẳng định CCN là một cộng đồng thực sự, việc dự án kêu gọi cộng đồng tước token của anh là lạm quyền trong khi thực chất mọi hành động của anh là không vi phạm bất kỳ quy định gì và cũng không tấn công vào dự án. Do đó, “cá voi” này đe dọa sẽ có hành động pháp lý tùy vào nước đi tiếp theo của dự án.

Suốt thời gian đó, giá JUNO vẫn tiếp nối đà giảm từ đỉnh 45 USD về chỉ còn quanh vùng 11 USD ở thời điểm thực hiện bài viết, và lượng token 120 triệu USD của Asano giờ chỉ còn có giá trị khoảng 36 triệu USD.

Biến động giá JUNO từ đầu năm 2022 đến nay, theo CoinMarketCap

Lỗi copy-paste khiến 36 triệu USD JUNO “đi vào lòng đất”

Những tưởng bao nhiêu drama đã là quá đủ, thế nhưng cộng đồng Juno vẫn biết tạo thêm điểm nhấn.

Sau khi thông qua quyết định tịch thu token, dự án đã tiến hành một đợt hard fork blockchain vào ngày 05/05. Tuy nhiên, sau khi nâng cấp được triển khai, đội ngũ phát triển lại không thấy tiền từ các ví của Asano chuyển về địa chỉ mà họ chỉ định, trong khi ví của Asano thì đã trừ tiền rồi.

Qua một hồi kiểm tra, họ mới ngã ngửa khi phát hiện thay vì copy và paste địa chỉ ví nhận tiền vào bộ mã của nâng cấp, họ lại dán nhầm mã giao dịch (transaction hash). Hậu quả là lượng token trị giá 36 triệu USD kia đã bị chuyển vào “hư không”.

Đáng chú ý là mạng Juno đang có đến 120 validator, những người có trọng trách xác minh giao dịch và kiểm tra các nâng cấp như là Proposal 20, nhưng không ai phát hiện ra lỗ hổng này cho đến khi đã quá muộn.

Daniel Hwang, người đứng đầu Stakefish, một trong những validator của Juno, trả lời phỏng vấn CoinDesk:

“Chúng tôi đã phạm một sai sót không thể chấp nhận được. Đúng là các lập trình viên có thể có code lỗi, nhưng cuối cùng thì các validator mới là người có nhiệm vụ thẩm định các dòng code mà chính chúng tôi khởi chạy.”

Song, thay vì chấp nhận “đốt” chỗ token trên, đội ngũ phát triển Juno đã nhanh chóng chuẩn bị đề xuất Proposal 21, hard fork blockchain một lần nữa để đảo ngược giao dịch gửi tiền vào hư vô trên về lại ví của dự án.

Coin68 tổng hợp

Có thể bạn quan tâm:

-06/05/2022
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68