logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn

ETF - Quỹ hoán đổi danh mục là gì? Crypto ETF và những tác động tới thị trường cryptocurrency

-23/11/2023

Cryptocurrency đang dần trở thành một kênh đầu tư phổ biến nhờ hiệu suất vượt trội mà nó mang lại, tuy nhiên không phải bất cứ cá nhân hay tổ chức nào cũng có thể tiếp cận bởi rào cản pháp lý và công nghệ.

ETF là công cụ tài chính hứa hẹn xóa bỏ ranh giới giữa hai thị trường cryptocurrency và tài chính truyền thống. Trong bài viết này chúng ta sẽ đi tìm hiểu chi tiết về ETF, Crypto ETF và những tác động của nó tới thị trường cryptocurrency.

ETF - Quỹ hoán đổi danh mục là gì? Crypto ETF và những tác động tới thị trường cryptocurrency

Phần 1: Tổng quan về ETF (Exchange-Traded Fund)

ETF - Quỹ hoán đổi danh mục là gì?

ETF viết tắt của Exchange-Traded Fund, dịch sang Tiếng Việt là quỹ hoán đổi danh mục hoặc quỹ giao dịch trên sàn. ETF là một loại quỹ đầu tư được thiết kế để mô phỏng lại biến động giá trị của những tài sản trong danh mục. “Exchange-Traded” đề cập đến việc nó có thể giao dịch được trên các sàn giao dịch chính thống vì về bản chất nó hoạt động như một loại chứng khoán.

“ETF là một loại quỹ đầu tư được thiết kế để mô phỏng lại biến động giá trị của những tài sản trong danh mục, nó cũng được giao dịch trên các sàn như một loại chứng khoán.”

Bạn có thể hiểu rằng, ETF là một rổ gồm nhiều tài sản (chứng khoán, hàng hoá), biến động của nó sẽ neo với biến động chung của tất cả tài sản trong rổ. Các nhà đầu tư thay vì phải mua nhiều mã chứng khoán thì có thể mua luôn một rổ thông qua ETF này. Các giao dịch được thực hiện ngay trên sàn như một chứng khoán thông thường.

Mục tiêu chính của ETF là cung cấp sự đơn giản và linh hoạt cho nhà đầu tư. ETF cho phép họ đầu tư vào một loạt các tài sản mà không phải mua riêng lẻ từng cái, giúp giảm rủi ro và đa dạng hóa danh mục.

Cơ chế hoạt động của ETF

ETF - Exchange-Traded Fund hoạt động tương tự như một quỹ đầu tư, các chứng chỉ quỹ được phát hành tương tự như một loại cổ phần. Nhưng các nghiệp vụ bên trong của nó có phần khác biệt mà dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết.

Cơ chế hoạt động của ETF có thể chia ra thành 3 quá trình như sau:

Tạo lập ETF

    Các ETF thường được tạo ra bởi các tổ chức tài chính hoặc quỹ đầu tư. Những tổ chức này nghiên cứu và lựa chọn ra danh mục tài sản đầu tư, các tài sản trong danh mục không nhất thiết phải cùng một loại hoặc lĩnh vực, đơn vị phát hành có thể trộn nhiều hàng hoá khác nhau, từ chứng khoán, trái phiếu, cổ phiếu miễn sao chúng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Ngoài ra phân bổ các loại tài sản trong danh mục cũng không nhất thiết phải bằng nhau. 

    Phát hành và giao dịch ETF

    Tiếp đó, rổ hay danh mục tài sản đã được tạo ra bên trên được chào bán theo dạng cổ phiếu, mỗi cổ phiếu đại diện cho một phần nhỏ của rổ tài sản. Cụ thể như này, tổng giá trị của rổ tài sản được phát hành bên trên gọi là Net Asset Value (NAV), NAV này sẽ được chia thành rất nhiều phần nhỏ bằng nhau để người mua dễ dàng tiếp cận.

    Ví dụ, một ETF được đặt tên CRYPTO101 có NAV = $1.000.000, đơn vị phát hành chia NAV thành 100.000 cổ phiếu thì mỗi cổ phiếu CRYPTO101 có giá là $10. Như vậy, nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra $10 là có thể mua được một rổ tài sản gồm nhiều tài sản khác bên trong, thay vì phải mua từng loại.

    Các ETF này được giao dịch tự do trên tất cả các sàn giao dịch chính thống và được pháp luật bảo hộ theo quy định chứng khoán. Người mua không cần lo ngại về những sự phức tạp phía sau như lưu ký hay bảo mật.

