logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn

Toncoin (TON) là gì? Tìm hiểu về blockchain do Telegram phát triển

-14/09/2023

The Open Network hay TON là blockchain Layer 1 sử dụng cơ chế đồng thuận Proof of Stake (PoS) để cải thiện trải nghiệm người dùng bằng cách xử lý giao dịch nhanh với mức phí thấp. Dự án được phát triển bởi đội ngũ của Telegram và giờ đây là TON Foundation để hướng đến mass adoption cho người dùng dễ dàng tiếp cận với crypto. Hãy cùng Coin68 tìm hiểu The Open Network qua bài viết dưới nhé!


The Open Network (TON) là gì? Tìm hiểu về Toncoin và dự án blockchain do Telegram phát triển

The Open Network là gì?

The Open Network (TON) là blockchain Layer 1 sử dụng cơ chế đồng thuận Proof of Stake (PoS) để cải thiện trải nghiệm người dùng bằng cách xử lý giao dịch nhanh với mức phí thấp. TON được ra mắt vào năm 2018 bởi đội ngũ phát triển ứng dụng nhắn tin Telegram với mục tiêu mass adoption (áp dụng rộng rãi) cho mọi người dùng có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng tiền mã hoá.

The Open Network (TON) là gì?

TON là blockchain được phát triển để làm nền tảng cho người dùng trải nghiệm Web3 một các khác biệt với DeFi, DApp, DAO,... Hiện tại, những nhà phát triển trên hệ sinh thái TON đang hợp tác với TON Foundation để tạo ra một hệ sinh thái Web3 để có thể hỗ trợ hơn 700 triệu người dùng của Telegram trên toàn thế giới. 

Lịch sử hình thành của The Open Network

Năm 2018, Telegram Open Network - tiền thân của The Open Network - đã ra mắt whitepaper của dự án với token GRAM. Ban đầu, Telegram huy động vốn cho dự án thông qua hình thức ICO và đã thu về số tiền lên đến 1,7 tỷ USD. Từ đây, Telegram Open Network nhanh chóng trở thành một trong những dự án được cộng đồng crypto đặc biệt quan tâm.

Tháng 3/2020, Telegram Open Network đang chuẩn bị cho đợt ICO tiếp theo thì họ bất ngờ nhận được lệnh cấm của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC). Lý do được đưa ra từ SEC là dư án đã vi phạm quy định về vấn đề dịch vụ chứng khoán tại Hoa Kỳ.

Tháng 5/2020, Pavel Durov đã đăng thông báo rằng Telegram chính thức rút khỏi dự án và đưa ra các tùy chọn hoàn tiền cho các nhà đầu tư. Dự án Telegram Open Network sau đó được chuyển giao cho 2 nhà phát triển là Anatoliy Makosov và Kirill Emelyanenko rồi đổi tên thành The Open Network.

Tuy không còn trực tiếp phát triển The Open Network nhưng Telegram vẫn thường xuyên hỗ trợ và tích hợp các sản phẩm của blockchain này vào ứng dụng của mình chẳng hạn như việc NFT hóa tên người dùng và đấu giá chúng trên nền tảng marketplace của TON blockchain, tích hợp TON và USDT vào bot @wallet hay gần đây nhất là việc Telegram tích hợp ví TON Space vào trong sản phẩm của mình.

Cơ chế hoạt động của The Open Network

Proof of Stake

Ban đầu, TON áp dụng cơ chế đồng thuận Proof of Work (POW) tương tự cách các miner (thợ đào) có thể khai thác BTC trên mạng lưới Bitcoin. Tuy nhiên, PoW sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến trải nghiệm người dùng khi chi phí đầu tư cao vào các thiết bị mining và tốc độ giao dịch sẽ rất chậm. Từ đây, TON áp dụng cơ chế đồng thuận Block-Proof of stake (BPoS) - 1 biến thể từ Byzantine Fault-Tolerant của PoS để tăng khả năng xử lý giao dịch, chi phí thấp và có thể mở rộng.

Các node trong mạng lưới TON được quản lý bởi các validator chứ không phải các miner như phiên bản PoW trước kia. Thay vì sử dụng các máy đào chuyên dụng để giải các thuật toán phức tạp, validator trong mạng lưới PoS của TON được yêu cầu khóa tài sản của họ vào mạng như một hình thức cam kết với vai trò của họ. Validator được chọn để sàng lọc và phê duyệt các khối mới trước khi chúng được ghi vào blockchain. Cơ hội được chọn cho vai trò này của validator phụ thuộc vào số lượng token bị khóa trong các node của họ. Nếu họ khoá càng nhiều token thì cơ hội được chọn trở thành validator của họ càng cao. 

Tính bảo mật và phi tập trung của TON liên quan đến số lượng validator và số lượng token bị khóa trên mạng lưới. Hacker phải kiểm soát ít nhất 51% tài sản bị khóa trên mạng để có thể gây ảnh hưởng đến mạng và được biết đến là cuộc tấn công 51% (51% Attack).

