Blockchain – từ khoá có lẽ là hot nhất trên Internet trong thời gian qua, khi mà chúng ta đang cảm thấy sức nóng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 rõ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, với không ít người, công nghệ Blockchain vẫn là một thứ gì đó khá xa lạ, thậm chí còn có thể nói là mù tịt.
- Lí giải đơn giản về tầm quan trọng của công nghệ Blockchain (04/09)
- Sự khác biệt giữa Blockchain và công nghệ sổ cái phân tán (DLT) (29/07)
- Coin68 Blog: Nhược điểm của Blockchain – Áp dụng vào thực tế và Thảo luận (30/04)
Nhưng không sao, tất cả chúng ta ai ai cũng từng có lúc là người mới vào, phải trải qua học tập trau dồi thì mới có thể hiểu hết được bản chất của cái công nghệ được ví là sẽ cùng trí tuệ nhân tạo và big data dẫn dắt con người vào kỷ nguyên kỹ thuật số mới.
Sau đây, hãy để Coin68 “xoá mù” về công nghệ Blockchain cho bạn nhé!
Công nghệ Blockchain là gì?
a) Tổng quan côngnghệ Blockchain
Công nghệ Blockchain được thiết kế để giúp bạn chuyển giao tài sản kỹ thuật số (như là tiền tệ), mà không cần có sự can thiệp của một bên trung gian (như là ngân hàng). Bỏ qua trung gian đồng nghĩa với việc giao dịch sẽ được xúc tiến nhanh hơn và ít tốn chi phí hơn.
Bên cạnh đó, Blockchain không chỉ đảm bảo thực hiện thành công giao dịch, mà sau đó sẽ còn là đơn vị xác nhận liệu giao dịch đó đã xảy ra hay chưa, cung cấp đủ loại chi tiết cần thiết. Nói cách khác, Blockchain là một bản lưu đáng tin cậy về tất cả những hoạt động.
b) Công nghệ Blockchain và lưu trữ dữ liệu
Blockchain (hay còn gọi với cái tên thuần Việt là “chuỗi khối”) là một bản ghi chép vĩnh viễn tất cả những giao dịch đã được thực hiện trên đó. Những mật mã máy tính vững chắc cùng cơ chế phi tập trung giúp ta an tâm rằng không một ai có thể thay đổi thông tin từ trắng ra đen. Mỗi khi thông tin đã được tải lên Blockchain, sẽ gần như không thể nào xoá bỏ hoặc tác động lên nó – dữ liệu sẽ ở vào một trạng thái được gọi là “bất biến”.
Bởi vì không một ai có thể thay đổi bản lưu, Blockchain do đó có thể được xem như một nguồn thông tin chính thống và đáng tin cậy, chưa kể ai cũng có quyền tự do tiếp cận đến nó. Điều này cho phép những người tuy chẳng biết gì nhau, chưa chắc đã tin tưởng nhau, nhưng vẫn đồng ý rằng giao dịch đã được thực hiện.
c) Lịch sử hình thành của Blockchain
Vào năm 2008, một con người bí ẩn tự xưng là Satoshi Nakamoto đã xây dựng mạng lưới Blockchain của riêng mình và ứng dụng đầu tiên của nó: đồng tiền điện tử Bitcoin. Đến ngày nay, vẫn chẳng ai biết danh tính thực sự của Satoshi.
Satoshi có thể phụ nữ, có thể là đàn ông, hoặc thậm chí là cả một nhóm người. Chẳng ai biết sự thật cả. Cái mà chúng ta biết là tên miền Bitcoin.org được đăng ký lần đầu vào tháng 08/2008. Và sang đến tháng 10, Satoshi đã đăng tải whitepaper Bitcoin nổi tiếng, trong đó mô tả cách thức hoạt động của Blockchain.
d) Tính đột phá của Blockchain
Công nghệ Blockchain nhận được bao lời tán dương ca ngợi ở trên khắp thế giới là do bởi nó là giải pháp đầu tiên dành cho một vấn đề mà rắc rối đến nỗi được người ta đặt hẳn cho một cái tên riêng: Lỗi lặp lại chi tiêu – Double spending problem.
Về nôm na thì “lỗi lặp lại chi tiêu” có thể hiểu như sau: Tiền kỹ thuật số (như là Bitcoin) bản chất thì chỉ là những tệp tin máy tính, nên rất dễ để một ai đó có thể “làm giả” bằng cách copy rồi paste lại nó. Trước khi có Blockchain, giải pháp được giới ngân hàng đưa ra là phải liên tục theo dõi dòng tiền ra và vào tài khoản của mỗi người, để không một ai có quyền tiêu hai lần một đồng tiền trong túi.
Trong khi đó, Blockchain lại giải quyết mâu thuẫn trên theo hướng hoàn toàn khác. Nó công khai tất cả tài khoản và giao dịch ra bên ngoài để mọi người tự do vào xem, chỉ trừ một số thông tin cá nhân như là tên người dùng. Bởi số dư tài khoản lúc này đa được công bố rộng rãi, mọi người sẽ nhanh chóng để ý nếu phát hiện có một lượng tiền được sử dụng hai lần.
Một khi tiền kỹ thuật số (như Bitcoin) được chuyển đi, giao dịch và số dư mới đến với người nhận sẽ được hiển thị rộng rãi. Vậy nên nếu tên gian lận cố chi đồng tiền của mình đến hai lần, hắn sẽ dễ dàng bị phát hiện và ngăn chặn.
Việc giải quyết Lỗi lặp lại chi tiêu có ý nghĩa vô cùng lớn. Nó cho phép tài sản kỹ thuật số (như là tiền tệ) từ giờ có thể được chuyển trực tiếp từ người này đến người khác, mà không cần phải thông qua bất cứ trung gian ở giữa.
Nhưng Blockchain còn có thể làm được nhiều chuyện hơn là chỉ để gửi tiền, và nó cũng đã tạo cảm hứng cho vô vàn ý tưởng mới. Muốn biết thêm thì hãy cùng đọc tiếp nhé!
Blockchain hoạt động như thế nào?
Giờ thì khi đã biết được khái niệm và lí do vì sao Blockchain xuất hiện, kế đến ta sẽ tìm hiểu cơ chế hoạt động của công nghệ này.
a) Mô hình của Blockchain
Hãy tưởng tượng 4 người lạ đang cùng ngồi trong một căn phòng, mỗi người đang cầm trên tay quyển sổ ghi chép của mình. Do bởi họ là người lại, họ không biết mặt mũi và cũng chẳng tin tưởng gì ở đối phương
Bốn người lại ở ví dụ trên đại diện cho cộng đồng người dùng của Blockchain. Họ là người lạ bởi trên thực tế, người dùng Blockchain thật sự không biết gì về nhau cả.
Trong khi đó, quyển sổ ghi chép là chính Blockchain. Blockchain lưu trữ một bản sao của mỗi một giao dịch đã từng được thực hiện. “Chuỗi khối” ngoài đời thật không phải là bản ghi giấy – mà nó là 100% số hoá và đăng tải công khai.
Quan trọng hơn cả, có hàng chục nghìn các bản sao của cùng một dữ liệu Blockchain giống hệt nhau được người dùng nắm giữ trên toàn thế giới. Tất cả những bản sao này sẽ được đồng bộ hoá với nhau bởi hệ thống mà điều hành Blockchain.
Blockchain sẽ được dùng để lưu trữ và gửi bất kì loại tài sản kỹ thuật số nào, nhưng trong ví dụ của ta thì hãy giả định đó là Bitcoin.
b) Giao dịch trên Blockchain
Được rồi, giờ thì một trong bốn người chuyển tiền cho người khác. Tất cả bọn họ khi ấy đều phải ghi chép lại giao dịch ấy.