    Giữ cân bằng giá

    Biến động của ETF và tổng biến động của các tài sản trong danh mục được neo với nhau thông qua hoạt động giao dịch chênh lệch giá (arbitrage) bằng cơ chế creation và redemption khi cần thiết.

    • Creation: Khi giá trị ETF lớn hơn giá trị thị trường của rổ, đơn vị tạo lập có thể mua các tài sản giá rẻ bên ngoài để tạo ra thêm các cổ phiếu ETF mới sau đó bán vào thị trường ETF để kéo giá của nó quay về đúng với thị trường đồng thời hưởng phần chênh lệch giá.

    • Redemption: Ngược lại, khi giá trị ETF thấp hơn thị trường bên ngoài, đơn vị tạo lập mua lại các ETF giá rẻ sau đó huỷ bỏ cổ phiếu để nhận lại tài sản gốc rồi bán ra thị trường bên ngoài ở giá cao. Từ đó kéo giá ETF lên bằng giá trị thường. Cả hai hoạt động này đều được thực hiện dựa trên nguyên tắc cung cầu.

    Phân loại ETF

    Một số cách phân loại ETF phổ biến

    Theo loại tài sản cơ sở

    Cách phân loại này chia các ETF theo loại tài sản trong danh mục. Các ETF trong loại này có danh mục tài sản thuộc cùng một mảng nhất định. Ví dụ ETF chứng khoán, ETF trái phiếu, ETF hàng hoá, ETF hỗn hợp. Ví dụ: SPDR S&P 500 ETF Trust (SPY), Vanguard Real Estate ETF (VNQ).

    Theo khu vực địa lý

    Cách phân loại này hướng tới các khu vực địa lý nhất định, ví dụ ETF Hoa Kỳ, ETF EU, ETF Việt Nam. Ví dụ:  iShares MSCI Japan ETF (EWJ), Vanguard FTSE Europe ETF (VGK).

    Theo chiến lược quản lý

    • ETF bị động (Passive ETF): Loại ETF này mô phỏng lại hiệu suất của một danh mục nhất định nhưng không thể can thiệp vào cấu trúc danh mục. Ví dụ Vanguard Total Stock Market ETF (VTI).

    • ETF chủ động (Active ETF): Ngược lại với ETF bị động, loại hình ETF này cho phép các đơn vị quản lý linh hoạt thay đổi cấu trúc, phân bổ của ETF để theo sát và nắm bắt cơ hội thị trường. Ví dụ tăng, giảm tỉ trọng hoặc thêm vào, bớt đi những mã cổ phiếu nhất định. Ví dụ ARK Innovation ETF (ARKK).

    Theo hình thức tài sản cơ sở

    Cách phân loại này dựa vào hình thức tài sản cơ sở của ETF, đây có lẽ là hình thức phân loại mà các bạn quan tâm nhất bởi nó đang làm nóng thị trường cryptocurrency trong suốt nhiều tháng qua.

    • Spot ETF: Đối với loại này, hiệu suất của ETF được neo với hiệu suất của tài sản nền tảng ở thị trường spot. Để tạo ra Spot ETF nhà tạo lập cần mua và lưu trữ thực sự các tài sản cơ sở, điều này cũng có nghĩa là các nhà đầu tư ETF đang gián tiếp sở hữu tài sản trong rổ. Ví dụ: iShares Gold Trust (IAU).

    • Futures ETF: là ETF được liên kết với giá trị của hợp đồng tương lai, đối với loại này tài sơ cơ sở là những hợp đồng tương lai thay vì tài sản thực tế như Spot ETF. Ví dụ: ProShares Bitcoin Strategy ETF (BITO), Valkyrie Bitcoin Strategy ETF (BTF).

    Có thể thấy rằng so với Futures ETF thì Spot ETF có tác động mạnh mẽ hơn tới đường giá, vì việc bắt buộc mua và sở lưu trữ thực tế tài sản cơ sở sẽ tác động trực tiếp tới nguồn cung của nó.

    Sự phổ biến của ETF trong thị trường tài chính truyền thống

    Kể từ khi xuất hiện lần đầu năm 1993, cho tới nay ETF đã trở thành một công cụ tài chính quan trọng của thị trường tài chính thế giới. Nó cung cấp phương tiện giúp nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận với nhiều loại tài sản khác nhau.

    Lịch sử phát triển của ETF. Nguồn: Investopedia

    Cho đến thời điểm hiện tại giá trị ETF toàn cầu đã đạt tới con số trên 10.000 tỉ đô la với hơn 8.750 ETF được phát hành. Trong đó giá trị ETF tại Hoa Kỹ chiếm hơn 70% (ước tính khoảng 7.191 tỷ đô).