Tại thời điểm viết bài (07/11/2023), TON đã có hơn 326 validators tại 27 quốc gia với hơn 460 triệu TON bị khóa trên mạng. Validator sẽ nhận được Toncoin (TON) cho mỗi khối mà họ xác thực được và những người nắm giữ TON cũng có thể đóng góp vào tính bảo mật của mạng đồng thời nhận phần thưởng bằng cách staking TON vào mạng lưới. BPoS của TON đảm bảo rằng mạng lưới vẫn sẽ tiếp tục chạy ngay cả khi khoảng 1/3 số validator không có mặt để tham gia xác thực giao dịch.


Số validator trên TON. Nguồn: tonstat.com

Sharding

Sharding là một cách tiếp cận mới đối với khả năng mở rộng của blockchain. Các blockchain như Solana, Near đã áp dụng công nghệ này. Các nhà phát triển Ethereum cũng đã có kế hoạch triển khai công nghệ tương tự như một phần của bản nâng cấp Ethereum 2.0.

Nói 1 cách dễ hiểu, Sharding là kỹ thuật chia nhỏ cơ sở dữ liệu và quy trình xác nhận giao dịch thành các phần nhỏ hơn được gọi là các shard. Mỗi shard có thể xử lý các giao dịch và lưu trữ dữ liệu riêng biệt của nó mà không cần phải đồng bộ với toàn bộ mạng lưới. Điều này giúp tăng tốc độ xử lý và khả năng mở rộng của hệ thống, cho phép xử lý được nhiều giao dịch cùng một lúc và thu hẹp thời gian xác nhận giao dịch.

Sharding giúp giảm tải cho mỗi node trong mạng lưới TON vì mỗi node chỉ cần xử lý một phần của dữ liệu và giao dịch. Điều này cũng giúp giảm đáng kể chi phí và tài nguyên tính toán cần thiết để tham gia vào mạng lưới TON.

TON Virtual Machine (TVM)

Trên TON, TVM đóng vai trò tương tự như EVM trên Ethereum. TVM tính toán các lệnh từ các ứng dụng smart contract trên mạng và thay đổi trạng thái của mạng lưới sau mỗi lần thực thi. Giống như một máy bán hàng tự động, nó kiểm soát các biến số trên mạng lưới. Bằng cách sử dụng TVM, các nhà phát triển có thể tạo các ứng dụng tự động hóa các quy trình như chuyển, mint tài sản và ký tin nhắn trên mạng lưới.

TON Virtual Machine (TVM)

TON là một blockchain của các blockchain vì nó bao gồm 2 chain chính là masterchain và workchains. Masterchain là điều phối viên của mạng lưới TON khi nó quản lý các validator node, tài sản được đặt vào mạng và đồng bộ hóa các thành phần khác nhau trong mạng. 

Trong khi đó, workchains xử lý các yêu cầu từ smart contract và DApp đồng thời được chia thành nhiều shardchain. Mỗi shardchain xử lý các giao dịch song song, góp phần nâng cao hiệu quả chung. Nhờ phân chia khối lượng công việc và thực hiện giao dịch song song, TON có thể xử lý hàng ngàn giao dịch mỗi giây với chi phí thấp. 

TVM nhận được yêu cầu từ các shardchain và xử lý các thay đổi trạng thái trong khi validator mạng đạt được sự đồng thuận về trạng thái hiện tại thông qua cơ chế đồng thuận BPOS. Quá trình này được điều phối bởi masterchain đồng thời mạng lưới tạo và duy trì đường dẫn liên lạc hiệu quả giữa masterchain và workchains. Đường dẫn liên lạc này tạo ra một phương tiện trao đổi tài nguyên giữa các DApp trên mạng lưới TON.

Các sản phẩm của The Open Network

TON Payment

TON Payments là một hệ thống thanh toán dựa trên blockchain TON, nơi các giao dịch được thực hiện theo phương thức off-chain, cho phép tiến hành thanh toán một cách nhanh chóng và với chi phí thấp.


TON Payment

TON Proxy

TON Proxy cho phép người dùng truy cập vào blockchain TON thông qua việc sử dụng các VPN phi tập trung, giúp tránh bị kiểm duyệt khi sử dụng các DApp.


TON Proxy

TON DNS

Tương tự như Ethereum Name Service, TON DNS cũng là một dịch vụ đặt tên miền giúp cho các ví tiền mã hóa, smart contract hay trang web trở nên thân thiện và dễ sử dụng hơn đối với người dùng. Nền tảng này cung cấp cho người dùng các tên định danh ngắn gọn thay vì phải sử dụng chuỗi ký tự phức tạp của các địa chỉ ví hay smart contract.


TON DNS

TON Storage

TON Storage là một dự án lưu trữ phi tập trung được TON ra mắt vào đầu năm 2023 nhằm mục đích cho phép người dùng trao đổi tệp ở mọi kích thước, được sao lưu và mã hóa mà không cần máy chủ tập trung. 

TON Storage

TON Wallet

TON Wallet là ví chính thức của hệ sinh thái TON, cho phép người dùng lưu trữ coin TON và các token thuộc tiêu chuẩn TON721 đồng thời hỗ trợ kết nối với các  DApp thuộc hệ sinh thái TON. TON Wallet hiện đang có mặt trên nhiều hệ điều hành khác nhau như Android, IOS, Window và MacOS.


TON Wallet

Thông tin cơ bản về token TON

Tên token 

Toncoin

Token

TON

Blockchain

Ethereum, BNB Chain, TON

Chuẩn token

ERC-20, BEP-20, TON

Hợp đồng

Ethereum: 0x582d872a1b094fc48f5de31d3b73f2d9be47def1

BNB Chain: 0x76a797a59ba2c17726896976b7b3747bfd1d220f

TON: EQAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAM9c

Công dụng token

Tiện ích, Quản trị 

Tổng cung

5.097.359.951 TON

Cung lưu hành

3.983.783.622 TON

Tỷ lệ phân bổ token TON

Ban đầu, dự án không chia tỷ lệ phân bổ token TON theo mức cố định. Dự án sẽ phân bổ 98.55% tổng cung token TON thông qua hoạt động mining hay đào token dự án bằng cơ chế đồng thuận Proof of Work (PoW). Trong giai đoạn này, số lượng token  xấp xỉ 200.000 TON được khai thác hàng ngày. Sau 2 năm, dự án chuyển sang hình thức phân bổ token thông qua cơ chế đồng thuận Proof of Stake (PoS).

Token TON dùng để làm gì?

TON là native token của The Open Network và được sử dụng trong các trường hợp sau: 

  • Trả  phí giao dịch, phí mạng lưới The Open Network.

  • Người nắm giữ token TON có thể tham gia quản trị dự án.

  • Dùng để thanh toán phí dịch vụ trong hệ sinh thái TON như TON Services, TON Storage, TON DNS, TON Proxy,…

  • Trả thưởng cho các validator.

Nhà đầu tư có thể giao dịch token TON ở đâu? 

Hiện tại, nhà đầu tư có thể giao dịch token TON tại:

  • Sàn CEX: Bybit, OKX, Bitget,...

  • Sàn DEX: Uniswap, PancakeSwap, Biswap, DeDust,...

Nhà đầu tư có thể lưu trữ token TON ở ví nào? 

TON là token với tiêu chuẩn ERC-20, BEP-20 nên nhà đầu tư có thể lưu trữ trên các loại ví như Metamask, Trust Wallet, Coin98 Wallet,… Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể lưu trữ TON trên hệ sinh thái ví của The Open Network như TON Wallet, Tonkeeper, Tonhub,... tuỳ thuộc vào nhu cầu sử dụng của mỗi người.

Các loại ví hỗ trợ lưu trữ TON 

Để thuận tiện cho việc giao dịch, nhà đầu tư cũng có thể lưu trữ TON trên ví của các sàn giao dịch niêm yết token này.

Lộ trình phát triển

Hiện tại, TON có những kế hoạch trong Q4/2023 như sau:

  • Phát triển cross-chain bridge có tên là Jetton Bridge. 

  • Tách 2 thực thể Collator và Validator để có vai trò xử lý giao dịch khác nhau.

  • Cải thiện tốc độ và khả năng mở rộng mạng lưới.
    Ra mắt hướng dẫn và công cụ Sharding.

  • Thêm nhiều loại tài sản crypto khác.

  • Phát triển cầu nối cho BTC,ETH và BNB.

  • Phát triển tính năng bầu cử quản trị dự án.

Lộ trình phát triển của TON

Đội ngũ phát triển

The Open Network được phát triển chính bởi 2 lập trình viên là Anatoliy Makosov và Kirill Emelyanenko của đội ngũ TON Foundation. 

Nhà đầu tư

Những nhà đầu tư của The Open Network có thể kể đến như DWF Labs, Runa Capital, Mask Network và MEXC Ventures.


Những nhà đầu tư của The Open Network. Nguồn: cryptorank.io

Đối tác

Hiện tại, The Open Network đang có những đối tác ở cả thị trường Web2 và Web3 có thể kể đến như Tencent Cloud, Mantle Network, BIT Exchange, Mix Pay,...

Tổng kết

The Open Network hay TON là blockchain Layer 1 sử dụng cơ chế đồng thuận Proof of Stake (PoS) để cải thiện trải nghiệm người dùng bằng cách xử lý giao dịch nhanh với mức phí thấp. Mặc dù đã đối mặt với nhiều thách thức trong quá khứ nhưng TON vẫn tiếp tục hoạt động và đang nỗ lực xây dựng một hệ sinh thái Web3 đa dạng với để phục vụ cho nhu cầu của người dùng.

Thông qua bài viết này chắc các bạn đã phần nào nắm được những thông tin cơ bản về The Open Network để tự đưa ra quyết định đầu tư cho riêng mình.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết không được xem là lời khuyên đầu tư, Coin68 không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định nào của các bạn.
-14/09/2023
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68