logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn

Babylon - Mở khoá 21 triệu Bitcoin để bảo mật nền kinh tế phi tập trung

-02/02/2024

Babylon là dự án tiên phong sử dụng BTC và mạng lưới Bitcoin làm lớp bảo mật cho các blockchain khác. Đây là dự án có tính thực tiễn và ứng dụng cao. 

Babylon - Mở khoá 21 triệu Bitcoin để bảo mật nền kinh tế phi tập trung

Mở đầu

Hai cơ chế đồng thuận phổ biến nhất lĩnh vực blockchain là Proof of Work và Proof of Stake. 

Đối với mô hình Proof of Work (PoW) các node là những miner (thợ đào) tham gia vào mạng lưới cùng nhau tính toán để tìm ra kết quả. Ngoài dữ liệu giao dịch còn có các thông số ngẫu nhiên để cho ra một mã hash duy nhất mỗi block. Những thợ đào sẽ chơi một trò chơi đoán thông số ngẫu nhiên kia kết hợp với dữ liệu đầu vào để cố gắng tìm ra kết quả sớm nhất. Việc tính toán này cần sử dụng sức mạnh tính toán, phần thưởng block sẽ được trao cho người đầu tiên tìm ra đáp án.

Mô hình Proof of Work và Proof of Stake

Đối với mô hình Proof of Stake (PoS) các node là những validator (người xác nhận) cũng thực hiện tính toán để tìm ra kết quả block, nhưng thay vì trò chơi đoán các validator cần chơi một trò chơi khác liên quan đến hình phạt kinh tế.

Theo đó để trở thành một validator họ cần đặt cọc một khoản token nhất định, khoản tiền này dùng để bảo đảm uy tín. Khác với PoW, các validator của PoS không cần sức mạnh tính toán khổng lồ để tìm ra kết quả block vì không có trò chơi giải đố nào cả. Ngoài ra validator sẽ được lựa chọn dựa trên số lượng token đã stake để tạo block mới, block mới này sau đó được các validator khác trên toàn mạng lưới xác nhận.

Trong trường hợp một block có kết quả sai tất cả validator tham gia vào quá trình xác nhận sẽ bị cắt giảm lượng token đã đặt cọc như một hình phạt.

Các vấn đề của Proof of Stake

Sự ra đời của Proof of Stake giúp tiết kiệm năng lượng và tránh rào cản phần cứng cho các node mới gia nhập mạng lưới. Nó cũng giúp các blockchain tăng tốc độ xác thực từ đó tăng cường khả năng mở rộng.

Nhưng bên cạnh đó vẫn còn những vấn đề tồn tại đối với mô hình Proof of Stake như tấn công 51%, finality delay, long range attack, denial of service (DOS), reorgs. Các bạn có thể tìm hiểu chi tiết tại đây.

Trong phần dưới mình sẽ chỉ giới thiệu các vấn đề liên quan tới sự ra đời của Babylon.

Weak Subjectivity

Weak Subjectivity - Tính chủ quan yếu mô tả sự cố ảnh hưởng tới các node mới hoặc các node đã không online trong một thời gian. Khi những node này tham gia mạng lưới nó sẽ cần đồng bộ dữ liệu chuỗi. 

Qua thời gian hoạt động chuỗi blockchain sẽ bao gồm nhiều nhánh, các nhánh này là hệ quả của việc node tạo ra các block không hợp lệ và bị từ chối, sẽ chỉ có một nhánh chính được duy trì.

Chuỗi bị phân thành nhiều nhánh khác nhau, nhưng chỉ có chuỗi gốc màu đen được lựa chọn

Các node trong mạng lưới khi cần đồng bộ dữ liệu sẽ dựa theo nguyên tắc “Chuỗi dài nhất”. Chuỗi có số khối dài nhất sẽ được chọn làm chuỗi chính để tiếp tục làm việc, tùy từng mạng lưới mà sẽ bổ sung thêm các nguyên tắc khác để việc lựa chọn chặt chẽ hơn.

Long range attack - Tấn công tầm xa

Tấn công tầm xa hay tấn công viết lại lịch sử là một loại tấn công mà kẻ xấu tạo ra một chuỗi song song với mạng chính sau đó cố gắng tăng tốc vượt qua chuỗi chính về độ dài rồi thuyết phục các node trong mạng lưới tin rằng đó mới chính là chuỗi chính.

Thuật ngữ tầm xa ám chỉ kẻ tấn công sẽ chọn vị trí viết lại ở rất xa block hiện tại, có thể là nhiều tháng, năm hoặc từ khối genesis.