    Tổng giá trị ETF toàn cầu. Nguồn: Satista cập nhật tới tháng 02/2023

    Tại Việt Nam, quỹ ETF đầu tiên là VFMVN30 được niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) năm 2014. ETF này được phát hành bởi Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM), nó mô phỏng sự biến động của chỉ số VN30 đại diện cho 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

    Xét về mức độ phổ biến thì các quỹ ETF chủ yếu hoạt động mạnh tại thị trường Mỹ, còn ở các thị trường khác hầu như ít dành được sự quan tâm.

    Phần 2: Crypto ETF là gì?

    Bên trên chúng ta đã tìm hiểu về ETF là gì và cách nó hoạt động, trong phần 2 dưới đây chúng ta sẽ đi tìm hiểu về ETF của thị trường cryptocurrency.

    Crypto ETF là gì?

    Crypto ETF (Crypto Exchange-Traded Fund) là một loại quỹ đầu tư được thiết kế để mô phỏng lại biến động giá trị của một hoặc một danh mục tài sản tiền mã hoá (cryptocurrency). Cũng giống như ETF truyền thống, Crypto ETF có thể được giao dịch trên các sàn giao dịch chứng khoán như một cổ phiếu thông thường.

    Mục tiêu của Crypto ETF là mang lại sự thuận tiện và khả năng tiếp cận cho số đông nhà đầu tư muốn đầu tư vào thị trường crypto mà không gặp phải các rào cản về công nghệ, đồng thời Crypto ETF cũng giúp nhà đầu tư hưởng các lợi ích chung khác của công cụ tài chính này.

    Những tác động tích cực của crypto ETF

    Dễ dàng tiếp cận

    Crypto ETF mang tới cho các nhà đầu tư sự dễ dàng tiếp cận. Sự phức tạp về mặt công nghệ và các yếu tố bảo mật là một rào cản tương đối lớn cho phần đông nhà đầu tư. Nếu muốn lưu trữ những đồng crypto thực sự họ cần tìm hiểu về công nghệ blockchain, tạo ví, lưu trữ tài sản … Giờ đây thông qua Spot ETF họ đã có thể sở hữu gián tiếp tài sản crypto dễ dàng như cách mà họ giao dịch chứng khoán hàng ngày.

    Được bảo hộ bởi pháp luật

    ETF hoạt động dưới sự giám sát của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC). Toàn bộ quy trình từ khởi tạo và giao dịch ETF đều được theo dõi để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên được thực hiện đúng. Vì vậy nhà đầu tư có thể yên tâm hơn phần nào khi đầu tư vào những tài sản crypto có trong danh mục.

    Tăng thanh khoản và quy mô cho thị trường crypto

    Thông qua ETF thị trường cryptocurrency sẽ nhận được một lượng lớn dòng tiền khiến thị trường sôi động và thanh khoản sẽ dồi dào hơn.

    Khi nhìn lại bài học của thị trường vàng năm xưa, sau khi Spot ETF vàng đầu tiên (SPDR Gold Trust) được thông qua năm 2004, vốn hoá của nó tăng trưởng một mạch gấp 5 lần so với thời điểm trước phê duyệt.

    Giá vàng có sự tăng trưởng mạnh kể từ sau khi ETF hoạt động. Dữ liệu: GoldPrice

    Đa dạng hóa danh mục

    Ngoài ra cũng giống như ETF truyền thống, nhà đầu tư có thể dễ dàng đa dạng hóa danh mục đầu tư bằng việc mua ETF được thiết kế với số lượng danh mục nhiều tài sản crypto. Hoặc ETF trộn cả crypto và các chứng khoán khác.

    Thách thức và rủi ro của crypto ETF

    Tính biến động cao và dễ thao túng

    Không thể không nhắc tới lý do mà SEC thường xuyên đưa ra để từ chối Bitcoin Spot ETF. Rủi ro này đến từ việc thị trường cryptocurrency vẫn còn quá non trẻ và vốn hoá rất bé khi so sánh với các thị trường khác. Đặt lên bàn cân với BlackRock (công ty quản lý đầu tư hàng đầu thế giới) thì vốn hoá toàn thị trường crypto chỉ bằng ⅛ lần giá trị tài sản mà họ quản lý, vì vậy SEC liên tục từ chối là cũng có lý lẽ riêng.

    Các rủi ro liên quan đến tài sản lưu ký

    Như bạn đã biết khi triển khai Crypto Spot ETF các nhà tạo lập bắt buộc phải lưu ký crypto, việc này thường được thực hiện thông qua một bên thứ ba. Với iShares Bitcoin Trust của Blackrock là Coinbase, Grayscale Bitcoin Trust là BNY Mellon. Rủi ro có thể xảy đến không chỉ từ hoạt động lưu ký tài sản của các đơn vị này mà còn cả từ hệ thống blockchain.

    Chi phí

    Thông thường khi đầu tư vào ETF, các nhà đầu tư sẽ phải chịu thêm các khoản phí liên quan đến quản lý và vận hành quỹ, bên cạnh đó là các khoản phí giao dịch từ sàn chứng khoán và sự chênh lệch giá so với tài sản gốc. Những khoản phí này có thể làm giảm lợi nhuận của nhà đầu tư.

    Hiện tại và tương lai của Crypto ETF

    Ý tưởng về crypto ETF đã xuất hiện từ lâu nhưng do thị trường cryptocurrency còn non trẻ đồng thời thiếu các quy định pháp lý nên mãi tới ngày 19/10/2021 Crypto Futures ETF đầu tiên tại Hoa Kỳ mới được phê duyệt. ETF này là Bitcoin Futures ETF được phát hành bởi ProShares có tên là ProShares Bitcoin Strategy ETF (BITO) được niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.

    Kế đó là sự xuất hiện lần lượt của các Bitcoin Futures ETF khác như: VanEck Bitcoin Strategy ETF (XBTF), Valkyrie Bitcoin Strategy ETF (BTF), Simplify Bitcoin Strategy PLUS Income ETF (MAXI), Global X Blockchain and Bitcoin Strategy ETF (BITS) … 

    Cuối tháng 9/2023 SEC đã chấp thuận thêm Ethereum làm tài sản nền tảng cho phát hành Futures ETF, nhưng dường như chưa nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư. Khối lượng giao dịch ngày đầu chỉ đạt xấp xỉ 2 triệu USD là con số rất khiêm tốn.

    Danh sách các Bitcoin ETF đang hoạt động. Nguồn: Blockwork ngày 23/11/2023

    Cho đến thời điểm hiện tại, SEC vẫn chưa phê duyệt bất cứ Crypto Spot ETF nào vì lý do tính biến động cao, và dễ bị thao túng. Sau những áp lực gần đây từ Quốc Hội Mỹ có vẻ Gary Gensler và SEC đang có những hành động hợp tác tích cực với các tổ chức phát hành để đi đến kết luận cuối cùng cho Bitcoin Spot ETF.


    Các đề xuất ETF Bitcoin spot đang được SEC xem xét. Ảnh: Bloomberg (09/11/2023)

    Hạn chót gần nhất để SEC đưa ra phán quyết Có hay Không thông qua cho Bitcoin Spot ETF là ngày 10/01/2024. Theo cá nhân tác giả, sau nhiều nỗ lực tích cực đến từ cả Quốc hội Mỹ và các tổ chức phát hành thì nhiều khả năng Bitcoin Spot ETF sẽ được thông qua hàng loạt ở hạn chót cuối cùng này.

    Bitcoin Spot ETF được thông qua sẽ là phát súng mở màn cho hàng loạt Crypto ETF khác sau đó. Dòng tiền từ thị trường tài chính truyền thống sẽ được chảy vào crypto dễ dàng hơn bao giờ hết.

    Trên quan điểm cá nhân, mình tin tưởng rằng Bitcoin Spot ETF sẽ là sự kiện kích hoạt cho chu kỳ bull kế tiếp của thị trường cryptocurrency.

    Công việc của blockchain nói chung và crypto nói riêng là hãy toả sáng hơn nữa những giá trị cốt lõi để thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư truyền thống.

    Lời kết

    Trên đây là toàn bộ những giới thiệu, phân tích về ETF, Crypto ETF cùng tiềm năng của chúng. Hy vọng giúp các bạn có thêm những góc nhìn hỗ trợ việc đưa ra các quyết định đầu tư.

    Và cuối cùng, hãy cùng chờ đóng ngưỡng cửa lịch sử của cryptocurrency trong năm 2024 tới đây. Cảm ơn các bạn đã theo dõi!

    Kudō

    Tham gia thảo luận về những vấn đề NÓNG HỔI nhất của thị trường DeFi tại nhóm chat Fomo Sapiens cùng các admin Coin68 nhé!!!
    -23/11/2023
    logo-footer
    Kết nối với chúng tôi
      Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
        Copyright © 2016 by Coin68