Họ kế đến sẽ cùng so sánh sổ ghi chép với nhau để đảm bảo khớp kết quả.
Như trong ví dụ, khi tiền kỹ thuật số được gửi, giao dịch được ghi chép lại trên tất cả các bản lưu Blockchain trên toàn thế giới. Và cũng giống như việc bốn người lạ so sánh sổ ghi chép, hệ thống Blockchain sẽ bảo đảm toàn bộ sao lưu Blockchain có bản ghi giống nhau.
c) So sánh bản lưu Blockchain
Nếu cả bốn bản ghi đều khớp, thì mọi thứ sẽ bình thường. Giao dịch sẽ được xác nhận bởi tất cả mọi người.
Song, nếu một sổ ghi chép khác với ba cái còn lại, thì ôi thôi chúng ta có vấn đề rồi đấy. Nó đồng nghĩa là có người đang nói dối về giao dịch của mình. Ta còn biết luôn cả ai là kẻ nói dối (bật mí nha, đó là người có bản ghi chép khác với ba người còn lại). Kết quả là, ba người kia sẽ tiếp tục làm việc với nhau, gạt kẻ khác biệt sang một bên. Giao dịch không khớp sẽ không được xác nhận.
Hai kịch bản tương tự cũng diễn ra trên Blockchain: nếu tất cả bản lưu Blockchain đều giống nhau thì giao dịch sẽ được thực hiện như bình thường.
Còn nếu một bản lưu Blockchain bị phát hiện có điểm bất hợp lý so với phần còn lại của hệ thống thì ngay lập tức những giao dịch không khớp sẽ bị chặn. Đây chính là cơ chế giúp loại bỏ gian lận. Rất khó để có thể thao túng mạng lưới, trừ khi bạn thuyết phục số đông phần còn lại trên Blockchain thuận theo ý mình.
Blockchain có thể làm những gì?
Giờ thì khi đã biết Blockchain là gì, hãy cùng khám phá xem loại công nghệ này có thể có tiềm năng to lớn đến nhường nào.
a) Bitcoin và tiền điện tử
Bởi vì Blockchain và đồng tiền điện tử Bitcoin được phát minh ra cùng với nhau, nên mọi người thường hay nhầm lẫn hai khái niệm này. Thực tế thì Bitcoin chính là ứng dụng đầu tiên của công nghệ Blockchain.
Ví von một cách đơn giản thì vai trò của Bitcoin đối với Blockchain cũng tương tự email với Internet vậy.
Blockchain là nền móng cơ bản cho gần như toàn bộ những đồng tiền điện tử đang xuất hiện ngày nayCách công nghệ Blockchain hoạt động mới thật sự là điều quan trọng ở đây. Blockchain là một thống giúp chúng ta dựng nên những cách thức quản lý và chuyển giao tài sản kỹ thuật số an toàn hơn mà không cần thông qua bên thứ ba.
Ý tưởng lớn này đã được Satoshi Nakamoto đem áp dụng vào tiền tệ, nhằm giải quyết vấn đề mà “nhức nhối” nhất đối với ông vào thời điểm khi ấy: khủng hoảng tài chính toàn cầu và sự bất tín, mong manh mà ngành tài chính thế giới đã để lại trong mắt công chúng.
Song, đây không phải là công dụng duy nhất của Blockchain.
b) Chuyển tiền quốc tế
Với Blockchain, tiến trình thanh toán quốc tế giữa các cá nhân, công ty và định chế tài chính sẽ trở nên rẻ, nhanh và an toàn hơn rất nhiều.
Lí do là bởi chuỗi khối sẽ bảo đảm tiền lúc nào cũng sẽ đến nơi nó phải đến, chưa kể việc không cần trung gian sẽ giúp quá trình chuyển tiền ít bị “ma sát” hơn.
c) Bỏ phiếu
Với Blockchain, phiếu bầu có thể được đếm một cách bảo mật, loại bỏ hoàn toàn nguy cơ gian lận.