Nếu trong mạng lưới Proof of Work điều này là rất khó thực hiện, vì chi phí cho việc tạo ra một chuỗi song song từ xa như vậy tốn rất nhiều tài nguyên, và tốc độ thực thi cũng khó lòng vượt qua được chuỗi chính.

Nhưng với mạng lưới Proof of Stake thì khác, các node không cần nhiều sức mạnh tính toán để mô phỏng một chuỗi kể là từ genesis block, vậy nên trong có thể dễ dàng xuất hiện nhiều chuỗi với độ dài bằng nhau cùng tồn tại.

Kẻ tấn công tạo ra các chuỗi song song được fork từ khoảng cách xa

Trong quá trình xây dựng lại các khối, kẻ tấn công sẽ thực hiện thêm các giao dịch có lợi cho mình. Do đó long range attack còn được gọi là tấn công viết lại lịch sử.

Cuộc tấn công tầm xa trên mạng lưới PoS sẽ càng dễ dàng hơn nếu các node không có cơ chế kiểm tra timestamp của block. Dựa vào timestamp sẽ giúp các node nhận biết chuỗi gốc, tuy nhiên timestamp vẫn là chưa đủ so với sự tinh vi của các hacker. Những kẻ tấn công có thể thực hiện xây dựng một chuỗi mới song song cùng khung thời gian với chuỗi chính, khi thời điểm đến những kẻ tấn công sẽ thực hiện trì hoãn chuỗi chính và tăng tốc chuỗi phụ để giúp nó vượt lên.

Điều này được thực hiện bằng cách sử dụng các verify key của node đã rời bỏ mạng lưới (có thể bằng mua lại, thông đồng hoặc chính node đó là kẻ tấn công sau khi rút cổ phần khỏi stake). Những key này được sử dụng để viết lại lịch sử các block trong quá khứ. Thủ thuật trì hoãn mạng lưới được thực hiện bằng cách giữ lại các block được giao để sản xuất.

Thông thường, việc sản xuất các khối độc hại hoặc thực hiện các hoạt động gây tổn thương mạng lưới sẽ dẫn đến bị phạt số tiền đã stake. Nhưng như bạn đã biết bên trên rồi đấy, các validator đã rút tiền của họ khỏi mạng lưới, vì vậy không thể thực hiện bất kỳ hình phạt nào đối với họ, điều này dẫn đến một khái niệm là “unslashable”.

Có một số phương pháp được các blockchain triển khai để chống lại hình thức tấn công này nhưng phổ biến nhất là tạo ra các điểm kiểm tra sau mỗi khoảng thời gian nhất định, các block được tạo từ xa hơn checking point sẽ bị coi không hợp lệ. Như vậy kẻ tấn công cần mô phỏng chuỗi từ vị trí gần hơn gây trở ngại cho việc thao túng.

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến cơ chế thời gian chờ đợi khi các validator muốn rút tiền khỏi stake. Họ cần chờ đợi cho tới khi checking point được tạo để đảm bảo rằng nếu validator đó thực hiện hoạt động độc hại nào thì token của họ sẽ bị trừng phạt.

Thời gian rút tiền của một số mạng lưới

Khoảng thời gian chờ đợi dài này khiến một lượng thanh khoản lớn bị khoá và làm giảm trải nghiệm người dùng.

Tất cả những nội dung trên đây là tiền đề cho sự xuất hiện của Babylon. Mục tiêu của dự án là tạo ra một lớp phòng thủ cho các mạng lưới blockchain bằng cách ghi dấu vết kiểm tra lên một chuỗi không thể thay đổi, và không còn chuỗi nào phù hợp hơn Bitcoin. Đồng thời với đó là nhiều tiện ích khác xung quanh được xây dựng mà chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết trong phần dưới đây.

Babylon là gì?

Babylon là giao thức cung cấp khả năng bảo mật cho các dự án khác thông qua sức mạnh tuyệt đối của mạng lưới Bitcoin. Sự phi tập trung, bảo mật và tính bất biến của Bitcoin sẽ giúp các mạng lưới khác kiểm tra tính đúng đắn, đồng thời mang lại nguồn thu nhập cho những người nắm giữ BTC.

Babylon được xây dựng dựa trên Cosmos SDK.

Sản phẩm và mô hình hoạt động của Babylon

Hai cơ chế chính mà Babylon xây dựng là:

  • Bitcoin timestamping: Giao thức giúp các chuỗi khác tạo và kiểm tra checking point trên chuỗi Bitcoin.
  • Bitcoin staking: Giao thức giúp người nắm giữ Bitcoin tham gia vào quá trình bảo mật và kiếm lời cho các mạng lưới khác bằng cách stake BTC.

