Andrew Yang, một trong những ứng cử viên đang nhắm đến chiếc ghế Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2020, vừa trình bày kế hoạch đưa tiền điện tử vào trong khung khổ quản lý của Hoa Kỳ.
Trong một bài blog được đăng tải hồi cuối tuần trước, ông Yang cho rằng tiền điện tử đang trở thành một công cụ để lừa đảo vì thiếu đi các quy định quản lý cần thiết và nước Mỹ cần phải khắc phục tình trạng này trước khi bị các đại gia công nghệ cùng những quốc gia khác qua mặt.
Các đại gia công nghệ “đã tích tụ được quá nhiều quyền lực, kiếm tiền từ dữ liệu cá nhân của chúng ta, và không thể bị quy trách nhiệm – chúng ta đã đạt đến điểm mà cần có sự can thiệp của nhà nước,” vị ứng cử viên Tổng thống Mỹ tuyên bố.
Sẽ có một bộ khung pháp lý cấp liên bang?
Theo ông Yang, hiện Mỹ vẫn chưa có bất kỳ quy định cấp liên bang nào cho quản lý tiền điện tử, đồng thời từng bộ ngành khác nhau thì lại có những cách liệt kê tài sản kỹ thuật số như là tài sản, hàng hoá, hoặc là chứng khoán. Ông Yang lấy ví dụ về BitLicense của bang New York, gọi đây là bộ quy định “gánh quá nhiều trọng trách” khi phải là khuôn mẫu cho những khung pháp lý khác và điều này đã tạo tác động tiêu cực lên thị trường tài sản kỹ thuật số của Mỹ.
Chính vì vậy, ứng cử viên Yang đề xuất sẽ thiết lập Bộ Công nghệ Hoa Kỳ và khôi phục Văn phòng Đánh giá Công nghệ, một ban ngành thuộc Quốc hội Mỹ vốn đã bị giải thể vào năm 1995. “Bộ này sẽ có trụ sở tại Silicon Valley và ban đầu sẽ chú trọng đến công nghệ Trí tuệ Nhân tạo, sẽ được dẫn dắt bởi một Bộ trưởng Công nghệ chuyên xúc tiến các quan hệ hợp tác với tư nhân để giải quyết các mối đe doạ mới nổi và tối đa hoá lợi ích của tiến bộ công nghệ cho xã hội,” ông viết.
Cụ thể hơn, để làm sáng tỏ các quy định dành cho tiền mã hoá, ông Yang sẽ định nghĩa thế nào là một token, khi nào nó sẽ bị xem là một dạng chứng khoán; xác định cơ quan liên bang mà sẽ có thẩm quyền quản lý tiền điện tử; xây dựng các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư; và thiết lập khung thuế dành cho việc sở hữu, mua bán và giao dịch tiền điện tử.
“Cách tiếp cận của thế kỷ 21”
Ông Andrew Yang cho biết thêm là phần lớn Quốc hội Mỹ lúc này không có những hiểu biết cơ bản nhất về blockchain, tiền điện tử cùng các công nghệ khác, thể hiện rõ qua phiên điều trần gần đây với các CEO công nghệ như Mark Zuckerberg.
Ông chia sẻ: “Thật xấu hổ khi trước sự ngờ nghệch về công nghệ của nhiều thành viên của Quốc hội, và chắc hẳn những ai xem phiên điều trần với Mark Zuckerberg đều thấy rõ điều này.”
Do đó, vị ứng cử viên Tổng thống dự định sẽ sử dụng “cách tiếp cận của thế kỷ 21” về mặt xây dựng pháp lý để “gia tăng kiến thức và năng lực của chính quyền, đồng thời sử dụng thước đo mới này để xác định tính cạnh tranh và nhanh chóng xác định các công nghệ mới nổi mà cần được quản lý”.
Ông Yang cũng hứa sẽ quản lý hoạt động sử dụng dữ liệu cá nhân và bảo đảm quyền riêng tư như là một quyền lợi về tài sản. “Những quyền lợi có liên quan sẽ cho phép một cá nhân bảo lưu quyền sở hữu và lợi ích kinh tế có được từ dữ liệu cá nhân của mình,” ông tuyên bố.
Đây không phải là lần đầu tiên Andrew Yang kêu gọi xây dựng khung pháp lý dành cho lĩnh vực tiền số. Hồi tháng 4, ông đã công khai lập trường của mình về tạo lập chính sách riêng dành cho tiền điện tử. Gần đây hơn, Yang cho biết ông muốn hiện đại hoá công tác bầu cử nhờ ứng dụng công nghệ blockchain. Những người ủng hộ vị ứng cử viên này còn triển khai một uỷ ban vận động chính trị mà chấp nhận các khoản quyên góp dưới dạng Bitcoin.
Theo TheBlockCrypto
Xem thêm: