logo
  • Tin tức
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • Kiến Thức
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • Kiến Thức
  • E-Magazine
  • Góc nhìn

Với bài phát biểu của Bill Clinton, Ripple đang phát ra một thông điệp hết sức rõ ràng

-03/10/2018
Với bài phát biểu của Bill Clinton, Ripple đang phát ra một thông điệp hết sức rõ ràng
Với bài phát biểu của Bill Clinton, Ripple đang phát ra một thông điệp hết sức rõ ràng

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton gần như chẳng cần phải nói gì nhiều khi ông xuất hiện trong phần khai màn Hội nghị Swell thường niên của Ripple, diễn ra trong hai ngày đầu tiên của tháng 10 tại thành phố San Francisco. Thật vậy, ông thậm chí còn chẳng đề cập gì mấy đến lĩnh vực tiền điện tử.

Vị “Tổng tư lệnh” thứ 42 của nước Mỹ từ lâu đã được nể phục bởi tài hùng biện của mình, nhưng dường như chẳng có áp lực gì yêu cầu ông phải truyền cảm hứng hay làm khuấy động đám đông có mặt tại khán phòng ngày hôm ấy. Tất cả là vì chỉ cần có sự hiện diện của Bill Clinton trên sân khấu thôi cũng là đủ để truyền tải cái thông điệp mà công ty Ripple muốn khẳng định.

Nói thì “hơi thô” một chút song những gì Ripple muốn hét thật to lên để bất cứ ai cũng thấy được là như này:

“Ừ! Đúng rồi đấy! Chúng tôi giờ chính là cái kiểu công ty mà có thể mời được Bill Clinton về để diễn thuyết.”

Danh tiếng của nhà Clinton

Dù cựu Tổng thống Clinton và phu nhân của mình là bà Hillary Clinton – người cũng từng là Thượng nghị sĩ Mỹ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đồng thời là đối thủ của trực tiếp của ông Donald Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hồi năm 2016 – đã có không biết bao nhiêu lần phát biểu trong cả mấy thập niên làm chính trị của mình, song cái khái niệm được báo chí Mỹ ví von là dịch vụ “Chi tiền để Clinton nói” thì mới xuất hiện cách đây vài ba năm mà thôi.

Trong suốt chiến dịch tranh cử vào năm 2016, các bên đối lập cả tả lẫn hữu đều đã lớn tiếng chỉ trích số tiền 22 triệu USD mà bà Hillary đã “đút túi” chỉ từ việc đi diễn thuyết trước nhân viên những tập đoàn ngân hàng và nhiều ông lớn của các lĩnh vực khác. Nội dung những bài phát biểu trên, vốn không được tiết lộ, trở thành những chủ đề được truyền thông Mỹ “đoán già đoán non” đủ kiểu. Tuy nhiên, với một số người, thì đây thực chất chỉ là cách mà Washington và Phố Wall “trả lễ” cho nhau mà thôi.

Chính vì vậy, với một startup công nghệ mới nổi như Ripple, việc mời được Bill Clinton làm diễn giả mở màn cho sự kiện lớn nhất năm của mình ẩn chứa sau đó một tầng ý nghĩa vô cùng to lớn. Để có thể hiểu được ngọn nguồn vì sao, trước tiên ta cần thấy được sự thiếu rõ ràng trong bản chất của công ty này ở thời điểm hiện tại.

Ripple – “con mèo Schordinger” của tiền điện tử

Ripple có thể được ví như là một “con mèo của Schrodinger”.

Ở thực tại này, ta mở hộp ra và thấy trong đó một công ty FinTech vĩ đại đang dần nổi lên, mang trong mình khả năng cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động cho ngành dịch vụ tài chính đã quá già cỗi bằng làn sóng mới mang tên công nghệ Blockchain và tài sản điện tử.

Còn ở cái thực tại còn lại, ta mở chiếc hộp và thấy Ripple hoá ra chỉ là một công ty tiền số khác mà vẫn loay hoay đi tìm mục đích sử dụng của mình. Họ cứ mỗi quý bán ra hàng triệu đô la đồng XRP thông qua chi nhánh, ấy vậy mà đến giờ số lượng các doanh nghiệp đang áp dụng các giải pháp có mặt XRP trên thực tiễn vẫn còn đếm được trên đầu ngón tay.