Bitcoin timestamping

Về mặt lý thuyết sẽ là tốt nhất nếu thực hiện bảo mật các chuỗi khác bằng cách ghi toàn bộ dữ liệu giao dịch lên Bitcoin, khi này Bitcoin sẽ hoạt động như một lớp Data Availability. Tuy nhiên quá trình xác nhận khối và thông lượng trên Bitcoin rất thấp, điều này sẽ làm tăng độ trễ cho các chuỗi khác, vì vậy giải pháp tốt hơn là chỉ ghi những dữ liệu cần thiết đủ để giúp xác định đâu là chuỗi gốc của chuỗi được bảo mật. Những dữ liệu nhỏ này gọi là Bitcoin timestamping.

Babylon giúp bảo mật các chain khác

Các ứng dụng của Bitcoin timestamping bao gồm:

  • Fast Unbonding: Giúp các validator giảm thời gian unstake token.
  • Bootstrapping new zones: Khi cần khởi động các khu vực mới của blockchain, Babylon sẽ giúp ích cho việc xác định chuỗi gốc cho các node mới.
  • Protecting important transactions: Bitcoin timestamping sẽ là một bằng chứng không thể thay đổi để bảo vệ cho các giao dịch quan trọng.
  • Censorship resistance: Chống lại các hoạt động kiểm duyệt nhờ vào tính chất permissionless của mạng lưới Bitcoin.

Như vậy sau khi block được đánh dấu checkpoint trên mạng lưới Bitcoin, nếu kẻ xấu muốn thực hiện một cuộc tấn công tầm xa thì giờ đây ngoài việc thao túng và viết lại lịch sử mạng lưới gốc nó còn cần phải viết lại lịch sử cả mạng lưới Bitcoin, điều này gần như là không thể.

Bitcoin staking

Như chúng ta đã biết cho tới hiện tại Bitcoin là mạng lưới có độ phi tập trung và bảo mật nhất, đồng thời Bitcoin cũng là đồng tiền có vốn hoá lớn nhất thị trường. Nhưng hiện tại các ứng dụng của đồng tiền Bitcoin vẫn chưa được khai thác nhiều, lý do chủ yếu đến từ việc nó không hỗ trợ smart contract nên không thể triển khai nhiều hoạt động DeFi.

Sự ra đời của Ordinals đã mở ra nhiều ý tưởng mới nhằm nâng cao tính ứng dụng cho mạng lưới Bitcoin. Babylon đã khéo léo tích kết hợp khả năng ghi đọc dữ liệu của Ordinals với Tapscript và Cosmos IBC để tạo ra giao một giao thức bảo mật đa chuỗi. Bitcoin staking có vai trò quan trọng trong kiến trúc này.

Bitcoin staking là cơ chế cho phép người sở hữu khoá Bitcoin của họ vào một địa chỉ tự quản lý (self-custody vault) với các logic thiết lập sẵn thông qua Tapscript.

Các logic này cho phép:

  • Khoá BTC của họ trong một thời gian. Người dùng có thể sử dụng private key của để mở khoá và rút lại bất cứ khi nào.
  • Cho phép tiết lộ private key với người được uỷ quyền. Dùng cho mục đích trừng phạt nếu người stake có các hành vi độc hại.

Sau khi stake Bitcoin, họ đã trở thành Validator của mạng lưới Babylon và bắt đầu tiến trình bảo mật cho các mạng lưới khác cũng như kiếm lợi nhuận.

Cơ chế staking của Babylon

Trong trường hợp tốt đẹp, Bitcoin staker sẽ kiếm được lợi nhuận từ hoạt động bảo mật cho các chain khác. Nếu trường hợp xấu xảy ra khi các staker giờ đây là validator cố tình thực hiện hành động độc hại sẽ bị trừng phạt với hình thức bị đốt một phần hoặc toàn bộ số BTC đã stake. Bằng mô hình “bảo mật kinh tế” này, các mạng lưới sử dụng Babylon sẽ càng có thêm sự an tâm.

Ngoài việc phải tin tưởng vào smart contract trên Babylon thì cũng có thể coi hình thức này là Bitcoin native-staking.

Cơ chế hoạt động của Babylon

Kiến trúc của Babylon

Trong kiến trúc này, mạng Babylon đứng ở giữa với vai trò là người điều phối các hoạt động giữa mạng Bitcoin và chain nhận bảo mật. Có 3 khu vực chính bao gồm:

Babylon Node Zone

Là khu vực hoạt động chính của Babylon, nó có trách nhiệm tiếp nhận thông tin từ “khách hàng”, xử lý dữ liệu, tạo khối và lưu trữ vào mạng lưới Babylon cũng như timestamping xuống mạng lưới Bitcoin. Nó cũng chịu trách nhiệm lấy thông tin xác thực từ mạng lưới Bitcoin để trả cho khách hàng. Bên cạnh đó là quản lý, phân phối phần thưởng cho các staker (validator).

Babylon hoạt động theo từng kỷ nguyên (epoch) gồm nhiều block giúp tiết kiệm chi phí và thông lượng. Nó tương tự như cách hoạt động của rollup.

Babylon sử dụng cơ chế đồng thuận CometBFT, là một biến thể của Byzantine Fault Tolerant (BFT).

BTC Staking Programs

Là khu vực giúp người dùng thực hiện các thao tác staking Bitcoin của họ và đảm bảo sự tuân thủ giao thức.

Consumer Zones

Khu vực dành cho các khách hàng của Babylon. Thông qua IBC Relayer, hàng chục chain trong mạng lưới Cosmos có thể giao tiếp với Babylon để thực hiện các hoạt động bảo mật. Các khách hàng của Babylon sẽ chủ yếu hoạt động tại đây.

Trên đây là toàn bộ sản phẩm cũng như cơ chế hoạt động của Babylon, chúng ta sẽ quay trở lại để nhận xét về sản phẩm ở mục nhận xét chung của bài viết này.

Đội ngũ phát triển

Đội ngũ phát triển của Babylon

Babylon có đội ngũ thành viên rất đông đủ và nhiều kinh nghiệm. Các vị trí trong team đều được dẫn dắt bởi các thành viên giỏi. Nhưng hai cái tên có tầm quan trọng và sức ảnh hưởng nhất đối với dự án là David TseFisher Yu. Đây là hai co-founder và cũng là nguồn gốc cho sự ra đời của Babylon.

Bitcoin Timestamping Protocol là một luận đề bảo mật được viết bởi hai co-founder. Công trình nghiên cứu này sau đó được chấp nhận tại hội nghị 2023 IEEE Symposium on Security and Privacy (Hội nghị hàng đầu trong lĩnh vực An ninh và Bảo mật thông tin được tổ chức thường niên).

  • David Tse - Co-Founder: David Tse là một nhà khoa học và giáo sư giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực kỹ thuật và khoa học máy tính. Hiện tại ngoài vai trò co-founder của Babylon ông đang là giáo sư giảng dạy tại trường kỹ thuật của Đại học Stanford. Trước đó ông cũng là giáo sư giảng dạy tại trường Đại học California trong 18 năm. Ông tốt nghiệp MIT năm 1994.
  • Fisher Yu - Co-Founder & CTO: Fisher Yu cũng là một người dày dặn kinh nghiệm cả về kỹ thuật và blockchain. Ông đã từng là giảng viên tại Đại học Quốc gia Australia, Kỹ sư tại InterfereX, Kỹ sư nghiên cứu tại Đại học phía nam California, Dolby Laboratories. Hiện tại ông giữ cương vị Giám đốc điều hành của Hash Laboratories đồng thời là CTO của Babylon.

Nhà đầu tư

Babylon đã trải qua hai vòng gọi vốn với tổng số tiền kêu gọi được là 26 triệu USD.

  • Vòng Seed diễn ra tháng 3 năm 2023 với sự góp mặt của IDG Capital và Breyer Capital. Số tiền huy động được là 8 triệu USD.
  • Vòng Series A diễn ra tháng 12 năm 2023 dẫn đầu bởi Polychain Capital, Hack VC, Số tiền huy động được ở vòng này là 18 triệu USD. Vòng này còn có sự góp mặt của một số cái tên quen thuộc trong mảng Bitcoin Ecosystem như OKX Ventures, Polygon Ventures, DBCDE Labs.

Ngoài ra trong danh sách Angel Investor chúng ta còn thấy có sự góp mặt của Evan Cheng (co-founder MystenLabs) và Yaoqi Jia (Founder AltLayer).

Các vòng gọi vốn của Babylon

Số vốn gọi được 26 triệu USD không phải lớn trong thị trường cryptocurrency như xét riêng mảng Bitcoin Ecosystem mới nổi thì lại không phải là con số nhỏ. Ngoài ra các nhà đầu tư nhất là các angel investor đều là những bên có kinh nghiệm, ít nhất chúng ta cũng thấy dự án cũng đủ tốt để lọt qua vòng thẩm định của những bên này.

Nhận xét chung

Giải pháp sử dụng Bitcoin làm lớp Data Availability cho các mạng lưới khác là điều mà mình mong chờ từ rất lâu. Tính permissionless, bảo mật, bất biến được cung cấp bởi sự phi tập trung tối thượng khiến mạng lưới Bitcoin trở thành một lãnh địa bất khả xâm phạm cho bất kỳ dữ liệu nào được lưu trữ trên đây. Vì vậy không có lý do gì không biến nó thành một lớp cơ sở dữ liệu cho các dữ liệu quan trọng.

Tuy rằng Babylon chưa thể biến Bitcoin thành một lớp DA thực thụ, vì lý do bất khả kháng đến từ thông lượng mạng lưới Bitcoin quá thấp, nhưng tổ chức nó thành một lớp xác thực với các bằng chứng nhỏ được lưu trữ trên đây là điều hoàn toàn khả thị.

Thêm vào đó cơ chế staking BTC đã đưa “Bảo mật kinh tế” vào trong mô hình hoạt động khiến lớp bảo mật này trở nên vững chắc hơn nữa. Đồng thời cơ chế này cũng giúp những người nắm giữ BTC có thêm cách để tìm kiếm lợi nhuận thay vì chỉ giữ trong ví để lưu trữ giá trị.

Việc triển khai thông qua hệ sinh thái Cosmos giúp Babylon vươn rộng cánh tay tối đa đến tầm nhìn multi-chain thông qua Cosmos IBC. Mình đánh giá đây là một chiến lược khôn ngoan, vì ngoài việc tận dụng các cơ chế sẵn có của Cosmos nó còn tránh được việc cạnh tranh với native DA của Ethereum.

Các chuỗi được bảo mật bởi Babylon

Nhưng không phải là không có yếu điểm, đầu tiên là sự phụ thuộc vào mạng Babylon. Babylon hoạt động như một lớp điều phối tất cả mọi hoạt động giữa Bitcoin và chain được bảo mật. Vì vậy nếu Babylon có sai sót trong quá trình vận hành các chain khác sẽ bị ảnh hưởng. Đồng ý rằng các chain khác có thể check trực tiếp dữ liệu trên mạng lưới Bitcoin, nhưng có thể tới khi đó thì “mọi sự đã rồi”, nên việc tin tưởng Babylon là điều bắt buộc.

Tiếp đó là vấn đề của staking logic, mặc dù không sử dụng bridge hay các dịch vụ Bitcoin custody nhưng rủi ro mất vốn vẫn có thể xảy ra. Như đã giới thiệu trong phần Bitcoin staking, nếu Validator thực hiện các hành động độc hại thì số Bitcoin đã đặt cọc sẽ bị cắt giảm. Vậy ai là người quyết định cắt giảm, đó là các smart contract của Babylon, vậy nên nếu có sự cố xảy ra số BTC đang stake sẽ bị ảnh hưởng. Một lần nữa cả staker và khách hàng đều cần đặt niềm tin vào Babylon.

Xét tới các yếu tố khác như Nhà đầu tư và Đội ngũ phát triển đều là những ưu điểm của dự án. Họ có một dàn backer hùng hậu, được rót vốn để triển khai, được dẫn dắt bởi một đội ngũ dày dặn kinh nghiệm. Hy vọng rằng một tương lai sáng lạn sẽ đến với Babylon.

Lời kết

Babylon là dự án tiên phong sử dụng BTC và mạng lưới Bitcoin làm lớp bảo mật cho các blockchain khác. Đây là dự án có tính thực tiễn và ứng dụng cao. Hiện tại Babylon đã bước vào giai đoạn testnet hỗ trợ 41 chain. Waitlist đợt 1 của dự án nhận được hơn 430 nghìn lượt đăng ký. Các bạn có thể theo dõi các kênh truyền thông của dự án để cập nhật các thông tin mới nhất.

Hy vọng những thông tin trên đây giúp ích cho bạn trong quá trình nghiên cứu.

Miễn trừ trách nhiệm: Thông tin trong bài viết không được xem là lời khuyên đầu tư, Coin68 không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định đầu tư nào của các bạn.

Kudō

Tham gia thảo luận về những vấn đề NÓNG HỔI nhất của thị trường DeFi tại nhóm chat Fomo Sapiens cùng các admin Coin68 nhé!!!
-02/02/2024
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68