Không những thế, công nghệ này còn tự động xác minh danh tính người bỏ phiếu để từ đó xác định xem thử lá phiếu của họ có hợp lệ hay không.
d) Lưu trữ dữ liệu
Với Blockchain, người dùng có thể trực tiếp trả phí để bảo quản thông tin cá nhân của mình ngay trên chuỗi khối.
Công nghệ Blockchain sẽ tự động bảo đảm tất cả các bên phải tuân thủ những gì giao kèo ngày từ đầu. Bên cạnh đó, loại bỏ trung gian sẽ giúp hoạt động lưu trữ trở nên tiết kiệm hơn.
e) Xác minh danh tính
Với Blockchain, nhân dạng của bạn sẽ được bảo vệ và xác nhận một cách an toàn mà không tạo nên bất kì nguy cơ mạo danh hay đánh cắp thông tin nào hết.
Công nghệ Blockchain có thể tự động chứng minh các giấy từ hộ chiếu, thẻ tín dụng, bảo hiểm xã hội, chứng minh nhân dân,… là thật, đơn giản hoá rất nhiều thủ tục hành chính.
f) Internet of Things (IoT) – Vạn vật kết nối Internet
Blockchain có thể trở thành thứ “ngôn ngữ” giúp các thiết bị có kết nối với Internet có thể liên lạc với nhau. Ví dụ, thông qua hợp đồng thông minh, smartphone của bạn có thể kết nối thẳng với dịch vụ đi nhờ xe, không cần thông qua trung gian như Taxi hay Uber.
Công nghệ này còn giúp xây dựng lòng tin giữa các thiết bị IoT để thúc đẩy kết nối. Việc loại bỏ bên thứ ba có thể khiến ước mơ về một thế giới tiện lợi và gắn kết với nhau trở nên khả thi hơn bao giờ hết.
g) Nền kinh tế chia sẻ
Nhờ Blockchain, những thứ ta sở hữu có thể được kết nối để từ đó giúp ta kiếm tiền chỉ từ việc chia sẻ chúng.
Hiện tại, chắc hẳn ai cũng đang có không ít những thứ mà ta ít khi dùng đến. Hãy nghĩ về chiếc ô tô bạn hiếm khi sử dụng hay là bộ dụng cụ bạn cả năm mới cần đến một lần.
Tuy nhiên, từ giờ ta có thể biến chúng thành một nguồn thu nhập. Công nghệ Blockchain giúp ta chia sẻ và kiếm tiền từ đó, mà không cần phải lo về rủi ro quỵt kèo.
Để có thể khám phá thêm nhiều công dụng đời thật của Blockchain, ví độc giả có thể tìm hiểu kỹ ở bài viết sau:
Lời kết
Giờ thì bạn đã biết vì sao Blockchain lại độc đáo, lại cuốn hút, và được không ít người gọi là công nghệ của thế giới tương lai vậy. Nó là một hệ thống thông minh cho phép những người lạ chuyển giao dịch tài sản kỹ thuật số (như tiền tệ) – mà không cần chút tin tưởng gì vào nhau. Còn nữa, không cần sự can thiệp của một bên trung gian nào (như ngân hàng) vào hết.
Cuộc cách mạng mà công nghệ Blockchain khởi xướng sẽ mang lại cho bạn toàn quyền sở hữu tài sản của mình, cũng như cách để giao dịch nó. Đây chính là sức mạnh khiến Blockchain thành công đến như vậy.
Gần như mỗi ngày, người ta lại phát minh ra những công dụng mới dành cho Blockchain. Đừng quá lo lắng nếu bạn nghĩ mình đã đến trễ bởi mọi thứ thật ra chỉ mới bắt đầu mà thôi.