Với bài phát biểu của Bill Clinton, Ripple đang phát ra một thông điệp hết sức rõ ràng
Tại Hội nghị Swell vừa qua, Ripple tiết lộ chỉ mới có 3 doanh nghiệp đồng ý sử dụng sản phẩm xRapid mới được ra mắt của mình, cụ thể gồm MercuryFX, Cuallix và Catalyst Corporate Credit Union

Trong khi đó, Ripple liên tục dính vào các vụ lùm xùm kiện cáo với những nhà đầu tư nhỏ lẻ, cho rằng các đợt quảng bá XRP trước đó phải bị liệt vào dạng “chào bán chứng khoán trái phép”. Công ty từ trước đến giờ vẫn tuyên bố rằng họ không tạo nên XRP – sự thật rằng phần lớn tổng cung XRP vẫn đang nằm trong tay họ là do bởi đây là “món quà” được nhà phát minh XRP trao tặng cho công ty.

Thông qua hành động mời Bill Clinton, Ripple rốt cuộc cũng đã bước một bước đầu tiên vào một cuộc chơi đầy rủi ro để tự vun đắp cho mình mối quan hệ cần thiết, tự xây dựng cho mình một hình ảnh phù hợp và tự tách biệt bản thân khỏi những công ty tiền số khác mà họ không muốn có can dự.

Chơi chọn bạn

Nỗ lực trên thậm chí đã được thể hiện qua nhiều phương diện.

Cách đây ít ngày, Coin68 có đưa tin về việc Ripple cùng một số đối tác khác đã cùng tạo nên Liên minh Bảo vệ giá trị Internet cho nước Mỹ (SAIV), một nhóm chính trị mà sẽ trả công cho những nhà vận động hành lang của mình tại thủ đô Washington dưới dạng XRP.

Cùng lúc ấy, hãy điểm qua một số gương mặt đang có ghế trong Ban quản trị của Ripple ở thời điểm hiện tại. Nào là một vị cựu đồng chủ tịch của Morgan Stanley (ngân hàng lớn thứ 6 của Mỹ); nào là cựu quản lý Sở Dịch vụ Tài chính của New York (cái thành phố mà có Phố Wall ấy); vị khác là cựu quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, người mà hiện cũng đang điều hành một hãng tư vấn luật vùng hai cựu nhân vật nội các và cố vấn Nhà Trắng khác; và cuối cùng là một quan chức từng phục vụ cho cả hai chính quyền Clinton và Obama.

Còn nhớ ở Hội nghị Swell năm ngoái, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke đã được mời đến để có bài phát biểu mở màn, và ngày 1 của sự kiện năm nay cũng “vinh hạnh” có sự xuất hiện của đến 4 quan chức ngân hàng trung ương ở hiện tại và quá khứ – một trong số họ là ông Dilip Rao thậm chí còn đang nắm chức Trưởng bộ phận Cải tiến hạ tầng cho Ripple.

Tất cả những mối quan hệ trên với Phố Wall và Phố K (nơi tập trung những nhà vận động chính trị Mỹ) tính đến lúc này vẫn đang khá là ổn thoả. Điều này càng được củng cố bởi phát ngôn của CEO Brad Garlinghouse tại sân khấu của Swell:

“Đối với Ripple, không phải tất cả mọi thứ đều là để thay thế giới ngân hàng … vẫn còn đó cơ hội để trở thành đối tác và vun đắp thêm nữa cho lĩnh vực này.”

Lựa chọn mời Bill Clinton về diễn thuyết do đó càng trở nên hết sức hợp lý với nỗ lực vận động hành lang của công ty, địa vị xã hội của các thành viên ban quản trị cùng những nước đi khác mà họ đang ấp ủ để xây dựng hình ảnh đầy tính uy nghiêm tôn trọng dành cho mình.

Với bài phát biểu của Bill Clinton, Ripple đang phát ra một thông điệp hết sức rõ ràng
CEO Ripple Brad Garlinghouse phát biểu tại Hội nghị Swell

Ripple không phải là công ty tiền số kiểu “ấy ấy”

Chưa hết, sự hiện diện của cựu Tổng thống Bill Clinton còn đại diện cho một hàm ý khác nữa.
Trước tiên, điều này giúp đưa Ripple sánh ngang với một nhóm nhỏ các tập đoàn tài chính từng mời được Clinton về nói, gồm Goldman Sachs, Morgan Stanley và Deutches Bank.

Kế đến, nó giúp cách biệt Ripple khỏi những ICO “nay chìm mai nổi”, âm mưu Ponzi, token tiền điện tử hở chút là hard fork và các dự án crypto “kén” người chơi – cái “quang cảnh” thế giới tiền số mà Ripple rõ ràng chẳng muốn dính dáng dù chỉ một tí.

Ngược dòng lịch sử, một trong những tâm điểm của lùm xùm bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 là WikiLeaks, trang web mà đã cho phép nhận quyên góp bằng Bitcoin từ năm 2011 và được đón nhận nồng nhiệt trong giới những người hâm mộ tiền điện tử bởi lập trường chống chuyên chế và chống kiểm duyệt của mình.

Website ấy đã đăng tải nhiều trích đoạn về các bài diễn thuyết của bà Hillary Clinton trước các ngân hàng vào tháng 10/2016, chỉ một tháng trước ngày tổng tuyển cử.

Chính vì vậy, cộng với bối cảnh hiện tại, việc chi tiền để mời Clinton xuất hiện càng rõ ràng hơn bao giờ hết: Ripple muốn khẳng định mình chẳng có quan hệ gì với cái lũ người dùng ẩn danh và vô chính phủ chuyên tặng tiền Bitcoin cho WikiLeaks hết, mà thật ra họ đang muốn làm bạn với cả Washington lẫn Phố Wall.

Dù ai nói ngả nói nghiêng…

Còn về phần nội dung bài phát biểu của ông Clinton, thì nói thật nó gần như chẳng có chút liên quan gì đến thông điệp mà ban tổ chức muốn truyền tải.

Để có thể đi đến kết luận cho quan điểm của mình, vị cựu Tổng thống đã “lạc trôi” sang đến đủ các loại chủ đề, từ trẻ nhập cư bị tách khỏi bố mẹ, phong trào cấm vũ khí cá nhân tại Mỹ, ưu nhược của chính trị xứ cờ hoa, thảm hoạ diệt chủng tại Rwanda cho đến “Black Panther” và xung đột giữa Israel với Palestine.

Còn khi đã vào đúng mạch chủ đề của buổi hội nghị, ông Clinton chỉ nói phất phơ về rủi ro rửa tiền, và quản lý quá mức thì sẽ giết chết luôn cả khả năng sáng tạo.

Đã ngót 10 năm trôi qua kể từ cái ngày bắt đầu cuộc khủng hoảng kinh tế cùng sự xuất hiện của cáo bạch Bitcoin, và bất kì ai với đầu óc bao quát cũng có thể thấy rằng thế giới Blockchain và tiền điện tử đang ngày càng xa rời dần cái lý tưởng chống tập quyền chuyên chế của mình.

Thế nhưng dường như chẳng có ai đang làm điều đó theo một cách “không thể phô trương hơn” như là công ty Ripple.

Theo CoinDesk

Ripple (XRP) là gì?
Ripple là tên gọi chung của một loại tiền điện tử XRP và một hệ thống thanh toán tổng hợp theo thời gian thực ( real-time gross settlement systems -RTGS). Mục tiêu của Ripple là trở thành một mạng lưới thanh toán toàn cầu, một nền tảng cho phép khách hàng, nhà đầu tư và các tổ chức tài chính giao dịch bằng bất kì loại tiền tệ nào sang các loại tiền tệ khác chỉ trong vài giây. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, nhằm loại bỏ việc sử dụng các hệ thống cũ hơn như Western Union hay SWIFT.
-03/10/2018
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là cổng thông tin tiền mã hóa bằng tiếng Việt nhanh nhất và chính xác nhất, mang lại cho độc giả cái nhìn tổng quan về lĩnh vực tiền mã hóa và tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68